PHÂN TÍCH VÀ ĐỊNH GIÁ CÔNG TY
3.2.1.1 Các yếu tố về chính trị-luật pháp
Tiềm năng tăng trưởng của ngành mía đường nước ta trong tương lai rất lớn do chủ trương phát triển ngành mía đường của chính phủ được nêu rõ trong quyết định 26/2007/QĐ-TTG về Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo quyết định này, các quan điểm phát triển bao gồm các nội dung phát triển sản xuất mía đường trong thời gian tới phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững, phát triển sản xuất mía đường trên cơ sở phát triển đồng bộ từ sản xuất mía nguyên liệu, nhà máy chế biến, sản xuất các sản phẩm sau đường đến lưu thông và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mía đường với sự hỗ trợ của nhà nước về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi vùng mía tập trung và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giúp nâng cao năng suất. Các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra bao gồm sản lượng đường đạt 1,5 triệu tấn đến năm 2010, tổng công suất thiết kế của nhà máy phải đạt 105.000 tấn mía ngày và tổng diện tích mía nguyên liệu phải đạt 300.000 ha. Theo số liệu thống kê của bộ phát nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng sản lượng đường cung cấp của 37 nhà máy trên cả nước chỉ đạt khoảng 970.000 tấn và hằng năm phải nhập khẩu đường với sản lượng 300.000 – 400.000 tấn, như vậy ngành mía đường được dự báo sẽ tăng trưởng cao trong thời gian sắp tới (Chính phủ, 2007).
Tuy nhiên trong dài hạn ngành đường có khả năng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan có giá bán thấp hơn so với giá bán sản phẩm đường trong nước do cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đường theo hiệp định CEPT/AFTA được điều chỉnh từ 10% xuống còn 5%, đồng thời hạn ngạch nhập khẩu cũng sẽ dần dần được xóa bỏ theo cam kết WTO sẽ đem lại rủi ro lớn cho ngành mía đường Việt Nam. Vì vậy sau giai đoạn tăng trưởng mạnh sắp tới, khi không còn bảo hộ ngành mía đường nước ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ của đường ngoại nhập và tăng trưởng của ngành sẽ bị hạn chế một phần (Khuyên, 2006).