- Yếu tố con người:
2.3. Quy trình nộp đơn
Khi bàn về các điểm thực tế của bảo hộ CDĐL, điểm cá nhân tác giả quan tâm chính là việc làm sao một người nộp đơn nước thứ ba (người nộp đơn được hiểu theo nghĩa rộng, tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức) có thể tham gia nộp đơn vào các hệ thống. Nhu cầu này khuyến khích tôi nghiên cứu cụ thể các phương pháp của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Hiểu về hệ thống của các quốc gia và khu vực này vừa là tiền đề để cải cách hệ thống nộp đơn trong nước cho thực sự hoàn thiện và đạt kết quả cao, vừa có thể tạo thuận lợi cho nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài.
2.3.1. Quy định của pháp luật Việt Nam
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang CDĐL, tổ chức tập thể đại diện cho các cá nhân, tổ chức đó hoặc cơ quan quản lí hành chính địa phương nơi có CDĐL thực hiện quyền đăng ký CDĐL nếu được nhà nước cho phép và không trở thành chủ sở hữu của CDĐL đó.
Các cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể có quyền đối với CDĐL theo quy định của pháp luật nước xuất xứ có quyền đăng ký CDĐL đó ở Việt Nam.
CDĐL muốn được bảo hộ phải gồm có các tài liệu, mẫu vật và thông tin như sau: 1. Tên gọi, dấu hiệu được dùng làm chỉ dẫn địa lý.
2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
3. Bản mô tả tính chất đặc thù phải chỉ rõ cả nguyên liệu thô và các đặc tính lí học, hóa học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm, cũng như chỉ ra mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý nơi xuất xứ của sản phẩm. Điều kiện địa lý bao gồm các yếu tố tự nhiên và con người hội tụ lại. Bên cạnh đó cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm cũng phải được thông tin đầy đủ.
4. Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với CDĐL. Nếu là CDĐL có nguồn gốc nước ngoài thì cần phải có tài liệu chứng minh chỉ dẫn đó đang được bảo hộ ở một nước cụ thể.
- Nếu đơn đăng ký được nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thì phải có giấy ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu được thụ hưởng quyền đó từ người khác;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Theo quy định tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP và Thông tư 05/2013/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì:
Cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) sau khi đã tiếp nhận đơn đăng ký CDĐL sẽ tiến hành các bước cơ bản sau đây để cấp văn bằng bảo hộ:
- Thứ nhất, bước thẩm định hình thức của đơn đăng ký CDĐL để công nhận tính hợp lệ của đơn. Thời hạn để thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Thứ hai, công bố đơn đăng ký CDĐL trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Mục đích của việc công khai các thông tin về đơn đăng ký CDĐL là để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết bất kỳ ý kiến phản đối của người thứ ba nào về việc cấp văn bằng bảo hộ chính thức cho CDĐL.
- Thứ ba, thẩm định nội dung đơn đăng ký CDĐL sau khi đã có quyết định công nhận là hợp lệ để đánh giá các tiêu chí bảo hộ và phạm vi bảo hộ của CDĐL đó. Thời hạn thẩm định về nội dung là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn. Cục sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu người nộp đơn giải thích nội dung đơn, chỉnh sửa, bổ sung các thiếu sót và các điểm chưa rõ. Mọi việc sửa đổi, bổ sung các tài liệu đơn có thiếu sót đều phải do người nộp đơn tự thực hiện. Việc thẩm định nội dung đơn có thể chấm dứt trước thời hạn trong các trường hợp:
+ Đơn không thể hiện rõ bản chất của đối tượng. + Đối tượng không phù hợp với việc bảo hộ CDĐL.
+ Có lí do để khẳng định chắc chắn rằng đối tượng không đáp ứng một hoặc một số điều kiện bảo hộ nhất định đối với CDĐL.
+ Người nộp đơn không thực hiện yêu cầu sửa chữa thiếu sót, giải thích nội dung đơn đăng ký CDĐL.
+ Người nộp đơn có yêu cầu chấm dứt việc thẩm định nội dung đơn hoặc có tuyên bố rút đơn.
Trong trường hợp người nộp đơn có văn bản phản đối việc chấm dứt thẩm định nội dung đơn trong thời hạn được pháp luật quy định thì Cục SHTT sẽ xem xét ý kiến phản đối của người nộp đơn. Nếu ý kiến đó là xác đáng, Cục SHTT sẽ phục hồi việc
thẩm định nội dung đơn. Nếu ý kiến phản đối không xác đáng, Cục SHTT chính thức chấm dứt thẩm định nội dung đơn và ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Người nộp đơn có quyền khiếu nại thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ cấp văn bằng bảo hộ CDĐL cho những đơn đáp ứng tất cả các điều kiện và quy trình thẩm định trên và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về CDĐL. Văn bằng bảo hộ CDĐL sẽ có hiệu lực từ ngày cấp và được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.