Đánh giá chung về thực trạng đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở việt nam (Trang 133 - 138)

Hộp 3.7. Một số nội dung được sửa đổi, bổ sung trong thỏa ước lao động tập thể

3.4. Đánh giá chung về thực trạng đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam

3.4.1. Những thành công và nguyên nhân 3.4.1.1. Những thành công

a. Trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến

Về nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Các doanh nghiệp may đã chú trọng thông tin tới NLĐ về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trao đổi về vấn đề nhân sự, khen thưởng, kỷ luật giúp NLĐ hiểu rõ hơn tình hình thực tế tại doanh nghiệp từ đó có ý thức trong lao động vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

Về sử dụng kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Hiện nay các doanh nghiệp may đang có khá đầy đủ các kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến, cả kênh trực tiếp và gián tiếp. Điều đó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các ý kiến đóng góp của NLĐ.

Về kết quả trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Thực hiện trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến tại các doanh nghiệp may đã tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam tốt hơn tại các doanh nghiệp may chưa tham gia. Trong đó, các doanh nghiệp may tham gia TƯLĐTT ngành đã ý thức được thiết lập quy chế dân chủ cơ sở, quy chế đối thoại tại nơi làm việc và quy chế tổ chức Hội nghị NLĐ là cần thiết giúp ổn định tình hình QHLĐ và đảm bảo tiếng nói của NLĐ tại doanh nghiệp. Hơn nữa, chủ doanh nghiệp đã thể hiện thiện chí trong việc thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến của NLĐ. Nhiều doanh nghiệp còn xây dựng quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp và BCHCĐ để tăng cường sự hợp tác trong giải quyết những vấn đề phát sinh với NLĐ.

b. Thương lượng tập thể

Về nội dung TLTT: Các doanh nghiệp may thực hiện nội dung thương lượng về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cho trình độ cho NLĐ tương đối rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chú trọng trao đổi với tập thể NLĐ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ và vấn đề ATVSLĐ.

Về quy trình TLTT: Hầu hết quy trình TLTT tại các doanh nghiệp may diễn ra theo 03 bước, tuân thủ đúng quy định pháp luật: (i) Chuẩn bị thương lượng; (ii) Tiến hành thương lượng và (iii) Kết thúc thương lượng. Trong đó một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc lấy ý kiến của tập thể NLĐ trước khi tiến hành thương lượng.

Về kết quả TLTT: TƯLĐTT được ký kết với các điều khoản đảm bảo tuân thủ quy định PLLĐ. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp may đã ý thức được vai trò của TLTT trong việc đảm bảo quyền tối thiểu của NLĐ cũng như là cách thức để phòng

ngừa và giảm thiểu TCLĐ tại doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp may tham gia TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT doanh nghiệp đã có một số điều khoản cao hơn quy định của pháp luật đồng thời cũng đã chú trọng công khai, phổ biến kết quả TLTT cho NLĐ. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm túc TƯLĐTT đã góp phần giảm thiểu bất đồng, TCLĐ tại các doanh nghiệp tham gia.

3.4.1.2. Nguyên nhân

Một là, hệ thống PLLĐ quốc gia đang được hoàn thiện từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo quyền tối thiểu của NLĐ tại nơi làm việc như quyền TLTT và quyền được cung cấp thông tin, tham khảo ý kiến, quyền gia nhập và thành lập TCĐDNLĐ trên cơ sở đó tạo điều kiện ĐTXH tại doanh nghiệp.

Hai là, các cơ quan QLNN về lao động ở địa phương đã phần nào quan tâm, hỗ trợ các chủ thể QHLĐ trong đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT.

Ba là, việc tuân thủ PLLĐ nói chung và pháp luật về ĐTXH nói riêng của chủ doanh nghiệp may đã được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, nhận thức của NLĐ về ĐTXH đã có những chuyển biến tích cực. Tại các doanh nghiệp may tham gia TƯLĐTT ngành: NSDLĐ đã có thiện chí trong ĐTXH với tập thể NLĐ; Tổ chức CĐCS đã thể hiện vai trò trong đại diện và bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong ĐTXH, có cơ chế phối hợp với NSDLĐ; Trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến và TLTT đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên.

Bốn là, TƯLĐTT ngành Dệt may với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ là khuôn khổ pháp lý giúp các chủ thể dễ dàng lựa chọn nội dung đối thoại, chi phối kết quả thực hiện ĐTXH trong các doanh nghiệp may đã tham gia, là tiền đề giúp ổn định tình hình QHLĐ góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp.

3.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân 3.4.2.1. Những hạn chế

a. Trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến

Về nội dung trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Vấn đề lương, các chế độ phúc lợi được thảo luận khá nhiều tuy nhiên chất lượng chưa cao. Doanh nghiệp chưa chú trọng trong việc tham khảo ý kiến cũng như thông tin tới NLĐ về các nội quy, quy chế, thỏa thuận ký kết giữa các bên. Điều đó làm giảm vai trò, tiếng nói của NLĐ trong việc tham gia giám sát, quản lý doanh nghiệp. Người lao động thiếu thông tin về đối thoại và giải quyết khiếu nại nên cảm thấy không an toàn khi lên tiếng. Vì vậy, họ rất ít cởi mở chia sẻ về bất đồng hay thắc mắc của mình.

Về sử dụng các kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Kênh tiếp nhận, phản hồi thông tin chủ yếu tại các doanh nghiệp may hiện nay là thông qua quản lý

trực tiếp (tổ trưởng/chuyền trưởng) làm giảm vai trò và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CBCĐCS tại doanh nghiệp. Các kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin gián tiếp không được sử dụng nhiều và nếu có thì sử dụng chưa hiệu quả như hòm thư góp ý, bản tin nội bộ. Do đặc thù cường độ làm việc cao nên việc sử dụng mạng xã hội, mạng LAN, website hay các ấn phẩm của doanh nghiệp trong truyền đạt, tiếp nhận thông tin chưa phổ biến. Bên cạnh đó, NLĐ chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến nên khá thờ ơ trong việc tìm hiểu cũng như sử dụng các kênh trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến tại doanh nghiệp.

Về kết quả trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến: Hầu hết NLĐ tại các doanh nghiệp may chưa cởi mở trong việc phản hồi thông tin tới NSDLĐ và chưa có ý thức trong việc đóng góp ý kiến nhằm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn.

Bên cạnh đó, NSDLĐ cũng chưa chú trọng đến việc sử dụng ý kiến tham khảo NLĐ vào các quyết định quản lý của doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp may chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam, TCĐDNLĐ chưa làm tròn vai trò trong việc tư vấn NLĐ cũng như đại diện cho tiếng nói của tập thể NLĐ trước NSDLĐ.

Đồng thời, NSDLĐ chưa quan tâm đến việc truyền đạt thông tin và tham khảo ý kiến NLĐ cũng như tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến của NLĐ so với các doanh nghiệp may tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may.

b. Thương lượng tập thể

Về nội dung TLTT: Nội dung thương lương về tiền lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ được thảo luận khá nhiều nhưng chưa rõ ràng. Tiền lương không phải là nội dung chính và không phải là kết quả của TLTT. Các doanh nghiệp may chưa quan tâm đến thương lượng về những quy định đối với lao động nữ, những doanh nghiệp đã có thì việc tuân thủ còn nhiều hạn chế.

Về quy trình TLTT: Mức độ tham gia của NLĐ vào TLTT chỉ là "thông tin"

về các vấn đề trước khi thương lượng hay lấy ý kiến về nội dung văn bản thỏa thuận trước khi ký kết. Sự tham gia của NLĐ khá thụ động và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào CBCĐCS. Việc xây dựng TƯLĐTT phần lớn sao chép từ luật hay dựa trên sự tham khảo các bản TƯLĐTT của những doanh nghiệp khác trong ngành. Trong quá trình thương lượng, vị thế của các chủ thể chưa hoàn toàn bình đẳng. Tổ chức đại diện NLĐ chưa đứng hẳn về phía tập thể NLĐ và đại diện cho tập thể NLĐ trong quá trình thương lượng. Kết quả TLTT hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của NSDLĐ. Thương lượng tập thể diễn ra hình thức, chủ yếu là thương lượng thực thi luật, không đúng theo bản chất là "thương lượng đại diện".

Về kết quả TLTT: TƯLĐTT chưa có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Nội dung còn chung chung, chủ yếu sao chép từ Luật. Việc định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT chưa được chú trọng. Đặc biệt các doanh nghiệp may chưa tham gia TƯLĐTT ngành, hầu như NSDLĐ chưa quan tâm đến việc công khai, phổ biến kết quả TLTT và chưa đảm bảo thực hiện nghiêm túc TƯLĐTT nên tình hình QHLĐ tại các doanh nghiệp này vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

3.4.2.2. Nguyên nhân

Thứ nhất là, hệ thống PLLĐ quốc gia chưa đồng bộ, đặc biệt là từ khi hình thành các luật chuyên ngành, BLLĐ vô hình chung trở thành luật gốc. Một số quy định của pháp luật về đối thoại, TLTT chưa phù hợp với tình hình thực tế và tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Chưa kịp thời ban hành những quy định, hướng dẫn thực hiện đối thoại và TLTT tại nơi làm việc.

Thứ hai là, hệ thống tổ chức và cơ quan QLNN về lao động còn nhiều bất cập, năng lực hạn chế, lực lượng mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.

Thứ ba là, ý thức, thiện chí của phần lớn NSDLĐ trong thực hiện các quy định pháp luật về đối thoại chưa cao. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của ĐTXH trong lành mạnh QHLĐ tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức, đội ngũ CBCĐCS, nội dung hoạt động của CĐCS chưa phù hợp với yêu cầu phát triển và chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Năng lực đội ngũ CBCĐCS còn hạn chế, phụ thuộc doanh nghiệp về tài chính và nhân sự nên chưa đảm bảo thực hiện đúng các chức năng và nhiệm vụ của TCĐDNLĐ tại doanh nghiệp. Hơn nữa, trình độ, nhận thức của đa phần NLĐ còn thấp, năng lực ĐTXH hạn chế. Sự bàng quan, thờ ơ với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của bản thân tại nơi làm việc vô hình đã tiếp tay cho những sai phạm của NSDLĐ trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Thứ tư là, văn hóa đối thoại chưa được chú trọng xây dựng tại các doanh nghiệp may. Sự khác biệt về văn hóa tại các doanh nghiệp nước ngoài là một trong những rào cản trong thực hiện ĐTXH.

Thứ năm là, xu hướng doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam ngày càng giảm. Các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích của việc tham gia TƯLĐTT ngành trong thực hiện ĐTXH và bình ổn QHLĐ nên chưa tạo được sự lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành.

Tiểu kết Chương 3

Trong chương 3, NCS đã tập trung phân tích 04 nội dung lớn để làm rõ thực trạng ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam là:

(i) Khái quát về QHLĐ và ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam để thấy được tổng quan quá trình phát triển, đặc điểm lao động, tình hình QHLĐ và đặc điểm ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam hiện nay;

(ii) Phân tích thực trạng ĐTXH trong QHLĐ tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam trong đó đã làm rõ được: Thực trạng về trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến, thực trạng TLTT trong đó có sự so sánh kết quả thực hiện trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến, kết quả thực hiện TLTT tại các doanh nghiệp may đã tham gia và chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam để thấy được sự khác nhau về kết quả thực hiện ĐTXH tại các doanh nghiệp này;

(iii) Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến ĐTXH trong QHLĐ tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Cụ thể:

- Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố: PLLĐ quốc gia, năng lực cơ quan QLNN về lao động, năng lực chủ thể QHLĐ, văn hóa doanh nghiệp và TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam đến ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam.

- Kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu đánh giá mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam bằng phần mềm SPSS và AMOS 21 cho thấy yếu tố năng lực chủ thể QHLĐ có tác động mạnh nhất đến kết quả thực hiện ĐTXH tại doanh nghiệp. Tiếp đến là văn hóa doanh nghiệp, PLLĐ quốc gia và năng lực cơ quan QHLĐ về lao động. Biến kiểm soát TƯLĐTT ngành đưa vào mô hình nghiên cứu cho thấy việc tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam có ảnh hưởng đến chất lượng ĐTXH tại doanh nghiệp (theo chiều hướng tốt hơn khi tham gia).

(iv)Trên cơ sở đó, NCS đã đánh giá và nêu bật những thành công và hạn chế.

Đồng thời chỉ ra nguyên nhân trong thực hiện ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Đây chính là cơ sở để NCS đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chương 4

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở việt nam (Trang 133 - 138)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(182 trang)
w