Thay đổi tình trạng co rút mi dưới

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật giảm áp hốc mắt điều trị bệnh mắt basedow mức độ nặng (Trang 115 - 117)

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mắt Basedow là co rút mi. Các nghiên cứu đều gặp triệu chứng co rút mi với một tỷ lệ rất cao (80% - 90%) [44]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, các bệnh nhân đều có biểu hiện co rút mi trên, mi dưới hoặc cả hai mi. Cơ chế gây ra co rút mi còn chưa rõ ràng. Tuy vậy có một số yếu tố được cho là đã tạo nên triệu chứng co rút mi là: co rút cơ Muller do kích thích của thần kinh giao cảm, viêm và xơ hoá cơ nâng

mi của mi trên hay cân bao mi của mi dưới, hiện tượng dính vào các cơ trong hốc mắt và vào vách hốc mắt của cơ nâng mi trên và cân bao mi dưới, lác ẩn (tạo ra từ co rút và xơ hoá cơ nâng mi bên kia) gây co rút mi và bản thân sự lồi ra trước của nhãn cầu cũng gây biểu hiện co rút mi [44].

Đối với bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow mức độ nặng thì phẫu thuật điều trị co rút mi thường được tiến hành sau phẫu thuật giảm áp hốc mắt và phẫu thuật chỉnh lác. Cho tới nay có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị co rút mi dưới trong bệnh mắt Basedow. Kỹ thuật cắt cơ co mi dưới qua đường hầm phía ngoài sụn mi dưới mà không phải cắt kết mạc cho thấy kết quả mi dưới được nâng lên “ít nhất 1mm” [112]. Kỹ thuật dùng mảnh ghép để nâng mi dưới cũng được dùng phổ biến. Vật liệu mảnh ghép có thể là mảnh cân phía sau tai, mảnh sụn khẩu cái, vạt bì mỡ, củng mạc của người cho, và các vật liệu nhân tạo (như Mersilene mesh, porous polyethylene và Alloderm) với kết quả mi dưới được nâng lên từ 1,15 mm tới 2,38mm [112].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi dùng đường mổ lật toàn bộ mi dưới, đường mổ này đi qua kết mạc, cắt cân bao mi của mi dưới để đi xuống bờ dưới xương hốc mắt. Sau khi kết thúc cuộc mổ chúng tôi khâu phần ngoài sụn mi dưới vào bờ trên của gân góc mắt ngoài cũng giúp nâng mi dưới lên thêm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sau mổ 6 tháng thì MRD mi dưới giảm trung bình 1,8 mm và độ hở củng mạc phía dưới giảm trung bình là 0,8 mm (bảng 3.12). Mức độ lệch mi dưới cũng được cải thiện từ 73,8% mức độ nặng trước mổ, sau mổ giảm xuống còn 26,7%. Tất nhiên phẫu thuật kết hợp cùng một lúc điều trị giảm áp hốc mắt và co rút mi không hoàn toàn giải quyết được toàn bộ co rút mi của một số bệnh nhân. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 17 mắt (26,7%) sau đó vẫn phải phẫu thuật mi dưới lần nữa.

Tóm lại, việc sử dụng đường mổ lật toàn bộ mi dưới có lợi ích là bộc lộ được một trường mổ đủ rộng để đi vào cắt các thành xương hốc mắt và góp phần điều trị co rút mi dưới trong cùng một lần phẫu thuật giảm áp hốc mắt. Kết quả điều trị co rút mi dưới trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với kết quả của các tác giả khác khi thực hiện phẫu thuật điều trị co rút mi dưới ở những bệnh nhân đã được phẫu thuật giảm áp hốc mắt trước đó [11], [146].

Một phần của tài liệu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật giảm áp hốc mắt điều trị bệnh mắt basedow mức độ nặng (Trang 115 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w