Phẫu thuật lấy mỡ giảm áp hốc mắt về mặt lý thuyết sẽ có ít biến chứng trong và sau phẫu thuật hơn so với phẫu thuật cắt thành xương. Những biến chứng của phẫu thuật lấy mỡ hốc mắt có mối liên hệ tiềm ẩn với đường vào hốc mắt. Các phần tổn thương có thể là mi mắt, thần kinh lệ, màng lưới mạch máu trong hốc mắt, các cơ vận nhãn, thị thần kinh và nhãn cầu [8]. Trong những trường hợp phẫu thuật giảm áp hốc mắt bằng cách cắt thành xương mặc dù về mặt lý thuyết là có những biến chứng nặng nhưng cũng ít gặp trong thực hành lâm sàng. Những biến chứng có thể được thông báo của phẫu thuật cắt thành xương hốc mắt để giảm áp là: lác sau phẫu thuật, giảm cảm giác trong hốc mắt và viêm xoang [37], quặm mi dưới [53], lệch nhãn cầu [117]. Các biến chứng khác như: rò dịch não tủy, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, tổn thương mắt và thị thần kinh hoặc hệ thống mạch máu tại mắt, co thắt mạch não, thiếu máu và hoại tử là những biến chứng rất nặng nề nhưng hiếm khi sảy ra [89], [113]. Thêm vào những biến chứng thường gặp trong phẫu thuật giảm áp nói chung thì tùy vào những phẫu thuật khác nhau và đường vào khác nhau mà tiềm ẩn những biến chứng của riêng nó. Trong nghiên cứu này, chúng tôi gặp một số biến chứng như:
- Tổn thương nhánh số 2 của dây thần kinh số V có thể gặp trong phẫu thuật giảm áp bằng cách cắt thành dưới xương hốc mắt. Trong nhóm
bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi có 16 bệnh nhân (36,36%) có cảm giác tê bì vùng môi và má sau phẫu thuật. Nguyên nhân có thể là khi cắt thành dưới hốc mắt đã gây chấn thương hoặc làm đứt thần kinh hàm trên đoạn đi qua sàn hốc mắt (thuộc nhánh số 2 dây V). Những tổn thương như vậy, mặc dù hiếm, cũng nên được tính trong những biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật giảm áp hốc mắt trong khi tư vấn cho bệnh nhân về phẫu thuật này, bởi vì biến chứng này rất khó điều trị và có thể gây đau liên tục hoặc mất cảm giác vùng chi phối và không hồi phục [24]. Chúng tôi theo dõi thấy các triệu chứng tổn thương dây thần kinh giảm dần theo thời gian và sau 6 tháng không còn bệnh nhân nào phàn nàn về cảm giác này nữa. Chúng tôi cũng đồng ý như tác giả Baldeschi [24] rằng trước khi cắt thành dưới cần xác định vị trí của dây thần kinh hàm trên đoạn đi qua sàn hốc mắt để tránh làm tổn thương dây trong khi phẫu thuật.
- Song thị có một ảnh hưởng đáng kể lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow và là một biến chứng đáng ngại khi phẫu thuật viên thực hiện phẫu thuật giảm áp. Tỉ lệ song thị sau mổ trong nghiên cứu của chúng tôi với nhóm bị chèn ép thị thần kinh là 28,57% và nhóm không có chèn ép thị thần kinh là 12,5%. Tỉ lệ song thị này nằm trong khoảng tỉ lệ song thị sau mổ từ 0% tới 79% như thống kê của tác giả Paridaens và cộng sự trên 35 nghiên cứu khác nhau được thực hiện từ năm 1980 tới năm 2004 [112]. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lác sau phẫu thuật giảm áp liên quan tới cơ chế bệnh sinh của bệnh “thể mỡ hoặc thể cơ của bệnh mắt Basedow”, đường phẫu thuật vào hốc mắt, việc cắt thành xương nào và số lượng thành xương được cắt, việc bảo tồn xương giữa thành trong và thành dưới hốc mắt hoặc cấu trúc giải phẫu của phần trước hốc mắt. Sự khác nhau giữa khả
năng vận động và cảm nhận để làm giảm sự mất cân bằng của cơ vận nhãn cũng đóng một vai trò nhất định. Sự hiểu biết rõ tất cả những yếu tố liên quan tới cơ chế bệnh sinh của song thị sau phẫu thuật giảm áp có thể giúp ngăn chặn và làm giảm tỉ lệ song thị sau phẫu thuật [44].
- Sẹo của đường mổ theo đường quanh hốc mắt có thể gây nên co rút mi và co kéo làm mi nhắm không kín, mất vị trí giải phẫu bình thường của bờ mi và sụp mi (mặc dù hiếm gặp) là nhiều khả năng sảy ra hơn so với đường chân tóc. Nhưng vào hốc mắt qua đường chân tóc cũng có thể gây tổn thương tạm thời và vĩnh viễn thần kinh vùng trán, sẹo và rụng tóc do đường rạch da hoặc là do ảnh hưởng của thiếu máu khi liền vết thương gây nên [57]. Chúng tôi dùng đường mổ qua kết mạc mi dưới để vào hốc mắt. Lợi ích của đường mổ này là không để lại sẹo sau mổ và có cắt cân bao mi của mi dưới giúp giảm co rút mi dưới sau mổ. Tuy nhiên cũng có 2 bệnh nhân (3 mắt) có quặm mi dưới sau mổ. Những mắt này trước mổ mi dưới co rút mức độ nặng và sau mổ quá trình viêm xơ hóa của hệ thống cân cơ nâng mi dưới vẫn tiếp diễn gây nên quặm mi dưới. Xử trí những mắt này chúng tôi phải phẫu thuật làm dài mi dưới bằng ghép mảnh cân sau tai của bệnh nhân.
- Chảy máu sớm sau mổ và cần phải can thiệp lại, thoát vị các thành phần của mắt vào trong xoang mũi và sẹo của niêm mạc mũi cùng với tắc xoang và viêm xoang có thể xảy ra với phẫu thuật nội soi qua đường mũi [90], [122]. Với phẫu thuật đi vào hốc mắt qua đường lật toàn bộ mi dưới và cắt hai thành xương, trong đó thành trong chúng tôi chỉ phá bỏ vách xương giấy và hệ thống xoang sàng mà không làm thông sang ngách mũi nên không có các biến chứng như chảy máu và tắc xoang mũi như phẫu thuật nội soi cắt thành trong qua đường mũi. Chúng tôi có 4 bệnh nhân (9,09%) có biểu hiện chảy máu ra từ xoang
hàm. Nhưng những bệnh nhân này có khạc ra ít máu ngày đầu sau mổ và cũng chỉ cần cho bệnh nhân súc miệng bằng nước muối chứ không cần phải xử trí gì đặc biệt.
- Sự tái viêm của bệnh mắt Basedow sau phẫu thuật giảm áp hốc mắt là một biến chứng hiếm gặp khác. Biến chứng này gần đây được mô tả có 3 bệnh nhân trong tổng số 239 bệnh nhân không được điều trị glucocorticoids trước mổ [19]. Hiện tượng này bao gồm sự khởi phát của các triệu chứng và hội chứng đặc hiệu trong giai đoạn viêm của bệnh mắt Basedow cùng với bằng chứng của phim chụp CT thấy phì đại cơ vận nhãn một vài tuần sau phẫu thuật và tiếp theo sau là một giai đoạn dần dần hồi phục. Dựa trên đặc điểm lâm sàng của bệnh, các nhà lâm sàng gọi tên là tái viêm muộn sau hạ áp (delayed decompression- related reactivation DDRR). Tỉ lệ của tái viêm vào khoảng 1,3% và có thể được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc chiếu xạ hốc mắt [19]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có một bệnh nhân nam (số 23) (2,2%) có biểu hiện tái viêm sau phẫu thuật giảm áp 4 tháng. Bệnh nhân đã được nhập viện và điều trị bằng Methyl prednisolon 80 mg truyền tĩnh mạch trong 3 ngày, tiếp theo liều 40 mg trong 3 ngày và sau đó cho uống giảm liều Prednisolone và duy trì liều 10mg trong 3 tháng. Theo dõi cho tới nay (2 năm) không thấy tái phát lại.
Phần lớn những biến chứng có thể xảy ra là khó dự đoán được và việc ngăn ngừa biến chứng dựa trên những khuyến cáo không đặc hiệu, những khuyến cáo này là cẩn thận khi phẫu tích các thành phần trong hốc mắt, bóc tách chính xác mỡ hốc mắt, tránh làm tổn thương phải cầm máu nhiều và/hoặc dùng đốt cầm máu nhiều trong hốc mắt. Những biến như là viêm xoang có thể phòng ngừa đơn giản bằng cách chú ý tới việc thông khí của xoang khi tiến hành phẫu thuật giảm áp hốc mắt. Biến chứng như giảm cảm
giác hốc mắt hoặc đau hốc mắt, rò dịch não tủy và viêm thần kinh trung ương sau đó có thể giảm thiểu bằng cách đánh giá chính xác hình ảnh CT trước mổ, phẫu thuật có kế hoạch trước và sử dụng kháng sinh.
Khám xét kỹ càng cũng giúp phát hiện bệnh nhân có nguy cơ biến chứng. Ví dụ một bệnh nhân có xoang sàng nằm thấp thì cần phải đề phòng tai biến rò dịch não tủy khi cắt thành trong hốc mắt. Lõm mắt sau mổ hoặc nhãn cầu tụt xuống thấp có thể phòng bằng cách tránh cắt xương chỗ tiếp nối thành trong và thành dưới của hốc mắt khi áp dụng với những bệnh nhân có giải phẫu đặc biệt. Những biến chứng này trong thực tế đã được mô tả khi tổ chức mỡ hốc mắt sau mổ thoát vị vào xoang sàng kèm theo việc đẩy lệch vách mũi và làm cho phần dưới của xoăn mũi giữa xoay ra phía ngoài [115].