0
Tải bản đầy đủ (.doc) (162 trang)

Thay đổi nhãn áp sau phẫu thuật

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG PHẪU THUẬT GIẢM ÁP HỐC MẮT ĐIỀU TRỊ BỆNH MẮT BASEDOW MỨC ĐỘ NẶNG (Trang 112 -115 )

Tăng nhãn áp trong bệnh mắt Basedow là vấn đề đã được ghi nhận trong hơn tám mươi năm qua [48]. Một vài nghiên cứu cho thấy nhãn áp tăng khi bệnh nhân liếc mắt lên trên là do cơ thẳng dưới bị xơ hóa cùng tổ chức hốc

mắt phì đại chèn ép đường thoát của thủy dịch qua tĩnh mạch xoáy. Sau phẫu thuật chỉnh lác thấy có sự giảm nhãn áp rõ ràng trên những mắt này. Nhãn áp sau mổ đo ở tư thế nhìn thẳng giảm trung bình 2,3 mmHg và đo ở tư thế liếc lên trên giảm trung bình 3,8 mmHg [15],[48]. Lý do là do cơ thẳng dưới bị xơ hóa trong bệnh mắt liên quan tuyến giáp có xu thế kéo nhãn cầu liếc xuống dưới nên cơ thẳng trên đã phải tăng cường kéo nhãn cầu mắt liếc lên phía trên ngay cả ở tư thế nhìn thẳng và lực kéo càng tăng hơn nữa khi mắt liếc lên trên. Đây là cơ chế tăng nhãn áp của mắt ở tư thế nhìn thẳng và tăng cao hơn khi mắt gắng liếc lên phía trên [15], [48].

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 5 bệnh nhân (1 nam và 4 nữ) có nhãn áp cao trên 24mmHg. 3 bệnh nhân có tổn hại thị trường ở các mức độ khác nhau, 2 bệnh nhân có biểu hiện phù đĩa thị và không có bệnh nhân nào góc đóng khi soi góc. Khi chụp phim CT chỉ số cơ đều trên 60%. Tất cả 5 bệnh nhân được điều trị bằng Betoptic S 0,25% nhỏ 2 lần / ngày từ khi vào viện. 3 bệnh nhân có tổn hại thị trường và một bệnh nhân có phù đĩa thị được điều trị thêm bằng steroid đường tĩnh mạch (Methyl prednisolon 40mg 2lọ / ngày, 3ngày trước mổ). Cả 5 bệnh nhân trên phim chụp CT có hình ảnh chèn ép thị thần kinh nên được chỉ định phẫu thuật do chèn ép thị thần kinh. Sau mổ, nhãn áp và thị trường được theo dõi trong 3 tháng (sau 3 tháng chúng tôi tiến hành phẫu thuật chỉnh lác nên nhãn áp thay đổi). Kết quả 5 bệnh nhân thị trường không phát hiện thấy tổn thương và nhãn áp điều chỉnh không cần dùng thuốc.

Nghiên cứu của Ohtsuka và cộng sự cũng cho thấy nhãn áp được giảm sau phẫu thuật hạ áp [100]. Nghiên cứu của Crespi và cộng sự trên mắt được phẫu thuật hạ áp cho thấy: trước phẫu thuật nhãn áp trung bình khi đo ở tự thế nhìn thẳng là 17,35 (3,86 SD) mmHg và 22,45 (6,36 SD) mmHg khi đo ở tư thế liếc lên trên. Sau phẫu thuật hạ áp, nhãn áp giảm lần lượt là 14,24 (3,43

SD) mmHg khi nhìn thẳng và 18,20 (4,74 SD) mmHg ở tư thế mắt nhìn liếc lên trên [36]. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu chúng ta thấy rằng dùng thuốc hạ nhãn áp trong điều trị nhãn áp cao cho bệnh mắt Basedow chỉ là tạm thời vì những nguyên nhân gây nên nhãn áp cao chưa được giải quyết. Otto và cộng sự khi đo áp lực hốc mắt phía sau nhãn cầu của 8 bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow chuẩn bị được phẫu thuật giảm áp thì thấy áp lực trung bình là 28,7 mmHg. Áp lực này cao hơn nhiều so với người bình thường là từ 3 mmHg – 4,5 mmHg và sau phẫu thuật áp lực đo được giảm xuống còn 18,7 mmHg [101]. Kết quả này cho thấy nhãn áp của bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow tăng còn là do tăng áp lực phía sau nhãn cầu chèn ép tĩnh mạch làm cản trở đường thoát của thủy dịch.

Nghiên cứu của Crespi và cộng sự điều trị bệnh mắt Basedow đang ở giai đoạn viêm bằng phương pháp dùng steroids theo chế độ xung cho thấy nhãn áp đo ở tư thế nhìn thẳng giảm trung bình 3,9 mmHg và 4,37 mmHg ở tư thế liếc lên trên [36]. Kết quả này là do corticoids làm giảm khối lượng của tổ chức viêm của hốc mắt phía sau nhãn cầu. Tổ chức hốc mắt hậu nhãn cầu tăng về khối lượng (do cơ phì đại cùng với sự tập trung của glycosaminoglycan và tế bào lympho ở tổ chức mỡ hốc mắt) chèn ép vào nhãn cầu gây tình trạng tăng nhãn áp.

Trong nghiên cứu 482 bệnh nhân có bệnh mắt Basedow của Kalmann có 23 bệnh nhân có tăng nhãn áp [64]. Tất cả số bệnh nhân này được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp. Có 4 bệnh nhân sau đó được xác định là bị glocom góc mở nguyên phát có tổn hại thị trường và tỉ số lõm đĩa lớn hơn 0,5. Tỉ lệ mắc bệnh glocom trong nhóm bệnh nhân bị bệnh mắt Basedow là (0,8%) so với (1,1%) trong dân số nói chung tại Hà Lan. Trong 19 bệnh nhân có tăng nhãn áp còn lại có 4 bệnh nhân lúc đầu theo dõi glocom góc mở nguyên phát vì có tổn hại thị trường nhưng sau phẫu thuật hạ áp thì thị trường được khôi

phục hoàn toàn. Thị trường tổn thương lúc đầu có thể một phần do ảnh hưởng của nhãn áp nhưng chủ yếu là do thị thần kinh bị chèn ép. Đặc biệt những bệnh nhân này không có tổn thương lõm đĩa của glocom.

Bệnh mắt Basedow và glôcôm góc mở nguyên phát có chung một số triệu chứng như nhãn áp tăng và tổn hại thị trường do đó chúng có thể gây khó khăn cho các bác sỹ khi xác định bệnh [64]. Bệnh mắt Basedow có một số triệu chứng đặc thù như: co rút mi, sưng nề mi, hở giác mạc, hạn chế vận nhãn do cơ, tăng nhãn áp khi liếc mắt lên trên, giảm thị lực và tổn thương thị trường trong những trường hợp nặng. Glocom góc mở nguyên phát được chẩn đoán khi có nhãn áp tăng, góc mở, lõm đĩa và tổn hại thị trường. Những yếu tố nguy cơ của tổn thương thị thần kinh trong glocom góc mở nguyên phát là mức độ tăng nhãn áp, tuổi cao, tiền sử gia đình và chủng tộc. Bệnh nhân bệnh mắt Basedow có tăng nhãn áp có thể có tổn thương thị trường nhưng tỉ số lõm đĩa vẫn trong giới hạn bình thường. Nhóm bệnh nhân này cần được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp và steroids theo chế độ xung khi mắt đang ở giai đoạn viêm và cần được xem xét phẫu thuật giảm áp sớm khi mắt hết viêm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng như nhiều nghiên cứu khác cho thấy sau phẫu thuật giảm áp thì nhãn áp sẽ trở về mức bình thường và tổn hại thị trường do thị thần kinh bị chèn ép cũng được hồi phục [64].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG PHẪU THUẬT GIẢM ÁP HỐC MẮT ĐIỀU TRỊ BỆNH MẮT BASEDOW MỨC ĐỘ NẶNG (Trang 112 -115 )

×