Đặc điểm tình hình kinh tế xã hội Thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực trong các công ty kiểm toán độc lập tại hải phòng (Trang 39)

Hải Phòng là một Thành phố cảng (Cảng Hải Phòng) và công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam và là một thành phố biển nằm trong Vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng là là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hải Phòng còn là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ. Đến ngày 01/04/2009, dân số Hải Phòng là 1.837.302 người, trong đó dân cư thành thị chiếm 46,1% và dân cư nông thôn chiếm 53,9%, là thành phố đông dân thứ 3 ở Việt Nam, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 quận, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo.

Hải Phòng là một thành phố ven biển, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông. Đây là nơi có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Thành Phố cách thủ đô Hà Nội 102 km về phía Đông Đông Bắc rất thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế cũng như hoạt động thương mại quốc tế và giao thương với các nước trên thế giới và trong nội địa, là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc. Với lợi thế cảng nước sâu nên vận tải biển rất phát triển, đồng thời là một trong những động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Là Trung tâm kinh tế - khoa học - kĩ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong 2 trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hải Phòng là thành phố có nhiều khu công nghiệp tập trung, thương mại lớn và trung tâm dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế và thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ Việt Nam. Là một trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước. Một trong các mục tiêu phát triển của thành phố là trở thành “thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng văn minh, hiện đại”.

Thành phố có mạng lưới các khu công nghiệp được bố trí hợp lý với các khu công nghiệp lớn: Nomura, Đình Vũ, Đồ Sơn – Hải Phòng, Vinashin – Shinec, Tân Liên và nhiều cụm công nghiệp nhỏ và vừa: Quán Toan, Đông Hải, Kiến An – An Tràng... Một số khu công nghiệp lớn của các nhà đầu tư Xinh-ga-po, Đài Loan, Đức đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, nằm ngoài Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Hải Phòng còn giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, nơi đặt trụ sở của bộ tư lệnh quân khu 3 và Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Với những lợi thế vốn có của mình và những nỗ lực cải cách trong 5 năm (2006-2010), GDP tăng trưởng bình quân đạt 11,32%, gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt mức tăng trưởng cao, về trước kế hoạch 1-3 năm. Quy mô kinh tế tăng trưởng đáng kể, GDP năm 2010 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người tăng 63,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng 2 nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010. Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xã hội được đặc biệt quan tâm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng gấp 2 lần so với năm 2005, đứng thứ 2 miền Bắc và thứ 6 cả nước. Dự kiến đến trước năm 2020 Hải Phòng sẽ là thành phố thứ 3 xếp loại đô thị đặc biệt và tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế.

Tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu phát triển Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại vào năm 2015, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của đất nước. Thủ tướng lưu ý Hải Phòng tập trung thực hiện 3 dự án lớn có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế thành phố, khu vực phía Bắc và cả nước, gồm: Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và Sân bay quốc tế tại Tiên Lãng.

Với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của Hải Phòng đã có tác động rất lớn đến nguồn nhân lực trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Hải Phòng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển của thành phố. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thông qua quá trình đào tạo, đào tạo lại, nguồn nhân lực của Hải Phòng ngày càng tăng, tỷ lệ lao động qua đào tạo luôn được nâng lên. Mục tiêu đến năm 2015, số lao động được đào tạo nghề đạt khoảng 60%, đến năm 2010 đạt khoảng 75%.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nguồn nhân lực như hiện nay còn rất thiếu, nhất là lao động có tay nghề cao. Mặc dù lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học công nghệ có trình độ trên Đại học tăng và từng bước được trẻ hóa. Cơ cấu ngành nghề được đào tạo cũng ngày càng đa dạng, những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao đã được chú trọng đào tạo. Cơ cấu lao động của thành phố cũng đang chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu đã hình thành đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ năng, làm việc ở những ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ mới như: Điện tử, công nghệ thông tin, đóng tàu, luyện thép, sản xuất kết cấu ô tô… tuy nhiên chất lượng lao động còn hạn chế. Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, am hiểu chuyên môn ở hầu hết các địa phương và cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Hải Phòng còn rất thiếu. Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ yếu, lại thiếu kiến thức về luật pháp, kỷ luật lao động chưa nghiêm, còn

mang nặng thói quen và tập quán sản xuất nhỏ. Việc bố trí, sử dụng nhân lực của thành phố cũng còn bộc lộ nhiều bất cập. Các cơ chế, chính sách về đào tạo và đào tạo lại chưa đồng bộ, môi trường làm việc cũng còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện để người lao động phát huy năng lực, do đó tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn còn xảy ra... Những hạn chế này đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Trước nhu cầu lực lượng lao động có trình độ sẽ ngày càng cao Hải Phòng cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích để đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài cơ chế, chính sách chung đối với các chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ, nhóm lao động kỹ thuật cao theo quy định, từng ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đều xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nhân lực cho đơn vị, địa phương mình. Người lao động có trình độ cao sẽ được tạo điều kiện ổn định cuộc sống và được tạo điều kiện để phát huy năng lực. Việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, sử dụng nhân lực chất lượng cao cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Theo đó, các ngành chức năng sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế, nhất là trong đào tạo cán bộ có trình độ cao. Cùng với sử dụng chuyên gia trong các lĩnh vực, việc đẩy mạnh hợp tác để tranh thủ sự giúp đỡ của đội ngũ trí thức, các chuyên gia và Việt kiều đang làm việc tại nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cũng sẽ được thành phố chú trọng. Với sự tích cực phối hợp thực hiện của chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, sự hợp tác của các doanh nghiệp, nguồn nhân lực của Hải Phòng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thành phố.

Ngành kiểm toán độc lập, với tính chất là ngành tư vấn dịch vụ về kế toán, kiểm toán và thuế, là những vấn đề mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm và vướng mắc, kiểm toán viên phải có hiểu biết cần thiết, đầy đủ về luật pháp, đặc điểm tình hình ngành nghề kinh doanh của khách hàng nhằm đánh giá, phân tích được đưa ra những điều chỉnh, tư vấn phù hợp cho khách hàng được kiểm toán, đặc biệt là với các doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp nước ngoài thì trình độ của kiểm

toán viên lại càng quan trọng hơn, ngoài sự hiểu biết về nghiệp vụ kiểm toán viên cần phải có trình độ ngoai ngữ nhất định khi làm việc với khách hàng.

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực trong các công ty kiểm toán độc lập tại hải phòng (Trang 39)