Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng Kim Long, khách sạn Hà Nội (Trang 44 - 46)

Cơ sở đề xuất giải pháp : Căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ của nhà hàng đã nêu trên, do xây dựng và đi vào hoạt động đã lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị nhiều cái đã cũ, hỏng hoặc không đồng bộ. Đây là yếu

tố quan trọng trong kinh doanh ăn uống vì nó là bằng chứng hữu hình để khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ. Do đó, trong thời gian tới, nhà hàng cần đổi mới, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo tính đồng bộ nhằm cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Giải pháp :

* Đối với bộ phận bếp : Nhà bếp nên đầu tư thay mới một số trang thiết bị như nồi, chảo, thớt gỗ…vì những đồ dùng này dùng lâu nên đã cũ, không còn sạch sẽ. Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm một máy rửa bát vì hiện tại, nhà hàng mới chỉ có một máy, vào những lúc cao điểm, một máy này không kịp rửa để quay vòng dụng cụ. Ngoài ra, nền gạch hiện nay của nhà bếp rất trơn, gây nguy hiểm cho nhân viên bếp và nhân viên phục vụ. Vì vậy, nhà hàng nên có kiếm nghị với ban giám đốc khách sạn để được đầu tư, lát lại nền gạch trong nhà bếp.

* Đối với bộ phận bàn : Hiện nay, nhiều dụng cụ phục vụ cho ăn uống của nhà hàng như bát, đĩa, cốc, chén…đã bị cũ, sứt mẻ, logo bị mờ. Một số khăn ăn và khăn trải bàn do sử dụng nhiều lần nên đã bị ố vàng, sứt chỉ. Đồng phục của nhân viên bàn cũng đã cũ và rách. Vì vậy, trước mắt, nhà hàng cần trang bị thêm dụng cụ phục vụ ăn uống, khăn trải bàn với phương châm tăng tính đồng bộ, hiện đại và sang trọng thay thế cho những đồ dùng đã cũ, không đảm bảo vệ sinh cũng như tính thẩm mỹ trong ăn uống. Việc trang trí phòng ăn cũng phải được trang trí theo từng mùa và tùy theo tính chất của bữa ăn, khiến cho khách hàng cảm thấy thoải mái và hài lòng nhất. Sau mỗi ca làm việc, nhân viên phải tập hợp dụng cụ để kiểm tra, nắm bắt được số lượng dụng cụ, qua đó báo cáo và chuẩn bị đồ dùng đảm bảo phục vụ khách trong những ca kế tiếp. Các cán bộ cũng phải thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng dụng cụ ở bộ phận để có biện pháp quản lý phù hợp.

* Đối với bộ phận bar : Khu pha chế dành cho nhân viên còn khá chật chội, tủ trưng bày chỉ bày một số lợi rượu cơ bản, trang trí chưa thực sự đẹp mắt. Trong thời gian tới, nhà hàng nên thiết kế, mở rộng thêm diện tích cho bộ phận bar, nhập thêm nhiều loại rượu để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khách. Tủ rượu và tủ bày hoa quả nên trang trí lại cho đẹp mắt hơn.

Tổ chức thực hiện giải pháp : Trước hết cần tiến hành thẩm định, kiểm tra để xác định những cơ sở vật chất, trang thiết bị nào cần nâng cấp tu sửa, cơ sở vật chất nào cần thay thế toàn bộ. Hoạt động kiểm tra phải được tiến hành bởi lãnh đạo khách sạn và quản lý của nhà hàng để đảm bảo tính chính xác. Sau quá trình điều tra, ban lãnh đạo cần lên kế hoạch nâng cấp, xác định chi phí và phương pháp thu hồi nguồn vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cuối cùng là tổ chức thực hiện việc nâng cấp. Hoạt động này cần đảm bảo nhanh, dứt điểm từng hạng mục nâng cấp, không để kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng Kim Long, khách sạn Hà Nội (Trang 44 - 46)