Rèn kĩ năng lập luận bình luận trong giờ thực hành làm văn

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp rèn luyện kỹ năng lập luận bình luận trong làm văn nghị luận cho học sinh lớp 11 trường thpt a thanh liêm, thanh liêm, hà nam (Trang 39)

6. Cấu trúc khóa luận

2.2.2. Rèn kĩ năng lập luận bình luận trong giờ thực hành làm văn

2.2.2.1.Mục đích

Như trên đã phân tích, mục tiêu cao nhất của giờ học lí thuyết là cung cấp những kiến thức lí thuyết cơ bản thì mục tiêu của giờ học thực hành là biến những kiến thức trừu tượng kia thành những sự trải nghiệm thực tế. Học sinh biết vận dụng những kiến thức lí thuyết đã học vào giải quyết những vấn đề bài tập sinh động và đa dạng.

Rèn kĩ năng lập luận bình luận hay bất cứ kĩ năng của thao tác lập luận nào cũng không thể tách rời mục tiêu là giúp học sinh tạo lập được một văn bản hoàn chỉnh từ những kiến thức lí thuyết đã học. Kĩ năng tạo lập văn bản có cả kĩ năng tạo lập văn bản nói và kĩ năng tạo lập văn bản viết, mà bản chất của lập luận bình luận là đánh giá và bàn bạc thì kĩ năng tạo lập văn bản nói lại càng trở nên quan trọng. Khi nói cần phải đạt đến trình độ nói đúng và nói hay. Nói đúng là nói chính xác vấn đề cần bàn bạc, trao đổi. Nói hay là nói đúng nhưng cao hơn nữa là thuyết phục được lòng người đọc khiến họ tin và hành động theo mình. Trong thời đại ngày nay rất cần kĩ năng và năng lực nói tốt để có thể đưa ra những quan điểm, ý kiến của mình góp phần giải quyết các vấn đề trong xã hội. Tuy nhiên, rèn kĩ năng viết trong lập luận bình luận cũng rất quan trọng bởi văn nghị luận là loại văn phổ biến trong chương trình Ngữ văn THPT. Những vấn đề của xã hội và văn học luôn được đặt ra và trong đó có rất nhiều những ý kiến, quan điểm khác nhau thậm trí là trái ngược nhau. Điều đó đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng viết thành thạo để đưa ra được những nhận xét, đánh giá, bàn bạc của mình, chỉ ra những quan điểm sai trái, bảo vệ điều đúng đắn. Đó là một năng lực thể hiện tư duy ngôn ngữ của học sinh, không những giúp các em hoàn thiện kĩ năng thực hành mà còn mài sắc tư duy, giúp các em trưởng thành về mặt nhân cách và nâng cao về mặt trí tuệ. Với những mục tiêu cơ bản và quan trọng như vậy thì giờ thực hành có hai hoạt động nối tiếp nhau là rèn kĩ năng nói và rèn kĩ năng viết trong lập luận bình luận.

2.2.2.2.Nội dung

Trong giờ thực hành, nội dung của giờ thực hành chủ yếu là luyện nói và luyện viết đoạn văn có sử dụng lập luận bình luận. Bên cạnh đó còn có hệ thống các bài tập thực hành để rèn luyện kĩ năng cho học sinh.

2.2.2.3. Phương pháp

- Luyện kĩ năng nói cho học sinh trong giờ thực hành thao tác lập luận bình luận.

33

Trong chương trình Ngữ văn nói chung, Ngữ văn 11 nói riêng, ngoài mục luyện tập chiếm một nửa thời lượng mỗi tiết làm văn, còn khá nhiều số giờ thực hành luyện tập riêng, đặc biệt là số giờ luyện nói. Giờ học này rất quan trọng. Bởi vì nó không chỉ củng cố lý thuyết mà còn góp phần rèn luyện kĩ năng, hình thành kĩ xảo. Để giờ luyện nói thực sự có hiệu quả, tránh cho các em cảm giác nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt, người giáo viên cần ý thức được tầm quan trọng của tiết học. Giáo viên cần chuẩn bị, xây dựng kế hoạch giảng dạy thật kĩ lưỡng, tạo được những tình huống sư phạm để phát huy hiệu quả đào tạo học sinh về nhiều mặt.

Hình thức luyện nói cho học sinh qua giờ thực hành về thao tác lập luận bình luận chủ yếu thông qua những tình huống giao tiếp cụ thể. Thông thường, một giờ thực hành làm văn với mục tiêu rèn kĩ năng nói được thể hiện dưới hình thức thảo luận nhóm. Đây là một hình thức phát biểu, trao đổi miệng nhằm bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân trước những vấn đề đặt ra trong học tập, sinh hoạt và cuộc sống. Trong thảo luận, phát biểu miệng, trước một vấn đề đặt ra thường có nhiều ý kiến, quan điểm không đồng nhất, thậm chí trái ngược nhau. Do vậy mà thông qua tranh luận, bàn bạc, đánh giá sẽ đi đến quan điểm thống nhất. Với thao tác lập luận bình luận, có thể tiến hành rèn luyện kĩ năng nói theo các bước sau:

+ Ra đề: GV nên ra đề ngay sau tiết học Thao tác lập luận bình luận để HS có thời gian chuẩn bị. Trong khâu này GV cần lưu ý: không nên ra những đề bài không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đề văn nên yêu cầu các em bình luận về một hiện tượng (vấn đề) đang tồn tại ở nhà trường hoặc đang được giới trẻ trong xã hội quan tâm. Đề bài phải có ý nghĩa giáo dục về cái thật, cái đẹp và cái tốt. Nên cho HS được bình luận về những hiện tượng (vấn đề) có nhiều ý kiến khác nhau trong thực tế.

+ Phân tích đề, lập dàn ý, chọn luận điểm trình bày: HS phải hoàn thành công việc này trước khi tới lớp. Cụ thể là: phải xác định được hiện tượng (vấn đề) cần bình luận, cho một đối tượng người nghe (người đọc) như thế nào, và bình luận nhằm đạt được mục đích gì; phác ra được dàn ý đại cương của bài bình luận; chọn được từ dàn ý đó một luận điểm mà mình sẽ xây dựng một lập luận để bình luận, xác định các luận cứ và cách tổ chức luận cứ trong lập luận bình luận đó, hình dung được mình sẽ trình bày lập luận đó bằng ngôn ngữ, dáng điệu, cử chỉ như thế nào.

+ Giáo viên giới thiệu sơ lược về hình thức thực hành là thảo luận nhóm và việc vận dụng lập luận bình luận khi phân tích, làm sáng tỏ vấn đề thảo luận.

34

+ Giáo viên hướng dẫn học sinh triển khai những vấn đề thảo luận, định hướng học sinh đánh giá, nhận xét vấn đề, bảo vệ quan điểm của mình trong vấn đề thảo luận. Các nhóm bàn bạc, có thể tranh cãi để đi đến chỗ thống nhất ý kiến của nhóm mình về các vấn đề cần thảo luận.

+ Tổ chức cho học sinh phát biểu ý kiến của mình, giáo viên để học sinh được thoải mái, dân chủ trong quá trình nói, kích thích những suy nghĩ độc lập, không áp đặt hay gạt phăng những ý kiến trái chiều. Có thể mời đại diện của một vài nhóm trình bày ý kiến của nhóm mình trước lớp hoặc chỉ định cụ thể một số học sinh đại diện cho các trình độ khá, trung bình,yếu lên trình bày trước lớp.

+ Giáo viên đề nghị học sinh nhận xét, góp ý cho các bạn trình bày về các mặt: nội dung ý kiến, cách thức lập luận, ngôn ngữ, cử chỉ, tác phong.

+ Giáo viên tổng kết, nhận xét và đánh giá khả năng luyện tập vận dụng của học sinh, đưa một số tình huống tiếp theo để hoc sinh thảo luận ở nhà hoặc ngoài giờ học.

Ví dụ, giáo viên tiến hành rèn luyện kĩ năng nói cho học sinh trong tiết

Thực hành thao tác lập luận bình luận với vấn đề “Lời ăn tiếng nói của một học

sinh văn minh, thanh lịch”. Có thể tiến hành theo các bước như sau:

+ Ra đề và nhắc học sinh chuẩn bị trước ở nhà. Đề bài là bài tập 1 SGK/81 + Giáo viên nhắc học sinh về hình thức thảo luận nhóm, giáo viên tiến hành chia nhóm, nhóm tự cử trưởng nhóm và hoạt động độc lập với các nhóm khác.

+ Giáo viên hướng dẫn học sinh triển khai vấn đề thảo luận “Lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch”. Giáo viên định hướng thời gian thảo luận, nội dung thảo luận và đặc biệt định hướng học sinh suy nghĩ về vấn đề thảo luận: bình luận về toàn bộ các vấn đề của đề bài hay một khía cạch của đề bài (chống nói tục; “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; biết nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” của một học sinh văn minh, thanh lịch…).

+ Giáo viên tổ chức cho học sinh tự thể hiện ý kiến, quan điểm của mình, chỉ ra những tốt, xấu, phải trái, đúng sai, hay dở của vấn đề. Quan điểm, đánh giá, nhận xét của bản thân và ý nghĩa sâu rộng mà vấn đề gợi ra.

+ Giáo viên tổ chức cho học sinh tự đánh giá về những bài phát biểu theo hình thức đánh giá chéo nhóm. Nếu có những vấn đề trái chiều giữa các nhóm thì giáo viên tiếp tục tổ chức tranh luận để đi đến thống nhất vấn đề.

+ Giáo viên khái quát, định hướng lại nội dung thảo luận; nhận xét và cho điểm các nhóm. Với đề bài trên cần phải đảm bảo các ý sau:

35

(1)Biểu hiện trong lời ăn tiếng nói của học sinh văn minh, thanh lịch: • Nói năng lịch sự, lễ phép, nói có đầu có đuôi.

• Biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ. • Biết nói lời xin lỗi khi làm việc sai trái.

• Không nói tục, chửi thề.... (Dẫn chứng cụ thể)

-> Đó là những biểu hiện thể hiện nếp sống văn hóa, lịch sự trong giao tiếp; tạo niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

(2) Những thói hư, tật xấu trong lời ăn tiếng nói của học sinh hiện nay: • Nói tục, chửi thề.

• Nói không đầu, không đuôi, không có sự lễ phép. • Không biết nói lời xin lỗi và lời cảm ơn.

• Nói nhưng không tôn trọng người nghe.... (Dẫn chứng cụ thể)

-> Phê phán, lên án những lời nói thiếu văn hóa, thiếu văn minh, lịch sự.

(3) Rèn luyện thói quen trong giao tiếp, ăn nói phải lịch sự, có văn hóa, biết tôn trọng người nghe, biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Các nhóm có thể trình bày toàn bộ các vấn đề trên hoặc chọn một luận điểm để trình bày.

-Luyện kĩ năng viết cho học sinh trong giờ thực hành thao tác lập luận bình luận:

Bên cạnh kĩ năng nói thì kĩ năng viết cũng là một trong những kĩ năng quan trọng trong làm văn. Kĩ năng viết được bộc lộ rõ nét nhất qua mỗi bài viết của học sinh trong những giờ kiểm tra trên lớp, hay những bài tập giáo viên giao cho các em làm ở nhà. Việc rèn kĩ năng viết cho học sinh là một công việc đòi hỏi người giáo viên phải tốn nhiều công sức và thời gian. Khi rèn kĩ năng viết giáo viên phải chú ý đến đề tài, vấn đề vừa sức, có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh, phát huy được tính sáng tạo, tư duy độc lập và phải phù hợp với quỹ thời gian của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên phải thu bài, chấm trả bài chính xác, kịp thời, biết động viên những bài có chất lượng tốt, và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong mỗi bài viết của học sinh.

36

Song song với việc rèn kĩ năng viết cho học sinh thông qua những bài trên lớp hay ở nhà thì giáo viên cũng nên tổ chức cho học sinh quan sát, tìm hiểu cuộc sống xung quanh sau đó viết bài thu hoạch. Bài thu hoạch là cách gián tiếp kiểm tra năng lực sử dụng lập luận bình luận dưới hình thức ngoại khóa.

Tuy vậy, có thể nhanh chóng thấy được kết quả vận dụng của học sinh thì người giáo viên cần biết tổ chức luyện tập ngay trong những giờ thực hành trên lớp. Giáo viên có thể đánh giá năng lực của học sinh thông qua những bài thực hành nhỏ như viết một đoạn văn có sử dụng thao tác lập luận bình luận với đề tài giáo viên cho sẵn hoặc học sinh tự lựa chọn. Đây là cấp độ luyện tập đơn giản và cơ bản so với việc thực hành luyện tập viết một bài văn hoàn chỉnh. Hơn nữa, trong một bài làm văn nghị luận của học sinh không phải chỉ có vận dụng duy nhất một thao tác lập luận bình luận mà là sự kết hợp, vận dụng nhiều thao tác khác nhau. Do đó, việc rèn kĩ năng viết tối ưu của thao tác lập luận bình luận là viết một đoạn văn ngắn để bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về vấn đề đặt ra. Giáo viên có thể tiến hành tổ chức rèn luyện kĩ năng viết theo các bước sau đây:

+ Giáo viên nêu vấn đề nghị luận, đưa đề bài, có thể là vấn đề xã hội hoặc vấn đề văn học.

+ Giáo viên nêu nhiệm vụ thực hành và tổ chức cho học sinh luyện tập, học sinh có thể luyện tập theo hình thức nhóm hoặc theo hình thức cá nhân độc lập.

+ Giáo viên yêu cầu học sinh báo cáo kết quả bằng văn bản, tổ chức cho học sinh so sánh kết quả bài làm và đáp án.

+ Giáo viên chọn một bài tiêu biểu để chữa mẫu, rút kinh nghiệm bài làm cho cả lớp.

*Lưu ý

Để có hiệu qủa thực sự trong giờ luyện làm văn, giáo viên cần đối chiếu yêu cầu thực hành của bài học theo những vấn đề lí thuyết của nó, quan tâm tới phạm vi kiến thức sẽ được học sinh huy động vào làm bài, tạo được nhu cầu thể hiện, cần bộc lộ ở học sinh cũng như sự lắng nghe, sự quan tâm của giáo viên với những gì học sinh sẽ thể hiện trong bài viết của mình.

Trong nghị luận xã hội, thao tác lập luận bình luận vô cùng cần thiết. Bởi đáp án của một bài văn nghị luận xã hội thông thường luôn có phần đánh giá, bàn bạc về những thói quen, cách sống, quan điểm đúng, sai, những biểu hiện đẹp hay xấu…để giáo dục, khuyên răn con người. Khi dùng thao tác lập luận bình luận người viết cần tỏ thái độ khách quan, trung thực.

37

Khi bình luận một vấn đề cần xem xét vấn đề đó ở nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau, cần đặt bản thân mình vào trường hợp, tình huống đó để có cảm nhận đầy đủ và bình luận vấn đề. Để thuyết phục người đọc, khi bình luận một vấn đề nào đó, người viết cần đưa ra lí do chính đáng, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng cụ thể, đồng thời phải đưa ra một đề xuất, một lời nhận xét, đánh giá hợp lí, đúng đắn.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp rèn luyện kỹ năng lập luận bình luận trong làm văn nghị luận cho học sinh lớp 11 trường thpt a thanh liêm, thanh liêm, hà nam (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)