Kết quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LV Thạc sỹ_huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ở việt nam (Trang 102 - 124)

2.2. THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN Ở VIỆT NAM

2.2.2. Kết quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam

2.2.2.1. Sự tham gia của các doanh nghiệp và kết quả huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Hiện đã có hơn 700 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với tổng giá trị thị trường đạt tới 40%

GDP cùng kỳ. Kết quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Nếu như giai đoạn năm 2000 - 2005 huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán không đáng kể thì giai đoạn 2006 đến nay tổng lượng vốn huy động đã đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2007 đạt 127.000 tỷ đồng (tính cả trái phiếu) chiếm 11,69% tổng lượng vốn huy động vốn toàn nền kinh tế. Có thể nói rằng, sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và sự lớn mạnh của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đã niêm yết có mối quan hệ rất chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Qua làm việc với các doanh nghiệp để triển khai nghiệp vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy quan điểm của các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi từ khi có thị trường chứng khoán, thể hiện trên một số nội dung:

Thứ nhất, doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia thị trường thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán

Những lợi ích khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đã sớm được tuyên truyền từ khi thị trường mới thành lập: Công ty dễ dàng hơn trong việc huy động vốn, quảng bá hình ảnh thương hiệu đến công chúng thông qua các phương tiện thông tin, nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán, được hưởng ưu đãi về thuế… nhưng trên thực tế việc vận động các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn. Phiên giao dịch đầu tiên

của thị trường chứng khoán Việt Nam (18/7/2000) chỉ có 02 mã cổ phiếu được giao dịch là công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM). Tiếp theo đó trong giai đoạn 2000 -2005 số lượng doanh nghiệp lên niêm yết có tăng qua các năm nhưng tốc độ tăng chậm. Từ năm 2006, số lượng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có sự gia tăng đột biến, không những chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần mà còn có các công ty cổ phần mới thành lập, công ty cổ phần chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyển đổi từ công ty tư nhân.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí

Minh (HSX) và đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) từ năm 2000 đến 2009.

Bảng 2.12. Số lượng doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Hà Nội

Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009

HSX 2 11 20 22 26 32 104 125 34 53

HNX 6 81 96 57 95

(Nguồn: Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước) Thứ hai, doanh nghiệp có bước chuyển biến về phương thức huy động vốn từ kênh truyền thống là ngân hàng sang huy động vốn qua thị trường chứng khoán

Đối với các doanh nghiệp, huy động vốn qua ngân hàng là kênh huy động truyền thống và rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu về vốn trung và dài hạn đã đặt ra áp lực rất lớn lên hệ thống ngân hàng đòi hỏi phải tìm một kênh mới để huy động vốn trung và dài hạn. Với chức năng của mình, thị trường chứng khoán đã từng bước giải quyết nhu cầu vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, đặc biệt là giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn vốn tự có đối ứng với nguồn vốn ngân hàng. Doanh nghiệp cũng đã nhận thấy được ưu điểm nổi bật của nguồn vốn từ việc phát hành cổ phiếu là không chịu áp lực về kỳ hạn như vốn vay ngân hàng nên rất quan tâm đến nguồn vốn này.

Giai đoạn đầu, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất hạn chế, khó thu hút các nhà đầu tư mua cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành thêm. Chỉ từ

năm 2006, việc phát hành lần đầu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán mới trở nên sôi động, đặc biệt là phát hành để cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2006.

Đến nay, doanh nghiệp đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường, khi có nhu cầu về vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất thường đã tính toán đến phương án phát hành để huy động vốn. Tại đại hội cổ đông của các công ty vấn đề tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính thường được đề cập và việc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng là một cách thông dụng và trở nên phổ biến. Đặc biệt tại mùa đại hội cổ đông đầu năm 2010, một số lượng lớn các công ty niêm yết đều đặt mục tiêu huy động thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi để gia tăng năng lực tài chính.

Như vậy, từ chỗ các doanh nghiệp khi cần vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh chỉ có thể nghĩ đến ngân hàng thì nay các doanh nghiệp có một kênh mới khá hiệu quả và năng động đó là qua thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp cũng chủ động triển khai việc tham dò thị trường thông qua việc tiếp xúc với các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, tổ chức đoàn cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng đến thăm các dự ỏn đõ̀u tư để cỏc nhà đõ̀u tư hiểu rừ tỡnh hỡnh của doanh nghiệp tạo thuận lợi trong việc huy động vốn.

Thứ ba, xu hướng doanh nghiệp chuyển đổi và điều chỉnh để hướng tới mô hình công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng

Hiện nay, những lợi ích thu được khi doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán đã được nhiều doanh nghiệp nhận thấy và muốn tham gia thị trường chứng khoán thì loại hình doanh nghiệp hữu dụng nhất là công ty cổ phần. Do vậy, nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn đã có nhu cầu chuyển đổi thành công ty cổ phần, các doanh nghiệp đã hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần thì điều chỉnh để trở thành công ty đại chúng. Trong số các doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp đã chuyển đổi từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn sang mô hình công ty cổ phần đại chúng để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Một số doanh nghiệp sau khi trở thành công ty đại chúng có xu hướng đăng ký

giao dịch trên thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (Upcom) để chuẩn bị tập dượt cách giao dịch sau đó sẽ chuyển niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tư, doanh nghiệp quan tâm và chú ý nhiều đến hoạt động mua bán, sáp nhập và liên kết hợp tác lẫn nhau

Cơ chế giao dịch và các quy định pháp lý trên thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể tìm kiếm các cơ hội mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp thông qua các đợt phát hành tìm kiếm đối tác chiến lược, mua trực tiếp cổ phiếu trên thị trường để trở thành các cổ đông lớn. Ngày 04/01/2010, Chính phủ đã ra Nghị định số 01/2010/NĐ-CP về phát hành cổ phiếu riêng lẻ qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có thông tư số 194/2009/TT-BTC ngày 02/10/2009 hướng dẫn về việc chào mua công khai. Các văn bản pháp luật trên đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp vì nó đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Trong 5 tháng đầu năm 2010, có tới hơn 50 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành riêng lẻ được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận, trong đó chủ yếu các doanh nghiệp phát hành cho các đối tác chiến lược. Việc chào mua công khai cũng đã được tiến hành, doanh nghiệp sáp nhập thông qua phương pháp này khá thuận lợi, thủ tục đơn giản và thông tin được công khai, minh bạch trên thị trường.

Thứ năm, công tác quản trị điều hành tại các doanh nghiệp niêm yết công khai, minh bạch nâng cao hiệu quả, chú trọng đến quyền lợi của các cổ đông.

Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng từ các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Thông qua các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, hầu hết các công ty niêm yết đã minh bạch hoạt động tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực để đạt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đem lại nhiều quyền lợi và cổ tức cao cho các cổ đông. Hiện nay trong số hơn 530 công ty niêm yết trên thị trường chứng

khoán có tới 398 công ty có chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần (EPS) trên 1.500 đồng, trong đó có tới 264 công ty có chỉ số EPS đạt trên 3.000 đồng.

Qua phân tích trên cho thấy, sau 10 năm thị trường chứng khoán hình thành và phát triển đã làm thay đổi nhiều quan điểm của doanh nghiệp theo hướng tích cực, đem lại hiệu quả cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo chúng tôi những thay đổi của các doanh nghiệp đối với thị trường xuất phát từ một số nguyên nhân:

- Doanh nghiệp đã nhận thấy những lợi ích khi tham gia thị trường chứng khoán

Thông qua việc đã có một số doanh nghiệp niêm yết và huy động vốn thành công, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên đã làm cho các doanh nghiệp khác nhận thấy được những lợi ích mà thị trường chứng khoán mang lại nên nhận thức của các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. Từ chỗ các cơ quan quản lý phải vận động các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán đến nay các doanh nghiệp đã tự nguyện tham gia thị trường chứng khoán. Thậm chí có doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động nhưng đã hướng tới mục tiêu hoạt động tốt, tuân thủ các chuẩn mực về kế toán tài chính để đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhận thức là một quá trình, và 10 năm thị trường chứng khoán ra đời và phát triển chứng kiến quá trình thay đổi đó và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với thị trường chứng khoán đã được nâng cao.

- Sự quan tâm của Chính phủ và nỗ lực của các cơ quan quản lý đối với thị trường chứng khoán

Ngay từ thời gian đầu thành lập thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán. Và sau này là Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) cũng xúc tiến nhiều buổi hội thảo, gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp để giới thiệu về những lợi ích khi tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cũng gặp mặt các công ty chứng khoán với vai trò là các đơn vị tư vấn để cùng hợp tác giới thiệu,

vận động các doanh nghiệp niêm yết. Chính phủ cũng dành sự quan tâm lớn đến sự phát triển của thị trường chứng khoán với việc ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho thị trường, đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại cho ngành chứng khoán, thực hiện chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán… Đặc biệt, sau khi nhận thấy điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển thì phải tạo hàng cho thị trường, cần phải thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã thực hiện việc chuyển Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính để có cơ quan thống nhất chỉ đạo quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thực hiện chủ trương gắn cổ phần hoá với niêm yết. Đặc biệt năm 2006, Luật chứng khoán ra đời tạo hành lang pháp lý

quan trọng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, đưa thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn phát triển mới với sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài.

- Tăng trưởng kinh tế và những biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế

Thị trường chứng khoán phản ánh “sức khoẻ” của nền kinh tế, sự tăng trưởng với tốc độ khá cao của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua đã hậu thuẫn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu được những lợi ích khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2008 dẫn đến những khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam mà hệ luỵ của nó vẫn còn kéo dài đến nay với cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Châu Âu. Trong giai đoạn khủng hoảng, lãi suất tại Việt Nam đã tăng cao, có thời điểm doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất lên tới trên 20%/năm. Vay vốn ngân hàng khó khăn, trong khi nhiều doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội khủng hoảng để phát

triển nên các doanh nghiệp tìm đến việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

- Số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước đã gia tăng mạnh mẽ trong 10 năm qua

Có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vì thực sự những lợi ích trên thị trường chứng khoán chưa được thể hiện nhiều trong điều kiện thị trường chứng khoán còn chưa lớn mạnh. Sự thu hút của công chúng đối với thị trường chứng khoán còn chưa nhiều thì thị trường chứng khoán khó phát huy vai trò của nó. Từ vài nghìn tài khoản của các nhà đầu tư mở trong năm đầu tiên hoạt động của thị trường chứng khoán đến nay thị trường đã có khoảng trên 1 triệu tài khoản trong đó có hơn 14.500 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, theo ước đoán con số này vào năm 2015 sẽ là khoảng 5 triệu tài khoản.

Như vậy có thể thấy sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán và nhận thức của các doanh nghiệp về việc tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán là một quá trình tương hỗ lẫn nhau: Thị trường chứng khoán càng phát triển, số lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo thì càng thu hút được các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán và ngược lại.

- Các tổ chức trung gian thị trường đã phát triển mạnh mẽ

Sự hoạt động tích cực của các tổ chức trung gian thị trường sẽ giúp tiếp cận để tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về những lợi ích khi tham gia thị trường chứng khoán. Thông qua các nghiệp vụ của mình, đặc biệt là nghiệp vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, thu xếp vốn và nhà đầu tư, bảo lãnh phát hành đã thực sự giúp cho các doanh nghiệp xây dựng được những phương án huy động vốn khả thi, tạo thuận lợi cho các đợt phát hành thành công. Từ chỗ chỉ có 12 công ty chứng khoán hoạt động trong năm đầu tiên đến nay đã có hơn 100 công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động, cung cấp các dịch vụ đa dạng cho doanh nghiệp.

- Hiệu ứng từ công tác truyền thông

Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp muốn niêm yết trên Sở giao dịch là được quảng bá nhiều hơn về hình ảnh cũng như sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, một lý do rất quan trọng nữa là doanh nghiệp muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng cần phải thu hút được công chúng đầu tư quan tâm đến đợt phát hành. Do đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với sự thay đổi của doanh nghiệp với thị trường chứng khoán cũng như thu hút công chúng tham gia thị trường.

Hệ thống truyền thông cho thị trường chứng khoán đã phát triển mạnh trong những năm qua, ban đầu chỉ có 02 Tờ báo đưa tin về chứng khoán với nội dung hết sức sơ khai và giản đơn. Đến nay, thông tin về thị trường chứng khoán đã hầu như có đầy đủ và đa dạng trên các loại phương tiện truyền thông với nội dung phong phú và cập nhật.

Hệ thống truyền thông đối với thị trường chứng khoán: các báo như đầu tư chứng khoán, các báo về kinh tế hàng đầu như Thời Báo Kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn… đều có mục dành riêng cho chứng khoán, các báo khác đều có mục đưa tin về chỉ số và giao dịch thị trường hàng ngày. Tờ Đầu tư chứng khoán - tờ báo chuyên sâu về chứng khoán - đã có số lượng ấn phẩm phát hành tăng mạnh trong những năm qua. Đài phát thanh có chuyên mục Nhịp điệu thị trường chứng khoán, truyền hình có Bản tin Việt Nam và các chỉ số hàng ngày, Bản tin tài chính, chuyên mục chứng khoán cuối tuần, kênh dành riêng phản ánh về kinh tế chứng khoán InfoTV, và nhiều kênh mới khác về chứng khoán. Sự bùng nổ của Internet cũng giúp quảng bá nhiều về thị trường chứng khoán trong đó phản ánh và cập nhật nhiều hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội được quảng bá nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng là một cách quảng cáo rất hữu hiệu không những thuận lợi trong việc huy động vốn mà còn là cơ hội cho các khách hàng biết đến doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu LV Thạc sỹ_huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ở việt nam (Trang 102 - 124)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w