BÀI 30. SỨC KHOẺ SINH SẢN TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
2. Sự thay đổi thể chất ở tuổi vị thành niên
Sự thay đổi thể chất ở vị thành niên rất khác nhau ở tuổi bắt đầu thay đổi, mức độ thay đổi, cảm nhận sự thay đổi... nhưng sự thay đổi thể chất ở VTN cơ bản có 7 vấn đề.
2.1. Ở vị thành niên nữ - Phát triển hình thể
Sự phát triển chiều cao thường bắt đầu vào khoảng 10 - 11 tuổi, đạt đỉnh cao ở 12- 13 tuổi, kết thúc khoảng 14 -15 tuổi. Thường sau 18 tuổi không phát triển thêm về chiều cao.
Khi bắt đầu hành kinh, cơ thể phát triển bề ngang nhiều hơn, vú nhô lên, mông nở nang hơn. Lớp mỡ dưới da dầy lên làm cho cơ thể VTN nữ mềm mại, giàu nữ tính, các đường cong của cơ thể rõ nét hơn.
- Vú phát triển
Tuyến sữa phát triển, lớp mỡ ngực dày lên làm cho vú nhô lên và ngày càng đầy đặn.
Đầu tiên là quầng vú đầy lên, sẫm lại. Sau đó núm vú nhô ra, bầu vú lớn dần, tròn trịa dần. Trong quá trình phát triển của vú, có thể vú bên này phát triển nhanh hơn vú bên kia một chút, hoặc đôi khi thấy thấy ngứa hoặc đau tức. Điều đó có thể làm cho VTN lo lắng, băn khoăn, cần giải thích để VTN yên tâm rằng điều đó không phải là bất thường.
Tuy nhiên, cần hướng dẫn VTN cách tự khám vú, khi thấy vú có khối u ranh giới rõ, mật độ chắc, đau hoặc không đau thì cần đi khám chuyên khoa.
- Sự phát triển của khung chậu.
So với VTN nam, khung chậu của VTN nữ tròn hơn và rộng hơn, điều đó đáp ứng cho chức năng mang thai và sinh đẻ ở người phụ nữ.
- Sự phát triển hệ thống lông.
Lông mọc ở vùng mu, bẹn nhưng giới hạn trên là đường thẳng không vượt quá vòm mu, đó là điều khác với VTN nam. Nếu lông mu mọc lên phía trên rốn, cần xem kỹ có nam tính hoá không (vì còn yếu tố di truyền).
Lông nách sẽ mọc sau lông mu.
- Sự hoạt động của tuyến bã và tuyến mồ hôi.
Việc tăng Androgen trong tuổi dậy thì ở cả nam và nữ dẫn đến việc tăng độ dầy của da, kích thích sự phát triển của tuyến bã. Thường thì các tuyến này phát triển nhanh hơn các ống dẫn ra bề mặt của da, kết quả là các lỗ bít lại gây nên trứng cá và khi bị nhiễm khuẩn sẽ thành các mụn mủ.
Trứng cá là mối quan tâm của phần lớn các bạn trong độ tuổi vị thành niên.
Trứng cá có thể xuất hiện trên mặt và cả trên cơ thể, đôi khi nhiễm khuẩn gây nên các mụn mủ trên da, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của các bạn VTN. Vì vậy, cần giải thích để VTN hiểu rằng qua tuổi VTN, tình trạng trứng cá hầu hết sẽ khỏi và hướng dẫn các bạn thực hiện một số việc sau:
- Nên rửa mặt thường xuyên, có thể rửa mặt với các loại kem (sữa rửa mặt) có độ kiềm nhẹ để tẩy rửa chất bẩn trên da.
- Không nên nặn mụn trứng cá, đề phòng nhiễm khuẩn.
- Hạn chế dùng mỹ phẩm.
- Chế độ ăn; tránh ăn nhiều mỡ, chất ngọt.
Nếu mụn trứng cá kéo dài hoặc nhiễm khuẩn cần khám chuyên khoa da liễu.
- Thay đổi về giọng nói.
Tiếng nói trở nên trong trẻo, dịu dàng.
- Hoàn chỉnh sự phát triển của cơ quan sinh dục.
- Âm hộ: ở trẻ em, âm hộ hướng ra trước, nay hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Do đó, ở tư thế đứng chỉ nhìn thấy được mu và một phần phía trước. Đến thời kỳ này, các môi bé và âm vật tăng dần sắc tố. Môi bé phát triển, không bị môi lớn che như ở trẻ em. Sự phát ttriển này có thể làm 1 số VTN lo lắng, sợ hãi nên cần tư vấn, giải thích để VTN yên tâm. Tuy nhiên, cũng cần hướng dẫn để VTN biết, nếu thấy vùng sinh dục ngoài nhiều dịch, có mùi hôi hoặc ngứa cần khám chuyên khoa để loại trừ bệnh lý.
- Âm đạo phát triển rộng hơn, thành âm đạo dày hơn. Môi trường âm đạo chuyển từ kiềm sang toan.
- Thành tử cung dầy hơn và hoàn thiện hơn, đặc biệt lớp cơ chéo của tử cung phát triển mạnh để chuẩn bị cho thai nghén và sinh đẻ. Tỷ lệ giữa cổ tử cung và thân tử cung thay đổi: ở trẻ em, cổ tử cung và thân tử cung bằng nhau, đến thời kỳ này thân tử cung phát triển dài hơn 2 lần cổ tử cung. Đồng thời, niêm mạc tử cung chịu sự tác động của nội tiết buồng trứng, thay đổi theo chu kỳ và qua các giai đoạn: bong ra, tái tạo, phát triển và chế tiết tạo nên hiện tượng kinh nguyệt.
- Buồng trứng: Khi sinh ra, buồng trứng trẻ sơ sinh gái có khoảng 1.000.000 – 2.000.000 noãn nguyên thuỷ, đến tuổi vị thành niên còn khoảng 500 000 và mỗi chu kỳ kinh có nhiều nang phát triển, nhưng thường chỉ có một nang chín và được giải phóng ra khỏi buồng trứng.
2.2. Ở vị thành niên nam - Phát triển hình thể
- Nam thường phát triển chiều cao muộn hơn nữ, thường bắt đầu từ 13- 14 tuổi, nhưng tốc độ phát triển nhanh hơn (có thể tăng 8- 13 cm/ năm). Ngực và vai phát triển, các cơ vân phát triển, chắc, tạo cơ thể cường tráng.
- Vú ít phát triển, chỉ có thay đổi quanh núm vú - Khung chậu
Khung chậu nam ít phát triển và hẹp hơn khung chậu của nữ.
- Sự phát triển hệ thống lông
Lông mu và lông nách bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 10 – 15. Lông mu thô, sẫm màu, cong lên và mọc cao lên vùng bụng. Lông nách mọc như lông mu.
Ở nam còn có hiện tượng mọc râu. Lúc đầu mọc ở góc môi, rồi lan ra khắp môi, sau đó đến phần trên của má, vùng dưới môi và dưới cằm. Số lượng lông ở mặt nhiều hay ít còn do yếu tố di truyền.
- Phát triển tuyến bã và tuyến mồ hôi
Giống như nữ, do tăng Androgen, tạo nên mùi cơ thể và mụn trứng cá.
- Thay đổi giọng nói
Sự thay đổi giọng nói thường diễn ra từ từ và tương đối muộn. Nó thường chia làm 2 giai đoạn: Sự thay đổi sớm, trước lần xuất tinh đầu tiên là giai đoạn vỡ giọng.
Sau đó giọng nói trở nên trầm hơn sau khi lông nách, lông mu và chiều cao phát triển đầy đủ.
- Hoàn chỉnh sự phát triển cơ quan sinh dục
Thay đổi đầu tiên là sự phát triển của tinh hoàn, thường bắt đầu ở độ tuổi 10 - 13.
Sự phát triển này tiếp tục trong suốt tuổi vị thành niên và được hoàn thiện trong độ tuổi 15 - 18. Trong thời gian này, tinh hoàn to lên, da bìu có màu đỏ và nhăn nheo.
Những thay đổi bên trong của tinh hoàn bao gồm: sự tăng kích thước của ống sinh tinh, sự thay đổi của các tế bào trên thành ống và bắt đầu sản xuất tinh trùng.
Hình thể dương vật phát triển, bắt đầu ở độ tuổi 10 - 13, hoàn thiện ở độ tuổi 12 - 16. Trong thời gian này kích thước của dương vật tăng lên. Đây thường là lĩnh vực đáng quan tâm đối với trẻ trai, đôi khi sự phát triển chậm có thể gây nên sự lo lắng, cần giải thích để VTN yên tâm, điều đó là hoàn toàn bình thường.