Chương 3 GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐÀO TẠO THEO ĐẶT HÀNG TẠI TRƯỜNG
3.1. Bối cảnh phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam
a. Thị trường dệt may thế giới
Theo dự báo của Wazir Advisor (2017), quy mô thị trường dệt may toàn cầu dự kiến đạt 2.6 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Về phía nhà cung cấp, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất trên thế giới với 40% thị phần, EU chiếm 24%, tiếp đến là Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, v.v. mỗi nước có thị phần khoảng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu.
Bảng 3. 1. Các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới theo chuỗi sản xuất Đvt: tỷ USD, nguồn: [18]
Sợi Vải Hàng may mặc
KNXK 50 KNXK 114 KNXK 481
Trung Quốc 11.9 Trung Quốc 55.3 Trung Quốc 144.9
Ấn Độ 6.1 Ý 6.0 Bangladesh 37.5
Việt Nam 3.8 Hàn Quốc 5.6 Việt Nam 30.6
Hoa Kỳ 3.0 Đài Loan 4.5 Đức 23.4
Indonesia 2 Ấn Độ 4.0 Ý 23.2
Như vậy, đến năm 2025, dệt may Việt Nam vẫn được dự báo là một trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2020 là năm mà nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19. Covid - 19 làm cho tổng cầu sụt giảm mạnh, thị trường được dự báo hồi phục vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu của các nhãn hàng đã có nhiều thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh để ứng phó với đại địch như: Đẩy mạnh phương thức OEM và chuyển toàn bộ các khâu thiết kế, phát triển mẫu, chuẩn bị nguyên phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu về các nước cung ứng như Việt Nam. Đồng thời, để đối phó với tình trạng phải giảm tiếp xúc trực tiếp để chống dịch, các nhãn hàng cũng như người mua hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh doanh và ứng dụng thương mại điện
tử trong giao dịch, đẩy mạnh sản xuất hàng loạt theo phương thức cá nhân hóa sản phẩm bằng công nghệ số .v.v..
Những thay đổi này đòi hỏi ĐT nguồn nhân lực dệt may cần thay đổi để thích ứng, đặc biệt là ĐT theo đặt hàng.
b. Thị trường trong nước
Kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua tăng trưởng ổn định. Cùng với sự tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.587 USD, tăng gấp đôi so với mức thu nhập của năm 2010, nhờ đó mà mức chi tiêu cho đời sống trung bình của người dân cũng tăng lên, trong đó có chi tiêu cho các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép.
Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành dệt may tăng từ 21% năm 2010 lên 25%
năm 2019 [58]. Điều này cho thấy trong thời gian vừa qua và nhiều năm tiếp theo, dệt may Việt Nam đã và sẽ còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo việc làm và dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Xu hướng này cũng phù hợp với đầu tư mỗi năm một tăng vào ngành dệt may trong một vài năm trở lại đây.
Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, trong đó EVFTA đã được thông qua và đang đàm phán 3 hiệp định mới. CPTPP, EVFTA là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam. Để tận dụng cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành dệt và hình thành chuỗi giá trị trong nước từ khâu kéo sợi đến khâu may đáp ứng yêu cầu xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế 0%. Với các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, trong những năm tới dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới. Để đón đầu được cơ hội, dệt may Việt Nam cần những bứt phá mạnh mẽ về đầu tư và ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, các đơn hàng bị hủy, nhiều thương hiệu bị phá sản, doanh thu, lợi nhuận, việc làm, .v.v. của các DN ngành dệt may không đảm bảo. Hình 3.1 cho thấy hơn 20% lao động ngành may bị giảm trên 50% thu nhập và khoảng 50% lao động ngành may bị giảm 20% - 50% thu nhập. Thu nhập giảm chắc chắn tác động tiêu cực đến cuộc sống của người lao động và chất lượng nhân lực của DoN may. Đánh giá cao vai trò của ngành dệt may với nền kinh tế đất nước và an sinh xã hội, trước tình hình này, ngày 23 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc trực tiếp với ngành dệt may và có những chỉ đạo hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó
khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong kết luận ban hành, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí ĐT nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển ngành dệt may.
Nguồn:[15]
Hình 3. 1. Tác động của đại dịch Covid-19 tới việc làm và thu nhập của lao động Việt Nam
Với đặc điểm chủ yếu là sản xuất gia công, lợi nhuận thấp, đơn hàng phụ thuộc vào khách hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… nên ngành dệt may Việt Nam khó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng. Muốn phục hồi nhanh sau đại dịch, để cạnh tranh và phát triển, các DN dệt may buộc phải ĐT nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển của mình.
Bối cảnh trên cho thấy, giai đoạn 2021 - 2025, ĐT theo đặt hàng của Nhà nước và các DN trong ngành dệt may có nhiều cơ hội để phát triển nhưng đồng thời cũng là thách thức cho các cơ sở ĐT nguồn nhân lực phục vụ ngành dệt may trong bối cảnh chuyển đổi số.
3.1.2. Chiến lược và xu thế phát triển ngành công nghiệp dệt may
Ngày 11 tháng 04 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 3218/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó nêu rõ quan điểm: “Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ QL, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề nhằm tạo ra đội
ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ, công nhân lành nghề, chuyên sâu”. Mục tiêu phát triển:
“Đảm bảo cho ngành dệt may phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống QL chất lượng, QL lao động, QL môi trường theo các chuẩn mực quốc tế”. Một trong những giải pháp để thực hiện là: “Tiếp tục thực hiện CTĐT nguồn nhân lực cho ngành dệt may. Nội dung bao gồm ĐT về kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản trị, phát triển sản phẩm, thiết kế và nghiên cứu thị trường” [3].
Như vậy, theo quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, ngành dệt may cần chú trọng chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong xuất khẩu dệt may. Mặt khác, theo dự báo về tác động của cuộc CMCN 4.0 đến dệt may, những việc làm đơn giản sẽ bị thay thế bởi rô bốt và thiết bị mới, xuất hiện những việc làm mới đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao hơn.
Ngày 09 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, dệt may là một trong 4 nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển với các giải pháp đột phá như: “Đổi mới CTĐT, đặc biệt là ĐT nghề; Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở ĐT nghề với DN thông qua các chương trình hợp tác ĐT, tham vấn nội dung CTĐT, tăng cường thời lượng thực hành”; “Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên” [75].
Để đáp ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, các cơ sở ĐT cần chú trọng đổi mới CTĐT, đẩy mạnh hợp tác với DN thông qua chương trình hợp tác ĐT. Đây chính là một nội dung của ĐT theo đặt hàng.
Sau khi tổ chức ba Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý của các địa phương, hiệp hội, tổ chức, DN trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó, về ĐT chiến lược này nêu rõ: “Đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các mô hình kết nối, hợp tác giữa DN và các cơ sở ĐT nhằm đáp ứng nhu cầu của DN cả về chất và lượng của lao động”, “Xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng vào các kỹ năng mới cần thiết cho ngành trong bối cảnh CMCN 4.0, các kỹ năng về thiết kế, phát triển sản phẩm và kết nối các cơ sở ĐT trong nước với nước ngoài”, “Kết hợp việc ĐT dài hạn với ĐT ngắn hạn, kết hợp giữa ĐT chính quy với ĐT tại chỗ,…vv…” [18]. Tuy không
trực tiếp nói về ĐT theo đặt hàng nhưng để ĐT đáp ứng nhu cầu của DN thì DN đặt hàng các cơ sở ĐT là giải pháp khả thi và đây là cơ hội cho ĐT theo đặt hàng của các DN dệt may.
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành dệt may. Áp dụng công nghệ hiện đại, thiết bị tự động làm giảm số công nhân trong các nhà máy. Công nghệ hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi tay nghề của người lao động thấp thì đầu tư vào công nghệ sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng, đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn trong khi đa số các DN dệt may của Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Với trình độ nhân lực hiện tại của ngành dệt may khó có thể đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0.
Tóm lại, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, ngành dệt may Việt Nam cần ĐT nâng cao tay nghề cho người lao động để tập trung sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp, sản phẩm thời trang và các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đòi hỏi của CMCN 4.0, ngành dệt may sẽ phải mất nhiều năm mới có thể ĐT và đáp ứng một phần yêu cầu về công nghệ. Do đó, ngành dệt may cần xây dựng chiến lược ứng phó với CMCN 4.0 bằng cách ưu tiên công tác ĐT, phối hợp với các cơ sở ĐT từng bước lấp khoảng trống về kiến thức và kỹ năng cơ bản, từ đó bổ sung những kiến thức, kỹ năng về công nghệ cho người lao động. Như vậy, cơ hội để phát triển ĐT theo đặt hàng trong ngành dệt may là rất lớn.
Tuy nhiên, thách thức cũng vô cùng lớn đối với các cơ sở ĐT trong đó có trường ĐHCNDM Hà Nội. CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi lại phương thức ĐT hiện nay. Thay vì ĐT đơn kỹ năng, lao động sẽ được ĐT đa kỹ năng để đảm nhiệm nhiều vị trí cùng một lúc. Theo đó, kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, số hóa, bảo mật, chia sẻ dữ liệu, phân tích dữ liệu được đặc biệt chú trọng. Do đó, CTĐT cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt. Đó là độ phức tạp của chương trình khi những học phần chuyên sâu về cơ khí, tin học, điện tử vốn thuộc các ngành khoa học tự nhiên thì nay phải được áp dụng để giảng dạy cho ngành dệt may, hơn nữa, các lĩnh vực này không tồn tại độc lập mà liên kết với nhau mang tính liên ngành. Mặt khác, ngoại ngữ không thể thiếu khi làm việc trong môi trường toàn cầu và sử dụng, khai thác công nghệ tiên tiến. Như vậy, GV phải có những thay đổi khá lớn, bởi muốn ĐT được người lao động đáp ứng những yêu cầu trên, GV cần có kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ, tin học kết hợp với kỹ năng chuyên môn và khả năng nghiên cứu cập nhật KHCN mới. Cuộc CMCN 4.0 không chỉ
đòi hỏi các cơ sở ĐT phải đầu tư ĐT bồi dưỡng đội ngũ GV, xây dựng CTĐT mới, mà còn cần đầu tư mạnh mẽ về CSVC, trang thiết bị phục vụ ĐT. Vì vậy, sẽ cần đầu tư khoản tài chính rất lớn mới có thể đáp ứng được yêu cầu ĐT lao động trong thời kỳ CMCN 4.0.
3.1.3. Dự báo nhu cầu nhân lực để phát triển ngành dệt may Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030
Theo [3], số lao động trong ngành dệt may vào năm 2015 là 2.5 triệu, đến năm 2020 tăng lên 3.3 triệu và đến năm 2030 là 4.4 triệu người. Tuy nhiên, thực tế đến năm 2020 thì số lao động trong toàn ngành công nghiệp dệt may khoảng 2.5 triệu người, trong đó lao động công nghiệp xấp xỉ 1.8 triệu người [10].
Bảng 3. 2. Mục tiêu phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 [18]
Mục tiêu 2020 - 2025 2026 - 2030
Tăng trưởng giá trị gia tăng 6 - 7% 2 - 3%
- Xuất khẩu:
+ Tăng trưởng 8 - 10% 4 - 5%
+ Vị trí - Nhóm 3 ngành xuất khẩu lớn nhất
- Nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới Lao động trong công nghiệp chế
biến chế tạo
>20% 15 - 20%
Để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng dệt may như bảng 3.2, thì số lượng lao động tham gia vào sản xuất cần tăng thêm 293.000 lao động mới vào năm 2025 và 378.000 lao động mới vào năm 2030 [70]. Mặt khác, dưới áp lực cạnh tranh về thị phần, năng suất, chất lượng và đầu tư với các nước trên thế giới trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 thì số lượng lao động trong ngành dệt may cần ĐT rất lớn.
Theo dự báo [69], giai đoạn 2020 - 2025, ngành dệt may cần ĐT chính quy cho khoảng 65.000 nhân lực trình độ đại học, cao đẳng. Ngoài ra, còn cần phải ĐT đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cho những vị trí việc làm mới phát sinh do tác động của công nghệ số. Số lượng nhân lực cần ĐT cho vị trí việc làm mới do tác động của công nghệ số ước tính là khoảng 25.000 người. Việc ĐT cho đối tượng này sẽ mất thời gian từ trên 3 tháng đến 4 năm tùy từng trình độ và vị trí việc làm.
Như vậy, giai đoạn 2020 - 2025, ngành dệt may Việt Nam có NCĐT rất lớn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác và ĐT mới để nâng cao chất lượng nhân lực
góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế. Đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn đối với ĐT theo đặt hàng trong ngành dệt may.