Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NGUỒN LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
1.3. Cơ sở thực tiễn về nguồn lao động ở Việt Nam
1.3.3. Chất lượng nguồn lao động
Đến cuối năm 2018, số năm đi học bình quân của dân số Việt Nam là 9,0 năm, có sự chênh lệch lớn giữa dân số nam và dân số nữ. Cụ thể số năm đi học bình quân
của nam giới cao hơn nữ giới là 0,7 năm (năm đi học bình quân của nam giới là 9,4 và nữ giới là 8,7 năm).
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số năm đi học giữa giới nam và nữ là do sự khác nhau trong cơ hội được tiếp cận giáo dục giữa nam và nữ trong quá khứ, khả năng tiếp cận giáo dục của nam cao hơn của nữ.
Người dân ở KVTT có số năm học bình quân cao hơn ở KVNT. Nguyên nhân là do KVTT có nền kinh tế phát triển hơn, có các ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn kĩ thuật của người lao động ở KVTT cao hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển giáo dục hơn KVNT.
Trong những năm gần đây, do kinh tế ngày càng phát triển, với phương châm
“giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên giáo dục ở nước ta ngày càng được chú trọng phát triển, nhiều loại hình và hình thức đào tạo mới ra đời đã làm cho chất lượng lao động của nước ta có xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và yêu cầu của quá trình CNH, HĐH, chất lượng NLĐ của nước ta còn thấp và chưa đáp ứng tốt nhu cầu trong quá trình phát triển KT - XH. Điều này được thể hiện thông qua tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 14,6%, năm 2010, năm 2018 thì có tăng nhưng mới chỉ đạt 22%; tỉ lệ lao động trong độ tuổi lao động đại học trở lên chỉ chiếm 5,7%, năm 2010 và 9,5%, năm 2018.
Bảng 1.5. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (Đơn vị: %)
Năm 2010 2012 2014 2016 2018
Tổng số 14,6 16,6 18,2 20,9 22,0
Dạy nghề 3,8 4,7 4,9 3,2 3,6
Trung cấp chuyên nghiệp 3,4 3,6 3,7 5,3 5,2
Cao đẳng 1,7 1,9 2,1 3,2 3,7
Đại học trở lên 5,7 6,4 7,6 9,2 9,5
Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam năm 2019 Bảng số liệu cho thấy, tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo ngày càng tăng và tăng liên tục trong giai đoạn 2010 – 2018. Cụ thể là tăng từ 14,6% năm 2020 lên 22% năm 2018, tăng 7,4%. Trong đó tỉ lệ dạy nghề và cao đẳng,
đại học trở lên có xu hướng tăng mạnh hơn, điều này đã làm cho chất lượng NLĐ của nước ta tăng liên tục trong những năm gần đây.
Năng suất lao động của nước ta tăng liên tục qua các năm, tăng từ 44,0 triệu/
lao động năm 2010 lên 102,2 triệu/lao động năm 2018, so với năm 2010 thì năm 2018 tăng gấp 2,3 lần.
Bảng 1.6. Tỉ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo của Việt Nam phân theo giới tính và theo thành thị, nông thôn
(Đơn vị: %)
Năm Tổng số Phân theo giới tính Phân theo thành thị, nông thôn
Nam Nữ Thành thị Nông thôn
2010 15,5 16,9 13,9 31,4 8,9
2011 16,4 17,8 14,9 31,9 9,7
2012 17,7 19,2 16,1 32 10,3
2013 19,4 21,2 17,4 35,6 12,2
2014 20 21,6 18,3 36,3 12,4
2015 22 23,6 20,1 38,6 14
2016 22,6 24,2 20,7 39,4 14,5
2017 23,3 25 21,3 39,7 15,3
2018 23,6 25,2 21,5 38,9 15,8
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2019 Bảng số liệu cho thấy, mặc dù tỉ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo của hai khu vực đều có xu hướng tăng nhưng không đều qua các năm.
Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của KVNT luôn thấp hơn của KVTT nhưng lại tăng chậm hơn, cụ thể trong năm 2010 của KVNT chỉ đạt 8,9% và tăng lên 15,8%
trong năm 2018, tăng 6,9%, ở KVTT năm 2010 đạt 31,4% và tăng lên 38,9% năm 2018, tăng 7,5%.
Như vậy, trong cùng một giai đoạn thì ở KVNT tăng chậm hơn so với KVTT là 0,6%.
Có sự khác biệt về chất lượng lao động giữa nam và nữ. Tỉ lệ lao động nữ đang làm việc đã qua đào tạo luôn thấp hơn nam nhưng lại tăng chậm hơn. Cụ thể, trong năm 2010 tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo của nữ chỉ đạt 13,9% và tăng lên 21,5% năm 2018, tăng 7,6%; tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo của nam
năm 2010 đạt 16,9% và tăng lên 25,2% năm 2018, tăng 8,3%. Như vậy, trong cùng một giai đoạn thì tỉ lệ lao động nam tăng nhanh hơn so với tỉ lệ lao động nữ là 0,7%.
Ngoài ra, chất lượng lao động nước ta còn có sự khác biệt giữa các vùng và các tỉnh thành trong cả nước. Cụ thể, các vùng có tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là thấp nhất cả nước (tương ứng là 13,3% và 14% trong năm 2018).
Hai vùng có tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo cao là Đồng bằng sông Hồng và ĐNB (tương ứng là 30,5% và 28% trong năm 2018). Hà Nội có tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo cao nhất cả nước là 46,7%, còn thấp nhất là Bạc Liêu (8,2%), chênh lệch so với Hà Nội là 38,5%, thấp hơn 5,7 lần.
Có sự chênh lệch lớn giữa các vùng về tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo là do số năm đi học có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Cụ thể như Đồng bằng sông Hồng có số năm đi học trung bình năm 2018 là 10,6 năm, trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long có số năm đi học trung bình là 7,1 năm, chênh lệch 3,5 năm.
Bảng 1.7. Năng suất lao động trung bình phân theo ngành kinh tế
(Đơn vị: Triệu đồng/người)
Năm 2010 2012 2014 2016 2018
Tổng số 44 63,1 74,7 84,4 102,1
Nông - Lâm - thủy sản 16,3 25,6 28,6 33,1 39,8 Công nghiệp - Xây dựng 285,26 461,16 603,54 635,78 782,42
Dịch vụ 169,51 182,22 204,92 215,39 220,76
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2019 Bảng số liệu cho thấy, năng suất lao động của tất cả các ngành kinh tế đều tăng trong giai đoạn 2010 – 2018. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực kinh tế và giữa các ngành kinh tế.
Năng suất lao động trung bình của ngành CN-XD luôn cao nhất và tăng nhanh nhất, cao gấp 19,6 lần so với ngành N-L-TS trong năm 2018.
Trong thời gian 8 năm thì ngành CN-XD tăng lên 174,2% so với năm 2010 (từ 285,26 triệu đồng/người trong năm 2010 lên 782,42 triệu đồng/người trong năm 2018), trong khi đó ngành N-L-TS có năng suất lao động trung bình mặc dù có tăng nhưng còn rất thấp, chỉ đạt 39,8 triệu đồng/người vào năm 2018.
Ngoài ra, xét trong nội bộ từng ngành thì cũng có sự chênh lệch lớn.
Một số ngành có năng suất lao động cao như: Công nghiệp khai khoáng đạt 2.054,5 triệu đồng/người (năm 2018), tăng gấp 2,8 lần so với năm 2010; Ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều ḥòa không khí đạt 1.500,9 triệu đồng/người (năm 2018), tăng gấp 2,97 lần so với năm 2010.
Ngược lại, một số ngành có năng suất lao động thấp như: Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm, vật chất và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình chỉ đạt 15 triệu đồng/người, năm 2010 và tăng lên 45,3 triệu đồng/người, năm 2018.
Như vậy, trong giai đoạn 2010 – 2018, năng suất lao động trung bình của tất cả các ngành tăng chứng tỏ chất lượng NLĐ của nước ta trong giai đoạn 2010 – 2018 ngày càng tăng.