1.2. Hệ thống các khái niệm có liên quan
1.2.7. Phương pháp dạy học
Có nhiều tác giả đưa ra khái niệm phương pháp dạy học như nhóm tác giả
Trần Thị Tuyết Oanh (2005) có khái niệm về phương pháp dạy học là cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên và cách thức tổ chức hoạt động học tập của học sinh, trong quan hệ đó, phương pháp dạy quyết định, điều khiển phương pháp học, phương pháp học tập của học sinh là cơ sở để lựa chọn phương pháp dạy. Tuy nhiên, kết quả học tập được quyết định trực tiếp bởi phương pháp học tập của học sinh. Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của giáo viên nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và các nhiệm vụ dạy học.
Hay tác giả Phan Trọng Ngọ (2005) và Nhóm tác giả Nguyễn Văn Cường (2009) cho rằng phương pháp dạy học là những hình thức và cách thức hoạt động của giáo viên và học sinh trong những môi trường dạy học được chuẩn bị, nhằm đạt mục đích dạy học, phát triển các năng lực của cá nhân.
Nhóm tác giả Trần Thị Hương (2011) và Tác giả Lê Vinh Quốc (2008) có viết Phương pháp (method) là một thuật ngữ trừu tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa tương tự và gần gũi nhau. Nghĩa chung nhất của phương pháp là cách thức(procedure) và quá trình(process) nhằm đạt được một mục tiêu. Theo đó, phương pháp giáo dục là
cách thức hoặc hệ thống kế hoạch được áp dụng để đạt được mục tiêu của quá trình giáo dục
Dựa trên cơ sở các khái niệm tác giả thống nhất phương pháp dạy học là cách thức, con đường nhằm thực hiện mục tiêu dạy học. Đối với trẻ mầm non cần sử dụng phương pháp dạy học phù hợp, tích hợp để kích thích sự tị mị, tìm kiếm, khám phá thế giới xung quanh và tạo cơ hội cho trẻ được thử nghiệm, trải nghiệm, sáng tạo. Đối với từng trẻ cần có phương pháp dạy học hỗ trợ hay nâng cao để quan tâm, hỗ trợ cá nhân trẻ.