Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
1.1. Cơ sở lý luận về đào tạo nghề và quản lý đào tạo nghề
1.1.2. Nội dung của quản lý đào tạo nghề
Lập kế hoạch là chức năng đầu tiên trong bốn chức năng của quản lý là lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra. Lập kế hoạch là chức năng quan trọng đối với mỗi nhà quản lý bởi vì nó gắn liền với việc lựa chọn mục tiêu và chương trình hành động trong tương lai, giúp nhà quản lý xác định được các chức năng khác còn lại nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.
Kế hoạch chỉ ra con đường đi tới mục tiêu một cách chính xác muốn thực hiện
được mục tiêu xác định cần phải chỉ rõ cách thức để đi tới mục tiêu và chuẩn bị các nguồn lực (nhân lực và vật lực) cũng như phân bổ các nguồn lực đó một cách hợp lý.
Thiếu kế hoạch là nguyên nhân của những hoạt động manh mún, luôn bị động, thiếu sự phối hợp hiệu quả.
Kế hoạch làm tăng hiệu quả công việc, hạn chế rủi ro, là công cụ để các nhà quản lý kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tiến độ các công việc. Kế hoạch giúp các nhà quản lý ứng phó được các thay đổi trong quá trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ một cách chủ động, linh hoạt đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội.
Cũng như vậy khi tiến hành tổ chức đào tạo một lớp nghề, cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo cho lớp nghề đó, mỗi mô-đun học trong bao lâu, thời điểm nào sẽ kiểm tra mô-đun, thời điểm nào sẽ kiểm tra kết thúc để căn cứ vào đó giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch giảng dạy cho riêng mình (Phan Chính Thức, 2003).
Đối với việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề UBND huyện chỉ đạo xây dựng, phê duyệt ban hành danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng nghề, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra và minh chứng kèm theo để làm cơ sở đặt hàng đào tạo.
Rà soát, đánh giá lại hoạt động của các Trung tâm GDNN-GDTX sau sát nhập.
Xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.
Xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Gắn chặt việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề để người lao động lựa chọn.
Căn cứ để xây dựng kế hoạch gồm: mục tiêu, chiến lược phát triển KT – XH địa phương, nguồn lực hiện có, hiệu quả hoạt động,...
1.1.2.2. Tổ chức đào tạo
Căn cứ vào kế hoạch đã xây dựng, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tập trung, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận liên quan, chủ yếu tập trung vào cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện.
Đối với cơ sở dạy nghề quản lý việc tổ chức đào tạo bao gồm các hoạt động như:
- Quản lý việc hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề cho học sinh: Hoạt động này đối với cấp Trung tâm GDNN-GDTX thì chưa thể hiện nổi bật vai trò. Hoạt động hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề này phù hợp với các trường từ Trung cấp nghề trở lên. Bởi vì với cấp Trung tâm thì nhiệm vụ hoạt động chính là đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Nếu có thì cũng chỉ là hoạt động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề từ trung cấp trở lên để thực hiện tư vấn tuyển sinh học nghề cho các cơ sở này theo các quy định và hướng dẫn của trường ra thông báo tuyển sinh.
- Quản lý việc tuyển sinh các nghề đào tạo: Công tác tuyển sinh trong các cơ sở đào tạo là khâu cơ bản đầu tiên của quá trình đào tạo. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp thì quy trình công tác tuyển sinh tuy có đơn giản hơn nhưng cũng bao gồm các hoạt động cơ bản như sau: Rà soát nhu cầu học nghề của LĐ trên địa bàn tuyển sinh;
đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với đơn vị chủ quản; thành lập Hội đồng tuyển sinh; Phát hành thông báo tuyển sinh; nhận hồ sơ đăng ký học nghề trình độ sơ cấp; Tổ chức xét tuyển học viên; Phối hợp với Ban chỉ đạo đào tạo nghề cho LĐ cấp xã nơi thực hiện tuyển sinh để thông báo đến những LĐ trúng tuyển kế hoạch khai giảng; cuối cùng là chế độ báo cáo và lưu trữ.
Các ngành nghề tuyển sinh, các quy định về độ tuổi, trình độ học vấn, các chế độ có liên quan đến người học đều phải được thông báo một cách công khai, rộng rãi đến các đối tượng tuyển sinh. Các quy định này đều được thực hiện theo quy định của Bộ LĐTBXH.
Ngoài ra công tác tuyển sinh học nghề còn phải thực hiện được các định hướng về phát triển kinh tế của địa phương; các đặc thù của địa phương có như vậy công tác tuyển sinh học nghề mới thực sự đạt hiệu quả và đáp ứng được các nhu cầu của người lao động.
Mục đích công tác tuyển sinh là nhằm lựa chọn được học viên có đầy đủ năng khiếu cho từng chuyên ngành. Muốn đạt mục đích đó phải công khai rộng rãi đến các đối tượng tuyển sinh, các tiêu chuẩn tuyển sinh, nội dung chương trình, kế hoạch học tập để người học chọn ngành học phù hợp với khả năng bản thân và yêu cầu công việc.
Tóm lại, trong công tác quản lý tuyển sinh phải công khai, khách quan, chính xác, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
- Quản lý quá trình đào tạo
Để quản lý hoạt động đào tạo thì chúng ta cần phải quản lý một số các hoạt động như: Quản lý mục tiêu đào tạo, Quản lý nội dung đào tạo, Quản lý phương thức đào tạo, Quản lý giáo viên, Quản lý học viên và Quản lý cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Mục tiêu đào tạo: là đích mà hoạt động đào tạo phải hướng tới. Quản lý mục tiêu đào tạo bao gồm: kế hoạch hóa mục tiêu đào tạo; cụ thể hóa thành các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo từng chương trình, từng nghề cụ thể.
Quản lý nội dung đào tạo: là khâu trọng tâm của quản lý quá trình đào tạo, quản lý tốt nội dung đào tạo sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đào tạo, là cơ sở cho quản lý người dạy, quản lý người học và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Khi đã xác định rõ mục tiêu đào tạo nghề cho LĐ thì việc xây dựng nội dung đào tạo cần phải bám sát với mục tiêu. Như đã nói ở trên thì đa phần nội dung các chương trình nghề đã được Bộ NN&PTNT, Tổng cục dạy nghề ban hành. Các cơ sở đào tạo khi xây dựng chương trình một số nghề đặc thù của địa phương mà chưa có chương trình ban hành cần phải bám sát mục tiêu đào tạo của nghề.
Sau khi xây dựng và triển khai thực hiện nội dung đào tạo thì hàng năm các cơ sở đào tạo cần phải khảo sát, lấy ý kiến các bên liên quan về nội dung chương trình đào tạo mà mình đã xây dựng có phù hợp hay không, có đáp ứng được nhu cầu hay không, người học sau khi được đào tạo có áp dụng được kiến thức này hay không để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung cho kịp thời. Có như vậy thì chương trình đào tạo mới thực sự có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra về đào tạo nghề trong thời kỳ đổi mới.
Phương thức đào tạo: là cách thức để chuyển tải nội dung đào tạo bởi đối tượng đào tạo. Nội dung chủ yếu của phương thức đào tạo là phương pháp dạy và hình thức tổ chức dạy học.
Với mỗi nội dung sẽ có những phương thức đào tạo khác nhau phù hợp với từng nội dung. Chính vì vậy cần phải xác định đúng mục tiêu cần đạt được của nội dung này là gì để có phương thức đào tạo phù hợp. Tuy nhiên tùy theo từng nội dung cụ thể, đối tượng học viên mà người giáo viên cần phải linh hoạt vận dụng các phương thức đào tạo khác nhau để đạt được mục tiêu đào tạo của nội dung đó.
Trong quá trình thực hiện đào tạo sẽ cần phải thường xuyên đánh giá hiệu quả của các phương thức đào tạo để từ đó có những cải tiến, tích hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất về mục tiêu đào tạo.
Quản lý tốt giáo viên làm cho chương trình và lịch trình đào tạo được vận hành trôi chảy, chất lượng bài giảng sẽ được nâng cao, phương pháp giảng dạy sẽ được đổi mới và trang thiết bị phục vụ giảng dạy sẽ được khai thác hiệu quả.
Giáo viên là yếu tố quyết định phần lớn đến sự thành công của mục tiêu đào tạo. Chính vì vậy các cơ sở đào tạo phải có một chiến lược, quy hoạch giáo viên dài hạn, thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thường xuyên cử giáo viên tham gia nghiên cứu thực tế, tổ chức đánh giá giáo viên theo từng giai đoạn, khen thưởng động viên kịp thời để từ đó tạo động lực cho giáo viên có niềm hăng say với nghề, để hoạt động đào tạo đạt hiệu quả cao nhất.
Học viên vừa là yếu tố đầu vào vừa là sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo.
Chất lượng đào tạo được đánh giá bằng chất lượng đầu ra của học viên, trong khi chất lượng này lại phụ thuộc vào chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo.
Đối với các lớp học nghề có trình độ nhận thức, lứa tuổi không đồng đều. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến việc thực hiện các phương thức đào tạo. Tuy nhiên các học viên khi đăng ký tham gia học nghề đều đã có kiến thức nhất định về nghề đó, học viên đăng ký học nghề để về áp dụng kiến thức và phát triển kinh tế cho chính gia đình mình nên điều này lại là thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu đào tạo. Nhưng trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của người học trước, trong và sau khi học nghề để đánh giá chính xác việc thực hiện mục tiêu
đào tạo của học viên, từ đó có những điều chỉnh về phương thức đào tạo cho phù hợp.
Quản lý cơ sở vật chất bao gồm: xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; tổ chức việc xây dựng, sửa chữa, mua sắm; chỉ đạo khai thác sử dụng có hiệu quả; tổ chức kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng; bổ sung điều chỉnh từng bước hiện đại hóa CSVC-KT phục vụ tốt cho công tác đào tạo.
Đối với hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp thì hiện nay chủ yếu đi đến tận các thôn xóm để thực hiện đào tạo, các thiết bị phục vụ đào tạo cũng được mang đến tận nơi nhưng cũng không thể đầy đủ 100% như tại các cơ sở đào tạo.
Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo nhất là đối với các nghề phi nông nghiệp.
- Quản lý việc đánh giá kết quả học tập, cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là khâu không thể thiếu trong quản lý đào tạo, nó phần nào phản ánh được chất lượng đào tạo. Ở đây mỗi nghề có số mô-đun khác nhau, sau khi kết thúc mô-đun đều có bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên và cuối cùng là bài kiểm tra kết thúc khóa học. Theo quy định thì tỷ lệ giờ thực hành tối thiểu từ 70% trở lên nên khi tiến hành kiểm tra kết thúc khóa học thường là đánh giá kết quả thực hiện kỹ năng tổng hợp của 2 hoặc 3 mô-đun hoặc toàn bộ chương trình đào tạo tùy theo từng nghề cụ thể. Sau khi kết thúc khóa học, học viên đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, mẫu chứng chỉ sơ cấp nghề cũng đã được quy định rõ ràng cụ thể.
Kết quả của việc tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo nghề thể hiện:
Sự phát triển về quy mô và cơ cấu đào tạo nghề: Số lượng tuyển sinh, cơ sở vật chất cho đào tạo, số lượng GVDN, các loại hình đào tạo,
Chất lượng đào tạo nghề: Chất lượng đầu vào (bản thân người học nghề): trình độ văn hóa, sở trường nguyện vọng, sức khỏe, kiến thức kỹ năng nghề đã có, tình trạng kinh tế,… của người học nghề; quá trình đào tạo (hoạt động đào tạo nghề của cơ sở đào tạo nghề)
Sự phát triển ngành, nghề đào tạo, sự đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề.
1.1.2.3. Kiểm tra, giám sát đào tạo nghề
Việc đánh giá đào tạo và sau đào tạo là một việc làm hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc tồn tại và phát triển của một đơn vị thực hiện đào tạo, nhất là đối với các đơn vị đào tạo nghề.
Đối với hoạt động đào tạo nghề hiện nay Bộ LĐTBXH đã ban hành một số tiêu chí để đánh giá, giám sát đào tạo và sau đào tạo. Quy định này đã thể hiện tương đối rõ vai trò của từng cấp, từng ngành trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo và sau đào tạo đối với những đơn vị thực hiện đào tạo nghề. Trong đó có đánh giá từ hoạt động của BCĐ công tác đào tạo nghề, đánh giá công tác đào tạo nghề của cơ sở đào tạo và đánh giá, theo dõi hoạt động của học viên sau đào tạo nghề.
Thường xuyên có mối quan hệ mật thiết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong hoạt động đánh giá chất lượng đào tạo của người lao động; cũng như việc phối hợp với cơ sở sản xuất để thực hiện việc đánh giá điều chỉnh chương trình đào tạo, là nơi thực hành cho học viên (Ngô Phan Anh Tuấn, 2012).