Thuốc chống sốt rét từ vi khuẩn và ngải tây

Một phần của tài liệu Tri thức và cuộc sống: những khám phá về gene (Trang 58 - 59)

Các nhà nghiên cứu ở California đã sản xuất thành công loại thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện nay - artemisinin, với giá thành thấp. Đây là sản phẩm do vi khuẩn E.coli tổng hợp nên, sau khi vi khuẩn này được ghép gene của cây ngải tây (thanh hao hoa vàng) và vi khuẩn men bia.

Artemisinin là một hoá chất có trong cây ngải tây, một vị thuốc chống sốt rét cổ truyền của Trung Quốc. Vị thuốc này tỏ ra rất hiệu quả, ngay cả đối với những chủng virus sốt rét đã kháng hầu hết các loại thuốc. Tuy nhiên, cả hai phương thức sản xuất hiện tại là chiết xuất từ thực vật hoặc tổng hợp bằng các phản ứng hoá học trong phòng thí nghiệm, đều cho sản phẩm với giá

thành rất cao. Trong khi đó, số người mắc bệnh sốt rét lại chủ yếu ở các nước nghèo.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ), dẫn đầu là giáo sư Jay Keasling, đã tiến hành ghép gene của cây ngải tây và gene vi khuẩn men bia vào vi khuẩn E. coli (một loại vi khuẩn đường ruột quen thuộc). Bộ gene tổng hợp trong vi khuẩn E.coli đã tạo ra một cơ chế chuyển hoá hoàn toàn mới, giúp chúng tổng hợp nên một hoá chất có tên là isoprenoids. Hoá chất này đang được nhiều nơi trên thế giới sử dụng để tổng hợp nên một số loại thuốc chống ung thư, một số loại phụ gia thực phẩm, và đặc biệt là artemisinin - thuốc chống sốt rét đang được coi là có khả năng kỳ diệu.

Trước Keassling, các nhà khoa học chỉ có thể ghép một đoạn gene mới vào một bộ gene hoàn chỉnh để thay đổi chức năng của bộ gene này, song không thể ghép thành công các hệ thống gene hoàn chỉnh với nhau để tạo nên một cơ chế chuyển hoá mới. Do vậy, thành công của Keasling được coi là một bước tiến vĩ đại trong công nghệ sinh học hiện nay.

Các nhà khoa học rất hy vọng rằng kỹ thuật nối gene của nhiều loại vi sinh vật để sản xuất isoprenoids, một ngày nào đó có thể được sử dụng đại trà để tổng hợp nên artemisinin giá thành thấp. Đây sẽ là niềm hy vọng cho những người dân ở các nước nghèo, đặc biệt là châu Phi.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm toàn thế giới có thêm từ 300 triệu đến 500 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm do muỗi. Rất nhiều người trong số đó không đủ tiền để mua các loại thuốc mới, trong khi hiện tượng kháng thuốc của các virus gây bệnh ngày càng phổ biến.

Tử Vi (theo Science Daily, 3/6/2003)

Một phần của tài liệu Tri thức và cuộc sống: những khám phá về gene (Trang 58 - 59)