2.1.1.1. Thực trạng kinh tế Mỹ
Trong giai đoạn 2007-2009, kinh tế Mỹ và thế giới đã phải chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được coi là tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933. Phần lớn các nghiên cứu từ đó đến nay đều chỉ ra nguyên nhân của khủng hoảng là bong bóng BĐS ở Mỹ bị đổ vỡ do nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuất phát từ cho vay thế chấp dưới chuẩn.
Trong khoảng 10 năm kể từ 1997, thị trường nhà đất ở Mỹ phát triển nhanh chóng, các ngân hàng và các tổ chức cho vay ào ạt tiếp thị tạo ra những hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn và khuyến khích cả những người không đủ khả năng tài chính cũng đi vay tiền để mua nhà. Ngoài ra các tổ chức cho vay còn “sáng chế” ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Nguy hại
hơn nữa là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay BĐS này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế. Các loại trái phiếu này được gọi với cái tên “Mortgage backed securities – MBS”, một sản phẩm tài chính phái sinh được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay BĐS có thế chấp. Các tổ chức giám định hệ số tín nhiệm đánh giá cao loại sản phẩm phái sinh này. Và nó được các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí trên toàn thế giới mua mà không biết rằng các hợp đồng cho vay BĐS dùng để bảo đảm là không đủ tiêu chuẩn.
Cho đến khi thị trường BĐS liên tiếp hạ nhiệt, người đi vay đã không có khả năng trả được nợ lại cũng rất khó bán tài sản là BĐS đó để trả nợ, và kể cả bán được thì giá trị của BĐS cũng đã giảm thấp tới mức không đủ để thanh toán các khoản còn vay nợ.Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay BĐS dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ khó đòi, các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí không còn mua bán được trên thị trường, khiến cho các ngân hàng, các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này không những bị lỗ nặng mà còn mất cả khả năng thanh toán.
Theo ước tính, trong 22.000 tỷ USD giá trị BĐS tại Mỹ thì có tới hơn 12.000 tỷ USD là tiền đi vay, trong đó khoảng 4.000 tỷ USD là nợ xấu. Các nước khác cũng bắt chước Hoa Kỳ và bán ra loại trái phiếu phái sinh MBS này trong thị trường tài chính của họ. Vì vậy trên toàn thế giới tổng số nợ BĐS khó đòi và tổng số MBS bị “nhiễm độc” chưa thể tính hết được. Bear Stern, Indy Mac, Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Meryll Lynch, Washington Mutual, Vachovia, Morgan Stanley, Goldman Sachs…(Mỹ), New Century Financial, Northern Rock, HBOS, Bradford & Bringley (Anh quốc), Dexia (Pháp-Bỉ-Luxembourg), Fortis, Hypo (Đức-Bỉ), Glitner (Iceland) hoặc bị lung lay hoặc bị ngã gục. Cơn chấn động tài chính ở Hoa Kỳ khiến nhiều thị trường tài chính, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới bị rung động theo, bởi hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới đã đầu tư mua loại trái phiếu MBS này. Trầm trọng hơn nữa là những hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi (hay Credit Default Swap – CDS). Các hợp đồng này do các tổ chức tài chính và các công ty bảo hiểm quốc tế bán ra, theo đó bên mua CDS được bên bán bảo đảm sẽ hoàn trả đầy đủ số nợ cho vay nếu bên vay không trả được nợ. Tổng số CDS ở Mỹ vào năm 2007 ước tính khoảng 35 nghìn tỷ USD, và toàn thế giới là khoảng 54.600 tỷ USD.
Từ sau khủng hoảng, tín dụng tại Mỹ được thắt chặt, yêu cầu về định giá tài sản đảm bảo trở nên chặt chẽ hơn và các ngân hàng còn sống sót trở nên rất thận trọng trong việc cấp vốn.
2.1.1.2. Thực trạng huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp tại Mỹ
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, số lượng các dự án khởi nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Nước Mỹ - đầu tầu kinh tế của thế giới với sức mạnh khoa học kĩ thuật phát triển bậc nhất, luôn là nơi tập trung số lượng đông đảo các dự án khởi nghiệp. Hiện nay, các DN khởi nghiệp (startup businesses) là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp phần lớn trong việc tạo sự ổn định cho nền kinh tế, và đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn, hàng triệu người mỗi năm. Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới cũng thừa nhận rằng, mỗi năm, các DN khởi nghiệp đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế này. 9,8 triệu người lao động tự do ở Mỹ hiện đang làm việc tại các DN khởi nghiệp, chiếm 2/3 số người lao động tự do tại Mỹ. Theo tính toán, trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập, các DN khởi nghiệp trung bình tạo ra 3 triệu việc làm mỗi năm. Điều này cho thấy, khởi nghiệp kinh doanh đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Và thậm chí, các dự án khởi nghiệp có thể là một trong những nhân tố quan trọng thay đổi diện mạo quốc gia, thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tại nước Mỹ, theo báo cáo của quỹ Kauffman vào tháng 8/2013, thành phố Boulder bang Colorado là nơi có số lượng các dự án khởi nghiệp nhiều nhất cả nước, Fort Collins – Loveland xếp ở vị trí thứ hai. Và ở vị trí thứ ba là thung lũng Silicon, tiếp sau là Boston.Tuy nhiên, khi xét trên góc độ tài chính khởi nghiệp thì Bay Area, California là nơi thu hút được nhiều vốn khởi nghiệp nhất cả nước, với 1,4 tỷ USD, trong khi bang Colorado chỉ thu hút được 130.000 USD trong cùng kì.
Xét về mặt tài chính và gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp tại Mỹ, thì tại báo cáo về tài chính gần đây nhất về tình hỉnh tài chính khởi nghiệp, lượng vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp tại Mỹ trong ba quý đầu năm đã tăng trưởng 17% so với cùng kì năm 2012. Các DN khởi nghiệp về tin học, phần mềm là những dự án nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều vốn đầu tư nhất từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Điều này cho thấy, khoa
học kĩ thuật luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, một phần do tính chất thu hồi vốn nhanh cộng với tính khả thi cao, ngành nghề phát triển nhanh chóng, nhiều hứa hẹn.
Theo đó, cụ thể tổng số vốn đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại Mỹ trong 3 quý đầu tiên của năm 2013 là $7,78 tỷ đô, tương đương với mức tăng 17% so với cùng kì năm 2012. Trong đó, số lượng các thoả thuận kinh doanh cũng tăng 7%, từ 937 thoả thuận lên con số 1,005.
Đặc biệt, ngành công nghiệp phần mềm có sức tăng trưởng mạnh nhất với số vốn được đầu tư là $3,57 tỷ USD, tương đương mức nhảy vọt 77% so với cùng thời điểm năm 2012. Số lượng các thoả thuận hợp tác cũng tăng, lên 420 thoả thuận trong năm 2013. Ngành công nghệ sinh học đứng ở vị trí thứ 2 trong các ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp với số vốn đầu tư ghi nhận được là $852,1 triệu USD, tăng 31% so với cùng kì năm 2012 và số lượng các thoả thuận kí kết là 123 thoả thuận, giảm 1 thoả thuận đạt được so với năm 2012
Dự án nhận được nhiều số vốn đầu tư nhất trong quý là Uber Technologies, với số vốn đầu tư nhận được là $257,8 triệu USD. Uber Technologies - một công ty có trụ sở đặt tại San Francisco, cung cấp dịch vụ thuê xe theo yêu cầu của khách hàng qua iPhone hoặc qua tin nhắn. Đơn vị đầu tư cho dự án này là Google Ventures và TPG Capital.