TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2021 – 2025) CỦA TỈNH AN GIANG (Trang 46 - 52)

1. Ban hành văn bản và công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật đất đai

Để triển khai Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, công tác rà soát, lập danh mục đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua rà soát, hầu như toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh được ban hành trước năm 2014 cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật trung ương.

UBND tỉnh đã ban hành 16 Quyết định, 03 Chỉ thị về thủ tục hành chính đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạn mức giao đất, cho thuê đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa, quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, quy chế phối hợp xác định nghĩa vụ tài chính, mức thu bảo vệ phát triển đất trồng lúa, bảng giá các loại đất, hệ số xác định giá đất cụ thể, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai.

Nhìn chung, đã ban hành đầy đủ các quy định mà trong Luật, Nghị định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành. Cùng với các văn bản quy phạm cấp trung ương, đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ cho phát triển thị trường bất động sản, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật đất đai vào cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nên tỉnh rất quan tâm chú trọng việc triển khai cả về hình thức, nội dung, và cách thức tuyên truyền. Để tổ chức thực hiện tốt công tác này UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông về chính sách, pháp luật đất đai số 40/KH-UBND ngày 16/6/2014. Về nội dung có chọn lọc từng năm cho phù hợp với mục tiêu quản lý từng giai đoạn và từng đối tượng khác nhau, cách thức tuyên truyền cũng đa dạng, bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, mở lớp tập huấn, đưa tin trên Đài truyền hình, Đài phát thanh, cung cấp thông tin cho báo chí, đưa tin trên cổng thông tin điện tử các Sở, ngành, biên soạn tài liệu và cung cấp miễn phí cho người dân, doanh nghiệp.

Trong kỳ Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức 10 Hội nghị triển khai Luật, Nghị định; mở 15

38

lớp tập huấn chuyên môn với các chuyên đề công tác lập kế hoạch sử dụng đất, cơ chế tạo, quản lý và khai thác quỹ đất, công tác đăng ký đất đai, công tác kiểm kê, giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút 13.300 lượt tham gia; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thực hiện 28 chuyên mục phóng sự; phối hợp với Báo An Giang đăng 64 tin bài.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tổ chức các lớp tuyên truyền về chính sách, pháp luật đất đai đối với đất tôn giáo (02 lớp, 300 người tham dự); phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở lớp tuyên truyền về chính sách, pháp luật đất đai đối với đất di tích văn hóa - lịch sử, đất có danh lam thắng cảnh (02 lớp, 196 người tham dự). Việc tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai còn được thực hiện thông qua giải đáp pháp luật cho người dân trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tính từ ngày 01/7/2014 đến nay đã tiếp nhận và giải đáp hơn 150 câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật đất đai.

Đánh giá chung việc triển khai, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh có đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung nên kết quả đạt được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp.

2. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tỉnh đã lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 - 2015), được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định theo Thông báo số 08/TB-BTNMT ngày 30/5/2012. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã rà soát, điều chỉnh và trình Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VIII thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 10/7/2012, được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2013.

Sau khi quy hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo 11 huyện, thị, thành tổ chức lập và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2011 - 2020 trong năm 2013.

Đến năm 2016, do các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội có sự điều chỉnh, bổ sung tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020, đồng thời để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia đã được thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội và để triển khai Luật Đất đai năm 2013 với nhiều mã loại đất có sự điều chỉnh, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập quy hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang kỳ cuối 2016 - 2020 tại Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 28/3/2016. Sản phẩm quy hoạch đã được HĐND tỉnh An Giang khóa IX thông qua tại Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 17/5/2018.

39

Tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đồng thời để phân khai chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ xét duyệt cho các địa phương, Tỉnh triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối của 11 huyện, thị, thành và hoàn thành trong năm 2018, tổ chức công bố quy hoạch đúng quy định.

Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được duyệt, hàng năm UBND tỉnh xét duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; lập danh mục dự án thu hồi đất, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để trình HĐND tỉnh thông qua. Riêng các dự án sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, UBND tỉnh trình Thủ tướng chấp thuận, đồng thời có báo cáo cho HĐND tỉnh.

Các Sở, Ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, đã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt để triển khai dự án, công trình, quản lý đất đai, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.

3. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tỉnh đã triển khai ngay các nội dung cần thiết để đảm bảo việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được thông suốt, đúng quy định. Từ giữa năm 2014 tỉnh đã rà soát, cho đăng ký để lập danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, và danh mục dự án cần thu hồi đất để trình HĐND tỉnh thông qua.

Từ năm 2015 các danh mục này được lập 02 lần/năm theo kỳ họp của HĐND tỉnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu triển khai dự án đầu tư. Năm 2016, tỉnh ban hành quy định về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để cụ thế hóa Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó mức thu bằng 50% (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa, sửa đổi quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, rà soát lập thủ tục chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất đối với một số tổ chức theo Luật Đất đai.

Tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 01/7/2014 đến nay trên địa bàn tỉnh là 1.277 dự án với tổng diện tích 3.571 ha, cụ thể:

- Giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất: 625 dự án, diện tích giao 1.603 ha, chủ yếu là các các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh (giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan,…), giao đất cho các cơ sở tôn giáo, các dự án khu tái định cư do Nhà nước đầu tư.

- Cho thuê không qua đấu giá quyền sử dụng đất: 331 dự án, diện tích 725 ha, chủ yếu thuộc các trường hợp thuê đất sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp;

thuê đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh, chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất theo quy định.

40

- Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất: 37 dự án, diện tích 510 ha.

- Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất: 01 dự án, diện tích 48 ha.

- Chuyển mục đích sử dụng đất: 283 dự án, diện tích 685 ha.

4. Công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

An Giang là tỉnh sớm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội, đến nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt trên 95,6%, tạo điều kiện cho các người sử dụng đất thực hiện các quyền, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, sử dụng đất hiệu quả.

Trên cơ sở dự án tổng thể lập hồ sơ địa chính cho phần đất nông nghiệp, tỉnh đã triển khai đo đạc bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính cho khu vực đất nông nghiệp từ năm 2008 đến nay là 126 xã, trong đó đã hoàn thành và bàn giao 105 xã, đang thực hiện là 21 xã và 06 phường không đo đất nông nghiệp. Nâng số lượng xã đã hoàn thiện bản đồ địa chính chính quy lên 132/156 xã, phường, thị trấn với tổng khối lượng đã đo đạc cấp đổi là 212.969 ha/275.132 ha.

Tỉnh luôn tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai một cấp, quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu. Năm 2014, thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung tại tỉnh cho huyện Châu Thành và đến nay mô hình này đang vận hành ổn định. Đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại thì tạm thời chuyển đổi, tích hợp dữ liệu phân tán từ cấp huyện thành mô hình tập trung quản lý thống nhất tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Hiện nay, dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)”

được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành một số công đoạn theo lộ trình.

5. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai

Tổ chức thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn công tác kiểm kê, thống kê đất đai.

Năm 2015, 2019 đã triển khai và hoàn thành công tác kiểm kê đất đai toàn tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm đều triển khai công tác thống kê đất đai ở 03 cấp, làm cơ sở đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai, việc triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời qua công tác này đánh giá được những ưu điểm và hạn chế trong quá trình sử dụng đất.

Tính đến thời điểm năm 2019, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 353,668 ha, trong đó đất nông nghiệp là 298.439 ha, chiếm 84,38% (so với năm 2015 giảm 121 ha), đất phi nông nghiệp là 54.086 ha, chiếm 15,29% (so với năm 2015 tăng 124 ha), đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng được 03 ha, chủ yếu là đất đồi núi.

41

6. Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một chính sách lớn, có ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội, tình hình an sinh xã hội của tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi, đồng thời ảnh hưởng tới chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, chỉ số tiếp cận đất đai nói riêng, do đó rất được tỉnh quan tâm chú trọng.

Về khung chính sách, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ- UBND ngày 14/01/2014, sau đó được điều chỉnh, thay thế bằng các Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 30/3/2015, số 33/2018/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 quy định đầy đủ về chính sách bồi thường, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ và chính sách tái định cư. Giá đất bồi thường không còn là giá do Nhà nước quy định như trước đây mà qua kết quả khảo sát, điều tra thị trường hoặc do tổ chức tư vấn thực hiện, được Hội đồng thẩm định giá tỉnh thông qua. Qua đánh giá chung, chính sách bồi thường của An Giang là tương đương hoặc có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi so với các tỉnh, thành lân cận.

Việc triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng ngày càng chặt chẽ và nhanh hơn trước. Các dự án đều được rà soát kỹ lưỡng về mặt pháp lý, xác định được nguồn vốn trước khi triển khai thực hiện. Từ năm 2014 trở đi tỉnh siết chặt quy trình ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo này chỉ được ban hành sau khi đã kiểm tra đầy đủ điều kiện pháp lý, xác định được lộ trình cụ thể việc triển khai và chỉ có giá trị trong vòng 01 năm nhằm hạn chế tình trạng kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Năm 2019 tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường để rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai công tác bồi thường.

Tổng số dự án thực hiện thu hồi bồi thường trên địa bàn tỉnh là: 260 dự án, trong đó đã hoàn thành 144 dự án, đang thực hiện 115 dự án. Tổng diện tích thu hồi, bồi thường: 504,5 ha với 11.388 hộ dân bị ảnh hưởng.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh và phù hợp với các quy định của Trung ương nên có sự đồng thuận cao của người dân và ít phát sinh tình trạng so bì, khiếu nại của người dân. Ngoài ra, còn có quy định áp dụng chính sách hỗ trợ khác theo từng dự án nhằm để bảo đảm người dân có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi.

7. Công tác quản lý, khai thác quỹ đất công, đất bãi bồi

Qua triển khai một loạt các giải pháp, công tác quản lý và khai thác quỹ đất đã có những chuyển biến rõ nét và tích cực. Trước đây quỹ đất công do nhiều cơ quan khác nhau quản lý, nhiều thửa đất không được xác lập hồ sơ, chưa được đo đạc, không có bản đồ, tình trạng khai thác tùy tiện, trái thẩm quyền, không đúng quy hoạch diễn ra phổ biến.

42

Năm 2015, tỉnh triển khai tổng kiểm kê quỹ đất công và sau đó tiến hành rà soát quỹ đất bãi bồi. Kết quả đã kiểm kê được 1.113 khu đất với tổng diện tích 547 ha (trong đó 1.065 khu đất công, diện tích 380,7 ha và 48 khu đất bãi bồi, diện tích 166,9 ha). Từ kết quả kiểm kê, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập hồ sơ quản lý, trình UBND tỉnh quyết định giao cho UBND cấp huyện làm đầu mối quản lý, lập kế hoạch khai thác hàng năm. Đến nay đã lập phương án và đưa ra khai thác đấu giá 601 khu đất với diện tích 150 ha.

8. Tình hình rà soát, sắp xếp nhà, đất có nguồn gốc tài sản nhà nước; việc quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Kết quả sắp xếp đến 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 4.455 cơ sở nhà đất (trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng: 3.638 cơ sở; thu hồi 29 cơ sở; chuyển giao nhà ở, đất ở: 18 cơ sở; điều chuyển: 68 cơ sở; bán tài sản, chuyển nhượng đất: 619 cơ sở; chuyển mục đích sử dụng: 01 cơ sở và xử lý khác: 82 cơ sở), đã cổ phần hóa 03 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

9. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo a) Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành:

Công tác thanh kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai luôn được quan tâm, duy trì thường xuyên, không làm ảnh hưởng hoạt dộng của doanh nghiệp và hộ dân nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương pháp luật, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm kiên quyết thu hồi đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu dự án hoặc giao cho chủ đầu tư mới có đủ năng lực triển khai dự án và có chế tài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Trung bình mỗi năm tiến hành khoảng 70 cuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đối tượng có dấu hiệu chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không sử dụng, sử dụng đất không hiệu quả, sai mục đích. Qua thanh kiểm tra, đã xử lý vi phạm hành chính đối với 86 trường hợp với số tiền 1.088.750.000 đồng (tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 trường hợp với số tiền 255.000.000 đồng; cấp huyện xử lý 85 trường hợp với số tiền 833.750.000 đồng); kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất vi phạm đối với 02 trường hợp với tổng diện tích 10.444 m2 (01 khu đất với diện tích 9.994 m2 của Công ty TNHH SX TM XNK Nam Á; 01 khu đất với diện tích 450 m2 của Công ty CP Du lịch An Giang).

Nhìn chung, các sai phạm về đất đai giảm rất nhiều qua từng năm. chưa phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng đất. Tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật đất đai. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng quy định.

b) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2021 – 2025) CỦA TỈNH AN GIANG (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)