CHƯƠNG 3. XU HƯỚNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
3.3. Đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đội tàu biển quốc tế tại Việt Nam66 1. Về phía Nhà nước
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển và thủ tục đăng ký tàu biển, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ triển khai cảng vụ điện tử, hải quan điện tử…Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thống nhất nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, bao gồm việc giảm thời gian; giảm, bãi bỏ hoặc thay thế các loại giấy tờ phải nộp trong hồ sơ; gộp, bãi bỏ các thủ tục hành chính
Thứ hai, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Trước hết, cần đầu tư nâng cấp và mở rộng các cảng biển, bao gồm cầu bến, phao neo, luồng tàu, kho bãi, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa đầy đủ chức năng, quy mô, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên để khai thác các cảng mới nhằm phân bố trải rộng theo vùng miền, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Trên cơ sở đó tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế khác liên quan cùng phát triển. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics cũng cần được liên kết, cùng đồng bộ. Cần phát triển hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển như nâng cấp các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các cảng với các khu vực hinterland. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc cũng cần được nâng cấp để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình truyền thông tin giữa các tàu biển, cảng biển và cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, duy trì việc Việt Nam không nằm trong danh sách đen của Tokyo Mou từ năm 2015, để từng bước nâng cao uy tín của đội tàu biển trên thị trường vận tải biển thế giới.
Thứ tư, hỗ trợ tài chính. Nhà nước có thể giảm lãi suất vay, gia hạn thời gian vay, cho phép giãn nợ, khoanh nợ cho các chủ tàu vay vốn để đóng mới, mua sắm, sửa chữa tàu biển, miễn thuế nhập khẩu đối với tàu biển, thiết bị, vật tư phục vụ cho đóng mới, sửa chữa tàu biển; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vận tải biển; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển, hỗ trợ một phần phí bảo hiểm rủi ro cho tàu biển, thành lập quỹ hỗ trợ bảo hiểm cho đội tàu biển Việt Nam, hỗ trợ một phần phí bảo hiểm thất nghiệp cho thuyền viên Việt Nam. Nguồn tài chính ổn định sẽ góp phần khuyến khích các chủ tàu đóng mới tàu biển, đặc biệt là tàu biển quốc tế. Từ đó, khai thác và tận dụng được tối đa lợi ích của các nguồn lực trong ngành vận tải biển quốc tế Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển. Nhà nước tích cực tham gia các Công ước quốc tế, Hiệp định vận tải song phương, đa phương. Hợp tác quốc tế là nền móng để các doanh nghiệp sở hữu đội tàu quốc tế Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan mở rộng đầu tư ra nước ngoài khi được hưởng nhiều ưu đãi từ các cam kết quốc tế và thủ tục pháp lý được đơn giản hóa
Thứ sáu, củng cố vai trò của các tổ chức phi chính phủ liên quan đến đội tàu biển quốc tế. Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam có sức mạnh thực chất đại diện cho các hội viên. Bằng việc nâng cao vị thế, vai trò của mình, hai Hiệp hội này kết nối chặt chẽ giữa với nhau, phát huy sức mạnh tập thể, hỗ trợ lẫn nhau. Các chủ hàng Việt Nam ưu tiên sử dụng dịch vụ vận tải của chủ tàu Việt Nam với giá cạnh tranh và chất lượng dịch vụ bảo đảm.
3.3.2. Về phía doanh nghiệp
3.3.2.1. Đối với doanh nghiệp sở hữu đội tàu biển
Thứ nhất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển đội tàu. Doanh nghiệp có thể tăng cường đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư bằng cách tìm kiếm nguồn vốn đa dạng như vốn đầu tư, vốn vay từ ngân hàng và vốn tự có, lên kế hoạch đầu tư rõ ràng và cụ thể, bao gồm việc xác định đầu tư và tìm kiếm thị trường đầu tư trong nước và quốc tế; tối ưu hóa sử dụng vốn bằng việc đánh giá sự hiệu quả của đầu tư và đưa ra những giải pháp khi xảy ra rủi ro nếu có, đồng thời theo dõi sát sao quá trình đầu tư và đưa ra những đánh giá về toàn bộ quá trình đầu tư.
Thứ hai, tiến hành đổi mới và ứng dụng công nghệ tin học vào việc quản lý kỹ thuật đội tàu. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật, bao gồm các phần mềm quản lý tàu, giao diện để theo dõi và nắm bắt thông tin; áp dụng IoT để theo dõi thôn thông tin cảm biến đối với trạng thái kỹ thuật của tàu. Các cảm biến thông minh có thể gửi tự động trạng thái kỹ thuật của đội tàu nhằm đưa ra những quyết định sửa chữa hoặc thay thế đối với những sai sót. Đồng thời, doanh nghiệp cần đào tạo nhân
viên sử dụng các công nghệ nhằm đảm bảo kiến thức và kỹ năng liên quan đến vận hành và điều khiển hệ thống công nghệ thông tin của đội tàu.
Thứ ba, tập trung vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo và phát triển là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của tàu biển. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo trong nước vànước ngoài; nâng cao yêu cầu tuyển dụng nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận hành khai thác tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy, dịch vụ logistics và xuất khẩu thuyền viên. Đồng thời, tăng cường phối hợp và gắn kết các đơn vị sử dụng thuyền viên với các cơ sở đào tạo, huấn luyện để đảm bảo nhân lực có kiến thức, kỹ năng sát với nhu cầu thực tế công việc và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách, chế độ ưu đãi với đặc thù lao động của ngành vận tải biển nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với nghề.
3.3.2.2. Các giải pháp phía doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác với các hãng tàu biển Việt Nam bằng những hoạt động thiết thực như ký kết hợp đồng vận chuyển dài hạn, ký cam kết lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các hãng tàu Việt Nam, tạo điều kiện ổn định cho hoạt động của đội tàu. Đồng thời, ưu tiên sử dụng dịch vụ của các hãng tàu Việt Nam vàtham gia vào các chương trình hỗ trợ phát triển đội tàu biển như hợp tác đầu tư vào các dự án đóng mới tàu biển; góp vốn đầu tư vào các dự án đóng mới tàu biển nhằm góp phần nâng cao năng lực vận tải của đội tàu Việt Nam, tham gia vào các quỹ hỗ trợ phát triển đội tàu biển, tạo nguồn lực tài chính cho các hoạt động phát triển đội tàu.
Thứ hai, góp ý kiến xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu biển. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào các diễn đàn, hội thảo về phát triển đội tàu biển, chia sẻ ý kiến, kiến nghị về các chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu biển, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cũng như vai trò của đội tàu biển quốc tế tại Việt Nam, đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đội tàu biển, nắm vững kiến thức về thị trường cũng như công ước quốc tế về loại hàng hóa của mình để đưa ra những quyết định vận tải hợp lý và kịp thời. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đội tàu biển Việt Nam bằng các biện pháp như tuyên truyền, quảng bá về vai trò của đội tàu biển Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước, tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa doanh nghiệp và các đội tàu biển, tạo cơ hội hợp tác, phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đội tàu biển nhằm kết nối thành mạng lưới đội tàu biển trong khu vực và trên thế giới.
3.3.2.3. Các giải pháp phía doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải
Thứ nhất, đa dạng hóa loại hình và chất lượng dịch vụ, bao gồm việc Cung cấp dịch vụ đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ logistics, dịch vụ sửa chữa tàu biển, dịch vụ cung cấp vật tư hàng hải là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải mở rộng thị phần của mình.
Cùng với đó, khi doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp có kiến thức chuyên môn cao và am hiểu thị trường, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ cao để tự động và đơn giản hóa quy trình sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thu hút nhiều phân khúc khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng hệ thống kho ngoại quan thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình lưu kho, đồng thời tăng năng suất lao động và giảm chi phí. Xây dựng hệ thống kho ngoại quan thông minh bao gồm các công tác quản lý kho, quản lý hệ thống các thao tác tự động hóa, hệ thống camera giám sát và hệ thống tích hợp dữ liệu nhằm đồng nhất quy trình cũng như tối đa hóa thời gian truyền đạt thông tin sao cho thông tin được truyền đi một cách chính xác và nhanh chóng nhất.
Thứ ba, tối ưu hóa quy trình vận chuyển, bao gồm việc lựa chọn đúng loại tàu, tối ưu hóa lộ trình, và sử dụng hiệu quả các dịch vụ vận tải. Đồng thời, Doanh nghiệp cần đàm phán với các hãng tàu để đạt được giá cước tốt hơn như ký kết hợp đồng dài hạn hoặc thương lượng giá cước cho từng lô hàng cụ thể, tận dụng được tối đa các chương trình khuyến mãi và ưu đãi. Bên cạnh đó, do container rỗng thường gây lãng phí chi phí, doanh nghiệp cần tối ưu hóa sử dụng container nhằm đảm bảo container được sử dụng đầy đủ và hiệu quả.
Thứ tư, kết nối các phương thức vận tải hiệu quả. Việc kết hợp các phương thức vận tải sẽ nâng cao hiệu quả của vận tải đa phương thức, rút ngắn quá trình di chuyển tới cảng và từ cảng về các địa điểm nội địa. Việc tăng cường hợp tác giữa các đơn vị vận tải giúp doanh nghiệp tối thiểu hóa chi phí và rủi ro cũng như linh hoạt xử lý khi phát sinh vấn đề trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể liên kết với các đối tác quốc tế, tham gia vào các tổ chức hàng hải quốc tế để mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các thông lệ quốc tế.