II. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
2.1. Nông - lâm nghiệp - thủy sản
Khẳng định vai trò là nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển, trong nhiệm kỳ qua Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, triển khai Chương trình
19
hành động về phát triển nông nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tư duy sản xuất từng bước thay đổi với phương châm lấy thị trường làm mục tiêu định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao1, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên2.
- Trồng trọt: tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 677,3 ngàn ha, giảm 64,4 ngàn ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích lúa 627 ngàn ha, ước năng suất bình quân đạt 6,29 tấn/ha, tăng 0,34 tấn/ha so với năm 2016; sản lượng lúa hằng năm đạt trên 3,9 triệu tấn. Diện tích rau màu là 50,3 ngàn ha, giảm 9,1 ngàn ha so với năm 2016. Diện tích cây ăn trái ước đạt 16,3 ngàn ha, tăng khoảng 6 ngàn ha so với năm 2016, chủ yếu là tăng diện tích xoài và các loại cây có múi. Tổng sản lượng rau dưa các loại hằng năm đạt 742 ngàn tấn; các loại cây lâu năm ước đạt 260 ngàn tấn (tăng khoảng 93 ngàn tấn).
- Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi luôn gặp khó khăn; bệnh dịch tả heo Châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi (heo, bò) nên hiệu quả kinh tế không cao. Riêng gia cầm tiếp tục ổn định và phát triển. Quy mô đàn gia súc, gia cầm toàn Tỉnh đến năm 2020 ước đạt như sau: (1) Đàn trâu - bò có khoảng 72 ngàn con, giảm hơn 27 ngàn con so với năm 2016, trong đó, đàn bò ước khoảng 70 ngàn con, giảm 26 ngàn con so với năm 2016; (2) Đàn heo ước 75 ngàn con, giảm 48 ngàn con so với năm 2016; (3) Đàn gia cầm 4,80 triệu con, tăng hơn 350 ngàn con. Tổng sản lượng thịt hơi năm 2020 đạt 21,8 ngàn tấn, giảm 2,4 ngàn tấn so với cùng kỳ.
- Thuỷ sản: tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2020 là 1.977 ha (giảm 610 ha so với đầu năm 2016, trong đó diện tích nuôi cá tra là 891 ha, giảm 390 ha). Sản lượng cá tra khoảng 424 ngàn tấn, tăng gần 200 ngàn tấn so đầu năm 2016; sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên đạt gần 17,5 ngàn tấn (bằng 74,10%), trong đó, sản lượng cá khai thác 12,1 ngàn tấn (chiếm 69,52%).
Với định hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu nên nhu cầu con giống cá tra chất lượng cao vẫn giữ mức cao.
Thực hiện Chương trình giống cá tra 03 cấp, diện tích sản xuất giống thủy sản đạt 1.700 ha (bằng 134,12%); số lượng con giống sản xuất 2,8 tỷ con, trong đó, giống cá tra 2,4 tỷ con (chiếm 83,34%).
- Lâm nghiệp: tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán được duy trì ở tỷ lệ 22,4%.
Tỉnh triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đã trồng được 04 loại cây dược liệu (gồm: cây kim ngân hoa, mạch môn, xạ đen và sâm đại hành); các
1 Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đã hỗ trợ cho khoảng 100 mô hình, dự án ứng dụng đổi mới công nghệ, như: nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống cá tra đầu tiên ở Việt Nam;
nghiên cứu quy trình sản xuất nước tương không có 3-MCPD; quy trình trồng các loại cây trồng có năng suất cao, hiệu quả kinh tế (như: đậu phộng, cà chua ghép, cà tím ghép, dưa lưới)…
2 Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha; tăng 50 triệu đồng/ha so đầu năm 2016.
20
hộ dân trồng khoảng 10,6 ha các loại cây dược liệu khác có giá trị kinh tế (cây huyền 10 ha; ngải đen, ngải bún, ngải trắng 0,5 ha; 0,1 ha cây chúc).
Phát triển thủy lợi: Tập trung các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn nước hiện có, tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, đôn đốc các đơn vị quản lý sử dụng công trình thủy lợi trong tỉnh thường xuyên nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi hiện đang khai thác sử dụng, đảm bảo duy trì khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, diện tích tưới từ công trình thủy lợi đạt trên 240 ngàn ha.
Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Toàn tỉnh An Giang hiện có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới (NTM)” (đạt 51,2% tổng số xã). UBND tỉnh đã ban hành quyết định chọn 28 xã điểm, 2 địa phương cấp huyện (Chợ Mới và Châu Thành) tập trung đầu tư đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
Toàn tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn gần 14.789 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 19%, ngân sách địa phương 26,5%, vốn lồng ghép các chương trình, dự án chiếm 14,3%, vốn vay tín dụng 15,9%, vốn huy động từ doanh nghiệp 12,8%, vốn cộng đồng dân cư đóng góp chiếm gần 10%.
Đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 100%, trong đó có khoảng 95% hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ Y tế.
Phát triển ngành nghề nông thôn và chuyển giao khoa học kỹ thuật: Có chuyển biến tích cực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân khu vực nông thôn; việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm chọn lọc các loại giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh đã phát huy hiệu quả; công tác khuyến nông, khuyến ngư luôn được chú trọng.
2.2. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
Lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến tăng trưởng ổn định, có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lúa gạo và thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công nghệ mới, quy mô công suất lớn. Các khu, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu triển khai dự án, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Bình Long đạt 100% (có 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.598 tỷ đồng); Khu công nghiệp Bình Hòa đạt 94% (có 16 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 5.179 tỷ đồng). Toàn Tỉnh có 16/32 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 450/1.355 ha; có 09 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 200 ha, thu hút 22 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh với các lĩnh vực gồm chế biến thủy sản, lương thực, xay
21
xát lau bóng gạo, vật liệu xây dựng... Tổng mức đầu tư khoảng 4.031 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động.
Lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo bước đầu được khai thác, góp phần đa dạng hóa ngành công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 04 nhà máy điện mặt trời đã được đưa vào vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia; tổng công suất thiết kế của các nhà máy điện này là khoảng 214MWp với tổng mức đầu tư khoảng 4.858 tỷ đồng . Đối với điện mặt trời áp mái lắp cho các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, hiện đã có 498 trường hợp được đấu nối với lưới điện quốc gia, với tổng công suất khoảng 3,8MWp.
Nhìn chung, công nghiệp của tỉnh chủ yếu gắn với chế biến nông thủy sản và các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy cũng phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các ngành nông nghiệp, nuôi thủy sản, ngoài ra gặp bất lợi về mặt ví trí, cách xa trung tâm TP. HCM và hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn chỉnh làm tăng chi phí vận chuyển.
2.3. Thương mại - dịch vụ - du lịch
- Các ngành thương - dịch vụ có bước phát triển tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân cư. Thị trường hàng hoá phong phú, đa dạng, hàng hoá lưu thông thông suốt giữa các vùng thành thị và nông thôn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt 140.300 tỷ đồng (tăng 69,42% so với năm đầu nhiệm kỳ, tương đương 59.450 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 11,65%/năm (giai đoạn 2011-2015 đạt 7,28%/năm). Hạ tầng thương mại phát triển khá đồng bộ và hiện đại.
Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, các chương trình kết nối hệ thống phân phối trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hàng Việt về nông thôn… được đẩy mạnh. Lưu lượng hàng hóa qua các cửa khẩu đạt mức cao, hoạt động giao thương với thị trường Cam-pu-chia tiếp tục được duy trì. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.181 triệu USD và có mặt ở 105 quốc gia (tăng trưởng bình quân đạt 2,8%/năm, đạt 69,1% so kế hoạch); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 768 triệu USD (tăng trưởng bình quân khoảng 5%/năm, tăng 2,4% so kế hoạch).
Nhiều khu thương mại và chợ nông thôn được phát triển rộng khắp đến các xã vùng sâu, đáp ứng được yêu cầu về vật tư, hàng hóa, vật liệu xây dựng và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản cho nông dân. Đến tháng 12/2020 toàn tỉnh có 217 chợ, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 48 cửa hàng tiện ích tập trung ở thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
- Du lịch: An Giang là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử lâu đời như cụm di tích núi Sam, đồi Tức Dụp, Khu du lịch núi Cấm, núi Két, núi Giài... hoặc du lịch sinh thái rừng Trà Sư, Mỹ Hoà Hưng, làng bè Châu Đốc, lễ hội văn hóa dân tộc truyền thống. Ngoài ra còn có các cửa khẩu quốc tế là lợi thế để An Giang phát triển mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
22
Trong 05 năm qua, An Giang đón khoảng 38 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn đạt trên 02 triệu lượt; khách quốc tế ước khoảng 380 nghìn lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, trong đó: doanh thu từ doanh nghiệp du lịch đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,4%; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt gần 18 nghìn tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng, lưu trú du lịch, lữ hành và khu, điểm du lịch có bước phát triển.
Đánh giá chung, ngành thương mại - dịch vụ - du lịch An Giang bước đầu định hình và có bước tiến khả quan song phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chủ yếu là khai thác các lợi thế sẵn có. Các khu, điểm du lịch trọng điểm bước đầu đã xây dựng thương hiệu nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa có tính bền vững. Mặc dù du lịch tỉnh thu hút nhiều du khách nhưng mức chi tiêu bình quân của du khách còn thấp.
Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn khiêm tốn; chưa tạo được quỹ đất sạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ du lịch.