CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
2.8. Bất cập của quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
2.8.2. Kiến nghị bổ sung quy định được bồi thường những thiệt hại đáng lẽ được hưởng trong trường hợp uỷ quyền có thù lao và trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Về mặt lý luận, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là sự bù đắp cho bên bị thiệt hại những giá trị bị mất đi và những lợi ích đáng lẽ họ được hưởng nếu hợp đồng vẫn diễn biến như bình thường. Nhà làm luật đã không quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, điều này dường như chưa thuyết phục khi thiệt hại thực tế có thể phát sinh và có thể thấy trong thực tiễn, Toà án đã vượt ra khỏi Điều 569 để buộc một bên bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Bên được uỷ quyền thoả thuận thực hiện công việc không có thù lao mà lại bị đơn phương chấm dứt, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện, công sức mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra và cả niềm tin mà bên được uỷ quyền dành cho bên uỷ quyền nên vì vậy, bên được uỷ quyền có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao và nên được quy định tại Điều 569 BLDS.
Thêm vào đó, Điều 569 BLDS cũng chưa quy định về trách nhiệm bồi thường những lợi ích đáng lẽ được hưởng của bên được uỷ quyền đối với phần công việc mình đã thực hiện được và nếu không bị đơn phương chấm dứt thì bên được uỷ quyền đã có thể nhận được những lợi ích thêm vào đó. Đối với yêu cầu bồi thường thêm những lợi ích mà lẽ ra được hưởng chỉ được đề xuất bổ sung trong trường hợp uỷ quyền có thù lao và bên uỷ quyền đơn phương chấm dứt đối với bên được uỷ quyền. Khi xác lập hợp đồng uỷ quyền, bên uỷ quyền đặt niềm tin vào bên được uỷ quyền và giao cho bên được uỷ quyền thực hiện công việc. Nếu các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ quyền mà lựa chọn biện pháp đơn phương chấm dứt, bên được uỷ quyền có thể được nhận thêm những lợi ích đáng lẽ mình được hưởng.
Vì vậy, tác giả đề xuất Quốc Hội chỉnh sửa lại khoản 2 và khoản 3 Điều 569 BLDS hoàn chỉnh (sau khi ghép với các kiến nghị ở các phần trên) như sau:
Khoản 2 Điều 569 BLDS quy định “Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại, những lợi ích có thể được hưởng;
nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền phải báo trước cho bên được ủy quyền ít nhất 05 ngày và bồi thường thiệt hại, nếu có. Bên uỷ quyền có quyền yêu cầu bên được uỷ quyền hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền”. Tác giả
đề xuất bổ sung trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bên uỷ quyền ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại với những thiệt hại vật chất thì còn có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thêm những thiệt hại đáng lẽ được hưởng cho bên được uỷ quyền.
Mặt khác, nếu một bên chứng minh có thiệt hại xảy ra trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao thì được yêu cầu bồi thường là phù hợp nên cần quy định rõ ở Điều 569 BLDS.
Khoản 3 Điều 569 BLDS quy định “Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền phải báo trước cho bên ủy quyền ít nhất 05 ngày và bồi thường thiệt hại, nếu có; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên uỷ quyền trả thù lao tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có. Bên được uỷ quyền phải hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền”. Tương tự như bên ủy quyền, tác giả cũng đề xuất trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, vẫn phải ràng buộc trách nhiệm bồi thường của bên được ủy quyền khi có thiệt hại thực tế xảy ra.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Ở chương 2, tác giả đã trích dẫn những bản án nhằm chỉ ra những vướng mắc trên thực tiễn. Từ đó, mô tả rõ những bất cập của Điều 569 BLDS, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực tiễn áp dụng cho thấy Toà án thường tuyên huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền theo Điều 569 BLDS. Rất ít trường hợp Toà án hoặc một bên yêu cầu xác định lại quan hệ tranh chấp đúng là đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền.
Thứ hai, căn cứ áp dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền của bên ủy quyền và bên được ủy quyền gần như giống nhau. Trong thực tế, hiếm khi bên được uỷ quyền chủ động đơn phương chấm dứt trừ trường hợp không thể tiếp tục hoặc tiếp tục sẽ gây thiệt hại.
Thứ ba, trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao thì một bên phải báo trước một thời gian hợp lý. Việc chưa định lượng được thời gian hợp lý cụ thể gây ra việc phán xét cảm tính của Toà án và xảy ra một số trường hợp bên được uỷ quyền cố tình tránh né thông báo đơn phương chấm dứt.
Thứ tư, vướng mắc về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng chưa được quy định trong Luật công chứng. Mặt khác, nếu được quy định thì yêu cầu đơn phương chấm dứt phải có sự cam kết của các bên thì rất khó được thực hiện khi một bên đã muốn chấm dứt và bên kia không đồng ý.
Thứ năm, Điều 569 BLDS quy định khi hợp đồng uỷ quyền chấm dứt, bên uỷ quyền phải thông báo bằng văn bản cho người thứ ba, nhưng không quy định rõ bên uỷ quyền phải chịu trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ phát sinh đến thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền.
Thứ sáu, nhà làm luật chưa quy định về quyền của bên được uỷ quyền được yêu cầu trả thù lao tương ứng với công việc đã bỏ ra khi đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền. Đồng thời, chưa quy định về trách nhiệm hoàn trả những lợi ích, hoàn trả tài liệu, hồ sơ tại Điều 569 BLDS.
Thứ bảy, Điều 569 BLDS chưa quy định bồi thường thiệt hại trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao và một bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 419 BLDS.
Như vậy, thông qua phân tích những bất cập theo quy định của Điều 569 BLDS cùng việc so sánh với pháp luật nước ngoài và xem xét lại thực tiễn áp dụng qua các bản án, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nhằm tạo ra đường lối pháp luật có thể điều chỉnh các quan hệ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền trên thực tế.
KẾT LUẬN
Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hợp đồng uỷ quyền được sử dụng ngày càng phổ biến, điều này có thể dẫn đến nhiều tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, và gây ra vướng mắc đa dạng trong thực tiễn xét xử.
Trong phạm vi đề tài, tác giả nghiên cứu, phân tích, đánh giá quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền theo Điều 569 BLDS, đồng thời, so sánh với quy định BLDS của các nước khác. Tác giả cũng rất quan tâm đến việc bình luận những bản án tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền. Đúc kết lại, tác giả xin tóm lại những kết quả nghiên cứu thông qua những kiến nghị sau đây:
1. Đồng ý với việc áp dụng biện pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền. Bên cạnh đó, tác giả kiến nghị huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền theo Điều 424 BLDS và đề xuất bản án số 02/2023/DS-PT ngày 09/02/2023 về việc Tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND tỉnh Phú Yên trở thành án lệ để hướng dẫn xét xử.
2. Tác giả đề xuất Quốc Hội điều chỉnh khoản 1 Điều 569 BLDS như sau:
2a. Ở đoạn đầu, tác giả giữ nguyên nội hàm cũ như sau “Một bên trong hợp đồng uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền bất cứ lúc nào”.
2b. Ở đoạn sau, đề xuất bổ sung hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền của bên được uỷ quyền như sau “Bên được uỷ quyền chỉ được đơn phương chấm dứt trong trường hợp không thể thực hiện công việc hoặc nếu tiếp tục hợp đồng uỷ quyền sẽ gây ra thiệt hại cho bên được uỷ quyền”.
3. Đồng ý với một tác giả trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao phải báo trước một thời gian cụ thể và đề xuất như sau “Nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền/bên được uỷ quyền phải báo trước cho bên được ủy quyền/bên uỷ quyền ít nhất 05 ngày”. Tác giả đề xuất Quốc Hội xem xét sửa đổi quy định thông báo với bên thứ ba, cụ thể “Bên uỷ quyền phải thông báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên uỷ quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng, đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện đã xác lập cho đến thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền”.
4. Đề xuất Quốc hội xây dựng một điều khoản mới tại Luật công chứng về việc cho phép công chứng văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của một bên khi các bên đã công chứng hợp đồng ủy quyền tại VPCC đó.
5. Đề xuất Quốc Hội bổ sung trực tiếp ngoại lệ đơn phương chấm dứt hợp đồng vào Điều 401 BLDS: “Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi, bị đơn phương chấm dứt, bị huỷ bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật”.
6. Đề xuất bổ sung tại khoản 3 Điều 569 BLDS quyền yêu cầu thanh toán thù lao của bên được uỷ quyền, cụ thể “Bên được uỷ quyền có quyền yêu cầu trả thù lao tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện”.
7. Đồng ý quan điểm với một tác giả “Người được uỷ quyền có nghĩa vụ giao trả tài sản, lợi ích thu được cho người uỷ quyền mà không cần phải có thoả thuận và, trừ trường hợp có thoả thuận khác, tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện uỷ quyền phải được giao trả toàn bộ”.
8. Đề xuất với Quốc Hội bổ sung quy định hoàn trả tài liệu, hồ sơ, cụ thể tại khoản 2 Điều 569 BLDS quy định “Bên uỷ quyền có quyền yêu cầu bên được uỷ quyền hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền” và tương ứng tại khoản 3 Điều 569 BLDS quy định: “Bên được uỷ quyền phải hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền”
9. Đề xuất chỉnh sửa lại khoản 2 và khoản 3 Điều 569 BLDS (hoàn chỉnh):
9a. Khoản 2 Điều 569 BLDS “Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại, những lợi ích có thể được hưởng; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền phải báo trước cho bên được ủy quyền ít nhất 05 ngày và bồi thường thiệt hại, nếu có. Bên uỷ quyền có quyền yêu cầu bên được uỷ quyền hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền”.
9b. Khoản 3 Điều 569 BLDS “Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền phải báo trước cho bên ủy quyền ít nhất 05 ngày và bồi thường thiệt hại, nếu có; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên uỷ quyền trả thù lao tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có. Bên được uỷ quyền phải hoàn trả tài liệu, hồ sơ đã nhận từ bên uỷ quyền.”
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền đang ngày càng phát sinh nhiều vấn đề trên thực tiễn, từ đó thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Dù đã cố gắng hoàn thành nhưng đề tài còn khá mới nên trong quá trình nghiên cứu, tác giả không thể tránh những thiếu sót về mặt lý luận cũng như chưa thể phát hoạ đầy đủ những vướng mắc trong thực tiễn. Tác giả kính mong nhận được sự góp ý từ Quý Thầy Cô, Quý Độc giả quan tâm về đề tài này, để tác giả có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đề tài cũng như phát triển khả năng nghiên cứu học thuật của mình ở các vấn đề pháp lý khác./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Văn bản quy phạm pháp luật Văn bản Tiếng Việt
1. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
2. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
3. Bộ Luật Dân sự năm 1995 (Luật số 44-L/CTN) ngày 28/10/1995;
4. Bộ Luật Dân sự năm 2005 (Luật số 33/2005/QH11) ngày 14/6/2005;
5. Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015;
6. Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2004;
7. Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
8. Luật công chứng năm 2006 (Luật số 82/2006/QH11 ngày 29/11/2006);
9. Luật công chứng năm 2014 (Luật số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014);
Văn bản Tiếng nước ngoài 10. Bộ Luật Dân sự Pháp;
11. Bộ Luật Dân sự Nhật Bản;
12. Bộ Luật Dân sự Trung Quốc;
13. Bộ Luật Dân sự Hàn Quốc;
14. Bộ Luật Dân sự Đức;
15. Bộ Luật Dân sự Campuchia;
16. Bộ Luật Dân sự và Thương mại Thái Lan;
B. Tài liệu tham khảo
17. Nguyễn Mạnh Bách (1998), Nghĩa vụ dân sự trong luật Dân sự Việt Nam, NXB.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
18. Bộ Tư Pháp (1995), Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
19. Nguyễn Khắc Cường (2019), Kiến nghị hoàn thiện một số quy định của Luật công chứng”, Tạp chí nghiên cứu Lập pháp (số 22), tr. 52 – 56;
20. Mirela Loredana Stiolica, Roxana Goga-Vigaru, Oana Gabriela Dumitrache (2012), Contract of Mandate in the New Civil Code, Contemporary Readings in Law and Social Justice, Vol. 4(2) tr. 446-452;
21. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ 2, có bổ sung), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;
22. Đỗ Văn Đại và Grimaldi Michel (2020), Bộ luật Dân sự mới của Việt Nam – Góc nhìn Pháp – Việt, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;
23. Đỗ Văn Đại (2013), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
24. Đỗ Văn Đại (2023), “Quyền của người được đại diện trong việc xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi của người đại diện”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 01+02), tr. 62-69.
25. Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ 6, có sửa chữa, bổ sung), Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;
26. Nguyễn Ngọc Điện (2022), Giáo trình Luật Dân sự (tập 2), Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
27. Nguyễn Ngọc Điện (2005), Bình luận các hợp đồng thông dụng trong luật dân sự Việt Nam, Nhà xuất bản trẻ TP. Hồ Chí Minh;
28. Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng (2007), Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh;
29. Nguyễn Minh Hằng (2005), “Đại diện theo uỷ quyền – Từ pháp luật nội dung đến Tố tụng dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 5), tr. 55 – 60;
30. Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sỹ luật học – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;
31. Lê Minh Hùng (2015), Hiệu lực của hợp đồng (Sách chuyên khảo), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;
32. Lê Khánh Linh, Trương Huỳnh Nga, Nguyễn Minh Tâm, Hoàng Thảo Anh, Trần Kiên (2020), Bộ Luật Dân sự Trung Quốc 2020 – Bản dịch và lược giải, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội;
33. Hoàng Hải Lâm (2014), Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng uỷ quyền định đoạt quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô và thực tiễn áp dụng pháp luật trên địa bàn Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội;
34. Nguyễn Lân (2004), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh;
35. Hoàng Thế Liên (2009), Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự năm 2005 (Tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
36. Phan Vũ Linh (2015), “Bàn về chế định hợp đồng uỷ quyền của Bộ Luật Dân sự”, Tạp chí Nghề Luật (11), tr. 17 – 20;
37. Ngô Thị Minh Loan (2014), Huỷ bỏ hợp đồng do bị vi phạm trong Bộ Luật Dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;
38. Tưởng Duy Lượng (2018), “Hợp đồng uỷ quyền theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Kỳ I)”, Tạp chí Toà án nhân dân (14), tr. 1 – 6;
39. Tưởng Duy Lượng (2018), “Hợp đồng uỷ quyền theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015: Tiếp theo kỳ trước”, Tạp chí Toà án nhân dân (số 15), tr. 5 – 11; 30;
40. Cao Vũ Minh và Võ Phan Lê Nguyễn (2012), “Những bất cập và hướng sửa đổi các quy định pháp luật về công chứng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 5), tr.
32 – 37;
41. Nguyễn Đình Nhật (2015), Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;
42. Nguyễn Thị Ngọc Oanh (2010), Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội;
43. Lê Nguyễn Gia Thiện, Lê Nguyễn Gia Phúc (2014), Những nguyên tắc cơ bản của các Bộ Luật dân sự trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 13), tr. 57 – 64;
44. Nguyễn Hiền Phương (Chủ biên) (2022), Pháp luật về hợp đồng dưới góc nhìn luật học so sánh, Nxb. Công an nhân dân;
45. Nhà Pháp luật Việt-Pháp (2005), Bộ Luật Dân sự Pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
46. Tuấn Đạo Thanh (2011), “Vai trò của hợp đồng uỷ quyền đối với giao dịch có liên quan tới bất động sản”, Tạp chí Nghề Luật (số 03), tr. 35– 39;
47. Tuấn Đạo Thanh (2017), Bình luận một số quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 có liên quan trực tiếp đến hoạt động công chứng, Nxb. Tư pháp;
48. Võ Thị Thanh (2012), Huỷ bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luận văn Cử nhân Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh;
49. Trương Anh Tuấn (2009), Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự (Phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng Dân sự), Nxb. Lao động;
50. Nguyễn Minh Tuấn (2014), Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư pháp;