2.1.1.1. Khái niệm về ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng và dịch vụ ngân hàng, được coi là một loại định chế tài chính đặc biệt của nền kinh tế thị trường. Người ta cho rằng ngân hàng thương mại ra đời trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa phát triển tới một trình độ nhất định, đồng thời qua quá trình tồn tại và phát triển hàng nhiều thế kỷ, hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng được hoàn thiện, ngân hàng thương mại trở thành một trong những định chế không thể thiếu của nền kinh tế thị trường, hoạt động của ngân hàng thương mại đã và sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ngân hàng thương mại là loại ngân hàng giao dịch trực tiếp với các Công ty, xí nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân, bằng cách nhận tiền gửi, tiền tiết kiệm, rồi sử dụng số vốn đó để cho vay, chiết khấu, cung cấp các phương tiện thanh toán và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng nói trên (Nguyễn Thị Minh Hiền, 2007).
Luật số 02/1997/QH10 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam khẳng định:
“Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan” ( Quốc hội, 1997). Trong đó hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng (huy động vốn dưới mọi hình thức, cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, chiết khấu chứng từ có giá, bao thanh toán, cho thuê tài chính, thấu chi, cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và cung cấp mọi dịch vụ ngân hàng khác).
Luật ngân hàng của nhiều nước trên thế giới đều cho rằng:
Ngân hàng thương mại là những tổ chức tài chính trung gian với nhiệm vụ thường xuyên là nhận tiền gửi của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác, và sử dụng nguồn lực đó trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính.
Như vậy, có thể nói rằng ngân hàng thương mại là định chế tài chính trung
gian quan trọng vào loại bậc nhất trong nền kinh tế thị trường. Nhờ hệ thống định chế tài chính trung gian này mà các nguồn tiền nhàn rỗi nằm rải rác trong xã hội sẽ được huy động, tập trung lại, đồng thời sử dụng số vốn đó để cấp tín dụng cho các tổ chức kinh tế, cá nhân để phát triển kinh tế xã hội.
* Các hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại
Huy động vốn; Cho vay, tài trợ dự án; Cung cấp các tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán; Cung cấp dịch vụ môi giới và đầu tư chứng khoán; Kinh doanh ngoại tệ; cho thuê thiết bị trung và dài hạn; bảo quản vật và giấy tờ có giá;
bảo lãnh; cung cấp dịch vụ ủy thác và tư vấn; cung cấp các dịch vụ đại lý; tài trợ các hoạt động của chính phủ; quản lý ngân quỹ (Nguyễn Minh Kiều, 2006).
2.1.1.2. Huy động vốn của ngân hàng thương mại a. Khái niệm vốn của Ngân hàng thương mại
Trong tác phẩm Tư bản luận của mình, Các Mác đã khái quát phạm trù vốn thành phạm trù cơ bản. Theo Các Mác, tư bản là giá trị mang lai giá trị thặng dư.
Định nghĩa này thể hiện đầy đủ bản chất của vốn: 1) vốn phải đại diện cho một loại tài sản nhất định nào đó; 2) vốn phải luôn luôn vận động, luôn luôn sinh lời trong quá trình vận động; 3) vốn là một loại hàng hóa và cũng như những loại hàng hóa khác, nó có chủ đích thực. Nói ngắn gọn, vốn là một bộ phận của cãi được dùng vào sản xuất để làm ra của cãi nhiều hơn (Trần Thị Minh Hiền, 2007).
Các ngân hàng thương mại cũng là một loại hình doanh nghiệp, nguồn vốn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhu cầu về vốn của các ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung là rất lớn và có thể nói là không hạn chế về lượng. Xuất phát từ tính chất đó, loại doanh nghiệp đặc biệt này chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay mượn, phần lớn bắt nguồn từ hoạt động bán các trái quyền tiền gửi cho các doanh nghiệp, cá nhân… để cung ứng dịch vụ tín dụng và các dịch vụ khác. Chính nguồn vốn vay mượn này, chứ không phải vốn sở hữu, đã tạo nguồn lực tài chính chủ yếu cho các hoạt động của ngân hàng.
Nét đặc thù của tất cả các nguồn vốn trên thị trường tiền tệ là tính nhạy cảm với giá cả của chúng. Các ngân hàng muốn tiếp cận nguồn vốn này cần cung cấp mức lãi suất cạnh tranh, thậm chí trong một số trường hợp, ngân hàng có thể tạm thời nâng cao mức lãi suất huy động so với lãi suất thị trường hiện hành cho đến khi đủ vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của nó (Bành Thị Ngọc Bích, 2012).
Tóm lại, vốn ngân hàng có thể được hiểu là những giá trị tiền tệ ngân hàng
tự có, huy động và tạo lập được để thực hiện cho vay, đầu tư và thực hiện các dich vụ ngân hàng. Việc tạo lập và huy động vốn hình thành nên các khoản mục bên tài sản nợ của bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại. Việc sử dụng vốn để cho vay, đầu tư, thực hiện các dịch vụ ngân hàng hình thành nên các khoản mục bên tài sản có của bảng cân đối tài sản ngân hàng thương mại.
b. Hoạt động huy động vốn của Ngân hàng thương mại
Vốn của NHTM là những giá trị tiền tệ do NHTM tạo lập hoặc huy động được để tiến hành các hoạt động cho vay, đầu tư hoặc các dịch vụ kinh doanh khác nhằm đạt dược mục tiêu khác nhau. Biểu hiện của vốn trong kinh doanh ngân hàng chủ yếu là tiền.
Để bắt đầu hoạt động ngân hàng, chủ ngân hàng phải có một lượng vốn nhất định. Đây là loại vốn ngân hàng có thể sử dụng lâu dài, hình thành nên trang thiết bị, nhà cửa cho ngân hàng. Vốn chủ sở hữu bao gồm: (i) Nguồn vốn bổ sung trong quá trình hoạt động, (ii) Các quỹ, (iii) Nguồn vay nợ có thể chuyển đổi thành cổ phần, (iv) Nguồn vốn hình thành ban đầu.
Tiền gửi là nguồn tiền quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn tiền của ngân hàng. Để gia tăng tiền gửi trong môi trường cạnh tranh và để có được nguồn tiền có chất lượng ngày càng cao. Nguồn này gồm: (i) Tiền gửi thanh toán, (ii) Tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội,
(iii) Tiền gửi tiết kiệm của dân cư, (iv) Tiền gửi của các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác.
Tiền gửi là nguồn quan trọng nhất của NHTM. Tuy nhiên, khi cần ngân hàng thường vay mượn thêm. Nguồn này gồm: (i) Vay Ngân hàng nhà nước (NHNN), (ii) Vay các tổ chức tín dụng khác, (iii) Vay trên thị trường vốn.
Phần lớn các nguồn khác ngân hàng không phải trả lãi. Tuy nhiên, chi phí để có và duy trì chúng là rất đáng kể. Cụ thể: (i) Nguồn uỷ thác, (ii) Nguồn trong thanh toán, (iii) Nguồn khác.
Huy động vốn là nghiệp vụ tiếp nhận nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ các tổ chức và cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau để hình thành nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng.
Ngân hàng thương mại hoạt động và phát triển được chủ yếu nhờ vào lượng tiền mà nó huy động được từ nền kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ như hiện nay, để có được nguồn vốn lớn đòi
hỏi các Ngân hàng thương mại phải có những chính sách huy động hợp lý, nhằm từ đó thu hút được lượng vốn cần thiết trong nền kinh tế để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng thương mại.
Các chính sách động huy động vốn của Ngân hàng thương mại có thể hiểu đó là những công cụ, cách thức và phương pháp, và chương trình cụ thể nhằm thu hút sự chú ý của các cá nhân, các tổ chức và từ đó gửi tiền vào ngân hàng. Trên cơ sở hai bên đều có lợi. Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy chính sách huy động vốn của ngân hàng thương mại cũng là một phần trong chính sách Marketing mà các ngân hàng đang sử dụng, tuy nhiên thì nó luôn được quan tâm và chịu sự giám sát chỉ đạo sát sao từ phía lãnh đạo ngân hàng (Phan Thị Thu Hà và cs., 2002).
c. Các phương thức huy động vốn
* Tiền gửi
Tiền gửi của khách hàng là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của ngân hàng thương mại, khi một ngân hàng bắt đầu hoạt động, nghiệp vụ đầu tiên là mở các tài khoản tiền gửi để giữ tiền, tài sản và thanh toán hộ khách hàng, bằng cách đó ngân hàng huy động tiền của các doanh nghiệp, các tổ chức và dân cư. Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Ngày nay hầu hết các ngân hàng thương mại đang dẩy mạnh huy động vốn thông qua các chính sách cụ thể, rõ ràng và hiệu quả (Nguyễn Minh Kiều, 2006).
Các phương thức huy động tiền gửi của ngân hàng bao gồm:
- Đối với tiền gửi thanh toán;
- Tiền gửi có kỳ hạn của các Doanh nghiệp, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội nghề nghiệp;
- Tiền gửi tiết kiệm của dân cư, các tâng lớp dân cư;
- Tiền gửi của các ngân hàng khác.
* Nguồn đi vay
Nguồn tiền gửi là nguồn quan trọng nhất của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong những trườn hợp cần thiết các ngân hàng thương mại vẫn phải tiến hành đi vay thêm. Mặt khác tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngân hàng Trung ương thường quy định tỷ lệ giữa bắt buộc với nguồn tiền huy động và vốn chủ sở hữu.
Do vậy trong những trường hợp cần thiết, và trong các giai đoạn cụ thể nhiều ngân hàng phải tiến hành vay mượn thêm để đáp ứng nhu cầu chi trả khi khả năng huy động bị hạn chế. Các nguồn mà ngân hàng thương mại có thể vay đó là (Nguyễn Thị Quy, 2005).
Các phương thức huy động nguồn đi vay của ngân hàng bao gồm:
- Vay từ Ngân hàng Nhà nước;
- Vay từ các Tổ chức tín dụng và Ngân hàng thương mại khác;
- Vay trên thị trường vốn.
* Các nguồn khác
- Nguồn uỷ thác: Đây là nghiệp vụ mà thông qua đó ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ uỷ thác như cho vay, đầu tư, uỷ thác cấp phát, giải ngân, thu ngân hộ... Các hoạt động này tạo nên nguồn vốn uỷ thác tại ngân hàng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của các mối quan hệ đa phương, rất nhiều các tổ chức kinh tế, xã hội có cùng mục tiêu phát triển như của các ngân hàng, có nguồn tài chính, đã sử dụng màng lưới ngân hàng như là kênh dẫn vốn tới các mục tiêu. Và kết quả là hình thành nguồn uỷ thác, làm tăng nguồn vốn của ngân hàng.
- Nguồn trong thanh toán: Các khoản thanh toán không dùng tiền mặt có thể hình thành nguồn thanh toán (séc trong quá trình chi trả, tiền kí quỹ đsể mở L/C,...). Những ngân hàng là ngân hàng đầu mối trong đồng tài trợ có kết số dư tiền từ của các ngân hàng thành viên để chuyển về thực hiện cho vay.
- Nguồn khác, các khoản nợ khác như thuế chưa nộp, lương chưa trả, Tiền khấu hao tài sản nhưng chưa dùng... (Nguyễn Văn Ngọc, 2001).