NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG BÁN LẺ
1.4.2 Hiệu quả của các kênh phân phố
Cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ đòi hỏi các ngân hàng phải có mạng lưới chi nhánh rộng khắp, đồng thời phát triển các kênh phân phối từ xa hiện đại như hệ thống máy ATM, máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), kênh ngân hàng điện tử.
Việc đa dạng hoá các kênh phân phối và thực hiện phân phối có hiệu quả sẽ góp phần phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Phát triển các kênh phân phối là một trong những giải pháp tiên quyết, đòi hỏi phải tích cực phát triển mạng lưới các chi nhánh và các phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới lắp đặt các máy ATM. Bên cạnh việc mở rộng các kênh phân phối, phải tăng cường quản lý phân phối nhằm tối đa hóa vai trò của từng kênh phân phối một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi.
Đối tượng khách hàng của các ngân hàng bán lẻ là cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để tiếp xúc được với những khách hàng này đòi hỏi phải có mạng lưới chi nhánh rộng khắp nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó các ngân hàng phải đa dạng hoá các kênh phân phối, hiện đại hoá kênh phân phối như tạo ra các kênh phân phối mới như kênh ngân hàng điện tử, mạng internet, kênh ngân hàng qua điện thoại. Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, khách hàng thường lựa chọn các kênh phân phối hiện đại.
Các ngân hàng phải tổ chức mạng lưới phân phối theo định hướng đa chiều nhằm cung cấp thông tin tới khách hàng một cách thuận tiện nhất, đồng thời tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng khi muốn tiếp cận ngân hàng. Một mạng lưới kênh phân phối đầy đủ bao gồm các kênh: mạng lưới chi nhánh; mạng lưới máy ATM, máy POS; mạng internet; kênh ngân hàng qua điện thoại di động; trung tâm dịch vụ khách hàng; các kênh quảng cáo như đài phát thanh, đài truyền hình, gửi thư trực tiếp tới khách hàng, hoặc liên kết với các đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, marketing nhằm cung cấp thông tin một cách hiệu quả nhất tới khách hàng.