CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
2.2. Thực trạng phát triển đội tàu biển quốc tế tại Việt Nam
2.2.3. Chủ sở hữu và khai thác tàu
Biểu đồ 2.6. Số lượng đội tàu biển quốc tế mang quốc tịch Việt Nam và mang quốc tịch nước ngoài thuộc chủ sở hữu là doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015 – 2023
Nguồn: UNCTAD Đội tàu biển mang quốc tịch Việt Nam
Tính đến 30/12/2023, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì hoạt động là 981 tàu (năm 2015 là 786 tàu) với tổng trọng tải là 16,06 triệu tấn (năm 2015 là 7,98 triệu tấn). Số lượng tàu biển hoạt động tuyến quốc tế là 578 tàu với tổng trọng tải là 9,73 triệu tấn, tổng dung tích là 5,92 triệu GT. Trong đó, có 293 tàu mang lưỡng cấp với tổng trọng tải là 7,77 triệu tấn, tổng dung tích là 4,69 triệu GT.
Đáng nói là phần lớn, đến 77% tương ứng gần 800 tàu chở hàng tổng hợp, hàng rời là cỡ tàu nhỏ (dưới 5.000 GT) và cỡ tàu trung bình (từ 5.000 GT đến 10.000 GT).
Số tàu trên 30.000 GT chỉ có 13 tàu với tuổi trung bình khoảng 16,8 tuổi. Mặt khác, nhóm tàu container chỉ có 4% trên tổng trọng tải của đội tàu vận tải với 38 tàu và gần như không tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2023 và vẫn lạc hậu so với nhu cầu cũng như xu hướng phát triển của thế giới.
Chính vì thế, hơn 90% thị phần vận tải đường biển quốc tế tại Việt Nam do doanh nghiệp ngoại nắm giữ. Con số tăng trưởng hàng hóa “đẹp” bao nhiêu thì số liệu thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam lại đáng buồn bấy nhiêu. Năm 2015, đội tàu Việt đảm nhận 11% thị phần, đến năm 2018 giảm xuống 7%, có lúc chạm đáy chỉ còn 5% vào giai đoạn 2019 - 2020. Sau những cuộc khủng hoảng giá cước vận tải triền miên diễn ra trong cao điểm dịch, đội tàu Việt đã quyết tâm vươn lên phá thế bị động và cố gắng lắm mới đạt mức 7% thị phần giai đoạn 2021-2023.
Đáng lo ngại là phần lớn tàu vận tải biển quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dẫn đến số tàu biển của ta bị lưu giữ ở cảng biển nước ngoài còn cao. Cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời, thiếu tàu container, tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế... Thế nên, đội tàu vận tải biển Việt Nam chủ yếu chạy tuyến ngắn như: Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Á. Đội tàu vận tải biển Việt Nam chưa thể cạnh tranh tại thị trường vận chuyển quốc tế, khi thế giới đang xu hướng phát triển cỡ tàu lớn hơn để tối ưu hóa chi phí”.
Đội tàu biển mang quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam Tính đến hết năm 2023, đội tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam có 189 tàu, tổng trọng tải 4.360.000 DWT, chiếm 16% về số lượng và 27% về trọng tải so với tổng đội tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam, trọng tải bình quân đạt 15.713 DWT/tàu tương đương 144% trọng tải bình quân của đội tàu vận tải biển Việt Nam. Tại thời điểm năm 2015, tổng số tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc chủ sở hữu Việt Nam là 92 tàu với tổng trọng tải 1.442.000 DWT, trọng
tải bình quân 17.600 DWT/tàu. Như vậy, so với năm 2015, số lượng tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài
thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam tăng lên gấp đôi. Xu hướng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài ngày càng tăng lên, chiếm 25% trọng tải đội tàu quốc gia, tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài chủ yếu tàu có trọng tải lớn 15.700 DWT/tàu, trong khi tàu mang cờ Việt Nam trọng tải bình quân là 7.660 DWT.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đội tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài sẽ làm giảm quy mô đội tàu trong nước, tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài chủ yếu vận tải quốc tế nên làm giảm thị thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu thuộc sở hữu quốc gia, đồng thời nhà nước cũng không thu được một khoản thuế, phí khi tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài.
Doanh nghiệp đầu tư tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vì các lý do: (1) Hạn chế về kinh phí nên doanh nghiệp thường chỉ đủ năng lực mua tàu có trọng tải lớn đã nhiều tuổi (tàu trên 15 tuổi) nên không đủ điều kiện đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, do tàu chuyên dụng đóng mới hoặc mua tàu dưới 15 tuổi có giá thành rất cao, việc đầu tư tàu trên 15 tuổi có giá thấp hơn nhiều so với việc mua tàu dưới 15 tuổi; (2) Đăng ký tàu treo cờ quốc tịch nước ngoài doanh nghiệp tránh được một khoản thuế, phí rất lớn khi làm thủ nhập khẩu và đăng ký tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế đăng ký trước bạ…); (3) Doanh nghiệp đầu tư tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài để thuận tiện cho việc vận tải tuyến quốc tế và cho thuê tàu định hạn, không phải đưa tàu về Việt Nam để thực hiện việc đăng ký.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, một số doanh nghiệp đầu tư tàu chuyên dụng vận tải khí hóa lỏng, tàu dầu thô trọng tải lớn (trên 300.000 DWT), có độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi đề xuất treo cờ Việt Nam theo quy định tại khoản điểm c, khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Điều này giúp làm tăng quy mô đội tàu trong nước, nhà nước cũng thu được một khoản thuế, phí từ việc nhập khẩu và đăng ký tàu biển.