Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH CÀ MAU
3.1. Căn cứ xây dựng định hướng
3.1.1. Chiến lƣợc phát triển du lịch cộng đồng của Bộ VHTT&DL
Ngày nay, DLCĐ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ngoài các hoạt động kinh tế sản xuất vật chất, du lịch được xem là một ngành quan trọng nhằm mục tiêu góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Để thực hiện mục tiêu đó, trong nội dung Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển SPDL Việt Nam đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch, trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, đã xác định DLCĐ là loại hình du lịch có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam. Cũng theo quy hoạch, định hướng phát triển vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long xác định DLCĐ là loại hình du lịch đặc trưng của vùng, đồng thời cũng được xếp đầu tiên về thế mạnh tài nguyên và khả năng cạnh tranh.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2030 của Tổng cục Du Lịch, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch năm 2016, đã nêu rõ về định hướng phát triển du lịch của vùng. Trong đó, quy hoạch xác định phát triển DLCĐ sinh thái trên hệ sinh thái ngập mặn và bãi bồi ven biển thuộc vùng Cà Mau là loại hình du lịch mang tính đặc thù cấp quốc gia và vùng.
3.1.2. Nhu cầu du lịch cộng đồng của thị trường
Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng chịu nhiều áp lực từ công việc, gia đình, học tập…vì thế nhu cầu du lịch để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi ngày càng phổ biến. Theo đó, con người đang có xu hướng muốn trở về với thiên nhiên và DLCĐ đang ngày càng được ưa chuộng. Cùng với xu hướng đó, Tổng cục Du lịch đã xác định DLST cộng đồng là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Trong những năm gần đây, DLCĐ ở Việt Nam mới thật sự có những bước phát triển nhanh chóng, đây là loại hình du lịch mang lại
nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân. DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.
3.1.3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh
Ngày 24/7/2012, Chủ tịch Tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định 1062/QĐ- UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, nêu rõ mục tiêu phát triển đến năm 2030, phát triển du lịch tỉnh Cà Mau nhanh, đồng bộ và vững chắc trên cơ sở phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giai đoạn 2015-2020 tỷ trọng GDP du lịch so với toàn khối thương mại - dịch vụ là 4% vào năm 2015 và 4,5% vào năm 2020. Nâng cao nguồn thu từ du lịch, phấn đấu đến năm 2015 doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.150 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 2.610 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 7.160 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành năm 2012, 1USD = 20.900 đồng).
(QD1062)
Bên cạnh đó, trong Chương trình phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009-2015, tầm nhìn đến năm 2020, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 7/7/2009 có nội dung quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch Cà Mau. Mục tiêu của quy hoạch, Cà Mau trở thành điểm đến quan trọng của cả nước và có tên trên bản đồ du lịch quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 24/7/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Nội dung quy hoạch nhấn mạnh “Xây dựng du lịch trở thành ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế”, theo đó doanh thu du lịch đạt từ 2610 tỷ đồng
vào năm 2020 và 7160 tỷ đồng vào năm 2030. Đến năm 2020, có 26,100 lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 8700 lao động trực tiếp.
Về chỉ tiêu khách du lịch, phấn đấu đạt 2,8 triệu lượt khách vào năm 2030, với các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. (Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch)
Về phát triển SPDL, các sản phẩm chủ yếu là DLST, du lịch tham quan, du lịch nông nghiệp bền vững, du lịch thể thao, du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử, du lịch cuối tuần… Trong đó nhấn mạnh du lịch tham quan Đất Mũi và DLST Khu dự trữ sinh quyển là SPDL đặc thù và nổi trội của Cà Mau.
Các điểm, khu du lịch nằm trong quy hoạch bao gồm:
Mũi Cà Mau, VQG Mũi Cà Mau, VQG U Minh Hạ, cồn Ông Trang, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Giá Lồng Đèn, Đầm Thị Tường, các sân chim, Quan Âm Cổ tự, khu Căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Xẻo Đước, Bến Vàm Lũng, đình Tân Hưng, khu Căn cứ Lung Lá - Nhà Thể, đền thờ Bác Hồ, khu Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục Miền Nam, đền thờ Vua Hùng, làng rừng, biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, khu Trù mật Khai hoang Dinh Điền, chợ nổi Cà Mau, nhà bác Ba Phi, làng chiếu Tân Thành,...Trong đó, Hòn Khoai được xác định sẽ trở thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh về phát triển DLST nhằm khai thác thế mạnh biển, đảo, kết hợp với giáo dục truyền thống và an ninh quốc phòng.
Về nhu cầu nguồn vốn ước tính đến năm 2020 khoảng 2482 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng.
Để thực hiện quy hoạch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể về vốn đầu tư, phát triển các sản phẩm đa dạng, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững…
3.1.4. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh
Dựa trên cơ sở những đánh giá cho điểm của du khách và những thế mạnh, hạn chế của DLCĐ tỉnh Cà Mau, tác giả đề xuất những định hướng và giải pháp phát triển sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Các giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém và phát huy được thế mạnh của SPDL. Trong đó, tác
giả đề xuất giải pháp theo từng nhóm cụ thể, để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ và khả thi.