Về trường hợp bệnh mắt Basedow chỉ biểu hiện một bên mắt

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật giảm áp hốc mắt điều trị bệnh mắt basedow mức độ nặng (Trang 105 - 108)

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 6 bệnh nhân bị bệnh mắt một bên (mắt bên kia hoàn toàn trong giới hạn bình thường cả về lâm sàng và các khám nghiệm chẩn đoán). So với những bệnh nhân bị bệnh mắt hai bên (có thể mức độ nặng hai mắt không như nhau) thì chúng tôi thấy không có sự khác biệt về giới, tuổi mắc bệnh tuyến giáp, tuổi mắc bệnh mắt và độ lồi mắt trước mổ (p > 0,05). Sau mổ, mức độ giảm độ lồi ở nhóm bị bệnh mắt một bên giảm trung bình là 3,5 mm ± 0,54 mm so với mức độ giảm chung của 38 mắt còn lại là 2,55 mm ± 0,89 mm (p < 0,05). Điều này có thể được giải thích là do tất cả 6 bệnh nhân này mắt đều thuộc nhóm chỉ định do lồi mắt (trước mổ không có bệnh nhân nào song thị và trên phim chụp CT hình ảnh phì đại tổ chức mỡ là chủ yếu). Thời gian từ khi bị bệnh mắt cho tới khi đươc phẫu thuật của hai nhóm cũng có sự khác biệt. Của nhóm bị bệnh một bên mắt là 1,5 ± 0,54 năm so với thời gian trung bình là 3,02 ± 0,36 năm của

nhóm bị cả 2 mắt (p < 0,05). Lý do là những bệnh nhân bị bệnh một bên trước đó thường được chẩn đoán nhầm là u hậu nhãn cầu, viêm tổ chức hốc mắt nên hay đi khám mắt hơn. Những bệnh nhân bị mắt hai bên thường nhận được lời khuyên là khi điều trị bướu cổ khỏi thì bệnh mắt cũng khỏi nên thường đến với chúng tôi hơn 1 năm sau khi điều trị ổn định bướu giáp mà bệnh mắt không đỡ hoặc nặng lên.

Bệnh mắt Basedow là nguyên nhân chính của lồi mắt một hoặc hai bên trên người trưởng thành [40]. Tài liệu về bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow chỉ một bên mắt rất ít và không thống nhất. Từ một nghiên cứu 200 bệnh nhân gần đây của Daumerie và cộng sự có 14 bệnh nhân lúc đầu được chẩn đoán bệnh mắt Basedow một bên mắt nhưng sau thời gian theo dõi lâu dài chỉ có 9 bệnh nhân là thật sự bị bệnh mắt Basedow một bên mắt còn 5 bệnh nhân thì mắt bên kia cũng phát triển bệnh [39]. Hiện tại bệnh mắt Basedow một bên mắt cũng không nhiều và thường được thông báo dưới dạng từng trường hợp riêng lẻ [60] còn bệnh mắt Basedow bị cả hai mắt nhưng mức độ nặng không giống nhau gặp khoảng từ 10-15% [15], [121]. Dù sao cho tới nay cũng chưa có số liệu cuối cùng để giải thích cho bệnh mắt Basedow chỉ một bên mắt. Trong khi đó cường chức năng tuyến giáp được biết là liên quan tới cả toàn bộ bướu giáp không giống như bệnh mắt Basedow có thể biểu hiện lâm sàng chỉ ở một bên hoặc cả hai bên mắt. Trong y văn chỉ có một trường hợp bệnh nhân cường giáp mà tổn thương miễn dịch chỉ thấy trên một thùy của tuyến. Đó là trường hợp mà Dimai và cộng sự thông báo một bệnh nhân nữ người châu Âu 31 tuổi có cường chức năng giáp mà trên lâm sàng và xét nghiệm chỉ thấy tổn thương một thùy của tuyến giáp. Khám nghiệm trên siêu âm độ phân giải cao chỉ thấy hình ảnh tổn thương trên một thùy của tuyến. Xạ đồ bằng I131 thấy độ tập trung tăng lên vài lần tại thùy phải tuyến giáp trong khi đó thùy trái tuyến giáp có độ hấp thụ như người bình thường. Chọc hút tế bào bằng

kim nhỏ ở thùy phải tuyến giáp cho thấy có hình ảnh viêm rõ ràng với sự có mặt của các tế bào lympho trong khi đó thùy trái không thấy hình ảnh viêm. Thêm nữa nồng độ hai kháng thể kháng thụ thể TSH và TPO tăng rất cao. Kết luận là bệnh nhân này cường giáp mà tổn thương chỉ trên một thùy tuyến giáp [41]. Một số nghiên cứu cho thấy trên bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow cả hai mắt thì có một bên nặng hơn so với bên mắt kia và mắt bị bệnh nặng ở cùng với bên tuyến giáp phì đại nhiều hơn nhưng với những bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow một bên thì không thấy tuyến giáp bên mắt bị bệnh phì đại nhiều hơn so với bên kia [15].

Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán bệnh mắt một bên đều có những dấu hiệu nhẹ của bệnh mắt Basedow bên kia như tăng nhãn áp khi nhìn liếc lên trên hoặc có phì đại cơ trên hình ảnh CT hoặc MRI chụp hốc mắt [46]. Một nghiên cứu của Enzmann và cộng sự cho thấy có tới 50% những bệnh nhân được cho là có bệnh mắt Basedow một bên trên lâm sàng là có bệnh mắt cả hai bên khi đánh giá bằng chụp CT [43]. Wiersinga và cộng sự thống kê những nghiên cứu bệnh - chứng đã xác định được 28 trường hợp bệnh mắt Basedow chỉ một bên mắt chiếm tỉ lệ 9% và trong những nghiên cứu đó bệnh nhân bị bệnh mắt một bên có độ tuổi cao hơn bệnh nhân bị bệnh hai bên (54 so với 44 tuổi; p = 0,099) và có tỉ lệ bình giáp khi đang bị bệnh cao hơn (28,6 so với 1,8%; p = 0,001) [75]. Phần lớn bệnh nhân có bệnh mắt một bên sẽ xuất hiên bệnh bên mắt kia sau một thời gian không dự đoán trước được. Kalman và Mourits thông báo một trường hợp xuất hiện bệnh bên mắt còn lại sau 7 năm theo dõi. Đó là một bệnh nhân nữ 44 tuổi đã được phẫu thuật giảm áp hốc mắt bằng cách cắt xương hốc mắt bên mắt trái, sau 7 năm bệnh nhân xuất hiện bệnh bên mắt phải và lại được phẫu thuật cắt thành xương hốc mắt giảm áp bên mắt phải [67]. Những yếu tố làm cho bệnh mắt phát triển tiếp ở mắt còn lại vẫn còn chưa rõ. Có thể cho rằng bệnh mắt một

bên là biểu hiện của giai đoạn sớm bệnh Basedow, giai đoạn sớm này giới hạn chỉ ở một mắt và những thay đổi chỉ số cận lâm sàng của tuyến giáp. Theo y văn chỉ có một số ít bệnh nhân được cho là có bệnh mắt một bên (5-11%) không tiến triển thành bệnh lý cả hai mắt và những bệnh nhân này được cho là chỉ bị bệnh mắt một bên [75].

Như vậy, những bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow một bên mắt khi được khám và điều trị cũng cần được cảnh báo về khả năng xuất hiện bệnh ở mắt còn lại và sự cần thiết phải theo dõi trong những năm tiếp theo.

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật giảm áp hốc mắt điều trị bệnh mắt basedow mức độ nặng (Trang 105 - 108)