Chương 2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH CÀ MAU
2.1. Khái quát về tỉnh Cà Mau
Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nằm trong hệ tọa độ 8o34’B đến 9o33’B và 104o43’Đ đến 105o25’Đ, với phần diện tích đất liền trên 5,294 km2, cách thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp Vịnh Thái Lan. Cà Mau nằm trên bán đảo Cà Mau, có vị trí địa lí khá đặc biệt, với 3 mặt giáp biển. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
Mũi Cà Mau cũng là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được cả buổi bình minh trên biển Đông và buổi hoàng hôn trên biển Tây.
2.1.2. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Địa hình tỉnh Cà Mau là một vùng đồng bằng thấp, địa hình bằng phẳng, độ cao trung bình thấp dần xuống phía Nam, Tây Nam. Ven biển là vùng bãi bồi phù sa, là nơi sinh sống của các loài động, thực vật tạo nên một khu vực hệ sinh thái ngập mặn độc đáo đa dạng. Đây cũng là một trong những tài nguyên phục vụ đắc lực cho du lịch và tạo nên nét đặc trưng cho du lịch tỉnh Cà Mau.
Khí hậu nằm trong khu vực nội chí tuyến Bắc bán cầu, khí hậu của Cà Mau mang tính chất cận Xích đạo gió mùa, khá ôn hòa, có 2 mùa mưa, khô rõ rệt. Sự phân hóa theo mùa của khí hậu là nguyên nhân chính tạo nên tính mùa vụ trong hoạt động du lịch của tỉnh Cà Mau nói chung và DLCĐ nói riêng.
Tài nguyên thiên nhiên nổi bật nhất trong đặc điểm tự nhiên của tỉnh Cà Mau đó là hệ thống tài nguyên rừng và tài nguyên biển.
Hình 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh Cà Mau
2.1.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội
2.1.3.1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 2014 - 2018, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau phát triển ổn định. Năm 2018, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 27,7 nghìn tỷ đồng tăng 7,46% so với năm 20141.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp và tăng dần ngành dịch vụ (trong đó, lĩnh vực dịch vụ chiếm 40,9% GRDP); Một số lĩnh vực có những bước phát triển đáng kể, như các hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển mạnh, hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, kềm chế được lạm phát… Ngành du lịch cũng từng bước phát triển, số lượt khách du lịch quốc tế và nội địa đến tỉnh ngày càng tăng. Cà Mau cũng đã xây dựng được thương hiệu SPDL đặc thù là DLST, gắn với hệ sinh thái ngập nước phong phú và đa dạng. Theo đó, doanh thu từ du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh những thành quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội tỉnh vẫn tồn tại những khó khăn nhất định như sự bất ổn và bấp bênh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho mùa màng và các đầm tôm, mùa khô ngày càng dài nên khó khăn cho vấn đề nước sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp…
2.1.3.2. Đặc điểm dân cư
Tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau có quy mô dân số khá lớn với 1.229,6 nghìn người. Mật độ dân số trung bình cao, đạt 236 người/km2. Quy mô dân số đông, cùng với mật độ cao cung cấp một nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. So với cả nước, tốc độ gia tăng dân số của tỉnh khá thấp, chỉ đạt 0,28 % (năm 2018), tuy nhiên, tỉ suất này được dự báo có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
1 Số liệu từ Cục thống kê tỉnh Cà Mau
Bảng 2.1. Quy mô và tốc độ gia tăng dân số tỉnh Cà Mau giai đoạn 2014 – 2018
Năm 2014 2015 2016 2017 2018
Số dân (nghìn người) 1216,4 1218,9 1222,6 1226,3 1229,6 Gia tăng dân số (%) 0,18 0,21 0,30 0,30 0,18
Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam
Trong những năm qua, đời sống nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng cao, thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục và tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Trong 5 năm từ 2014 đến 2018, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Cà Mau tăng gấp hơn 2 lần. Điều này góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của người dân.
Bảng 2.2. Thu nhập bình quân đầu người /1 tháng và tỉ lệ hộ nghèo.
Năm 2014 2016 2018
Thu nhập bình quân đầu người (nghìn đồng) 2.154 2.372 2.986
Tỉ lệ hộ nghèo (%) 7,9 6,5 5,2
Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm 2,7% trong 5 năm (2014-2018) đưa tỷ lệ hộ nghèo ở mức 7,9% (2014) xuống còn 6,5% (năm 2016) và 5,2% (năm 2018). Đó là kết quả nổ lực trong những năm qua của tỉnh với các biện pháp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công... Điều đó cũng góp phần cải thiện rõ rệt bộ mặt kinh tế xã hội của tỉnh Cà Mau trong những năm gần đây.
Mức sống và thu nhập bình quân đầu người tăng cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch. Mức sống càng cao, những nhu cầu vui chơi, giải trí, đặc biệt là du lịch cũng được nâng cao, theo đó đã cung cấp cho ngành du lịch tỉnh một số lượng khách du lịch trong tỉnh khá lớn.
Ngoài ra, công tác giáo dục và đào tạo cũng được chú trọng phát triển. Các cơ sở trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Hình 2.2. Tài nguyên du lịch Tỉnh Cà Mau