Bất cập của quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền và so sánh với huỷ bỏ hợp đồng

Một phần của tài liệu Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp Đồng Ủy quyền theo quy Định của bộ luật dân sự năm 2015 (Trang 46 - 59)

CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

2.1. Bất cập của quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

2.1.1. Bất cập của quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền và so sánh với huỷ bỏ hợp đồng

Theo quy định tại điều 569 BLDS, các bên đều có quyền được đơn phương chấm dứt bất cứ lúc nào, cho thấy biện pháp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền dường như được nhà làm luật cho phép các bên có thể sử dụng “tuỳ thích”. Nội hàm của quy phạm đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền cho phép một bên được quyền đơn phương “bất cứ lúc nào”, tức là quyền hạn đơn phương được trao cho các bên trong hợp đồng uỷ quyền rất lớn. “Bất cứ lúc nào” được hiểu là thời điểm không cần phải xác định trước, miễn là trong quá trình thực hiện hợp đồng uỷ quyền. Tuy nhiên, “bất cứ lúc nào” cũng có thể được hiểu rộng ra hơn nữa, bao gồm cả trước khi hợp đồng có hiệu lực và sau khi hợp đồng hết hiệu lực. Chính vì vậy, dường như thuật ngữ “bất cứ lúc nào” được đặt để chưa được chuẩn xác trong quy định này.

Quy định này còn cho thấy, nhà làm luật đang muốn cân bằng vị thế giữa bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền, nhưng sự cân bằng này dường như lại không thuyết phục về mặt lý luận. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào kỹ thuật lập pháp thì có thể nhận ra rằng, nhà làm luật đang ngầm hạn chế quyền đơn phương chấm dứt của bên được uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền có thù lao. Điều này thể hiện ở việc khi bên được uỷ quyền đơn phương chấm dứt thì lại không có quy định “được yêu cầu thanh toán thù lao tương ứng với công việc đã thực hiện”121. Trong khi đó, nếu trường hợp uỷ quyền có thù lao mà bên uỷ quyền đơn phương chấm dứt thì phải thanh toán thù lao tương ứng với công việc đã thực hiện cho bên được uỷ quyền122. Như vậy, trường hợp bên được uỷ quyền chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền thì có thể không được đòi quyền lợi về thù lao của mình. Tác giả cho rằng cách quy định này được xem là gián tiếp hạn chế quyền đơn phương chấm dứt của bên được uỷ quyền, đồng thời cho thấy nhà làm luật muốn nâng trách nhiệm của bên được uỷ quyền cao hơn.

121 Xem khoản 2 Điều 569 BLDS.

122 Xem khoản 1 Điều 569 BLDS.

Trên thực tế, bên uỷ quyền thường là bên đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền vì nhiều nguyên nhân như: bên được uỷ quyền thực hiện công việc không báo lại với bên uỷ quyền, chuyển nhượng tài sản không giao trả lại lợi ích cho bên uỷ quyền, thực hiện công việc quá thời hạn nhưng không mang lại kết quả như mong đợi…. Rất hiếm trường hợp bên được uỷ quyền chủ động đơn phương chấm dứt, chỉ là những trường hợp bên được uỷ quyền không có thẩm quyền hoặc không thể tiếp tục thực hiện công việc uỷ quyền, xin dẫn chứng bản án123: Công ty YV có thoả thuận bán cừ tràm cho công ty TTP. YV đã giao 7.530 cây cừ tràm với số tiền 420 triệu đồng nhưng TTP không trả đủ, còn nợ 250 triệu. Giám đốc Ban quản lý (gọi tắt là BQL) đã nhận việc uỷ quyền từ TTP. Do tin tưởng vào BQL nên YV đã tiếp tục chuyển thêm nhưng không thấy BQL trả tiền. Sau khi nhận uỷ quyền, BQL có công văn gửi Kho bạc nhưng không được Kho bạc chấp thuận nên BQL đã đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền. Tại bản án này, bên được uỷ quyền là Ban quản lý đã từ chối thực hiện công việc uỷ quyền khi biết được BQL không có thẩm quyền chi trả những khoản nợ của công ty TTP. Hướng giải quyết của Tòa án công nhận yêu cầu đơn phương chấm dứt của BQL là thuyết phục, bởi vì đối với những công trình thuộc hạng mục cần sự phê duyệt, nếu không có thẩm quyền thì không thể thực hiện, nên việc bên BQL yêu cầu đơn phương chấm dứt là phù hợp với quy định pháp luật.

Trong thực tiễn xét xử, rất ít các quyết định, bản án được Toà án xác định quan hệ tranh chấp là đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, thường chỉ là tranh chấp hợp đồng uỷ quyền. Mặt khác, nhận định và quyết định của Toà trong bản án thường dùng từ “huỷ hợp đồng uỷ quyền” nhưng lại căn cứ vào quy định tại Điều 569 BLDS. Điều này thường xuyên xảy ra, xin dẫn chứng các bản án sau124: Bà Y uỷ quyền ông T tham gia vụ kiện dân sự đòi nhà cho ở nhờ. Toà án nhận định do ông T vi phạm thời gian thực hiện và không đạt hiệu quả nên bà Y đã đơn phương yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền theo Điều 588 BLDS năm 2005 (Điều 569 BLDS năm 2015). Hay bản án tiếp theo125: Bà Q uỷ quyền cho ông A quản lý và cho thuê phòng trọ. Tuy nhiên, ông A không thực hiện đúng nội dung uỷ quyền, không giao nộp tiền quản lý nhà trọ nên bà Q gửi văn bản huỷ uỷ quyền cho ông A. Toà án

123 Bản án số 294/2020/DS-PT ngày 22/12/2020 về việc tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ uỷ quyền của TAND tỉnh Cà Mau.

124 Bản án số 304/2018/DS-PT ngày 22/3/2018 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Hồ Chí Minh.

125 Bản án số 100/2018/DS-PT ngày 17/5/2018 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

chấm dứt hợp đồng theo Điều 588 BLDS năm 2005 (Điều 569 BLDS năm 2015).

Một bản án khác nữa126: Bà N là trụ trì của Tịnh xá N.D. Khi bà N thấy tuổi đã cao nên bà N uỷ quyền cho bà G, bà H thay mặt quản lý, sử dụng, xây dựng cơ sở tôn giáo. Sau khi ký hợp đồng, bà G, bà H không thông báo bà N biết về việc xin giấy phép xây dựng, bản thiết kế, các hạng mục chi phí xây dựng. Vì vậy, bà N có gửi văn bản chấm dứt hợp đồng uỷ quyền với bà G, bà H. Toà án tuyên án huỷ hợp đồng uỷ quyền theo căn cứ Điều 569 BLDS năm 2015.

Nhận xét: Trong thực tiễn xét xử, nguyên đơn thường yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền và Toà án cũng không xác định lại đúng quan hệ tranh chấp là đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nhưng lại căn cứ vào Điều khoản 569 BLDS để ra phán quyết. Sự nhầm lẫn này lặp đi lặp lại trong nhiều bản án mà chưa có sự điều chỉnh, tuy rằng hai biện pháp này đều dẫn đến chấm dứt hợp đồng nhưng hậu quả pháp lý rất khác nhau. Khi xác lập hợp đồng uỷ quyền, các bên hướng đến hoàn thành công việc uỷ quyền, tuy nhiên, có những trường hợp, bên được uỷ quyền chỉ thực hiện được một phần công việc. Như vậy, nên công nhận những công việc đã được thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích của các bên. Biện pháp đơn phương chấm dứt là biện pháp phù hợp với bản chất đặc trưng của hợp đồng uỷ quyền. Những bản án được phân tích ở các phần sau cũng lặp lại sự nhầm lẫn về yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền nên khi trích dẫn các bản án mới, tác giả không nêu lại ý kiến về việc nhầm lẫn này.

Mặt khác, vẫn có Toà án xác định lại quan hệ tranh chấp là đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền mặc dù một bên yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền, xin dẫn chứng bản án127: Ông N uỷ quyền cho ông Đ thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ. Ông N không đọc nội dung uỷ quyền, khi kiểm tra mới phát hiện bao gồm quyền định đoạt phần đất. Vì vậy, ông N nhiều lần yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền. Tuy ông N yêu cầu huỷ hợp đồng nhưng Toà án nhận định đây là tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng nên đã tuyên chấm dứt hợp đồng uỷ quyền theo Điều 569 BLDS. Hoặc bản án khác128: Ông P uỷ quyền ông K thay mặt ông P nhận tiền bồi hoàn, nhận nền tái định cư và được quyền định đoạt, chuyển nhượng,… Sau đó, các bên xảy ra tranh chấp, ông P yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền. Toà án cho rằng ý chí của ông P là yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nên đã áp

126 Bản án số 79/2017/DS-PT ngày 21/7/2017 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu.

127 Bản án số 61/2022/DS-ST ngày 21/7/2022 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

128 Bản án số 15/2022/DS-PT ngày 24/01/2022 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Cần Thơ.

dụng Điều 569 BLDS. Tại các bản án này, Tòa án đã chủ động xác định lại đúng quan hệ tranh chấp giữa các bên, từ đó tuyên chấm dứt hợp đồng ủy quyền phù hợp và thuyết phục theo Điều 569 BLDS.

Trong thực tiễn, có trường hợp chính bị đơn yêu cầu xác nhận lại đúng quan hệ tranh chấp, cụ thể ở bản án129: Bà V uỷ quyền ông Q thực hiện các thủ tục để được cấp GCN QSDĐ. Sau đó, thửa đất bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên bà V khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền. Ông Q cho rằng toà án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật vì ông không vi phạm nghĩa vụ nên không phải quan hệ huỷ hợp đồng uỷ quyền. Đồng thời, Toà sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp hợp đồng uỷ quyền” là chưa chính xác, mà phải là “Đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền”. Tòa án cấp phúc thẩm thừa nhận cấp sơ thẩm có sai sót khi xác định không đúng quan hệ tranh chấp.

Bên cạnh đó, có Toà án đã xác định đúng quan hệ tranh chấp trong nhận định bản án. Xin minh chứng bằng bản án130: Ông Nam uỷ quyền cho ông Thành để hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng căn hộ và được quyền chuyển nhượng căn hộ. Sau đó, ông Tân đã tự ý chuyển nhượng nên ông Nam đã gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng và được văn phòng công chứng lập vi bằng. Toà án xác định ông Nam đã đơn phương chấm dứt có căn cứ theo Điều 569 BLDS.

Xét về mặt văn bản, nhà làm luật đã phân chia hai biện pháp đơn phương chấm dứt và huỷ bỏ hợp đồng, và đã có một quy định cụ thể về đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nhưng trên thực tế cũng còn tồn tại nhiều sự nhầm lẫn trong việc xác định đúng quan hệ tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền.

Có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật của nhiều quốc gia mặc dù không đặt ra vấn đề phân định đơn phương chấm dứt hay huỷ bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, cũng cùng với tên gọi là “huỷ bỏ” nhưng có quốc gia tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có áp dụng được hệ quả hồi tố hay không chứ không phải lúc nào huỷ bỏ cũng chỉ với hệ quả duy nhất là hồi tố (như cách quy định của pháp luật Việt Nam) và cũng có quốc gia theo hướng huỷ bỏ không có hệ quả hồi tố131.

Tác giả ủng hộ quan điểm phân chia rõ ràng giữa biện pháp huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền và đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền. Giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền rất phù hợp với biện pháp đơn phương chấm

129 Bản án số 180/2020/DS-PT ngày 16/11/2020 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND tỉnh Bình Phước.

130 Bản án số 1000/2019/DS-PT về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Hồ Chí Minh.

131 Nguyễn Đình Nhật (2015), tlđd (32), tr. 55.

dứt và hầu hết các trường hợp xảy ra đều phải áp dụng theo điều 569 BLDS. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng biện pháp đơn phương chấm dứt để giải phóng nghĩa vụ các bên trong hợp đồng uỷ quyền thì có thể chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế. BLDS năm 2015 có sự đổi mới rất tiến bộ và học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài khi thêm 03 trường hợp bao quát để một bên có quyền đơn phương huỷ bỏ hợp đồng132. Xét về mặt lý luận, nhà làm luật không khẳng định rằng hợp đồng ủy quyền chỉ được sử dụng biện pháp đơn phương chấm dứt, cho nền trong một số trường hợp đặc thù, chúng ta vẫn có thể trở về các điều khoản chung của huỷ bỏ hợp đồng để xem xét.

Về mặt văn bản, tác giả cho rằng quy định tại Điều 424 BLDS133 về huỷ bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ có thể được áp dụng để huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền. Đối với những lĩnh vực công việc uỷ quyền đặc thù, có yêu cầu phải thực hiện đúng về thời hạn uỷ quyền và hoàn thành toàn bộ công việc uỷ quyền thì việc chỉ thực hiện một phần công việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoả thuận công việc ban đầu, vì vậy có thể xem xét áp dụng huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền theo Điều 424 BLDS. Điều khoản này phải có sự việc một bên không thực hiện đầy đủ các nội dung công việc và bên kia đã yêu cầu thực hiện công việc thêm một thời hạn hợp lý nhưng vẫn không thể hoàn thành toàn bộ công việc.

Tác giả cho rằng có thể áp dụng huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền khi đáp ứng những điều kiện sau đây:

Thứ nhất, biện pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng không phù hợp với tính răn đe và bù đắp thiệt hại cho bên uỷ quyền khi bên được uỷ quyền đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, phải sử dụng tính chất “triệt để” của huỷ bỏ hợp đồng.

Thứ hai, phù hợp với cơ sở pháp lý tại điều 424 BLDS, là có hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ và một bên đã cho gia hạn nhưng vẫn không hoàn thành.

Thứ ba, hoàn trả những lợi ích đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý để thực hiện công việc, phù hợp với hậu quả của huỷ bỏ hợp đồng theo khoản 2 Điều 427 BLDS.

Trong thực tiễn, có Toà án đã “vượt rào” ra khỏi quy định Điều 569 BLDS mà trở về khoản 1 Điều 423 BLDS về huỷ bỏ hợp đồng để xem xét. Nếu không thể áp dụng theo căn cứ đó, sẽ tiếp tục xem xét thêm 03 điều khoản chung 424, 425,

132 Xem Điều 424, 425, 426 BLDS.

133 Xem khoản 1 Điều 424 BLDS năm 2015 “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng”.

426 BLDS về các trường hợp huỷ bỏ hợp đồng. Tôi xin dẫn chứng bản án134 sau:

Do nhu cầu đầu tư vào dự án kinh tế nên ông C đã uỷ quyền cho ông T thực hiện các nội dung: tìm kiếm đất; đàm phán giá cả và phương thức chuyển nhượng đất;

thực hiện các thủ tục chuyển nhượng,…. (theo 02 hợp đồng ngày 10/7/2020 và ngày 12/8/2020). Thời hạn uỷ quyền là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng và gia hạn không quá 15 ngày. Ông C đã tạm ứng 9,2 tỷ đồng cho ông T. Sau đó, ông C đã nhiều lần đôn đốc kể từ ngày 15/9/2020 và đến tháng 10/2020, ông T vẫn chưa hoàn thiện xong việc mua đất. Ông T có gửi 03 văn bản phản hồi và 03 biên bản làm việc thể hiện ông T chậm thực hiện công việc, vi phạm hợp đồng uỷ quyền.

Trong khi đó, chính sách Nhà nước về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam phải hoàn thành trước 31/12/2020.

Ông C đã yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng vì cho rằng ông T đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng theo Điều 423, 424 BLDS và yêu cầu giải quyết hậu quả theo điều 427 BLDS. Ông C cho rằng ông T không đủ điều kiện hưởng thù lao vì chỉ thực hiện một phần công việc và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, dẫn đến việc ông C huỷ bỏ hợp đồng. Toà án theo hướng huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền và buộc ông T hoàn trả lại số tiền đã tạm ứng (trừ chi phí hợp lý) và 01 GCN QSDĐ.

Nhận xét: Đối với những công việc yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ mới đạt được kết quả công việc thì khi chỉ thực hiện một phần sẽ xem như là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, khiến cho mục đích mà các bên thống nhất không thể đạt được. Tại bản án trên, ông C uỷ quyền cho ông T thực hiện một chuỗi các công việc nhằm đầu tư vào dự án kinh tế trang trại kết hợp điện mái nhà, phải buộc hoàn thành trong thời hạn là 90 ngày nhưng sau thời gian đó ông T chưa hoàn thành. Ông C đã cho gia hạn nhiều lần và đôn đốc thực hiện nhưng ông T vẫn không hoàn thành công việc. Dù rằng dự án này, các bên đều hiểu rõ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Một tác giả bày tỏ quan điểm theo quy định của Điều 424 BLDS “Bên có quyền nhất thiết phải gia hạn thực hiện nghĩa vụ trước khi đi đến quyết định kết liễu đối với quan hệ khế ước. Nói cách khác, gia hạn thực hiện nghĩa vụ là một trong những điều kiện để thực hiện quyền huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp này”135. Ông C đã thực hiện theo căn cứ tại khoản 1 Điều 424 BLDS là khi ông T không thực hiện đúng công việc, ông C đã nhiều lần đôn đốc và gia hạn thêm thời gian nhưng ông T vẫn không thể hoàn thành theo tiến độ, điều này ảnh hưởng đến

134 Bản án số 02/2023/DS-PT ngày 09/02/2023 về việc Tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND tỉnh Phú Yên.

135 Nguyễn Ngọc Điện (2022), tlđd (36), tr. 359.

Một phần của tài liệu Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp Đồng Ủy quyền theo quy Định của bộ luật dân sự năm 2015 (Trang 46 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(250 trang)