1.1. Những vấn đề lý luận cơ bản về bảo đảm quyền có người bào chữa 16
1.1.2. Nền tảng pháp lý của quyền có người bào chữa 23
Xét về bản chất của TTHS, các hoạt động cáo buộc của Nhà nước đối với cá nhân người bị buộc tội luôn thể hiện sự không cân bằng. Chính vì vậy, người bị buộc tội phải được trang bị những quyền pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Công việc này, hiểu theo một nghĩa rộng, không chỉ đơn thuần là bảo đảm quyền lợi cho người bị buộc tội mà còn bảo đảm tính khách quan và công bằng trong quá trình TTHS. Đây là cặp phạm trù giữa cái chung và cái cụ thể. Do đó, bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói chung và bảo đảm quyền có NBC nói riêng cần phải dựa trên nền tảng về sự công bằng giữa các bên trong TTHS. Những kiến thức về TTHS cho thấy quyền có NBC được ghi nhận dựa trên học thuyết về thủ tục công bằng (Due process of law) và nguyên tắc xét xử công bằng (Right to fair trial). Những nội dung được trình bày dưới đây nhằm làm sáng tỏ mối liên hệ giữa những học thuyết cơ bản trong TTHS với sự hình thành quyền có NBC. Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của những nền tảng pháp lý trong việc bảo đảm quyền có NBC.
1.1.2.1. Tố tụng công bằng (Due Process of Law)
Trong hầu hết pháp luật của mỗi quốc gia, chúng ta dễ dàng nhận thấy thuật ngữ về quyền hoặc nguyên tắc ‘xét xử công bằng’ (‘Fair Trial Right’) với một nội dung đầy đủ là quyền pháp lý cơ bản của công dân được đảm bảo xét xử công bằng khi tham gia tố tụng. Về mặt nguồn gốc, quyền này đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử pháp luật thế giới và gắn liền với học thuyết về ‘tố tụng công bằng’ (Due Process of Law). Vào thời điểm xuất hiện, khái niệm về ‘tố tụng công bằng’ chỉ được hiểu đơn thuần là những tư tưởng tiến bộ nhằm bảo vệ quyền con người trước những quy định, thủ tục hà khắc của pháp luật. Tuy nhiên, ngày nay, nội dung cơ bản nhất của
‘tố tụng công bằng’ đã được thừa nhận và tiếp tục phát triển không chỉ trong giới học giả mà còn được ghi nhận trong quan điểm lập pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc tìm hiểu nguồn gốc về ‘tố tụng công bằng’ sẽ cho chúng ta thấy
24
rõ hơn tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc bảo đảm quyền công dân - một bảo đảm pháp lý cơ bản về quyền của con người nói chung và quyền của người bị buộc tội nói riêng.
Những biểu hiện ban đầu về nguyên tắc tố tụng công bằng cũng được tìm thấy trong Đạo luật 12 điều ( the Law of the Twelve Tables).32 Đạo luật này được coi là văn bản luật thành văn đầu tiên của Cộng hòa La Mã cổ đại, ra đời vào khoảng năm 455 trước công nguyên. Sự ra đời của Đạo luật này được xem là kết quả của cuộc đấu tranh đòi sự công bằng về quyền lợi của một số ít người dân thuộc tầng lớp trung lưu trước những bất công của tầng lớp quý tộc vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.
Nội dung của Đạo luật được quy định ở 12 Điều khoản (12 Tables), đề cập chủ yếu đến việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trước pháp luật, trong đó nhấn mạnh đến quyền được công bằng trong xét xử quy định tại Table 2 (1); nguyên tắc công bằng giữa công dân quy định tại Table 9 (1); nguyên tắc nghiêm cấm mọi hành vi hối lộ cho cơ quan xét xử quy định tại Table 9 (3). Ở khía cạnh vụ việc hình sự, Đạo luật đã ghi nhận sự công bằng giữa các bên đối trọng tham gia tố tụng. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội, Table 1 của Đạo luật có nêu: ”Nếu một người bị cáo buộc về một tội phạm nào đó, thì không chỉ họ mà cả người cáo buộc đều phải có mặt trước phiên tòa xét xử.” Bên cạnh đó, Table 9 cũng đưa ra những nguyên tắc trừng phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng của những người tham gia xét xử vụ việc, cụ thể là, hình phạt tử hình có thể được áp dụng cho thẩm phán nếu anh nhận hối lộ để tuyên vô tội đối với một hành vi phạm tội (Table 9.4); hay nghiêm cấm mọi hành vi áp dụng hình phạt tử hình đối với người có thể không bị buộc tội (Table 9.6).
Có thể nói, Đạo luật trên được coi là dấu hiệu pháp lý đầu tiên ghi nhận về Tố tụng công bằng. Mặc dù những quy định của Đạo luật còn chưa toàn diện và ít được nhắc đến, tuy nhiên những tư tưởng của Đạo luật đã được tiếp thu và phát triển
32 Patrick Robinson, The Right to a Fair Trial in International Law, with Specific Reference to the Work of the ICTY, Berkeley Journal of International Law (BJIL), Vol.3, Fall 2009,
<http://bjil.typepad.com/publicist/2010/01/the-right-to-a-fair-trial-in-international-law-with-specific- reference-to-the-work-of-the-icty.html#_ednref8>.
25
trong pháp luật hiện đại,33 và cho thấy những quan điểm tiến bộ trong vấn đề bảo đảm quyền công dân trước pháp luật nói chung và bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói riêng. Ở thời điểm này, quyền bào chữa của người bị buộc tội chưa được đề cập. Tuy nhiên, những yếu tố nền tảng về một thủ tục tố tụng công bằng chính là cơ sở cho sự phát triển sau này trong việc bảo đảm quyền của người bị buộc tội, trong đó có quyền bào chữa. Những dấu hiệu tương tự liên quan tới tố tụng công bằng cũng được tìm thấy ở trong pháp luật những nước Châu Âu lục địa sau này. Tuyên ngôn của Pháp về quyền con người và công dân năm 1789 và Bộ luật Napoleon năm 1808 đã ghi nhận rằng bị cáo được bảo đảm quyền suy đoán vô tội và cần phải có người đại diện bảo vệ trước tòa án. Tinh thần của quy định này đã lan truyền và gây ảnh hưởng tới những bộ luật của nhiều quốc gia theo hệ thống Dân luật khác ở Châu Âu.
Tương tự, khái niệm về tố tụng công bằng được bắt nguồn từ rất sớm trong pháp luật của Anh. Năm 1215, Vua John đã buộc phải ghi nhận trong Bản Hiến Chương Magna Carta34 như sau: “Không ai bị bỏ tù hoặc bị tước đoạt về tài sản, sự tự do hoặc bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị đày ải hay bất cứ sự trừng phạt nào, trừ khi có quyết định theo đúng trình tự được quy định bởi pháp luật trên lãnh thổ.”
Bản Hiến chương Magna Carta ngay tức khắc đã trở thành một phần của pháp luật của vương quốc Anh. Tuy nhiên, nó chỉ đơn thuần đòi hỏi chế độ quân chủ phải tuân thủ pháp luật quốc gia. Năm 1354, dưới thời kỳ trị vì của vua Edward III, cụm từ tố tụng công bằng lần đầu tiên xuất hiện trong một ấn bản của Hiến chương Magna Carta. Cụm từ này được dùng để giải thích sự bảo đảm dựa trên nội dung:
“Không ai bị tước đoạt quyền sống, quyền thừa kế, quyền có nhà ở mà thiếu vắng sự bảo đảm bởi một trình tự tố tụng công bằng.”
Có thể nói, nội dung cơ bản trong cả hai văn bản pháp lý nói trên (Đạo luật 12 Điều và Hiến chương Magna Carta) đều nhấn mạnh tố tụng công bằng là một yêu
33 Ngày nay, những nguyên tắc của Đạo luật có thể được tìm thấy trong các văn bản pháp lý quy định vể các quyền tố tụng cơ bản, ví dụ : quyền được xét xử, quyền được tự bào chữa, quyền được xét xử bởi một phiên tòa độc lập là công bằng.
34 Magna Carta là văn bản ghi nhận quyền chính trị và pháp lý của người dân Anh, đồng thời cũng là văn bản đầu tiên giới hạn quyền lực của vua Anh.
26
cầu cần thiết trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người bị buộc tội nói riêng. Đây được coi là bảo đảm pháp lý đầu tiên của quyền có NBC của người bị buộc tội.
Ở góc độ lý luận, nguồn gốc về tố tụng công bằng đã được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng để tiếp tục khẳng định ý nghĩa của một thủ tục công bằng trong việc bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói chung và quyền có NBC nói riêng.
Năm 1608, một học giả người Anh là Edward Coke đã thể hiện quan điểm của mình về nội dung của Bản Hiến chương Magna Carta trong một bài xã luận. Coke cho rằng: “Sẽ thiếu vắng câu trả lời nếu mọi thứ không được bảo đảm bởi một thủ tục công bằng do nhà nước ban hành.”35 Bên cạnh đó, Coke đã chỉ ra một chuỗi những quyền phổ biến của công dân trong cuộc sống của họ, trong đó có các quyền tố tụng.36 Trong suốt thời kỳ lịch sử này, ở Anh đã có nhiều quy định ghi nhận những luật lệ khác nhau liên quan đến “tố tụng công bằng” hoặc “pháp luật của lãnh thổ”, tuy nhiên chúng chỉ đơn thuần mang tính hình thức mà ít có giá trị áp dụng.37
Sau Edward Coke, một học giả khác người Mỹ là Herbert Baker cũng đã cụ thể hóa khái niệm về tố tụng công bằng qua việc nhìn nhận mục đích của nó trong quá trình chứng minh tội phạm. H. Packer nhìn nhận cách thức chi phối nền tư pháp hình sự được đánh giá qua hai mô hình nền tảng, đó là: mô hình kiểm sóat tội phạm (Crime Control Model) và mô hình Tố tụng công bằng (Due process Model). Mô hình kiểm soát tội phạm được dựa trên luận điểm cho rằng việc chấn áp các hành vi phạm tội là chức năng cơ bản của tố tụng hình sự.38 Mô hình này được thiết lập để bảo vệ quyền lợi của công dân bằng cách đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật và những chế tài hình sự. Theo đó, người cảnh sát đóng vai trò trọng yếu trong việc xác định sự phạm tội và những tiến trình tô tụng tiếp theo cần được giảm thiểu càng nhiều càng tốt. Công cụ pháp lý trong mô hình tố tụng này là một thủ tục hành chính nhằm xem xét, tìm hiểu sự thật của vụ án cũng như chứng minh sự phạm tội.
35 Richard Clayton, Hugh Tomlinson, Fair Trial Rights, Oxford University Press, 2006, tr. 26.
36 Tlđd.,
37 Ronald Banaszak, chú thích 7.
38 Herbert Packer, The Limit of the Criminal Sanction, Stanford University Press, 1968, tr. 158-159.
27
Ngược lại, mô hình tố tụng công bằng dựa trên nền tảng của sự bình đẳng, khách quan. Các chủ thể khi tham gia tố tụng đều được bảo vệ quyền lợi như nhau nếu họ có cùng tư cách tố tụng. Mô hình này được thiết lập nhằm bảo vệ quyền của người bị buộc tội bằng cách hạn chế những thủ tục hà khắc trong tiến trình tố tụng.39 Theo đó, một người chỉ có thể bị coi là phạm tội khi sự thật được chứng minh một cách rõ ràng theo pháp luật bằng một tòa án có thẩm quyền. Trong mô hình tố tụng này, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò quyết định. Quan điểm này của Packer nhằm nhấn mạnh nội dung của Tu chính án thứ mười bốn của Hiến pháp Mỹ: "không ai bị tước đoạt cuộc sống và sự tự do mà mà thiếu thủ tục công bằng."
Có thể nói, những quan điểm trên đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển khái niệm về tố tụng công bằng. Ngay từ ban đầu, tố tụng công bằng là nhằm nhấn mạnh cách thức xây dựng những thủ tục hợp lý như là công cụ bảo đảm quyền con người. Tính công bằng của tiến trình pháp lý có ý nghĩa đặc biệt trong một vụ án hình sự và ảnh hưởng của ý tưởng về thủ tục pháp lý trong các vụ án hình sự là rõ ràng. Điều này lý giải yêu cầu có được một sự cân bằng hợp lý giữa các bên khi giải quyết vụ án; đồng thời liên quan đến việc bảo vệ các quyền của người bị buộc tội, bao gồm quyền có NBC.
Những quan điểm đại diện của hệ thống Thông luật cho chúng ta thấy tố tụng công bằng là bảo đảm đầu tiên bảo vệ quyền của người bị buộc tội. Bảo đảm này cũng chính là nền tảng của một phiên tòa tranh tụng, nơi coi trọng vai trò chủ động của NBC.40 Hình thức về phiên tòa tranh tụng công bằng không chỉ là đặc trưng của các nước có truyền thống tố tụng đối tụng mà còn là định hướng trong rất nhiều hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa với mô hình tố tụng thẩm vấn.41 Đã từ lâu, yêu cầu
39 Herbert Packer, Tlđd., tr. 163-164.
40 Norman Dorsen, Michel Rosenfeld, Andra Sajo, Susanne Baer, Comparative Constitutionalism – Cases and Materials, Thomson West, 2003, tr. 1050.
41 Khía cạnh hình thức của một phiên tòa tranh tụng được đề cập ở nhiều bản án của Tòa án Châu Âu về quyền con người. Xem: Norman Dorsen, Michel Rosenfeld, Andra Sajo, Susanne Baer, chú thích 40, tr.
1051; Malgorzata Wasek-Wiaderek, The principle of “equality arms” in criminal procedure under Article 6 of the European Convention on Human rights and its functions in criminal justice of selected European Countries- A comparative view, Leuven University Press, 2000, tr. 11.
28
về tố tụng công bằng là một tiêu chí cốt lõi trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật TTHS nói chung bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói riêng. Một điều hiển nhiên, tố tụng công bằng luôn đi đôi và gắn liền với nguyên tắc xét xử công bằng.
Mối liên hệ này cho thấy, để bảo đảm các quyền tố tụng của người bị buộc tội, bao gồm quyền có NBC, trước hết phải có một thủ tục tố tụng công bằng, nơi mà những quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ án được xem xét một cách khách quan và chính xác.
1.1.2.2. Nguyên tắc xét xử công bằng (Principle of the Right to Fair Trial)
Qua những phân tích ở phần trên, nội dung nền tảng của lý thuyết về due process of law chính là sự công bằng. Tính công bằng biểu đạt hai nội dung: (1) là mọi thủ tục tố tụng được tiến hành công bằng, và (2) các bên trong quá trình tố tụng phải được đối xử công bằng. Ở phía người bị buộc tội, sự công bằng đòi hỏi trước hết từ trách nhiệm của những người có thẩm quyền đưa ra các phán quyết, cụ thể là tòa án. Theo đó Nguyên tắc xét xử công bằng được xem là một công cụ bảo vệ quyền lợi của cá nhân trước sự chuyên quyền của Nhà nước.
Ở khía cạnh lịch sử, quyền được xét xử công bằng có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm về tố tụng công bằng được ghi nhận từ rất lâu trong Hiến chương Magna Carta vào năm 1215.42 Ở phương diện lý luận, nguyên tắc (quyền) được xét cử công bằng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Về mặt hình thức, tác giả Stefan Trechsel cho rằng việc đảm bảo quyền xét xử công bằng tức là bảo đảm một ‘thủ tục công bằng’ hơn là sự mong mỏi một ‘kết quả công bằng’, giống như việc đưa ra một quyết định hay phán quyết phải dựa trên sự thật khách quan và sự tuân thủ pháp luật.43 Tương tự, quan điểm của các nhà làm luật ở Anh cho rằng, quyền được xét xử công bằng bao gồm nhiều yếu tố tập trung chủ yếu trên những tiêu chí sau: phiên tòa độc lập và công bằng, bản án của Tòa án phải là kết quả dựa trên sự xem xét công khai với những lý lẽ thuyết phục trong khoảng thời gian hợp lý.44 Về mặt nội dung, quyền được xét xử công bằng được nhìn nhận là một điều kiện để bảo vệ chân
42 Salvatore Zappalà, Human Rights in International Criminal Proceedings, Oxford, 2005, tr. 3.
43 Stefan Trechsel, chú thích 31, tr. 83.
44 Richard Clayton, Hugh Tomlinson, chú thích 35, tr. 26.
29
lý khách quan. Đại diện cho quan điểm này, tác giả Danny J. Boggs cho rằng: “yếu tố xác định sự khách quan, không thiên vị của người thẩm phán thể hiện trong việc xem xét toàn diện những chứng cứ liên quan và loại bỏ những chứng cứ không liên quan nhằm mục đích thúc đẩy những cơ hội để đi đến một kết luận phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.”45 Như vậy, hiểu một nghĩa chung nhất, để bảo đảm quyền được xét xử công bằng được thực thi trên thực tế, cơ quan xét xử phải độc lập và công bằng. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên sẽ không có sự công bằng.
Yếu tố độc lập có nghĩa là tòa án và thẩm phán không lệ thuộc vào bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào của cơ quan nhà nước.46 Đồng thời, sự công bằng được hiểu là sự xem xét thấu đáo các tình tiết của vụ án cũng như những quy định của pháp luật có liên quan,47 và thẩm phán không được có định kiến đối với các bên tham gia tố tụng.48
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, bảo đảm nguyên tắc quyền được xét xử công bằng là cơ sở vững chắc trong việc bảo đảm quyền có NBC. Năm 1993, M. Cherif Bassiouni49 đã chỉ ra trong một nghiên cứu của mình rằng có không dưới 38 bản Hiến pháp có những quy định bảo vệ quyền được xét xử công bằng với một phiên tòa công khai trong các vụ án hình sự. Tuy nhiên, tác giả này cũng nhận ra rằng có nhiều bản Hiến pháp khác mặc dù không quy định trong một điều luật cụ thể nhưng vẫn hàm chứa quan điểm có thể được giải thích như là một đảm bảo đối với một quyền tương tự. Trong hầu hết các bản Hiến pháp, đều có những quy định đề cập đến quyền của người bị buộc tội trong các vụ án hình sự, chủ yếu các quy định về quyền bào chữa. Ví dụ, có 7 bản Hiến pháp ghi nhận những đảm bảo cần thiết cho quyền bào chữa. Từ đó, Cherif cho rằng quyền bào chữa có mối liên hệ mật thiết với quyền được xét xử công bằng và luôn được áp dụng chung với quyền này để
45 Danny J. Boggs, The Right to a Fair Trial, U.Chi. Legal F.1, 4 (1998). Trích dẫn bởi Norman Dorsen, Michel Rosenfeld, Andras Sajo, Susanne Baer, chú thích 40, tr. 1050.
46 Stefan Trechsel, chú thích 31, tr. 49.
47 Tlđd.,
48 Tlđd.,
49 M. Cherif Bassiouni, Human Rights in the Context of Criminal Justice: Identifying International Procedure Protection and Equivalent Protection in National Constitutions, 3 Duke J. Comtrang&Int’l. L.235 (1993), tr. 267-68.