CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
2.8. Bất cập của quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
2.8.1. Bất cập của quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, nhà làm luật lại không đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên đơn phương chấm dứt. So sánh với pháp luật nước ngoài thấy rằng đa số các nước không phân chia thành trường hợp ủy quyền có thù lao hay trường hợp không có thù lao, cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong tất cả các trường hợp. BLDS Hàn Quốc quy định một điều khoản bồi thường thiệt hại chung cho cả bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền khi một bên hủy bỏ ủy quyền trong tương lai mà không có lý do chính đáng và điều đó gây ra bất lợi cho bên kia, thì bên đó phải bồi thường cho bên kia mọi thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng203. Điều khoản này nói về biện pháp huỷ bỏ hợp đồng, tuy nhiên nhấn mạnh việc huỷ bỏ trong tương lai, tức vẫn thừa nhận giá trị hợp đồng đến thời điểm chấm dứt. BLDS Nhật Bản quy định nếu một bên hủy bỏ hợp đồng ủy quyền vào thời điểm bất lợi cho bên kia thì bên hủy bỏ ủy quyền phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ những căn cứ không thể tránh khỏi204.
BLDS Đức đưa ra quy định ràng buộc đối với bên được ủy quyền chỉ được chấm dứt hợp đồng theo cách mà người uỷ quyền có thể sắp xếp thực hiện giao dịch theo cách khác, trừ khi có lý do chính đáng. Nếu không có lý do chính đáng thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho người uỷ quyền205. BLDS Pháp quy định bên được uỷ quyền có quyền từ chối việc ủy quyền bằng cách thông báo quyết định từ chối cho người ủy quyền biết. Tuy nhiên, nếu việc từ chối này gây thiệt hại cho người ủy quyền thì người được ủy quyền phải bồi thường, trừ trường hợp người được ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc được ủy quyền vì nếu tiếp tục thì người được ủy quyền sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể206.
BLDS Trung Quốc có phân chia bồi thường thiệt hại dựa vào loại hợp đồng không thanh toán (không có thù lao)207 và có thanh toán (có thù lao)208. Nếu vì giải trừ hợp đồng mà gây thiệt hại cho đối phương, trừ trường hợp nguyên nhân không
203 Xem khoản 2 Điều 689 BLDS Hàn Quốc
204 Xem khoản 2 Điều 651 BLDS Nhật Bản
205 Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), tlđd (49), tr. 537 (Xem khoản 2 Điều 671 BLDS Đức).
206 Xem Điều 2007 BLDS Pháp.
207 “A gratuitous entrustment contract” được dịch là không thanh toán.
208 “A non-gratuitous entrustment contract” được dịch là có thanh toán.
thể quy trách nhiệm cho đương sự, bên giải trừ trong hợp đồng uỷ thác không thanh toán có trách nhiệm bồi thường cho đối phương những thiệt hại phát sinh trực tiếp do việc chấm dứt không đúng thời hạn, bên giải trừ trong hợp đồng uỷ thác có thanh toán phải bồi thường cho đối phương những tổn thất phát sinh trực tiếp và những lợi ích có thể đạt được209. Như vậy, quy định BLDS Trung Quốc có hai ý nghĩa: (1) trách nhiệm bồi thường thiệt hại được chia ra thành có thanh toán (có thù lao) và không thanh toán (không có thù lao); (2) quy định trực tiếp trách nhiệm bồi thường những lợi ích có thể đạt được trong trường hợp hợp đồng uỷ thác có thanh toán tại điều khoản huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền.
Trong thực tiễn xét xử, hầu như các bản án đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền có sự tranh chấp về bồi thường thiệt hại là uỷ quyền không có thù lao. Lúc đó, Toà án sẽ linh hoạt giải quyết yêu cầu bồi thường, xin dẫn chứng bản án210:
Ngày 12/01/2016, Ông Đ được bố trí 01 lô đất tại khu TĐC Hoà Liên 5.
Ngày 07/11/2017, ông Đ uỷ quyền cho ông T thay mặt ông nộp tiền, bốc thăm lô đất và nhận đất làm các thủ tục xin cấp và nhận GCNQSDĐ cho ông Đ. Thời hạn uỷ quyền 10 năm, hợp đồng không có thù lao. Do hết quỹ đất, Ban giải phóng mặt bằng đã bố trí cho ông Đ 01 lô đất chính và 01 lô phụ tại Khu dân cư phía Tây Bắc.
Đối tượng của hợp đồng ủy quyền là khu TĐC Hòa Liên 5 nhưng không còn nên ông Đ yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tại phiên họp hoà giải ngày 28/01/2021, ông Đ đồng ý bồi thường cho ông T số tiền là 350 triệu đồng, nhưng Toà án cấp sơ thẩm đã thiếu sót khi không công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Ở cấp sơ thẩm, ông T yêu cầu bồi thường là 500 triệu đồng, nhưng tại phiên toà phúc thẩm ông chỉ yêu cầu 200 triệu đồng nên Toà án buộc ông bồi thường 200 triệu đồng.
Nhận xét: Sau khi ký hợp đồng uỷ quyền, ông T đã tiến hành các công việc, liên hệ các cơ quan chức năng và được phản hồi qua nhiều giấy tờ hành chính quan trọng. Việc ông Đ không được nhận đất như ban đầu là do yếu tố khách quan là quỹ đất không còn, chứ không phải vì lý do ông T không thực hiện các công việc theo uỷ quyền. Vì vậy, những công sức làm đơn thư cầu cứu, khiếu nại khắp nơi đến các Cơ quan chức năng trong thời gian gần một năm thì ông Đ mới được bố trí hai lô đất khác. Toà án theo hướng công nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông T là
209 Lê Khánh Linh, Trương Huỳnh Nga, Nguyễn Minh Tâm, Hoàng Thảo Anh, Trần Kiên (2020), tlđd (25), tr. 274 (Xem Điều 933 BLDS Trung Quốc).
210 Bản án số 11/2022/DS-PT ngày 11/3/2022 về việc tranh chấp chấm dứt hợp đồng uỷ quyền và bồi thường thiệt hại của TAND TP. Đà Nẵng.
200 triệu đồng là hoàn toàn có căn cứ và thuyết phục, cho thấy rằng việc bồi thường thiệt hại cho ông T thể hiện qua việc ông đã bỏ nhiều công sức, thời gian để thực hiện công việc theo ủy quyền.
Hay bản án211 khác: Tháng 6/2016 ông N có yêu cầu ông L tư vấn, trợ giúp pháp lý về tranh chấp đất đai. Tháng 10/2018, ông N uỷ quyền cho ông L để tham gia tranh chấp. Sau đó, ông N bị xử phạt hành chính vào tháng 12/2018 nên đã uỷ quyền ông L tham gia tố tụng. Hai hợp đồng uỷ quyền không có thù lao. Tháng 12/2019, ông N yêu cầu thanh lý hợp đồng nhưng ông không ký vào khi biên bản thanh lý. Ông N cho rằng các bên thoả thuận 15% phí khi hoàn thành nhiệm vụ nhưng thực tế ông L không hoàn thành nhiệm vụ được uỷ quyền. Ông L thừa nhận đã gọi điện báo trước việc chấm dứt hợp đồng trong thời gian hợp lý. Ông L yêu cầu thanh toán tiền công theo phần đã thực hiện là 300 triệu đồng, bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt là 100 triệu đồng và bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại theo Điều 592 BLDS nhưng ông không đưa ra được căn cứ chứng minh. Toà án theo hướng chấp nhận chấm dứt hợp đồng uỷ quyền nhưng không chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền công và bồi thường thiệt hại.
Nhận xét: Trong bản án này, hợp đồng không có thù lao nên khi một bên đơn phương chấm dứt một thời gian hợp lý thì Toà án xem xét bên được uỷ quyền có thực hiện hay không thực hiện công việc. Ông N thừa nhận có thoả thuận phí nhưng ông L không hoàn thành công việc nên ông N mới không thanh toán tiền công theo yêu cầu, mà ban đầu các bên cũng không thoả thuận hợp đồng có thù lao nên Toà án không công nhận là phù hợp.
Về phần bồi thường thiệt hại, khi ông N đơn phương chấm dứt, thì cần phải xét có hay không việc ông L đã bỏ công sức ra để thực hiện công việc. Tình tiết cho thấy ông L không thực hiện công việc, chưa bỏ công sức và chưa có thiệt hại phát sinh thì Toà án không chấp nhận yêu cầu của bên được uỷ quyền là thuyết phục.
Nhà làm luật quy định bên uỷ quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng phải trở về nguyên tắc chung là “có thiệt hại thì mới bồi thường”. Khi xem xét bồi thường thiệt hại do một bên đơn phương chấm dứt thì cần xem xét đến công sức và khả năng hoàn thành công việc của bên được uỷ quyền. Ngoài ra, yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại cũng không được Toà án chấp nhận là thuyết phục vì ông L đã không hoàn thành nhiệm vụ công việc của
211 Bản án số 18/2022/DS-ST ngày 02/8/2022 về việc tranh chấp hợp đồng uỷ quyền của TAND huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.
mình nên đó là cơ sở cho thấy ông L chưa bị thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm và quan trọng hơn là ông L không chứng minh được mình bị thiệt hại.