PHÂN TÍCH VÀ ĐỊNH GIÁ CÔNG TY
3.2.1.4 Các yếu tố về công nghệ
Cuối cùng, các yếu tố về công nghệ như công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D), đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại cũng chi phối sự tăng trưởng của ngành mía đường. Sau đây bài luận văn sẽ phân tích chi tiết các tác động này.
Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D)
Thực trạng của ngành mía đường nước ta trong những năm qua không chỉ thiếu nguồn mía nguyên liệu mà năng suất của cây mía cũng không đạt năng suất cao. Chất lượng
đường của mía chỉ đạt mức dưới 10 ccs (đơn vị dùng để đo trữ lượng đường của mía), thấp hơn nhiều so với các nước sản xuất đường lớn của thế giới (Hiệp hội mía đường, 2010). Nhận thấy chất lượng đường của cây mía nước ta thấp, các doanh nghiệp trong ngành đã nghiên cứu và phát triển các giống mía mới trữ đường cao hơn nhằm mục đích gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng thành phẩm cuối cùng. Điển hình, công ty cổ phần mía đường Tây Ninh SBT đã xây dựng trại thực nghiệm mía giống trên tổng diện tích 33.8ha tại xã Thái Bình Huyện Châu Thành, cách nhà máy 40km chuyên nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống mía để chọn lọc ra những giống mía ưu việt, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu tại Tây Ninh (SBT, Hoạt động kinh doanh, 2010). Đối với công ty cổ phần mía đường Lam Sơn LSS, công ty cũng đang phát triển hệ thống tưới ngầm cung cấp trực tiếp phân và nước cho cây mía giúp cây mía cho năng suất cao hơn (Hà, 2008). Cách thức đầu tư phát triển nâng cao chất lượng cho cây mía của các doanh nghiệp thể hiện cách làm đúng đắn của các doanh nghiệp góp phần tăng năng lực cạnh tranh của đường trong nước so với đường nhập khẩu và nâng cao khả năng đáp ứng lượng đường tiêu thụ trong nước.
Đầu tư vào dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất hiện đại
Một số các nhà máy đường vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh và một vài nhà máy trọng điểm quốc gia đều đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại nhằm đạt được công suất lớn, tính kinh tế nhờ quy mô. Hình 3.4 cho thấy một số nhà máy đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong nước và công suất hiện nay của 6 nhà máy này đạt tổng cộng 39.500 tấn mía cây/ ngày. Trong những năm qua do nguyên liệu mía đầu vào chưa ổn định, một số nhà máy hoạt động chưa hết công suất. Tuy nhiên trong tương lai, khi diện tích mía nguyên liệu được phát triển đúng như quyết định 26/2007/QĐ- TTG đã chỉ đạo thì khả năng các nhà máy này sẽ hoạt động hết công suất. Lúc đó, sản lượng đường sản xuất trong nước có khả năng đáp ứng thị trường trong nước và ngành mía đường sẽ có cơ hội tăng trưởng.
Hình 3.4 Công suất một số nhà máy mía đường lớn
Tóm lại, sau khi phân tích các yếu tố vĩ mô tác động đến ngành mía đường nước ta, bài luận văn này nhận định ngành mía đường sẽ tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới (5 năm tới) do có được những điều kiện thuận lợi như chủ trương phát triển ngành mía đường của chính phủ, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô, thu nhập bình quân đầu người tăng kèm theo nhu cầu tiêu thụ đường gia tăng qua các năm. Sức tăng trưởng sẽ cao do các nhà máy đường đang tập trung nghiên cứu phát triển giống mía năng suất cao và mức năng suất gia tăng từ sự đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, do gặp phải sự cạnh tranh của đường nhập khẩu từ Thái Lan trong dài hạn, ngành đường sẽ không giữ được mức tăng trưởng cao sau giai đoạn 5 năm tới.