Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP Ở CẤP HUYỆN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.6. Nội dung quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp ở cấp huyện
a. Quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt
Luật đất đai 2013 bổ sung mới một số điều so với Luật đất đai 2003 liên quan đến quản lý nhà nước, sử dụng đất đai như: Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất; Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện… Ngoài ra, Luật đất đai 2013 bổ sung một số nội dung so với Luật đất đai 2003 về quản lý nhà nước về đất đai nói chung và quản lý nhà nước sử dụng đất phi nông nghiệp nói riêng.
Đây là việc UBND cấp huyện triển khai văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng đất đai các quy định mới, bổ sung về quản lý việc sử dụng đất phi nông nghiệp cơ quan phụ trách quản lý đất đai và người sử dụng đất đai biết và thực hiện. Đồng thời, cơ quan phụ trách quản lý đất đai cấp huyện đó là Phòng TNMT tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt. (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2014b).
Quy hoạch sử dụng đất chính là công việc của tất cả các cơ quan quản lý đất đai và các tổ chức, cá nhân sử dụng đất của Nhà nước. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt là căn cứ, là điều kiện bắt buộc để thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
b. Ban hành các văn bản quản lý, sử dụng đất theo thẩm quyền
Căn cứ vào Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về đất phi nông nghiệp; Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn, UBND cấp huyện xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. (Quốc hội, 2013)
UBND cấp huyện ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng đất theo thẩm quyền như: Quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn và quản lý hồ sơ địa chính, thông kê đất hàng năm, thực hiện quản lý tại chính về đất theo giá đất đã được phê duyệt (Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ, 2014).
1.1.6.2. Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp a. Phổ biến, giáo dục pháp luật và công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng đất đai
Trong lĩnh vực đất đai thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của mọi thành viên trong xã hội, nhất là lĩnh vực đất đai khi nó gắn liền với tất cả các tổ chức, cá nhân.
Phòng Tư pháp tham mưu cho UBND cấp huyện xây dựng và ban hành Kế hoạch về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm.
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Chuyên mục PBGDPL được thực hiện thường xuyên, liên tục trên Đài Truyền thanh cấp huyện với tần suất 01 số/tuần. Ngoài ra trong những đợt cao điểm, Đài TT-TH cấp huyện đã nâng tần suất tuyên truyền các văn bản pháp luật trọng tâm, trọng điểm nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhóm văn bản pháp luật đến đối tượng cần tác động.
Công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng đất đai là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng được quy định tại Quyết định số 312/QĐ-TTCP ngày 04/5/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ về “phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh năm 2019”. Các nội dung công khai minh bạch trong lĩnh vực đất đai gồm:
(Thanh tra Chính phủ, 2020)
1. Nội dung công khai số 1: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoáng sản trên địa bàn thị xã.
2. Nội dung công khai số 2: Kế hoạch, kết quả giao đất, cho thuê đất.
3. Nội dung công khai số 3: Kế hoạch, kết quả thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
4. Nội dung công khai số 4: Kế hoạch, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản.
5. Nội dung công khai số 5: Các khoản thu ngân sách từ đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện là cơ quan trực tiếp tham mưu UBND cấp huyện thực hiện các nội dung trên. Việc công khai phải được đăng tải trên Công thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
b. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động tới việc tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng nhất để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, mà theo quy định của Luật đất đai, việc giao đất, cho thuê đất chỉ được thực hiện khi có quyết định thu hồi đất đó của người đang sử dụng; (2) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ đó tác động tới giá đất tính bồi thường. (Tôn Gia Huyên, 2007)
UBND cấp huyện thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, thu hồi và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải đảm bảo đúng theo quy hoạch, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phòng TNMT là cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức thực hiện các nội dung trên.
Hiện nay, Nhà nước ta đang áp dụng hình thức giao đất có thu tiền và không thu tiền, giao đất sử dụng có thời hạn và đất sử dụng lâu dài. Trong đó giao đất có thu tiền có thể thu theo giá Nhà nước quy định hoặc thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất áp dụng cho các đối tượng sau: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở; hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất áp dụng cho các đối tượng sau: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nuôi trồng thủy sản, làm muối được Nhà nước giao đất trong hạn mức quy định; Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp. (Chính phủ, 2014b)
Chuyển mục đích sử dụng đất là việc Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng từ loại đất này sang mục đích sử dụng loại đất khác. Nhà nước cho phép người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất khi đáp ứng đủ với các điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (Quốc hội, 2013)
Tại Điều 56 Luật đất đai 2013, cho thuê đất được quy định như sau:
1. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây: (Quốc hội, 2013)
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
- Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định;
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;
- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;
- Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.
2. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. (Quốc hội, 2013)
Luật Đất đai năm 2013 đã đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người có đất bị thu hồi thông qua cơ chế bồi thường bằng đất, bằng tiền, quy định hỗ trợ ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư, nâng mức bồi thường đất nông nghiệp, chú trọng hỗ trợ chuyển đổi đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ giúp người dân được tham gia trực tiếp bàn bạc những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. (Chính phủ, 2014c)
c. Quản lý tài chính về đất đai
Quản lý tài chính về đất đai được thực hiện theo nguyên tắc tài chính của Nhà nước. Chính sách giá đất thời gian qua liên tục điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai, từng bước phát huy nguồn lực này cho phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở để giải quyết tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đồng thời góp phần hạn chế tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất. UBND tỉnh quy định giá đất hàng năm.
Căn cứ vào giá đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện quản lý tài chính về đất đai và việc thực hiện giá đất.
Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai bao gồm quản lý giá đất và các nguồn thu ngân sách từ đất (Chính phủ, 2014d). Phòng TNMT là cơ quan trực tiếp thực hiện áp dụng giá đất trong việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi, bồi thường về đất; Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan trực tiếp tổng hợp các nguồn thu ngân sách từ thu tiền sử dụng đất hàng năm.
1.1.6.3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp là thanh tra, kiểm tra toàn bộ quy trình quản lý đất đai về sử dụng đất phi nông nghiệp:
Từ khâu quy hoạch, kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai bao gồm 2 nội dung chính: 1- Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai như: các quy định về quy hạch, kế hoạch sử đất, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; 2- Giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng đất phi nông nghiệp nói riêng và việc quản lý sử dụng đất đai nói chung.
* Cơ quan thực hiện ở cấp huyện:
- Cơ quan Thanh tra là cơ quan được giao phụ trách trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật nói chung cũng như việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai nói riêng đối với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị xã thuộc ngân sách cấp huyện.
- Cơ quan Thanh tra cấp huyện thanh tra, kiểm tra trực tiếp Phòng TNMT, UBND cấp xã từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp đã được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện sử dụng đất phi nông nghiệp.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai.
* Các căn cứ thực hiện:
Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; Thông tư số 01/2014/TT- TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thông tư liên tịch 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 08 năm 2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tổ chức thực hiện:
Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thanh tra hằng năm phải được Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt; ngoài ra, cơ quan Thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện. (Thanh tra chính phủ, 214)
Việc kiểm tra của Phòng TNMT là việc kiểm tra thường xuyên đối với UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chưng và sử dụng đất nông nghiệp nói riêng.
* Chế tài đối với các sai phạm:
Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.
Theo đó: (Chính phủ, 2015)
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra:
+ Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm: Chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra; Xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; Xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm; Khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật (Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7). (Chính phủ, 2015)
+ Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm: Quyết định, yêu cầu, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 8, Điều 9). (Chính phủ, 2015)
+ Đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm, khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật; Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 ). (Chính phủ, 2015)
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm: Thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; Xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra (Điều 15, Điều 16). (Chính phủ, 2015)
- Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi tập hợp các thông tin liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra. Sau 45 ngày theo dõi, nếu nhận thấy việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa hoàn thành, Thủ trưởng cơ quan thanh tra quyết định tiến hành đôn đốc thực hiện, hoạt động này được tiến hành trong thời hạn 25 ngày. Nếu việc thực hiện kết luận thanh tra vẫn chưa hoàn thành, tiến hành kiểm tra theo quy định tại Nghị định này, thời gian kiểm tra tối đa là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kiểm tra. Nếu nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì thời hạn kiểm tra là 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu kiểm tra. (Chính phủ, 2015)