Chương 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
Luận văn sử dụng phương pháp điều tra số liệu thứ cấp: thu thập và xử lý các nguồn tài liệu, số liệu sẵn có tại các phòng ban của thị xã Phổ Yên về đất đai, thu nhập, về dân số, lao động, việc làm...
- Thu thập các tài liệu, số liệu về thực trạng quản lý và sử dụng đất phi nông nghiệp của thị xã Phổ Yên tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thống kế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng và quản lý dự án và Thanh tra thị xã Phổ Yên.
- Thu thập các số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phổ Yên tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, báo cáo kinh tế xã hội của thị xã qua các năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thị xã từ năm 2017 đến tháng 6/2020.
2.2.1.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
Trong luận văn, tác giả tiến hành điều tra thông tin sơ cấp nhằm có những đánh giá thực trạng quản lý Nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm đất khu công nghiệp và đất khu dân cư trên địa bàn thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 đến tháng 5/2020. Cụ thể:
Nhóm 1:
Đối tượng điều tra: Là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc và công chức chuyên môn tại phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phổ Yên.
Nội dung điều tra: Các nội dung liên quan đến công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch trong công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp (gồm đất khu công nghiệp và đất khu dân cư) trên địa bàn thị xã Phổ Yên giai đoạn 2017-2020 (đến tháng 5/2020).
Cách lựa chọn đối tượng điều tra:
- Đối tượng 1: Toàn bộ công chức thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, là người trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất phi nông nghiệp nói riêng.
- Đối tượng 2: Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND thị xã Phổ Yên bao gồm trưởng phòng và các phó trưởng phòng. Tổng số các phòng ban, chuyên môn trực thuộc UBND thị xã Phổ Yên là 18 (gồm Phòng TNMT, Phòng TCKH, Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế, Ban Quản lý dự án, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Y tế, Phòng Lao động TBXH, Phòng Tư pháp, Thanh tra thị xã, Phòng Dân tộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng HĐND-UBND, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm thể thao và truyền thông, Đội quản lý trật tự đô thị và giao thông, Ban quản lý môi trường, Ban Bồi thường GPMB và quản lý dự án).
Phương pháp chọn mẫu:
- Phương pháp chọn đối tượng 1: Toàn bộ công chức có mặt tại thời điểm tháng 4/2020. Tính đến tháng 4/2020, tổng số công chức phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã là 04 người.
- Phương pháp chọn mẫu đối tượng 2: Toàn bộ các trưởng phòng, phó trưởng phòng của 18 phòng ban chuyên môn trực thuộc thị xã Phổ Yên tại thời điểm tháng 4/2020. Tổng số các trưởng phòng, phó trưởng phòng của 18 phòng ban chuyên môn trực thuộc thị xã Phổ Yên tại thời điểm tháng 4/2020 là 36 người.
Số lượng mẫu điều tra: Tổng số mẫu điều tra là 40 mẫu.
Thời điểm điểu tra: Tháng 5 năm 2020
Cách phát phiếu điều tra: Tác giả đến gặp và phát trực tiếp cho các đối tượng điều tra các phiếu điều tra.
Nhóm 2:
Đối tượng điều tra: Là người dân tại khu dân cư và người dân bị mất đất khi thực hiện dự án khu công nghiệp.
Nội dung điều tra: các nội dung liên quan đến việc thực hiện kế hoạch và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch về quản lý nhà nước về sử dụng đất khu công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn thị xã Phổ Yên từ năm 2017 đến tháng 5 năm 2020.
Cách lựa chọn đối tượng điều tra:
- Điều tra 20 hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án các khu công nghiệp trong giai đoạn 2017 đến tháng 5/2020.
- Điều tra 20 hộ dân thuộc các khu dân cư đã ban giao mặt bằng giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 5/2020. Trong đó:
+ Điều tra 10 hộ dân thuộc các khu dân cư nông thôn.
+ Điều tra 10 hộ dân thuộc các khu dân cư đô thị.
Phương pháp chọn mẫu điều tra:
- Trong giai đoạn 2017-2020, tác giả lựa chọn 04 dự án khu công nghiệp có quy mô lớn nhất; mỗi dự án khu công nghiệp tác giả lựa chọn ngẫu nhiên 05 đối tượng thuộc diện thu hồi đất.
- Trong giai đoạn 2017-2020, tác giả lựa chọn 02 dự án khu dân cư đô thị và 02 khu dân cư nông thôn có quy mô lớn nhất đã hoàn thành; mỗi dự án tác giả lựa chọn ngẫu nhiên 05 đối tượng thuộc diện có đất trong khu dân cư đã được bàn giao mặt bằng.
Số lượng mẫu điều tra: Tổng số mẫu điều tra là 40 mẫu.
Cách phát phiếu điều tra: Tác giả đến gặp trực tiếp cho các đối tượng điều tra, hỏi các đối tượng điều tra các nội dung trong phiếu điều tra đã xây dựng.
Cấu trúc bảng hỏi: Gồm các câu hỏi liên quan đến công tác thực trạng quản lý Nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm đất khu công nghiệp và đất khu dân cư trên địa bàn thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 5/2020. Bảng hỏi sử dụng câu hỏi đóng; chia làm 4 phần chính:
- Phần 1: liên quan đến các nội dung minh bạch. Có 05 mức độ đánh giá cụ thể: Rất tốt, tốt, khá, trung bình và yếu.
- Phần 2: liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiêp đối với đất khu công nghiệp và đất khu dân cư. Có 05 mức độ đánh giá cụ thể: Rất hài lòng, Hài lòng, Bình thường, Không hài lòng và Rất không hài lòng.
- Phần 3: đánh giá chung về khu công nghiệp và khu dân cư bao gồm tính thiết thực của dự án và việc xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường.
- Phần 4: liên quan đến yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn.
2.2.2. Phương pháp tổng hợp và xử lý thông tin số liệu
Sau khi thu thập thông tin, tác giả tiến hành tổng hợp, thống nhất toàn bộ nội dung, các nhận xét từ đó tìm ra mối quan hệ giữa thông tin thông qua việc lập các biểu đồ cột, hình tròn, bảng thống kê số liệu bằng cách sử dụng các phần mềm excel, word, máy tính… Các số liệu sau khi được xử lý, sắp xếp một cách hợp lý để việc phân tích dữ liệu được hệ thống thuận lợi và đạt được hiệu quả cao nhất.
Tổng hợp là phương pháp đặt những sự vật, hiện tượng đơn lẻ từ kết quả phân tích, so sánh trong một mối quan hệ tổng thể, thống nhất. Qua đó, rút ra giá trị cốt lõi của vấn đề cần nghiên cứu từ đó có thể đưa ra được những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề cần nghiên cứu.
2.2.3. Phương pháp phân tích thông tin số liệu 2.2.3.1. Phương pháp thống kê, mô tả
Phương pháp này được sử dụng trong việc chọn mẫu, điều tra, tổng hợp và phân tích dữ liệu thu thập được trên cơ sở đó tìm ra được bản chất của vấn đề nghiên cứu.
Trong luận văn này phương pháp thông kê, mô tả được dùng để mô tả thực trạng tình hình quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phổ Yên giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 5/2020: hệ thống hóa bằng tính toán các chỉ tiêu tổng hợp về số tuyệt đối, tương đối, số bình quân, cơ cấu, tỷ lệ… để phân tích tình hình biến động của hiện tượng theo thời gian. Từ đó thấy được sự biến đổi về chất và về lượng của vấn đề nghiên cứu để rút ra bản chất, tính quy luật, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp khoa học.
2.2.3.2. Phương pháp so sánh
Là đối chiếu các chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế đã được lượng hóa có cùng nội dung, tính chất để xác định xu hướng biến động của nó trên cơ sở đánh giá thông qua tính toán các tỷ số, so sánh thông tin từ các nguồn khác nhau ở các thời gian và không gian khác nhau, chỉ ra các mặt ổn định hay không ổn định, phát triển hay không phát triển, hiệu quả hay không hiệu quả để tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi vấn đề.
2.2.3.3. Phương pháp bảng biểu, đồ thị
Đồ thị là phương pháp mô hình hóa thông tin từ dạng số sang dạng đồ thị.
Trong luận văn sẽ sử dụng đồ thị, bảng biểu để trình bày các kết quả nghiên cứu và phục vụ việc phân tích thông tin đối với quản lý nhà nước về sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phổ Yên.