CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
2.1. Bất cập của quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
2.2.1. Bất cập của quy định về thông báo đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền
2.2.1. Bất cập của quy định về thông báo đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền
Trong thực tiễn xét xử, các bên thường tranh chấp với nhau về thủ tục thông báo trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, vì quy định buộc bên đơn phương chấm dứt phải báo trước cho bên bị đơn phương chấm dứt một thời gian hợp lý. Thông thường, khi thông báo đơn phương chấm dứt bằng văn bản sẽ đương nhiên phù hợp với quy định này và dễ dàng được Tòa án chấp nhận. Tác giả xin dẫn chứng bản án sau144: Ông Nam uỷ quyền cho ông Thành để hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng và được quyền chuyển nhượng căn hộ. Sau đó, ông Tân đã tự ý chuyển nhượng mà không thông báo nên ông Nam đã gửi thông báo đơn phương chấm dứt và được văn phòng công chứng lập vi bằng. Toà án căn cứ vào việc lập vi bằng thể hiện rằng ông Nam đã thông báo cho ông Tân nên tuyên án chấm dứt hợp đồng uỷ quyền.
Về phương diện văn bản quy phạm pháp luật, BLDS không đặt ra một quy định nào buộc các bên phải thông báo chấm dứt bằng một loại hình thức cụ thể. Vì vậy, hình thức báo trước của thông báo đơn phương chấm dứt trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao vẫn còn tồn tại hai (02) quan điểm khác nhau145:
Thứ nhất, việc báo trước này có thể thực hiện bằng mọi hình thức khác nhau, có thể là lời nói, cũng có thể là bằng văn bản.
Thứ hai, việc báo trước này phải thực hiện bằng văn bản mới có giá trị, nếu bằng hình thức lời nói thì không thể chứng minh là có hay không việc báo trước đó.
Một tác giả bày tỏ quan điểm “Chẳng hạn việc chấm dứt uỷ quyền ngay tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà khi kiểm tra các căn cước của các đương sự, nếu vụ
144 Bản án số 1000/2019/DS-PT về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Hồ Chí Minh
145 Phan Vũ Linh (2015), tlđd (6), tr. 19.
án có người đại diện uỷ quyền. Nếu đương sự hoặc người đại diện theo uỷ quyền khẳng định trước Hội đồng xét xử về việc rút uỷ quyền ngay tại phiên toà thì không nhất thiết phải lập thành biên bản, ý chí chấm dứt uỷ quyền được thể hiện trong biên bản phiên toà”146. Tác giả theo hướng hình thức báo trước có thể được diễn đạt bằng nhiều hình thức khác nhau, hơn nữa, trong một số trường hợp, một bên có tiếng nói và vị thế tốt hơn bên còn lại, họ có quyền tự định đoạt hình thức thông báo chấm dứt. Hình thức thông báo chấm dứt được lập văn bản có ý nghĩa trong việc hỗ trợ chứng minh việc một bên có báo trước một thời gian hợp lý nhưng điều này không có nghĩa “đồng nhất về nghĩa vụ chứng minh với quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, đây là hai nội dung khác nhau”147. Trong thực tiễn xét xử, Toà án linh hoạt xử lý hình thức thông báo nhằm xem xét, cân nhắc quyền lợi của các bên, xin dẫn chứng bản án148 như sau:
Ông P uỷ quyền với ông K được thay mặt ông P nhận tiền bồi hoàn, nhận nền tái định cư, và được quyền định đoạt, chuyển nhượng,… Sau đó, các bên xảy ra tranh chấp, ông P yêu cầu huỷ hợp đồng uỷ quyền. Hợp đồng uỷ quyền không có thù lao yêu cầu phải báo trước một thời gian hợp lý. Tuy nhiên, Toà án nhận định rằng các bên đều thừa nhận có xảy ra tranh chấp nên coi như thể hiện ý chí chấm dứt hợp đồng của ông P với ông K trước khi khởi kiện. Tại bản án này, dù là hợp đồng không có thù lao nhưng các bên đều xác nhận có tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nên Toà án theo hướng không cần thủ tục thông báo cho bên còn lại. Như vậy, cho thấy thủ tục thông báo không được xem là bắt buộc trong việc giải quyết bản án này.
Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng, thì các bên vẫn phải luôn thực hiện các quyền và nghĩa vụ còn lại với thái độ thiện chí, trung thực và hợp tác. Một bên cho rằng mình không nhận được thông báo thì phải có căn cứ chứng minh rằng mình không biết hoặc không thể biết. Tác giả xin dẫn chứng bản án149 như sau:
Ông Đ, bà K có 04 người con, ông bà có tạo lập căn nhà trên một mảnh đất.
Ông Đ chết không để lại di chúc. Bà K cùng 03 người con uỷ quyền cho ông S toàn quyền định đoạt, hợp đồng không có thù lao. Ngày 09/6/2020, ông S khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Ngày 17/8/2020, 03 người con có yêu cầu phản tố huỷ hợp
146 Nguyễn Minh Hằng (2005), “Đại diện theo uỷ quyền – Từ pháp luật nội dung đến Tố tụng dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 5), tr. 60.
147 Phan Vũ Linh (2015), tlđd (6), tr. 19.
148 Bản án số 15/2022/DS-PT ngày 24/01/2022 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Cần Thơ.
149 Bản án số 133/2022/DS-PT ngày 30/3/2022 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Hồ Chí Minh.
đồng uỷ quyền, đồng thời, bà K cũng có đơn yêu cầu độc lập huỷ hợp đồng uỷ quyền. Sau đó, ông S xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng 03 người con và bà K không rút yêu cầu nên vẫn tiếp tục vụ án. Trước khi khởi kiện, 03 người con đã đề nghị ông S chấm dứt uỷ quyền nhưng ông S không đồng ý. Sau khi thụ lý, 03 người con tiếp tục đưa ra yêu cầu phản tố và Toà án đã thông báo cho ông S biết, nhưng ông S cũng không có ý kiến. Toà án lập luận rằng lời đề nghị chấm dứt và yêu cầu phản tố của bà K và 03 người còn lại được xem là có thông báo chấm dứt hợp đồng uỷ quyền theo Điều 569 BLDS năm 2015. Mặt khác, ông S không chứng minh được ông không biết gì về việc bà K và 03 người còn lại đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Nhận xét: Ở bản án này, bên yêu cầu đơn phương chấm dứt không đưa ra một thông báo chính thức bằng văn bản nhưng Toà án cho rằng bên được uỷ quyền biết hoặc phải biết thông qua các sự kiện “đã đề nghị ông S chấm dứt nhưng ông S không đồng ý” và “Toà án thông báo yêu cầu phản tố huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền cho ông S biết”, vì vậy không thể cho rằng ông S không biết được. Về mặt văn bản, nhà làm luật chưa đặt ra quy định một bên cố tình cản trở việc tiếp nhận thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, tuy nhiên có thể thấy rằng hành động cản trở thể hiện rất đa dạng. Như trường hợp này, việc ông S nhiều lần né tránh việc nhận thông báo đơn phương chấm dứt cũng nên được xem là hành vi cản trở tiếp nhận thông báo chấm dứt. Vì vậy, Toà án tuyên bố chấm dứt hợp đồng ủy quyền là hướng giải quyết thuyết phục dù không xem xét đến hình thức thông báo và thời gian hợp lý của việc thông báo đơn phương chấm dứt.
BLDS năm 1995 quy định khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền không có thù lao thì phải báo trước một “thời hạn hợp lý”. Đến BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã được sửa đổi thành “thời gian hợp lý”. Tác giả cho rằng việc chỉnh sửa thuật ngữ “thời gian” là phù hợp và đúng ý nghĩa hơn. Dưới góc độ văn bản, nhà làm luật dường như khó khăn trong việc xác định thời gian hợp lý một cách cố định vì còn phải tuỳ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực công việc, tiến trình thực hiện công việc. Tuy nhiên, một tác giả bày tỏ “không thể cho rằng, nếu quy định cụ thể thời gian báo trước sẽ phù hợp trường hợp này nhưng không phù hợp trường hợp khác mà không quy định cụ thể về thời gian báo trước”150. Nhà làm luật chỉ quy định phải báo trước một thời gian hợp lý, nhưng chưa định lượng cụ thể nên thực tiễn cũng không xác định rõ ràng về vấn đề này. Xin dẫn chứng bản án151 sau đây:
150 Phan Vũ Linh (2015), tlđd (6), tr. 20.
151 Bản án số 110/2021/DS-ST ngày 22/6/2021 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ông K, bà C thế chấp đất để đảm bảo khoản vay tín dụng tại Ngân hàng V.
Sau đó, vợ chồng ông K, bà C ký hợp đồng uỷ quyền cho Ngân hàng, hợp đồng không có thù lao. Ngân hàng nộp hợp đồng uỷ quyền cho Cục thi hành án để kê biên phát mãi tài sản thì ông bà mới phát hiện nội dung uỷ quyền được quyền xử lý tài sản thế chấp. Ngày 13/11/2017, ông K, bà C đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng Ngân hàng không thực hiện. Đồng thời, người đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng cũng thừa nhận ông K, bà C có đến Ngân hàng để thông báo về việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Toà án nhận định ông K, bà C đã thực hiện việc báo trước cho Ngân hàng một thời gian hợp lý về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền theo điều 588 BLDS năm 2005 (Điều 569 BLDS năm 2015).
Nhận xét: Hợp đồng ủy quyền giữa ông K, bà C với Ngân hàng là hợp đồng không có thù lao nên cần phải báo trước một thời gian hợp lý. Tòa án nhận định rằng ông K, bà C gửi báo trước một thời gian hợp lý nhưng đã không xác nhận thời gian bao nhiêu lâu là hợp lý. Trong bản án, Ông K, bà C đã gửi thông báo đơn phương chấm dứt, sau đó lại đến Ngân hàng thông báo và được người đại diện của Ngân hàng thừa nhận, cho thấy rằng lúc này bên bị đơn phương chấm dứt hoàn toàn biết về yêu cầu chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Như vậy, tuy là phán quyết cho rằng thông báo trong thời gian hợp lý nhưng dường như Tòa án chưa đưa ra được cơ sở thuyết phục để nhận định rằng ông K, bà C đã báo trước một thời gian hợp lý.