1. Trình bày được cơ chế đẻ ngôi chỏm kiểu thế chẩm chậu trái trước Nội dung bài hoc:
Đối với tất cả các ngôi thai, cơ chế đẻ đều phải trải qua 3 giai đoạn: đẻ đầu, đẻ vai và đẻ mông. Đẻ đầu vẫn là phần khó khăn nhất, vì đầu là phần to và cứng hơn cả, ít có khả năng thu nhỏ đường kính lại so với vai và mông thai nhi.
Khi thai nhi đi từ buồng tử cung ra ngoài, sẽ chịu tác động của khung xương chậu, trong đó khung xương chậu lớn chỉ có tác dụng hướng cho thai nhi lọt vào tiểu khung. Khung xương chậu bé có tầm quan trọng lớn trong cơ chế đẻ, vì tất cả các phần của thai nhi đều phải đi qua các phần của khung xương chậu bé, đó là eo trên, lòng tiểu khung và eo dưới của khung xương chậu.
Trong cơ chế đẻ, đầu, vai, mông của thai nhi đều phải qua 4 thì: lọt, xuống, quay và sổ, quay và sổ xẩy ra cùng một lúc.
Lọt: Khi đường kính lớn nhất của ngôi trùng với mặt phẳng eo trên.
Xuống: Khi đường kính lớn nhất của ngôi đi từ mặt phẳng eo trên đến mặt phẳng eo dưới.
Quay: Điểm mốc của ngôi sẽ quay ra khớp mu (đa số), hoặc quay ra xương cùng.
Sổ: Ngôi thai ra khỏi mặt phẳng eo dưới.
Cơ chế đẻ ngôi chỏm kiểu thế chẩm chậu trái trước 1. Đẻ đầu: Qua 4 giai đoạn
1.1. Thì lọt
* Chuẩn bị lọt: Dưới tác dụng của cơn co tử cung, đầu thai nhi hướng dần vào eo trên, đầu phải cúi tốt để đường kính lọt của ngôi (Hạ chẩm - Thóp trước: 9,5 cm) song song với đường kính chéo trái của eo trên.
* Lọt chính thức: Dưới tác dụng của cơn co tử cung đường kính lọt hạ chẩm - thóp trước và 2 bướu đỉnh sẽ vượt qua đường kính chéo trái của eo trên.
Khi đã lọt về lâm sàng khám có thể thấy: hai bướu đỉnh đã nằm trong âm đạo, hai ngón tay đưa vào âm đạo sát bờ dưới khớp mu không tới được mặt trước xương cùng, ấn ngón tay cái vào môi lớn đã chạm vào đầu thai nhi (Chỉ chính xác khi không có bướu huyết thanh)
Có 2 kiểu lọt: Lọt đối xứng khi 2 bướu đỉnh cùng xuống song song, lọt không đối xứng: một bướu xuống trước, bướu kia xuống sau.
1.2. Thì xuống: Là giai đoạn di chuyển của ngôi thai từ mặt phẳng eo trên đến mặt phẳng eo dưới, khi xuống thấp đầu thai nhi chạm vào tầng sinh môn làm tầng sinh môn phồng to. Trong thực tế, ngôi thai xuống là một quá trình từ từ xẩy ra song song với sự xoá mở cổ tử cung và cùng với hiện tượng lọt. Thường ngôi lọt theo đường kính nào thì sẽ xuống theo đường kính đó trong lòng tiểu khung.
1.3. Thì quay: Sau khi lọt và xuống theo đường kính chéo trái của eo trên và lòng tiểu khung, đầu sẽ phải quay 45 độ từ trái sang phải để cho chẩm tì dưới khớp vệ và đường kính hạ chẩm - thóp trước trùng với đường kính trước - sau của eo dưới. Đầu xuống và quay được là kết quả của cơn co tử cung và cơn co thành bụng.
1.4. Thì sổ: Dưới tác dụng của cơn co tử cung và phản ứng của tầng sinh môn, đầu thai nhi cúi hơn khi hạ chẩm tỳ dưới khớp vệ, lấy khớp vệ làm điểm tựa đầu thai nhi ngửa dần để mặt sổ ra ngoài. Khi cằm thoát ra khỏi âm hộ là hết thời kỳ đẻ đầu. Khi sổ xong đầu thai nhi quay 45 độ từ phải qua trái để trở lại vị trí cũ chuẩn bị đẻ vai.
2. Đẻ vai: cũng qua 4 giai đoạn như đẻ đầu
2.1. Lọt: Đường kính lưỡng mỏm vai vuông góc với đường kính lọt của đầu nên vai sẽ lọt theo đường kính chéo phải của eo trên
2.2. Xuống: Sau khi lọt vai sẽ xuống theo đường kính chéo phải
2.3. Quay: Đường kính lưỡng mỏm vai sẽ quay 1 góc 450 cùng chiều kim đồng hồ để trùng với đường kính trước sau của eo dưới
2.3. Sổ: Vai trước sổ tới bờ dưới cơ Đen- ta thì dừng lại, tỳ dưới khớp vệ để cho vai sau sổ ra ngoài.
3. Đẻ mông: Đường kính lọt của mông (Đường kính lưỡng ụ đùi 9,5cm) song song với đường kính lưỡng mỏm vai nên cơ chế đẻ mông giống như cơ chế đẻ vai.