Các nhân tố kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Lao động và sử dụng lao động ở tỉnh bình dương giao đoạn 2010 2018 (Trang 30 - 34)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NGUỒN LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới nguồn lao động và sử dụng lao động

1.2.3. Các nhân tố kinh tế - xã hội

Dân số và sự gia tăng dân số

Qui mô dân số:

Trong quá trình phát triển KT - XH, đặc biệt là đối với các ngành sản xuất vật chất, dân số là lực lượng sản xuất, đồng thời dân số tạo ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm.

Ở những nơi có qui mô dân số lớn và cơ cấu dân số trẻ thì nguồn có NLĐ dồi dào. NLĐ chịu tác động mạnh của sự gia tăng dân số thông qua:

Gia tăng dân số tự nhiên: Ở những nơi có gia tăng dân số tự nhiên dương thì dân số tăng, NLĐ cũng có xu hướng tăng. Những nơi có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp hoặc âm thì dân số có xu hướng giảm, NLĐ có giảm.

Một số quốc gia trên thế giới có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên ngày càng giảm nhưng dân số và NLĐ tăng. Nguyên nhân là do qui mô dân số đông, tỉ lệ dân nhập cư cao; cơ cấu dân số trẻ nên dân số tăng, qui mô NLĐ cũng tăng nhanh.

Gia tăng dân số cơ học:

Đây là sự gia tăng liên quan đến quá trình xuất cư và nhập cư. Gia tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến NLĐ thông qua hai khía cạnh là:

Sự tăng hay giảm về qui mô dân số, NLĐ và chất lượng NLĐ. Ở những nơi có tỉ lệ gia tăng cơ học dương thì qui mô NLĐ tăng. Tuy nhiên, nếu NLĐ từ nơi khác chuyển đến có trình độ học vấn và chuyên môn thấp sẽ kéo theo chất lượng NLĐ thấp, người nhập cư có trình độ chuyên môn cao thì chất lượng NLĐ cao.

Gia tăng dân số cơ học âm thì dân số và NLĐ có xu hướng giảm. Cơ cấu dân số và NLĐ cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất: Ở những nơi lực lượng sản xuất có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao có vai trò thúc đẩy mạnh quá trình sản xuất và từ đó làm cho nền kinh tế phát triển mạnh, tạo nhiều việc làm và thu hút dân cư, NLĐ từ nơi khác.

Cơ cấu dân số theo giới và theo tuổi là những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phân bố và phát triển các ngành sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến quá trình SDLĐ.

Phân bố dân cư

“Là sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ phù hợp với điều kiện sống của họ và các yêu cầu nhất định của xã hội” (Nguyễn Minh Tuệ, 2006).

Phân bố dân cư ảnh hưởng đến sự phân bố NLĐ. Những nơi có mật độ dân số cao thường có NLĐ dồi dào, cơ cấu NLĐ đa dạng. Ngược lại, những nơi có mật độ dân số thấp thì số lượng NLĐ bị hạn chế, đôi khi có thể thiếu NLĐ gây ảnh hưởng đến quá trình SDLĐ và quá trình phát triển KT - XH.

Chất lượng nguồn lao động:

Trong quá trình phát triển KT - XH của một quốc gia, bên cạnh các nguồn lực về vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên cũng như các nguồn lực về vật chất, chất lượng NLĐ có một vai trò không nhỏ.

NLĐ là yếu tố quyết định đến năng suất lao động, khả năng sử dụng hợp lí và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chất lượng NLĐ mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế thông qua phương thức sản xuất và trình độ quản lí, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, một vùng và một tỉnh.

Lịch sử khai thác lãnh thổ

Lịch sử khai thác lãnh thổ là nhân tố có sự ảnh hưởng lớn đến qui mô và sự phân bố NLĐ.

Những nơi có các điều kiện về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi thường có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời. Đồng thời, cũng là những nơi có sự phân bố dân cư đông, mật độ dân số cao, NLĐ dồi dào, thuận lợi cho phát triển KT - XH.

Ngược lại, những nơi mới khai thác thì mật độ dân cư thấp, thiếu NLĐ, gây khó khăn cho việc SDLĐ nói riêng và gây khó khăn cho quá trình phát triển KT - XH nói chung.

Cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng trong việc quyết định cơ cấu lao động.

Nơi có ngành N-L-TS phát triển thường có cơ cấu lao động trong khu vực I chiếm tỉ trọng cao. Nơi có ngành CN-XD và DV phát triển, thường có tỉ trọng lao động trong khu vực II và III lớn.

Hiện nay, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển nhanh và mạnh của nền kinh tế tri thức, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao có vai trò quyết định và chiếm phần lớn trong cơ cấu NLĐ.

Cơ cấu thành phần kinh tế của một quốc gia, khu vực và một tỉnh có vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng hiệu quả NLĐ; Góp phần giải phóng lao động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tăng khả năng cạnh tranh để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ có vai trò thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá của vùng, từ đó góp phần tạo ra sự phân hoá lao động theo lãnh thổ.

Ở những nơi có nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhiều ngành nghề từ đó có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới, cơ cấu ngành đa dạng, sẽ làm tăng nhu cầu SDLĐ, đồng thời, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của quá trình SDLĐ.

Đường lối chính sách

Đường lối chính sách tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn cho quá trình thu hút dân cư và sử dụng NLĐ.

Ở những nơi có chính sách tiến bộ, đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, có nhiều chính sách thu hút nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, thu hút vốn đầu tư với chính sách mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần thì sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển, đồng thời tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và ngược lại.

Hiện nay, đối với một quốc gia, một vùng hay một tỉnh, chính sách phát triển giáo dục và y tế sẽ tạo tiền đề cho việc nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH.

Ngoài ra, với chính sách phát triển giáo dục phù hợp còn giúp người lao động có khả năng tiếp cận với nền kinh tế thị trường; tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến; thúc đẩy việc tăng năng suất lao động; tiết kiệm thời gian và giải phóng sức lao động; nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất.

Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc phát triển và phân bố các ngành kinh tế, thu hút dân cư và NLĐ.

Ở những nơi có cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng phát triển thường thu hút dân cư và lao động.

Hiện nay, cùng với sự tác động ngày càng nhanh và mạnh của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật; sự tác động của nền kinh tế thị thường; xu hướng toàn cầu hoá, đòi hỏi cơ sở hạ tầng ngày càng cải tiến và hiện đại, áp dụng ngày càng nhiều các thành tựu khoa học kĩ thuật, từ đó, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, góp phần sử dụng hiệu quả NLĐ.

Khoa học công nghệ

KHCN có vai trò quan trọng trong quá trình SDLĐ. Khi KHCN phát triển sẽ đòi hỏi trình độ của người lao động ngày càng phải nâng cao để thích nghi và đáp ứng tốt nhu cầu. Do vậy, KHCN góp phần nâng cao chất lượng NLĐ, nâng cao năng suất lao động, đồng thời thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Một phần của tài liệu Lao động và sử dụng lao động ở tỉnh bình dương giao đoạn 2010 2018 (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)