2.2.2.1. Quy mô thị trường Crowdfunding Mỹ
Crowdfunding hiện nay đã không còn là nền tảng dành riêng cho việc khởi chạy các dự án game hay dự án sáng chế thiết bị tin học nữa. Crowdfunding cũng đã trở thành một hình thức có thể sử dụng để quảng bá cho sản phẩm, huy động vốn cho dự án khởi nghiệp, cũng như là một hình thức cung cấp tài chính cho DN. Crowdfunding giờ đây với sự phát triển nhanh chóng của mình đã tạo ra nhiều sự thay đổi đáng kể. Crowdfunding giúp các DN tương tác với khách hàng của họ, đồng thời hợp thức hoá các yếu tố đầu ra của khâu R&D.
Thị trường huy động vốn đám đông tại Mỹ là thị trường lớn nhất trên thế giới và theo sau bởi Châu Âu với một khoảng cách khá lớn. Kể từ khi xuất hiện, tổng giá trị huy động được trên thị trường Mỹ lên tới 3698,3 triệu USD, gần gấp 3 lần giá trị huy động
được trên thị trường Châu Âu (cụ thể là 1330 triệu USD) trong khi các thị trường còn lại trên thế giới chỉ mới huy động được 109,7 triệu USD.
Ngoài ra, thị trường Crowdfunding hầu như chỉ phát triển mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và kém phổ biến ở Nam Mĩ. Theo thống kê vào năm 2011 của Masslution, tổng số dự án huy động vốn đám đông thành công tại Bắc Mĩ lên tới 532.000 dự án khi mà tổng số dự án duy động vốn đám đông thành công tại Nam Mĩ chưa đạt mốc 1.000 dự án.
2.2.2.2. Đạo luật JOBS về Crowdfunding tại Mỹ
Vào tháng 4/2012, Mỹ công bố đạo luật JOBS (Jumpstart Our Business Startup) điều chỉnh các hoạt động gọi vốn đám đông thông qua hình thức phân chia cổ phần. Đây là một động thái quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Chính Phủ Mỹ đến hình thức này. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp có thể dễ dàng hơn khi tìm được các nhà đầu tư do có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình tài chính DN, đặc biệt các DN nhỏ. Vốn dĩ việc tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng, các quỹ tín dụng, các trung gian tài chính khác rất khó khăn, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn, các ngân hàng thường không mấy mặn mà với các dự án khởi nghiệp, các công ty kinh doanh khởi nghiệp, các công ty nhỏ. Mà họ thường chủ yếu tập trung vào các công ty lớn, các DN đã có thâm niên. Điều này khiến cho các DN nhỏ vốn đã gặp nhiều khó khăn, giờ lại càng khó khăn hơn.
Vì vậy, việc Chính phủ Mỹ thông qua đạo luật JOBS là một tín hiệu rất khả quan. Điều này làm trong sạch và minh bạch hơn hệ thống pháp luật, khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn trong việc quyết định đầu tư vào các dự án khởi nghiệp.
Đạo luật JOBS bao gồm các nội dung chính sau đây16: - Một công ty tư nhân có thể có 2.000 cổ đông.
- Cho phép các hoạt động quảng cáo, thu hút cổ phần của cá nhân một cách công khai (thu hút, quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin, Tivi và các phương tiện thông tin đại chúng khác…)
- Một vài hoạt động cho, tặng cổ phần có thể được miễn trừ theo những điều khoản hạn chế do Uỷ Ban Chứng Khoán và giao dịch (Securities and Exchange Commission) đưa ra. Theo điều khoản này, các cổ phần có thể được giao dịch trao
đổi thông qua các cổng giao dịch gọi vốn đám đông. Các cá nhân công ty muốn thực hiện giao dịch trên phải gửi đơn yêu cầu miễn trừ thuế lên Uỷ Ban.
- Các công ty tư nhân được phép huy động vốn Crowdfunding thường niên có giá trị lên đến $1 triệu đô thông qua các điều khoản miễn trừ do Uỷ Ban Chứng Khoán và Giao dịch nêu ra.
- Các nhà đầu tư chính thức được phép góp vốn thường niên lên đến $100.000 (cho một công ty) thông qua hình thức mua cổ phần dựa trên nền tảng Crowdfunding.