BÀI 4. CHẨN ĐOÁN THAI NGHÉN VÀ QUẢN LÝ
2. Quản lý thai nghén
Quản lý thai nghén bao gồm hai công việc: Là đăng ký thai nghén và theo dõi người có thai trong suốt quá trình thai nghén, nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể dẫn đến tai biến sản khoa, để có biện pháp phòng ngừa và xử trí đúng nhất.
2. 1. Đăng ký thai nghén
Là lập danh sách toàn bộ số phụ nữ có thai, tại một cơ sở do người hộ sinh phụ trách. Để làm được việc này, cần làm tốt công tác giáo dục sức khoẻ, truyền thông, tư vấn trong cộng đồng, để người phụ nữ khi chậm kinh, hoặc nghi ngờ có thai là đến với cán bộ y tế. Mặt khác, phải xây dựng mạng lới y tế thôn bản và cộng tác viên hoạt động trong cộng đồng, để giúp người hộ sinh công tác tại cơ sở nắm bắt tình hình kịp thời nhất.
2. 2. Công cụ quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở
Để quản lý được thai nghén tại cơ sở, cần có 4 công cụ để quản lý thai sau đây:
- Sổ đăng ký đồng thời là sổ khám thai.
- Phiếu khám thai hoặc phiếu theo dõi sức khoẻ bà mẹ tại nhà (nếu có).
- Ngăn kéo để lưu phiếu khám hoặc phiếu hẹn.
- Bảng theo dõi quản lý thai tại cơ sở.
2.2.1. Sổ khám thai: Do Bộ Y tế lập để thực hiện thống nhất trong cả nước. Sổ có 27 cột để khi đăng ký và thăm khám sẽ ghi các số liệu của thai nghén được vào từng cột đó giúp cán bộ y tế quản lý tốt sức khoẻ thai phụ và có thể đánh giá được chất lượng công việc mình làm.
2.2.2. Phiếu khám thai: Phiếu dùng để ghi chép lại tình hình mỗi lần khám thai:
tình trạng chung của thai phụ, diễn biến toàn thân, tình trạng thai nghén.
2.2.3. Ngăn kéo để lưu phiếu khám hay phiếu hẹn
Gồm có 12 ô, mỗi ô dành để lưu phiếu khám (khi khám thai được ghi trên hai phiếu, một cho thai phụ giữ, một để lưu ở cơ sở y tế) hoặc phiếu hẹn khám của một tháng trong năm.
Công cụ này giúp người hộ sinh theo dõi được sát tình hình khám thai định kỳ của từng thai phụ.
Ví dụ: Trong tháng 5 những thai phụ cần khám đều có phiếu trong ô tháng 5. Khi thai phụ tới khám, tìm phiếu lưu trong ô đó và phiếu sẽ được ghi các thông tin sau khi đã khám. Tuỳ theo hẹn khám lần sau, mà phiếu lưu này sẽ được để vào ô phù hợp. Nếu có thai phụ cần khám lại sau một tháng, thì xếp phiếu vào ô tháng 6; nếu cần khám lại sau 3 tháng, thì xếp phiếu vào ô tháng 8 trong năm. Đến cuối tháng 5, nếu tất cả các phiếu trong ô đã được khám hết, tức là các thai phụ đã đến khám đầy đủ. Ngược lại, nếu còn sót lại một vài phiếu, nghĩa là những người đó chưa đến khám theo hẹn, cần được tìm hiểu nguyên nhân tại sao và phải vận động họ đến khám để không bỏ sót.
2.2.4. Bảng theo dõi quản lý thai- sản tại cơ sở
Là một bảng lớn bằng gỗ hay bằng nhựa, kích thước khoảng 160 x120 cm được kẻ thành 13 cột dọc, cột đầu tiên để ghi tên thôn, xóm và 12 cột sau để ghi tên tháng từ tháng giêng đến tháng 12 của năm.
- Các ô ngang, mỗi thôn một ô và tuỳ theo số thôn xóm mà số ô ngang sẽ nhiều hay ít. Tại mỗi ô ngang tương ứng với thôn xóm và tháng (trong năm) sẽ được gắn vào đó các “con tôm” có ghi tên, tuổi thai phụ của thôn xóm đó và tháng dự kiến đẻ của họ cùng những chi tiết khác nếu cần thiết.
- Dưới các ô ngang là ô ghi tổng số người được dự kiến sinh trong tháng.
- Ô ngang cuối cùng là ô sau đẻ, để dán các trường hợp đã sinh trong tháng, được bóc từ các ô phía trên đưa xuống.
- “Con tôm” làm bằng bìa có mầu khác nhau, mỗi mầu là một ký hiệu cho biết lần đẻ sắp tới của thai phụ. Ví dụ mầu xanh cho người sẽ đẻ lần 1, mầu vàng cho người đẻ lần 2, mầu đỏ cho người đẻ từ lần 3 trở lên.
Nội dung ghi trên con tôm, tối thiểu phải có các thông tin sau: Họ và tên thai phụ- Tuổi - Ngày đầu kinh cuối - Ngày dự kiến sinh.
- Lợi ích của bảng theo dõi quản lý thai là:
+ Biết được số sẽ sinh trong từng tháng, trên cơ sở đó đặt kế hoạch phục vụ, đặc biệt trong những tháng có thiên tai (bão, lũ lụt) là những đối tượng cần ưu tiên phục vụ và chăm sóc.
+ Có thể cho biết việc phát hiện thai nghén để đăng ký có sớm hay không.
+ Nếu đến hết tháng, số tôm vẫn còn lại trên bảng, thì phải xem nguyên nhân: thai phụ đã đẻ (ở nhà hoặc ở cơ sở khác); còn nếu chưa đẻ, thì có thể là thai đã quá hạn, cần được xử trí.
Tất cả 4 công cụ quản lý thai được thực hiện tốt, sẽ là bằng chứng đánh giá chất lượng quản lý thai của cán bộ y tế cơ sở.