2.1.5.1. Các nhân tố khách quan a. Môi trường pháp lý
Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động kinh tế có liên quan biện chứng tác động ràng buộc lẫn nhau. Sự biến động của hoạt động kinh tế đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực còn lại.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại được coi là chiếc cầu nối giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau trong nền kinh tế. Do vậy, sự tác động ổn định hay bất ổn định, tăng nhanh hay chậm chạp của nền kinh tế đều tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngân hàng.
Thực tế là ngân hàng phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều chính sách, các quy định của chính phủ, của ngân hàng Trung ương; đó là Luật các tổ chức tín dụng, luật kinh tế, luật dân sự, hàng hoạt hệ thống các quy định cụ thể trong từng thời kỳ về lãi suất, dự trữ, hạn mức.
Do sự ràng buộc về pháp luật, các yếu tố của nghiệp vụ huy động vốn chắc chắn sẽ bị thay đổi và quy mộ và hiệu quả của việc huy động vốn cũng bị tác động. Cụ thể, chính sách của Nhà nước, của ngân hàng Trung ương: chính sách tiền tệ, tài chính, lãi suất, tín dụng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn cũng như chất lượng nguồn vốn của ngân hàng thương mại.
b. Môi trường chính trị
Không một quốc gia nào có thể phát triển nếu môi trường chính trị không ổn định. Sự ổn định về chính trị hay về chính sách ngoại giao cũng tác động mạnh mẽ đến quan hệ vốn của ngân hàng với các quốc gia khác nhau trong khu vực và trên thế giới. Điều này cũng là nhân tố ảnh hưởng tới công tác huy động vốn của ngân hàng.
c. Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế cũng có ảnh hưởng lớn đối với công tác huy động vốn của ngân hàng thương mại. Môi trường kinh tế bao gồm tình trạng nền kinh tế, yếu tố cạnh tranh (Nguyễn Thị Hiền, 2007).
Nền kinh tế phát triển hưng thịnh, thu nhập của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong xã hội cao và ổn định thì tất yếu công việc huy động vốn của ngân hàng sẽ diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái thì khả năng khai thác vốn đưa vào nền kinh tế sẽ bị hạn chế, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong công tác huy động vốn. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ tính toán đưa ra loại hình dịch vụ nào có hiệu quả nhất, ấn định mức lãi suất phù hợp không chỉ với thị trường mà còn tiết kiệm được chi phí hoạt động.
d. Môi trường văn hóa
Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa riêng, văn hóa chính là yếu tố tạo nên bản sắc của các dân tộc: tập quán, thói quen, tâm lý... Đối với hoạt động ngân hàng, trong đó công tác huy động vốn là yếu tố chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa (Nguyễn Huy Cường, 2009).
Cụ thể ở các nước phát triển người dân có thoi quen gửi tiền vào ngân hàng để hưởng những tiện ích trong thanh toán, hưởng lãi; và trong tiềm thức của họ ngân hàng là một cái gì đó không thể thiếu được trong cuộc sống. Do vậy, ngân hàng không mấy khó khăn trong vấn đề huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức kinh tế xã hội. Ngược lại, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc huy động vốn của ngân hàng gặp nhiều khó khăn vì người dân Việt Nam hiện nay vẫn chưa có thói quen thanh toán không sử dụng tiền mặt (theo thống kê có đến 50% giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt).
e. Sự cạnh tranh giữa các đối thủ
Đối thủ của một ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn không chỉ là những Ngân hàng khác, những tổ chức tín dụng có cùng nghiệp vụ nhận tiền gửi hay phát hành giấy tờ có giá, ngân hàng thương mại còn phải cạnh tranh với các Công ty Bảo hiểm và thị trường chứng khoán để thu hút vốn từ các chủ thể trong nền kinh tế (Nguyễn Thanh Phong, 2009).
Tại những nước đang phát triển, sự phát triển của thị trường chứng khoán là nguyên nhân khiến khách hàng rút tiền từ ngân hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Với nền kinh tế phát triển, chỉ một bộ phận nhỏ dân cư tham gia đầu tư chứng khoán, tại đây, tiền gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn cho người dân.
Với các công ty bảo hiểm, trong điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu tham gia bảo hiểm của xã hội tăng, các loại hình bảo hiểm được mở rộng đa dạng hơn thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Điểm hạn chế của hình thức gửi tiền Ngân hàng so với Bảo hiểm là không mang tính bảo vệ. Trong khi những hợp
đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn có tính tiết kiệm như gửi tiền Ngân hàng. Kết quả là một dòng vốn không nhỏ không tới các ngân hàng thương mại nữa mà chuyển sang các Công ty Bảo hiểm.
2.1.5.2. Các nhân tố chủ quan
a. Chiến lược kinh doanh của ngân hàng
Mỗi ngân hàng đều xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh cụ thể. Chiến lược kinh doanh được xây dựng dựa trên việc ngân hàng xác định vị trí hiện tại của mình trong hệ thống, thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của mình, đồng thời dự đoán được sự thay đổi của môi trường kinh doanh trong tương lai.
Thông qua chiến lược kinh doanh ngân hàng sẽ có thể quyết định thu hẹp hay mở rộng việc huy động vốn về mặt quy mô, có thể thay đổi tỷ lệ các loại nguồn vốn, tăng hay giảm chi phí huy động. Nếu chiến lược kinh doanh đúng đắn, các nguồn vốn được khai thác một cách tối đa thì công tác huy động vốn sẽ phát huy được hiệu quả.
b. Chiến lược khách hàng của ngân hàng về huy động vốn
Như chúng ta đã biết, ngày nay khi mà khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn ngân hàng mà họ coi là thuận tiện hơn chứ không chỉ đơn thuần là nơi cất trữ tiền tệ và kiếm lời từ lãi suất. Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng cần phải xây dựng chiến lược khách hàng đúng đắn trong hoạt động nói chung và trong hoạt động huy động vốn nói riêng (Nguyễn Thanh Phong, 2009).
Để làm được điều này, trước tiên, ngân hàng cần tìm hiểu động cơ thói quen, mong muốn của người gửi tiền, thậm chí từng đối tượng khách hàng thông qua phân tích lợi ích của khách hàng. Trên cơ sở những thông tin của khách hàng ngân hàng có thể đưa ra một hệ thống các chính sách và biện pháp để có được quy mô và chất lượng nguồn vốn mong muốn.
c. Mạng lưới và các hình thức huy động
Mạng lưới hoạt động càng rộng và hình thức huy động càng phong phú, đa dạng thì kết quả huy động vốn sẽ càng nhiều về số lượng và chất lượng cũng được nâng lên tương ứng. Thông thường muốn mở rộng quy mô tăng cường phát triển nguồn vốn ngân hàng không thể bỏ qua yếu tố mở rộng mạng lưới hoạt động (Nguyễn Thị Minh Hiền, 2007).
Việc mở rộng thêm chi nhánh là quan trọng nhưng vị trí ở đâu để có thể huy động được khoản tiền gửi đòi hỏi ngân hàng phải có sự nghiên cứu hết sức nghiêm túc. Thông thường các chi nhánh được mở ở mặt đường quốc lộ nơi đông dân cư để thuận tiện cho người dân gửi tiền, đối với các ngân hàng lớn thì nên mở các chi nhánh ngay tại trụ sở để phục vụ khách hàng tốt hơn và tạo mối quan hệ mật thiết với khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng còn không ngừng nâng cấp chi nhánh, trang thiết bị các phương tiện dịch vụ nâng cao chất lượng cán bộ ở các chi nhánh để có thể phục vụ, thu hút được nhiều tiền gửi hơn.
d. Trình độ công nghệ ngân hàng
Trình độ công nghệ ngân hàng bao gồm cơ sở vật chất phục vụ ngân hàng; các loại hình dịch vụ ngân hàng cung ứng; trình độ nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Cơ sở vật chất của ngân hàng càng khang trang hiện đại, công nghệ tiên tiến mang lại lợi ích thiết thực cho kinh doanh, luôn tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ cho khách hàng tốt hơn, tạo lòng tin cho khách hàng. Thực tế khách hàng sẽ tin tưởng yên tâm hơn khi gửi tiền ở một ngân hàng có trình độ công nghệ ngân hàng cao. Và khi khách hàng đã thực sự yên tâm gửi tiền thì ngân hàng dễ dàng trong việc huy động.
Trong những năm qua, nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin ngân hàng đã có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới có liên quan đến hoạt động của ngân hàng như máy rút tiền tự động ATM, hệ thống thanh toán điện tử, dịch vụ ngân hàng tại nhà, Mobile Banking, Internet Banking... phục vụ nhu cầu khách hàng. Như vậy, một ngân hàng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị công nghệ hiện đại, phù hợp với năng lực và khả năng tài chính, quy mô hoạt động sẽ giúp cho sự thành công của hoạt động ngân hàng (Phạm Thị Thu Hương và cs., 2006).
e. Uy tín của ngân hàng
Có thể gọi đây chính là tài sản vô hình của ngân hàng. Uy tín bao gồm uy tín của ngân hàng trong toàn hệ thống, của các thành viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc.
Sự nổi tiếng của ngân hàng là tài sản quý trong công tác huy động vốn vì trong lòng thị trường ngân hàng đã tạo một hình ảnh riêng, khi đó khách hàng sẽ tin tưởng vào ngân hàng, giúp ngân hàng có khả năng ổn định khối lượng vốn
huy động, tiết kiệm chi phí huy động (thực tế khi ngân hàng có tiếng tăm, họ dễ dàng thu hút vốn hơn các ngân hàng khác ngay cả khi lãi suất tiền gửi của ngân hàng đưa ra có thấp hơn).
f. Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ cung ứng
Dịch vụ ngân hàng cung cấp ngày càng đa dạng và linh hoạt với phương châm vì khách hàng. Chất lượng phục vụ của ngân hàng sẽ giúp khách hàng lựa chọn nơi có sản phẩm tốt nhất. Vì vậy, marketing ngân hàng được xem như một bộ phận rất quan trọng vì trực tiếp tiếp xúc và tạo lòng tin cho khách hàng. Chính sách chăm sóc khách hàng ngày càng được đổi mới, mang tính cạnh tranh trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Các bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ tư vấn cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, lựa chọn sao cho phù hợp với hoạt động, thói quen, tâm lý của khách hàng (Phạm Thị Thu Hà và cs., 2002).