Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP SỬ DỤNG LAO ĐỘNG Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG
3.1. Cơ sở xây dựng định hướng
3.1.1. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức và xu thế hội nhập
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức đã trở thành nhân tố quan trọng chi phối đến hầu hết các lĩnh vực trong nền KT - XH thế giới và toàn cầu. Nền kinh tế tri thức tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có quá trình phân công lao động, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ kinh tế.
Xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình SDLĐ trong các ngành của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ và mỗi tỉnh trong phạm vi một quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng nhanh và mạnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giải quyết việc làm và sử dụng NLĐ. Với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức và xu thế hội nhập nó đã buộc người lao động phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Do đó, trong giai đoạn hiện nay vấn đề việc làm và lao động luôn là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong chiến lược phát triển KT - XH của mỗi quốc gia, mỗi tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bình Dương.
3.1.2. Định hướng chiến lược phát triển KT - XH Việt Nam đến năm 2030 Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Tăng cường tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đối với kinh tế cần đẩy nhanh GDP bình quân đầu người, mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của cả nước đạt trên 5.000 USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân khoảng 7%; tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến,
chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt trên 20% GDP, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm, Ngoài ra, trong định hướng còn đề cập, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm;
Tỉ trọng lao động trong nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
Đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ trên 25%, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời, chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với y tế, phấn đấu có 10 bác sĩ/1 vạn dân và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH ở KVNT thì chúng ta cũng đưa ra chỉ tiêu về tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó có ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
3.1.3. Quyết định phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nhập quốc tế về lao động là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhằm thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của quốc gia.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực, nội lực, nguồn nhân lực và lợi thế so sánh của Việt Nam.
Chủ động hội nhập về Lao động - Xã hội, đảm bảo độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác quốc tế.
Hội nhập quốc tế toàn diện cần phải tiến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm và trọng điểm. Đồng thời, phải phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.
Hội nhập quốc tế về lao động cần triển khai đồng bộ với hội nhập kinh tế quốc tế. Coi trọng mở rộng hợp tác đa phương và hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ trên thế giới.
Mục tiêu phát triển
Hội nhập quốc tế về lao động nhằm phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của Việt Nam, tranh thủ tối đa môi trường, nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Lao động - Xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hoàn thiện thể chế về Lao động - Xã hội theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, trong đó có các chuẩn lao động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tham gia vào thị trường lao động trên thế giới và khu vực.
Tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập chất lượng cao cho người lao động, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phát triển an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra
Tăng cường dự báo thị trường lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, hoàn thiện chính sách việc làm, di chuyển lao động trong nước và quốc tế, quản lí di cư lao động.
Áp dụng tiêu chí đánh giá về Lao động - Xã hội theo thông lệ quốc tế và khu vực.
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về Lao động - Xã hội.
Chủ động xây dựng và sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách về Lao động - Xã hội trong quá trình hội nhập dựa trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của người lao động và lợi ích của các doanh nghiệp.
Xử lí kịp thời và hiệu quả các vấn đề về Lao động - Xã hội phát sinh trong quá trình phát triển, thực thi các cam kết quốc tế.
Thực hiện tốt việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế về Lao động - Xã hội theo yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.
Phát triển, dự báo thị trường lao động, tiến hành di chuyển lao động trong nước và quốc tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động; hoàn thiện chính sách việc làm , quản lí di cư lao động quốc tế.
Xây dựng, thực hiện chương trình việc làm công theo các tiêu chí khu vực và quốc tế.
Thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật và các dịch vụ an toàn vệ sinh lao động.
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lí lao động trong quá trình hội nhập.
3.1.4. Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung đến năm 2025.
Theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VIII - Kỳ họp thứ 8, ngày 31 tháng 7 năm 2013 đã đưa ra:
1. Quan điểm tổng quát
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển KT - XH theo hướng bền vững trên cở sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực dịch vụ. Đồng thời, phát triển đô thị, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, phát triển công nghệ cao.
Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết nhanh với hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH của vùng ĐNB và cả nước.
2. Quan điểm cụ thể
- Phát triển các ngành kinh tế có ưu thế, có giá trị và tốc độ tăng trưởng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chủ lực theo hướng đầu tư ra ngoài tỉnh và ra nước ngoài.
Đi trước và đón đầu Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng chung ASEAN trong tương lai để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả sớm nhất thời cơ và lợi thế trong quy hoạch.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp – Dịch vụ - Nông nghiệp. Trong quá trình CNH và ĐTH, không xem nhẹ vai trò của nông nghiệp, cần tăng cường phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chú ý phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển xã hội, gắn với quốc phòng an ninh để đảm bảo quá trình phát triển ổn định và bền vững.
3. Mục tiêu phát triển
Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, giàu đẹp và hiện đại, trở thành một trong những cực phát triển KT - XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.
Đồng thời, Bình Dương sẽ là tỉnh có ngành công nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, có thương mại, dịch vụ tiên tiến, du lịch phát triển đa dạng đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
4. Định hướng phát triển
4.1. Phát triển ngành công nghiệp
Bình Dương trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tốc độ tăng bình quân 20%/năm.
Thực hiện tốt việc chuyển đổi công năng của một số khu công nghiệp ở phía Nam và tiến hành đầu tư phát triển mạnh công nghệ cao ở phía Bắc.
Chú trọng phát triển công nghệ có hàm lượng nội địa cao, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Phát triển công nghiệp gắn với ĐTH. Phát triển mạng lưới Công nghiệp - Dịch vụ đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và hiệu quả.
Củng cố các KCN tập trung, hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng có sự gắn kết chặt chẽ, tăng cường hoạt động của các doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tăng cường thu hút và tạo điều kiện phát triển các ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Thu hút lao động có chất lượng cao, đồng thời hạn chế tối đa các ngành thâm dụng nhiều lao động.
4.2. Phát triển dịch vụ
Nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp, thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại chỗ, trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm công ty nước ngoài xuất khẩu và dịch vụ tại chỗ cho người nước ngoài.
Phát triển dịch vụ vận tải, logistic nhằm phát huy hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu trong quá trình phát triển KT - XH.
Xây dựng và phát triển các dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng ĐNB, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từng bước đào tạo nhân tài cho ngoài cùng và xuất khẩu.
4.3. Phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp
Tăng cường áp dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và chất lượng tốt. Tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cây ăn quả, rau, đậu, cây kiểng và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
Đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán và đa dạng sinh học
Phát triển thủy sản theo hướng quy hoạch các vùng nuôi trồng, kết hợp giữa nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tăng cường bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu, các công đoạn.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị để tận dụng quỹ đất, lao động trong nông nghiệp. Từ đó, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.
Tăng cường Phát triển cây ăn quả đặc sản ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai gắn với loại hình du lịch sinh thái. Vùng cây ăn quả tập trung ở các huyện phía Bắc, gắn với công nghiệp chế biến.
Đầu tư hơn nữa phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Xây dựng đồng bộ nhà máy giết mổ, chế biến các sản phẩm theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút mạnh hơn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững.
4.4. Phát triển nguồn nhân lực
Phấn đấu đến năm 2025, “dân số của tỉnh Bình Dương là 3.000.000 người, trong đó có 2.500.000 người sống ở đô thị, chiếm 83,3% dân số. Cung lao động khoảng 1.912.000 người, cầu lao động cần khoảng 1.900.000 người. Chuyển dịch cơ cấu lao động: Tỉ trọng lao động trong khu vực N-L-TS là 6,4%, CN-XD là 54,4%, DV là 39,2%”. (Thủ tướng Chính phủ, 2014a)
Phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài. Tạo điều kiện cho mọi người dân có điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn và kiến thức nghề nghiệp. Giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học học cơ sở.
Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo thực hiện tốt chương trình hành động về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ.
Tăng qui mô đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, mở rộng qui mô đào tạo cao đẳng và đại học một cách hợp lí và hiệu quả, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển KT - XH.
Tập trung phát triển các trường đại học có chất lượng cao: Đại học Thủ Dầu Một, đại học Việt Đức, đại học quốc tế Miền Đông. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ
tầng khu đô thị đại học Cổng Xanh để thu hút các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế.