Nội dung quản lý nhà nước về đào tạo nghề

Một phần của tài liệu QLNN về đào tạo nghề đối với các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 27 - 35)

1.2. Chủ thể, nội dung và phương thức quản lý nhà nước về đào tạo nghề trong các trường dạy nghề công lập

1.2.2. Nội dung quản lý nhà nước về đào tạo nghề

1.2.2.1. Xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đào tạo nghề

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được hiểu đầy đủ là một hệ thống các phân tích, đánh giá và lựa chọn thể hiện những quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu của một quá trình phát triển mong muốn và sự nhất quán về con đường và các giải pháp cơ bản để thực hiện. Như vậy, chức năng chính của chiến lược phát triển là sự lựa chọn hướng và cách đi tối ưu mang tính tổng thể trong lộ trình phát triển dài hạn. Thời gian chiến lược có thể 10 năm, 15 năm, 20 năm.

Nếu chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp là vạch ra các đường nét hướng quỹ đạo cho sự phát triển trong một thời gian dài, thì quy hoạch phát triển là sự thể hiện tầm nhìn, sự bố trí chiến lược về thời gian và không gian lãnh thổ, xây dựng khung vĩ mô về tổ chức không gian để chủ động hướng tới mục tiêu, đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp là văn bản luận chứng và lựa chọn phương án phát triển hợp lý và tổ chức giáo dục nghề nghiệp dài hạn (ít nhất là 3 năm) trên không gian lãnh thổ nhất định.

Chiến lược và quy hoạch với chức năng như vậy, thì chưa thể là công cụ quản lý, điều tiết các hoạt động giáo dục nghề diễn ra trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể. Trong hệ thống hoạch định phát triển đào tạo nghề ở Việt Nam, kế hoạch đóng vai trò đó. Kế hoạch xác định một cách hệ thống những hoạt động nhằm phát triển hoạt động đào tạo nghề theo những mục tiêu, chỉ tiêu và các cơ chế chính sách sử dụng trong một thời kỳ nhất định. Kế hoạch

19

có chức năng cụ thể hoá các tầm nhìn chiến lược phát triển và mục tiêu của quy hoạch để từng bước thực hiện và biến chiến lược, quy hoạch thành thực tế cuộc sống. Về lượng thời gian, quy hoạch thường xây dựng khoảng thời gian dài hơn (10 năm) và được phân đoạn thành 5 năm, còn kế hoạch được chia thành nhiều mức độ khác nhau: 5 năm, 3 năm và hàng năm.

Chính sách đào tạo nghề trong các trường dạy nghề là một hệ thống các quan điểm, các mục tiêu của Nhà nước về đào tạo nghề có trình độ tay nghề theo đúng quy định cùng các phương thức, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đó trong một giai đoạn nhất định cùng với sự phát triển của đất nước.

Chính sách đào tạo nghề gồm:Chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; Chính sách phát triển trường nghề chất lượng cao; Chính sách đối với người học; Chính sách phân luồng học sinh sau kết thúc THCS và Chính sách đào tạo nghề cho người lao động.

Quy hoạch, kế hoạch, chính sách đào tạo nghề phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước, ngành, địa phương, khả năng đầu tư của Nhà nước, khả năng huy động các nguồn lực xã hội, đảm bảo cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng, miền; tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng và ban hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách đào tạo nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phải dựa vào các cơ sở pháp lý sau: Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH 13, Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020,…

20

1.2.2.2. Xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về đào tạo nghề Văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề là toàn bộ những quy định chung và cụ thể từ Trung ương đến địa phương về các hoạt động liên quan đến dạy nghề. Được thể hiện là hệ thống quy định của Trung ương; các địa phương quy định, hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện.

Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề tạo hành lang pháp lý và điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp nghề, giúp các trường hoạt động đúng hướng, đúng kỷ cương, trật tự.

Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về đào tạo nghề gồm:

Theo Khoản 2, Điều 61, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”

Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/1/2014 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống văn bản của Chính phủ, bộ, ngành chức năng gồm:

Nghị định 48/2015/NĐ- CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định 15/2019/NĐ- CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Quyết định số 72/2008/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề.

21

Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn lựa chọn thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về tuyển dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định việc thực hiện Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp….

Dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đào tạo nghề, các cơ quan QLNN ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện các quy định của cơ quan quản lý cấp trên và ban hành quy chế, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở tại địa phương mình. Việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản QLNN về đào tạo nghề là căn cứ pháp lý quan trọng giúp các cơ sở đào tạo hoạt động tốt hơn.

1.2.2.3. Xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên về đào tạo nghề

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nghị định số 48/2015/NĐ- CP ngày 15/5/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 15/2019/ NĐ- CP ngày 01/02/2019 quy định chi tiết một

22

số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, công tác xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên về đào tạo nghề có vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp. Phải bảo đảm tổ chức và bố trí bộ máy thật tinh gọn, thống nhất, thông suốt, có sự phân công phân cấp cụ thể để phát huy tính chủ động sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân, đồng thời quan tâm đến dân chủ ở cơ sở.

Ngoài việc xây dựng và kiện toàn bộ máy QLNN về đào tạo nghề, cần phải quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường công lập về giáo dục nghề nghiệp; phải sử dụng giáo viên dạy nghề theo đúng trình độ chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của dạy nghề.

Thực hiện chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, sư phạm của đội ngũ giáo viên dạy nghề theo quy định của pháp luật và từng bước tiếp cận chuẩn nghề nghiệp giáo viên dạy nghề khu vực và thế giới. Giáo viên dạy nghề chưa đạt trình độ chuẩn, còn trong độ tuổi đào tạo phải được đào tạo, bồi dưỡng để đạt trình độ chuẩn, thời hạn hoàn thành trình độ tối đa là 5 năm.

Giáo viên dạy nghề có thể tham gia bồi dưỡng theo 3 hình thức sau:

Bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên đạt chuẩn.Với từng loại bồi dưỡng khác nhau mà giáo viên dạy nghề được học các kỹ năng, môn học khác nhau từ nghiệp vụ sư phạm, tin học,…

phù hợp với yêu cầu giảng dạy thực tế.

1.2.2.4. Hỗ trợ, huy động nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho đào tạo nghề Nguồn lực tài chính của các cơ sở đào tạo nghề từ các nguồn sau: Từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, từ các cơ sở dạy nghề và từ đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Toàn bộ các khoản chi tiêu, cấp kinh phí, đầu tư cho hoạt động dạy nghề. Nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong việc đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục quốc dân nói chung và hệ

23

thống cơ sở đào tạo nghề nói riêng. Hiện nay đầu tư cho đào tạo nghề được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngân sách cho đào tạo nghề được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.

Nguồn vốn từ các doanh nghiệp: Được thực hiện thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp thành lập các cơ sở dạy nghề, hỗ trợ và liên kết với các cơ sở dạy nghề trong đào tạo ứng dụng sản xuất và trả công cho người học nghề khi học tham gia hoặc trực tiếp làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Từ các cơ sở dạy nghề: Các cơ sở dạy nghề được phép thành lập doanh nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất, dịch vụ tạo điều kiện cho người học nghề, giáo viên của nhà trường thực hành, thực tập nâng cao trình độ. Việc thành lập tổ chức này có hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Từ đầu tư nước ngoài: Cũng như các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào hoạt động dạy nghề thông qua việc thành lập cơ sở dạy nghề, hợp tác phát triển dạy nghề, đóng góp tài chính tự nguyện cho dạy nghề.

Ngoài ra, Chính phủ còn quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ học nghề. Quỹ hỗ trợ học nghề được thành lập để hỗ trợ cho người học nghề. Nguồn tài chính của Quỹ bao gồm đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ hỗ trợ học nghề. Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế.

Với các nguồn lực trên thì cơ quan QLNN về đào tạo nghề có trách nhiệm huy động tối đa, chỉ đạo sử dụng đúng mục đích, đồng thời đầu tư có hiệu quả cho các hoạt động đào tạo nghề.

24

1.2.2.5.Liên kết, hợp tác trong đào tạo nghề

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục, trong đó có cơ sở dạy nghề hợp tác với nước ngoài trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho người Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu, trao đổi học thuật theo hình thức tự túc hoặc bằng kinh phí do tổ chức, cá nhân trong nước cấp hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.

Nhà nước phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề bằng cách mở rộng theo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, đầu tư, tài trợ, hợp tác, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về đào tạo nghề ở Việt Nam; được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các chính sách phát triển hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề được thực hiện theo quy định của Chính phủ thông qua từ các nguồn tài trợ như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Các dự án ADB hỗ trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi được triển khai và đạt hiệu quả qua hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam, chẳng hạn: Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, Dự án tăng cường kỹ năng nghề; dự án hỗ trợ vào chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo nghề trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước; hỗ trợ phát triển đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

1.2.2.6. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về đào tạo nghề Việc thanh tra về hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra dạy nghề.

25

Nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát bao gồm kiểm định chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo; cơ sở vật chất, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và việc thực hiện các cam kết đối với sinh viên.

Xử lý vi phạm về đào tạo nghề: Là việc cơ quan QLNN tiếp nhận đơn thư, phản ánh về các mặt hoạt động, biểu hiện tiêu cực của tập thể, cá nhân về những vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo nghề; đồng thời tổ chức trả lời, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đó.

Trong QLNN đối với các trường đào tạo nghề công lập, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tổ chức thực hiện, phân cấp quản lý cũng như giải quyết các khiếu nại, tố cáo là một nội dung rất quan trọng. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm là công cụ góp phần bảo đảm hiệu lực thực tế của thể chế, chính sách QLNN đối với các trường đào tạo nghề công lập. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật được thực hiện nhằm các mục đích:

Thứ nhất, thông qua hoạt động này để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả thể chế QLNN đối với các trường đào tạo nghề công lập.Thanh tra, giám sát giúp các cơ QLNN có thông tin về tính hợp lý, tính khả thi của các quy định pháp luật. Sự phản hồi từ thực tiễn là cơ sở để hoàn thiện thể chế QLNN đối với QLNN về đào tạo nghề đối với các trường công lập.

Thứ hai, thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp kịp thời các vi phạm pháp luật đối với các trường như có thể phát hiện việc đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn mở thêm ngành học, các tiêu chuẩn thành lập cơ sở đào tạo, sự thống nhất trong áp dụng các tiêu chuẩn về QLNN đối với các trường đào tạo nghề công lập. Cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát tạo ra áp lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đào tạo nghề và các chủ thể khác phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo tiền đề đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được nhà nước cho phép.

Một phần của tài liệu QLNN về đào tạo nghề đối với các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)