Thực trạng đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở việt nam (Trang 91 - 94)

Chương 3 THỰC TRẠNG ĐỐI THOẠI XÃ HỘI TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG

3.2. Thực trạng đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam

3.2.1. Thực trạng trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến tại các doanh nghiệp mayViệt Nam

3.2.1.1. Thực trạng nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến

Tại Khoản 3, Điều 63 BLLĐ (2012) nêu rõ NSDLĐ và NLĐ phải có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các nội dung NSDLĐ phải công khai, NLĐ được tham gia ý kiến, được quyết định, được quyền giám sát các hoạt động tại doanh nghiệp. Theo khảo sát của MOLISA (2019), các nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến chủ yếu sao

chép từ luật. Một số doanh nghiệp thực hiện đối thoại đối phó theo đúng quy định của pháp luật bằng cách lập biên bản đối thoại định kỳ có đại diện của hai bên ký đóng dấu nhưng biên bản lại ghi là không có nội dung để đối thoại. Nội dung đối thoại mới chỉ xoay quanh giải quyết thắc mắc đơn lẻ của NLĐ, chưa tập trung vào các giải pháp để cải thiện ĐKLV, cải thiện thu nhập và đời sống của NLĐ (ILO và IFC, 2019). Kết quả điều tra của NCS cũng cho thấy, các nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến tại các doanh nghiệp may được thực hiện chưa đồng đều. Các doanh nghiệp thực hiện tương đối rõ ràng việc truyền đạt thông tin đến NLĐ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và vấn đề nhân sự, khen thưởng, kỷ luật NLĐ. Tuy nhiên, chưa chú trọng đến việc tham khảo ý kiến và thông tin đến NLĐ về nội quy, quy chế và các thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể. Vấn đề lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ được thảo luận khá nhiều nhưng chưa rõ ràng (Xem Biểu đồ 3.3).

Biểu đồ 3.3. Thực trạng nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến Nguồn: Tổng hợp kết điều tra của NCS a. Về “Kế hoạch, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp – ndtd1”

Theo MOLISA (2019), có 73,4% doanh nghiệp thông báo tình hình kinh doanh đến NLĐ tại buổi đối thoại định kỳ và 43,8% qua Hội nghị NLĐ. Trong không khí dân chủ, NLĐ nắm được tình hình thực tế và các vấn đề đang gặp phải của doanh nghiệp cũng như được thảo luận trực tiếp về kế hoạch và chiến lược kinh doanh trong thời gian sắp tới. Từ đó bản thân mỗi NLĐ đã chủ động lên kế hoạch phấn đấu làm việc hiệu quả để cùng công ty hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đối sánh với kết quả phỏng vấn và kết quả điều tra của NCS, hầu hết các doanh nghiệp may thực hiện tương đối rõ ràng việc thông tin tới NLĐ về kế hoạch, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (3,41/5 điểm). Hơn một nửa số công nhân được hỏi cho rằng doanh nghiệp thông tin tới họ về báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm vừa qua, những nội dung hoàn thành so với chỉ tiêu đề ra của năm trước và phương hướng, mục tiêu cho năm tới qua Hội nghị NLĐ. Ngoài ra, còn thông qua các cuộc đối thoại định kỳ, cuộc họp giữa CBQL – CBCĐ hay niêm yết công khai thông tin tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên Bảng tin nội bộ. Như tại công ty Thành Công, mọi thông tin liên quan đến doanh nghiệp, các báo cáo tài chính ,… về doanh nghiệp đều được công khai, minh bạch trên website công ty hoặc bằng văn bản để mọi người dễ tiếp cận (Xem Hộp 3 – Phụ lục 7.1).

b. Về “Nội quy, quy chế và các thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể - ndtd2”

Theo ILO và IFC (2019), có tới 24% (78/331) nhà máy may có nội quy lao động không tuân thủ theo quy định của PLLĐ trong việc tham khảo ý kiến của tập thể NLĐ trước khi ban hành chính thức. Kết quả điều tra của NCS cũng cho thấy, nội dung này chỉ được đánh giá ở mức yếu kém (1,92/5 điểm). Như vậy, công nhân trong các doanh nghiệp may ít có cơ hội tham gia vào các quyết định quản lý cũng như bày tỏ những đề xuất với NSDLĐ một cách hòa bình. Thực tế thì NSDLĐ ít khi tham khảo ý kiến của tập thể NLĐ khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, các quy chế đào tạo, tuyển dụng,... bởi nội dung các văn bản này thường sao chép từ luật và bản thân NLĐ cũng khá thờ ơ nên các văn bản trên được các chủ thể mặc nhiên đồng thuận. Qua phỏng vấn NLĐ, thông tin về nội quy, quy chế, chính sách của doanh nghiệp được phổ biến tới NLĐ bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng chủ yếu lựa chọn hình thức phối hợp với công đoàn, thông qua tổ trưởng/chuyền trưởng thông báo cho NLĐ hay thông báo trên Bản tin nội bộ. Tuy nhiên, hầu hết NLĐ cho biết họ chỉ nắm được một số nội dung chính về nội quy, quy chế doanh nghiệp.

c. Về “Lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ - ndtd3”

Nội dung trao đổi về tiền lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ được thực hiện chưa rõ ràng, kết quả trao đổi phần lớn chưa đạt như mong muốn của NLĐ.

Nghiên cứu của Đỗ Quỳnh Chi (2019) tại các nhà máy may xuất khẩu cho thấy có tới 87,5% công nhân phàn nàn về tiền lương, phụ cấp, lương khoán sản phẩm thấp, 25% phàn nàn về mối quan hệ giữa quản lý và NLĐ và 12,5% có ý kiến về suất ăn (Xem Biểu đồ 3.4).

Theo kết quả điều tra, nội dung này chỉ được đánh giá ở mức điểm trung bình yếu (2,26/5 điểm). Người lao động và CBCĐ tại một số doanh nghiệp may cho biết, tiền lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ thường được trao đổi tại các buổi đối thoại định kỳ, hạn chế thành phần tham gia nên kết quả đa phần chưa làm hài lòng tập thể NLĐ. Trên thực tế, quy chế lương, thưởng, thang lương, bảng lương, định mức lao động là những vấn đề đặc biệt quan tâm của cả NLĐ và NSDLĐ bởi liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ. Việc trao đổi không rõ ràng có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn gây ảnh hưởng xấu đến QHLĐ. Trong bối cảnh Dệt may luôn là ngành đứng đầu cả nước về số vụ đình công và mức chi trả các khoản thu nhập cho NLĐ là một trong những lý do dẫn đến sự bất ổn này (VGCL, 2019).

d. Về “Sáng kiến và các giải pháp hữu ích - ndtd4”

Nội dung này được các doanh nghiệp may có quy mô lớn rất chú trọng. Một số doanh nghiệp áp dụng quy trình quản lý tiên tiến trên thế giới như 5S, Kaizen,...

nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu sản phẩm sai hỏng cũng như xây dựng một môi trường lành mạnh, sạch sẽ, tạo tinh thần thoải mái cho công nhân (Xem ví dụ Hộp 3.1). Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp may lại không mấy quan tâm đến vấn đề này. Lý giải cho điều đó được một quản đốc phân xưởng tại công ty TNHH Ivory Việt Nam chia sẻ: “do công nhân quá nhiều việc, công ty bận sản xuất kinh doanh. Mọi quy trình sản xuất được thống nhất trong toàn xưởng, bao năm nay đều làm như vậy mà vẫn thấy ổn nên công ty không để ý đến việc tham khảo ý kiến công nhân về các sáng kiến trong lao động”.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở việt nam (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(182 trang)
w