THAI CHẾT TRONG TỬ CUNG

Một phần của tài liệu Bài giảng Sức khỏe sinh sản - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 82 - 85)

1. Trình bày được định nghĩa và nguyên nhân thai chết trong tử cung.

2. Mô tả được các triệu chứng thai chết trong tử cung ở hai giai đoạn sớm và muộn.

3. Nêu được diễn biến của thai chết trong tử cung.

4. Trình bầy được cách xử trí và chăm sóc đối với thai chết trong tử cung

Nội dungbài học:

1. Định nghĩa

Thai chết trong tử cung là những trường hợp thai chết khi tuổi thai từ 22 tuần trở lên, nằm lại trong tử cung ít nhất là 48 giờ trước khi chuyển dạ.

2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên thai chết trong tử cung:

- Về phía người mẹ: Các bệnh người mẹ măc trước hoặc trong khi mang thai, đều có thể ảnh hưởng đến sự sống của thai, đặc biệt các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân hay các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục. Có thể kể một số bệnh như sau:

+ Cao huyết áp.

+ Tiền sản giật, sản giật.

+ Bệnh tiểu đường.

+ Bệnh thận

+ Các bệnh nhiễm khuẩn nặng: nhiễm khuẩn huyết, thương hàn, sốt rét, giang mai.

+ Tử cung dị dạng.

- Về phía thai.

+ Những thai có rối loạn thể nhiễm sắc hoặc rối loạn về gen.

+ Thai dị dạng.

+ Bất đồng nhóm máu mẹ-con.

+ Thai suy dinh dưỡng nặng.

+ Thai quá ngày sinh.

- Về phía phần phụ của thai

+ Dây rau bị xoắn hay bị thắt nút, dây rau quấn cổ chặt nhiều vòng làm ngừng trệ tuần hoàn rau-thai.

+ Dây rau ngắn.

+ Bánh rau bị nhồi máu, bị xơ hoá nặng.

+ Những trường hợp đa ối hay thiểu ối.

3. Triệu chứng

3.1. Thai chết khi tuổi thai dưới 22 tuần

Tuy không xếp loại vào thai chết trong tử cung, nhưng cũng cần biết các triệu chứng để phát hiện thai đã hỏng. Tuy nhiên, chẩn đoán lâm sàng trong giai đoạn này thường khó:

- Nếu thai phụ còn đang nghén, thì khi thai chết, tình trạng nghén sẽ mất.

- Vú căng và tiết sữa.

- Tử cung không phát triển, mà nhỏ dần đi, thăm khám có thể thấy không phù hợp với tuổi thai.

- Ngày nay với siêu âm có thể xác định thai đã chết khá nhanh chóng và dễ dàng khi trên màn hình không thấy tim thai đập, buồng ối thu nhỏ và méo mó.

3.2. Thai chết khi tuổi thai từ 22 tuần

Thường vào giai đoạn này, bụng đã to, thai phụ đã cảm nhận được cử động của thai (thai máy) và khi khám, hộ sinh đã có thể nghe được tim thai, nên chẩn đoán lâm sàng có dễ hơn:

- Bụng nhỏ dần đi, khám thấy tử cung nhỏ hơn, chiều cao tử cung cũng giảm so với lần khám trước.

- Vú xuống sữa.

- Thai phụ không thấy thai máy nữa.

- Nghe không thấy tim thai.

- Trên màn hình siêu âm thấy thai không cử động, tim thai không đập, xương sọ chồng khớp, da đầu bong khỏi xương sọ, nước ối ít hoặc cạn.

4. Diễn biến của thai chết trong tử cung

Thai chết trong tử cung là một tổn thất nặng nề về tâm lý và tình cảm người mẹ, tuy nhiên, vì thai chết vẫn nằm trong tử cung, nếu buồng ối vẫn nguyên vẹn thì trong giai đoạn đầu, thai chết trong tử cung hầu như không có nguy hiểm gì cho người mẹ.

- Thai chết trong tử cung sớm muộn thế nào cũng sẽ bị đẩy ra ngoài. Trong nửa đầu thai kỳ, diễn biến của nó là tình trạng sẩy thai; nếu thai chết ở tuổi thai từ 22 tuần trở lên, thì diễn biến giống như tình trạng đẻ non; có điều diễn biến của sẩy và đẻ non các thai chết trong tử cung có thể kéo dài hơn, khó khăn hơn và có thể nhiều tai biến hơn, một phần do cơn co tử cung có thể rối loạn và đặc biệt yếu tố tinh thần và tâm lý của người mẹ trong trường hợp này, cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình sẩy, đẻ.

- Nếu thai chết trong tử cung kéo dài từ 4 tuần trở lên, mà chưa sẩy, đẻ thì do tình trạng thai rữa nát trong tử cung, có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn đông máu, biểu hiện rõ nhất là chất sinh sợi huyết trong máu giảm nhiều; do đó khi sẩy, đẻ, dễ bị băng huyết nặng.

- Trường hợp thai chết trong tử cung bị vỡ ối non hay vỡ ối sớm, thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ rất cao. Vì thế, khi đã bị vỡ ối, thì bằng mọi cách phải xử trí cho thai ra sớm, để tránh tai biến này.

5. Xử trí và chăm sóc

5.1. Theo quy định hiện hành, tất cả thai chết trong tử cung phải được xử trí tại bệnh viện huyện trở lên, không được xử trí tại tuyến xã.

- Ghi chép tất cả các hoạt động thăm khám, chăm sóc vào hồ sơ bệnh án theo qui định, chuẩn bị đủ hồ sơ giấy tờ để chuyển tuyến, nếu cần.

- Hướng dẫn thai phụ và gia đình họ phương pháp tự theo dõi, tự chăm sóc.

- Nếu thai chết trong tử cung đang ở giai đoạn sẩy hay chuyển dạ đẻ, cần theo dõi và xử trí như các trường hợp sẩy và sinh non khác. Tuy nhiên, phải chú ý phòng ngừa tai biến băng huyết và nhiễm khuẩn trong và sau đẻ. (ở tuyến xã phải chuyển lên tuyến trên)

- Nếu thai chết trong tử cung được phát hiện thì sau khi làm đủ các xét nghiệm và tư vấn cho thai phụ, có thể dùng các biện pháp điều trị để lấy thai ra:

+ Khi thai nhỏ dưới 12 tuần: dùng biện pháp hút, nạo thai như các trường hợp phá thai ngoài kế hoạch.

+ Nếu thai chết có tuổi thai lớn hơn, kết hợp dùng thuốc cho cổ tử cung mềm ra, dễ xoá mở, rồi truyền nhỏ giọt tĩnh mạch oxytocin để gây chuyển dạ đẻ.

5.2. Xử trí thai chết trong tử cung:

Nhất thiết không được vội vàng, có khi phải vài ba ngày, thai mới ra, vì thế phải làm tốt công tác tư vấn cho thai phụ và gia đình để họ khỏi lo lắng hoặc hiểu nhầm.

- Trường hợp thai chết trong tử cung chưa chuyển dạ đã bị vỡ ối, thì bằng mọi cách phải cho thai ra càng sớm càng tốt.

- Sau khi thai chết trong tử cung đã ra, cần kiểm soát tử cung nếu thai phụ tự đẻ theo đường dưới, sau đó phải tiêm thuốc co tử cung, để hạn chế chảy máu, và cho kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.

Một phần của tài liệu Bài giảng Sức khỏe sinh sản - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)