Phát triển điểm, tuyến du lịch chính

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh cà mau (Trang 82 - 90)

Chương 2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH CÀ MAU

2.3. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Cà Mau

2.3.3. Phát triển điểm, tuyến du lịch chính

* Các điểm DLCĐ nổi bật của tỉnh Cà Mau:

Vào những năm 2013, mô hình DLCĐ tại vùng Đất Mũi được hình thành.

Những hộ dân nơi đây được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau giao đất, giao rừng và cho phép thực hiện mô hình du lịch sinh thái. Việc kinh doanh DLCĐ cần phải bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng, trong đó rừng ở đây quy định phải trồng 60% phủ kín

để bảo vệ bầu khí quyển và 40% nuôi trồng thủy sản được canh tác trên diện tích này để tăng thu nhập cho gia đình.

* Điểm DLCĐ Tư Nhuần (Nguyễn Văn Nhuần) – (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Tư Nhuần được đầu tư bởi Dự án SIDA - Thụy Điển, không hoàn vốn. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Tư Nhuần đã được hình thành với 9 ha đất rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản cùng với vô số hoạt động DLCĐ, trải nghiệm thú vị. Nằm trong không gian xanh mát của hai hàng me, nhiều loài hoa mọc theo từng luống xung quanh, đường đi vào khu du lịch cảm giác như đang lạc vào miền quê dân giả. Với một khuôn viên rất rộng gồm 3 nhà sàn lớn để phục vụ du khách ăn uống, lưu trú qua đêm.

Thành phần tham gia phục vụ du lịch từ việc nấu nướng, chạy bàn hay hướng dẫn du khách dã ngoại, hầu như đều được chính chủ nhân ngôi nhà là vợ con ông Tư Nhuần hỗ trợ điều này giúp du khách cảm nhận được gần gũi hơn đời sống của người dân địa phương tại nơi này.

Hình 2.3. Bản đồ các điểm, tuyến du lịch cộng đồng tỉnh Cà Mau

Khi đến với KDL cộng đồng Tư Nhuần du khách sẽ có cơ hội được tham gia các hoạt động như: tự tay bắt hải sản, ba khía, cá thòi lòi, tắm bùn, khám phá Mũi Cà Mau, tham quan Khu Bãi Bồi,... Đặc biệt, tại khu du lịch có dịch vụ homestay hóm hỉnh “Nhà không cửa” điểm du lịch có các khu nhà sàn làm chỗ ngủ cho du khách muốn ở lại qua đêm giá chỉ 70k/ người. Chỗ nghỉ ở đây có mùng chiếu, nơi ngủ thoáng mát. Miền Tây nổi tiếng với “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” chỉ có du khách trải nghiệm ban đêm ở đây mới hiểu được phần nào Đất Mũi

“nhà không cửa”. Theo ông Nguyễn Văn Nhuần cho biết: “Hầu hết những du khách đến đây tham quan trải nghiệm, chúng tôi chế biến các món ăn bán rất bình dân, họ cũng hài lòng. Thời gian gần đây, lượng khách tham quan du lịch sinh thái ngày càng tăng lên, mỗi ngày có trên 50 khách, có lúc lên cả trăm khách, họ đều đặt ăn ở đây, khẩu vị làm theo yêu cầu của khách. Ngoài dịch vụ tham quan trải nghiệm tại hộ gia đình, chúng tôi còn chở khách tham quan vùng đất lấn biển, khu bãi bồi để khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đất Mũi”. Vì vậy, khả năng phát triển của điểm DLCĐ Tư Nhuần trong tương lai… Du khách đến nhiều hơn, ở lâu hơn và bà con thu nhập ổn định hơn.

* Điểm DLCĐ Mười Ngọt, (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). Điểm du lịch này được hình thành và đưa vào khai thác khoảng từ cuối năm 2015. Có diện tích hơn 60ha đất rừng, trong đó có khu lõi nguyên sinh hàng chục héc-ta với hệ sinh thái tràm đặc trưng, được cải tạo trồng rừng thâm canh kết hợp tạo tuyến tham quan cho du khách, trong phần đất có khu lung trũng khoảng 2 ha, được giữ lại để làm môi trường sống tự nhiên cho rắn, rùa, cá và các loài động vật rừng quý hiếm. Những căn nhà lợp lá đơn sơ được xây dựng trên bờ liếp, xung quanh là những con mương, vườn chuối, cấy ăn trái, làm nơi dừng chân, nghỉ dưỡng qua đêm phục vụ du khách phương xa khi có nhu cầu.

Tại địa điểm du lịch Mười Ngọt, từ người quản lý cao nhất đến hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, đầu bếp, người tài công…tất cả đều là những thành viên trong gia đình và những hộ dân sống lân cận họ rất thân thiện, nhiệt tình khi tiếp chuyện với khách.

Khi tham quan trong rừng, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động của người nông dân xứ rừng U Minh Hạ như: đặt lờ, đặt lọp, giăng lưới, cắm câu bắt cá đồng; lấy mật ong rừng; hái đọt choại, bắp chuối, bông súng và các loại rau đồng.

Và đây cũng chính là những sản vật tươi ngon của thiên nhiên mà du khách tận thu được, để khi kết thúc “tour” tham quan rừng tràm có thể chế biến thành những món ăn dân dã, đậm đà hương vị đồng quê như: cá lóc nước trui, cá trê vàng nướng, lẩu mắm, lẩu lươn, gỏi ong non, các món ăn chế biến từ rắn, chuột... Đặc biệt, đi kèm với những món ngon hấp dẫn du khách có thể kết hợp thưởng thức vài ly rượu đế và những câu chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi. Hoặc nếu ai có tâm hồn nghệ sĩ, có thể chọn cho mình vài câu vọng cổ để hòa nhịp cùng ngón đờn tài hoa của các thầy đờn ở rừng U Minh Hạ.

Khu Du lịch Mười Ngọt đã mang về nguồn lợi ổn định từ các sản vật rừng, các hoạt động du lịch và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động. Lao động làm việc ở đây theo thời vụ và được trả công 150/ngày. Ðặc biệt, điểm du lịch Mười Ngọt trong các dịp lễ 30/4 và 1/5, đã đón hơn 400 lượt khách. Những đoàn khách từ các tỉnh xa về tham quan ngày càng nhiều và phản hồi của du khách rất tích cực.

Khu Du lịch Mười Ngọt đã có những ý tưởng táo bạo không giống bất kỳ nơi đâu, đó là mỗi mùa một loại đặc sản, khai thác đồng thời cũng rất ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên một cách bền vững. Gia đình ông Mười cất nhà, kéo điện, tạo cơ ngơi cho người làm vô ở để coi sóc vườn trái cây, khai thác nguồn lợi từ rừng, lợi nhuận người làm được hưởng 70%.

* Điểm DLCĐ vườn cò Tư Sự – (ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình). Vườn chim hình thành từ năm 2000, có tổng diện tích 16ha. Là địa điểm du lịch sinh thái thu hút du khách, với số lượng cá thể chim, cò lên tới 100.000 con. Trong đó, khu vực chim, cò tập trung, quy tụ về trú ngụ, sinh sản là 10ha, với khoảng 20 loài chim cò, có lúc lên đến vài trăm nghìn con như: cò trắng, cò quắm, cò ma, cò lép, cò ngà, cò ruồi, còng cọc, điên điển, bạc má, chim sen, vạc mốc, vạc lửa, trích mồng trích ré, cu đất…. Sau khi tham quan, chiêm ngưỡng các loài chim, cò làm tổ, sinh sản, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như giăng lưới bắt cá, đặt rập cua. Sau cùng, du khách có thể thưởng thức món ăn đặc sản

đồng quê của miệt vườn như cá lóc nướng trui, cá trê vàng nướng, lẩu mắm, mắm chưng, lẩu lươn, cá lóc luộc cơm mẻ, cá rô kho tộ, tôm luộc, tôm nướng... Hiện nay, du khách đến tham quan vườn chim cò Tư Sự có thể đi bằng đường bộ hoặc đi bằng xuồng ba lá để trải nghiệm thêm việc giăng lưới, đặt rập cua. Du khách có thể leo lên chòi cao để ngắm toàn bộ rừng tràm và vườn chim.

Vườn chim, cò Tư Sự mở cửa đón khách từ 5h30 sáng và đóng cửa vào lúc 20h tối, phí dịch vụ cho chuyến tham quan bằng đường bộ 20.000 đồng/người và đường thủy 50.000 đồng/người. Tổ hợp tác Toàn Thắng với “mô hình” cả gia đình cùng làm kinh tế, cùng sản xuất kinh doanh. Và hiệu quả mang đến không chỉ cho 3 hộ gia đình gồm 8 thành viên của tổ, mà còn giúp đoàn viên, thanh niên trong ấp vận động gia đình cùng áp dụng “mô hình”, tăng thu nhập mỗi năm vượt hơn 100 triệu đồng. Từ đó tới nay, các tổ viên của anh làm nên lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm từ con tôm, cây lúa, rồi cua, cá tạp trong diện tích nuôi trồng của gia đình. chủ yếu chỉ khai thác nguồn lợi cá tạp với mỗi năm lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Theo như anh Trương Minh Thắng, chủ vườn chim, cò Tư Sự ấp cho biết.

Hiện nay, số lượng người biết đến vườn chim, cò Tư Sự nhiều hơn nên lượng khách đến đây tham quan, du lịch cũng tăng gấp đôi so với trước. Vào cao điểm lễ Tết có khoảng từ 500 – 700 khách. Để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn được hệ sinh thái tại đây, gia đình anh luôn quan tâm chăm sóc, giữ gìn các loài chim, cò. Đồng thời, tiếp tục mở rộng thêm 6ha trồng các loại cây như: cây tre, tràm, mắm đước, cây vẹt… để chim cò về làm tổ, sinh sống lâu dài. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Thắng chỉ mới đầu tư thêm đường nội bộ, bãi đậu xe và mở quán cà phê để khách dừng chân. Còn dự định mở dịch vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu phần đông khách đến thì anh đang suy tính nhiều phương án để đầu tư đúng hướng, đúng cách.

Ngoài các điểm DLCĐ Tư Nhuần, Mười Ngọt và vườn cò Tư Sự còn có các điểm DLCĐ khác như:

+ Điểm DLCĐ Tám Ngoắc, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tân Thành, Thành phố Cà Mau.

+ Điểm DLCĐ Năm Hướng, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

+ Điểm DLCĐ Tư Tuấn, T19- Ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

+ Điểm DLCĐ Đất Mũi Hoàng Hôn, Xã Đất Mũi, Huyện Ngọc Hiển, Tỉnh Cà Mau.

+ Điểm Homestay DLCĐ Đất Mũi – Nguyễn Hùng, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

+ Điểm du lịch Vườn chim 5 Quốc - ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh.

+ Điểm du lịch Vườn dâu Cái Tàu, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.

+ Điểm Homestay du lịch sinh thái hương tràm U Minh, Kênh T27, xã Khánh An, huyện U Minh.

Các điểm DLCĐ ở Cà Mau phát triển năm 2015, đến nay đã bước đầu thu lại những kết quả khả quan, thể hiện qua các điểm DLCĐ ngày càng được mở rộng, tận dụng được thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác DLCĐ ở các điểm du lịch còn gặp một số khó khăn như:

+ Cà Mau là vùng đất ngập nước, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, một số trục đường kết nối đến các điểm du lịch còn trở ngại. Đồng thời, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc xoáy, bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, trục đường giao thông cũng diễn ra rất phức tạp, khó lường, xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và thường xuyên;

+ Chủ yếu là hộ gia đình nên còn thiếu kinh phí đầu tư xây dựng. Vì vậy, chưa tạo được SPDL; Ngoài ra, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút nguồn lực, đầu tư, đặc biệt là thực hiện vai trò liên kết nội vùng, thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố trong cùng khu vực, các điểm đến du lịch còn riêng biệt chưa thể tuần hoàn mắc xích tạo dây chuyền khép kính liên hoàn trong du lịch.

2.3.3.2. Các tuyến du lịch

Ngày 19/8/2019 Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch nhận được Công văn số 223 VNCPTDL-QLKH ngày 14/8/2019 về việc thu thập thông tin liên quan đến tình hình phát triển du lịch và chỉ rõ các tuyến, điểm du lịch sau:

- Tuyến du lịch nội tỉnh:

+ Tuyến thành Cà Mau – Đầm Dơi – Ngọc Hiển;

+ Tuyến thành phố Cà Mau – Thới Bình – VQG U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc;

+ Tuyến Thới Bình – U Minh Hạ - Trần Văn Thời;

+ Tuyến thành phố Cà Mau - Sông Đốc - Đầm Thị Tường.

+ Tuyến kết hợp.

Trong đó, Cà Mau xác định có 03 tuyến du lịch chính gồm:

+ Thành phố Cà Mau – Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – Khu du lịch Đất Mũi.

Đây là tuyến du lịch được nhiều du khách ưa thích, lựa chọn khi đến Cà Mau và được xác định là tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Với hành trình khoảng 2 giờ xuất phát từ trung tâm thành phố du khách đi qua chùa Quan Âm Cổ Tự (nằm ở 84/4 đường Rạch Chùa), vườn chim 19/5 (đường Lý Văn Lâm), Vườn dâu tây (xã Lý Văn Lâm). Đến địa phận huyện Năm Căn du khách dừng chân tham quan rừng đước Năm Căn, nơi đây gây ấn tượng với biết bao du khách, vẫn là những dòng sông nhỏ, kênh rạch nhiều như mạng nhện luôn cuồn cuộn nước, bãi bùn dài tăm tắp và cây cối vươn cao, rừng đước ngày đêm âm thầm dấn bước chân mình ra biển khơi. Cuối cùng du khách sẽ đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – Khu du lịch Đất Mũi với các điểm DLCĐ. Tại đây du khách sẽ có một hành trình thú vị, vừa khám phá thiên nhiên đa dạng sinh học, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dại của khu rừng ngập mặn rộng lớn này.

+ Thành phố Cà Mau –Vườn quốc gia U Minh – Hòn Đá Bạc;

Tuyến này cũng được nhiều du khách khách lựa chọn, sau khi tham quan trải nghiệm các địa điểm tại thành phố Cà Mau (Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Monnivonsa… và thưởng thức ẩm thực) thì du khách đi đến Vườn quốc gia U Minh tham quan khu bảo tồn kết hợp với thưởng thức các món ăn đồng quê. Kế đến du khách tham quan điểm DLCĐ Mười Ngọt và cuối cùng là đến Hòn Đá Bạc.

+ Thành phố Cà Mau – Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm;

Tuyến du lịch đến Thới Bình thôn có rất nhiều điểm đến như: Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, Đền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú), câu lạc bộ đờn ca tài tử, làng nghề truyền thống đan đát, đan lục bình, vườn chim hơn 100 ngàn con được bảo tồn và phát triển tự nhiên, hệ thống du lịch tâm linh thu hút du khách đến hành hương, chiêm bái, lễ hội (Chùa Cao Dân, Toà thánh Ngọc Sắc, Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Lộc, Đình thần Tân Bằng...), thưởng thức đặc sản thương hiệu mắm lóc Thới Bình, cùng rất nhiều món ngon đồng quê nức tiếng..

Riêng tuyến du lịch Thành phố Cà Mau - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau

- Tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế:

+ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau - Đất Mũi (Đường bộ).

+ Cà Mau - Kiên Quang - An Giang (Đường bộ); Tuyến đường hành lang ven biển phía Nam sẽ kết nối Cà Mau với Kiên Giang và Campuchia, Thái Lan.

+ Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang (Đường sông).

+ Cà Mau - Phú Quốc (Đường biển).

+ Cà Mau - Campuchia - Thái Lan - Malaysia - Singapore (Đường biển).

+ Tuyến Cà Mau - thành phố Hồ Chí Minh (Đường không). Một số đường bay khác có thể được nghiên cứu phát triển trong tương lai như Cà Mau - Phú Quốc - Côn Đảo và Cà Mau - Hà Nội.

Hiện nay ngành du lịch Cà Mau đang xây dựng và phát triển thêm 04 tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tuyến nội bộ), nhằm phát triển DLCĐ, sản phẩm đặc trưng, từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh cà mau (Trang 82 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)