Phương pháp so sánh

Một phần của tài liệu hoàn thiện nội dung và phương pháp phân tích báo cáo tài chính tại công ty cổ phần kinh đô (Trang 44 - 45)

Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong phân tích tài chính nói chung và phân tích báo cáo tài chính nói riêng. Mục đích của phương pháp này nhằm nghiên cứu sự biến động và xác định mức độ biến động của chỉ tiêu phân tích.

Phương pháp so sánh được thực hiện dưới 2 hình thức: - So sánh theo chiều ngang hay phân tích xu hướng - So sánh theo chiều dọc hay phân tích tỷ trọng.

So sánh ngang trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp chính là việc so sánh, đối chiếu tình hình biến động cả về số tuyệt đối và số tương đối trên từng chỉ tiêu, trên từng báo cáo tài chính. Mục đích là xác định mức độ biến động (tăng hay giảm) về quy mô của chỉ tiêu phân tích và mức độ ảnh hưởng của từng chỉ tiêu nhân tố đến chỉ tiêu phân tích.

So sánh dọc trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp chính là việc sử dụng các tỷ lệ, các hệ số thể hiện mối tương quan giữa các chỉ tiêu trong từng báo cáo tài chính, giữa các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Thực chất của việc phân tích theo chiều dọc trên các báo cáo tài chính là phân tích sự biến động về cơ cấu hay

những quan hệ tỷ lệ giữa các chỉ tiêu trong hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Tuy nhiên để phương pháp so sánh đạt hiệu quả cần lưu ý các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất các chỉ tiêu được sử dụng để so sánh phải thống nhất về nội dung kinh tế, phương pháp tính, đơn vị tính, cùng một phạm vi thời gian và quy mô không gian. Tất cả các điều kiện trên gọi chung là đặc tính “có thể so sánh được”. Nếu không đảm bảo các điều kiện trên thì việc so sánh trở nên khập khiễng, không có giá trị, đôi khi còn phản ánh sai lệch thông tin.

Thứ hai, phải xác định được mục tiêu so sánh trong phân tích báo cáo tài chính. Mục tiêu so sánh trong phân tích là nhằm xác định mức biến động tuyệt đối và mức biến động tương đối cùng xu hướng biến động của chỉ tiêu phân tích.

- Mức biến động tuyệt đối là kết quả so sánh trị số của chỉ tiêu giữa hai kỳ: kỳ thực tế với kỳ kế hoạch, hoặc kỳ thực tế với kỳ kinh doanh trước…

- Mức biến động tương đối là kết quả so sánh trị số của chỉ tiêu ở kỳ này với trị số của chỉ tiêu ở kỳ gốc, nhưng đã được điều chỉnh theo một hệ số của chỉ tiêu có liên quan, mà chỉ tiêu liên quan này quyết định quy mô của chi tiêu phân tích.

Nội dung so sánh bao gồm:

- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số thực tế của kỳ kinh doanh trước nhằm xác định rõ xu hướng thay đổi về tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Đánh giá tốc độ tăng trưởng hay giảm đi của các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số kế hoạch nhằm xác định mức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong mọi mặt của hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

- So sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu trung bình tiên tiến của ngành, của doanh nghiệp khác nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay xấu, khả quan hay không khả quan.

Một phần của tài liệu hoàn thiện nội dung và phương pháp phân tích báo cáo tài chính tại công ty cổ phần kinh đô (Trang 44 - 45)