Thuận lợi
- Sự hiểu biết đầy đủ và cam kết của các lãnh đạo nhà máy trong việc thực hiện SXSH.
- Có sự trao đổi giữa tất cả các cấp của công ty về những mục tiêu và lợi ích của SXSH.
- Đội SXSH được tập huấn kỹ về SXSH.
- Các giải pháp SXSH không cần phải ghi chép số liệu theo dõi tỉ mỉ nên công nhân rất sẵn sàng thực hiện.
- Ngoài được hỗ trợ kinh phí thực hiện từ Tổng công ty Mía đường La Ngà, Nhà máy Phân hữu cơ Vi sinh còn nhận được hỗ trợ từ CPI và WWF.
Rào cản
- Tốn thời gian chờ đợi Tổng công ty duyệt các giải pháp.
- Tuy nhận được hỗ trợ tài chính thêm từ CPI và WWF, nhưng vẫn ở một giới hạn cho phép nên phải ưu tiên thực hiện các giải pháp không cần đầu tư tài chính hoặc đầu tư ít.
5.3.2 Xưởng sản xuất phân vi sinh - Công ty Mía đường Sóc Trăng
Thuận lợi
- Đội SXSH được tập huấn kỹ về SXSH.
- Nhân viên và lãnh đạo trong công ty rất nhiệt tình và quan tâm đến SXSH.
Rào cản
- Tổng công ty Mía Đường Sóc Trăng ưu tiên các giải pháp SXSH ở nhà máy đường
- Kinh phí thực hiện SXSH cho xưởng sản xuất phân vi sinh còn hạn hẹp, chỉ ưu tiên thực hiện một số giải pháp nội vi và thay đổi qui trình sản xuất.
- Những giải pháp đầu tư xây dựng sân phơi, nhà xưởng, trang thiết bị không có kinh phí để thực hiện.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
KẾT LUẬN
Nghiên cứu áp dụng SXSH ở Nhà máy Phân hữu cơ Vi sinh La Ngà, Công ty Mía đường La Ngà và Xưởng sản xuất Phân vi sinh, Công ty Mía đường Sóc Trăng nhìn chung phát hiện hiện trạng ô nhiễm ở cả hai cơ sở sản xuất phân vi sinh như nhau: ô nhiễm mùi hôi, phát sinh nước thải vào mùa mưa, ô nhiễm bụi, chất thải rắn, tiếng ồn.
Áp dụng SXSH tại Nhà máy Phân hữu cơ Vi sinh La Ngà đề xuất được tổng cộng 15 giải pháp, trong đó có 03 giải pháp kiểm soát ô nhiễm mùi hôi, 04 giải pháp kiểm soát ô nhiễm do nước thải, 04 giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn, 03 giải pháp kiểm soát ô nhiễm bụi và 01 giải pháp kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn. Nhà máy thực hiện được 03 giải pháp kiểm soát ô nhiễm mùi hôi đã giảm được nồng độ NH3 từ 55,5 mg/m3 xuống 28,9 mg/m3 (giảm gần 50% so với ban đầu); 02 giải pháp kiểm soát ô nhiễm do nước thải phát sinh vào mùa mưa giúp giảm được trung bình 24 m3 nước thải/ngày; 04 giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn đồng thời hạn chế được thất thoát nguyên vật liệu, hóa chất, nguyên liệu phụ trợ; 01 giải pháp hạn chế ô nhiễm bụi vừa giúp giảm nồng độ bụi từ 25,7 mg/m3còn 18,5 mg/m3 vừa giúp giảm tiêu thụ điện năng đồng thời giảm phát thải hơn 3000 kg CO2 vào môi trường.
Áp dụng SXSH tại Xưởng sản xuất Phân vi sinh Sóc Trăng đề xuất được tổng cộng 16 giải pháp, trong đó có 06 giải pháp kiểm soát ô nhiễm mùi hôi, 03 giải pháp kiểm soát nước thải phát sinh vào mùa mưa, 05 giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn, 01 giải pháp hạn chế ô nhiễm bụi và 01 giải pháp kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn. Xưởng phân vi sinh thực hiện được 05 giải pháp kiểm soát ô nhiễm mùi hôi; 04 giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn. Tuy không có số liệu cụ thể nhưng cũng đạt được một số kết quả: thực hiện được quy trình sản xuất phân vi sinh hợp lý hơn, nâng cao được nhận thức người công nhân về bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, giảm tiêu thụ nguyên vật liệu, hóa chất và nguyên liệu phụ trợ.
Tuy vẫn còn một số giải pháp chưa thực hiện được trong thực tế do rào cản về tài chính nhưng cũng đánh giá được hiện trạng môi trường, phát hiện được các nguồn gây ô nhiễm và nhận dạng được một số giải pháp SXSH để giảm thiểu ô nhiễm cho từng nhà máy. Từ đó, so sánh được tình hình áp dụng SXSH tại hai nhà máy, phát hiện được các thuận lợi và rào cản trong việc thực hiện triển khai áp dụng SXSH trong nhà máy sản xuất phân vi sinh, làm tiền đề cho việc nhân rộng mô hình sản xuất phân vi sinh từ phế phụ phẩm ngành công nghiệp đường, giải quyết được mối lo về gánh nặng môi trường và đồng thời tăng lợi nhuận trong kinh doanh.
KIẾN NGHỊ
Do thời gian thực hiện đề tài tương đối ngắn và giới hạn về kinh phí thực hiện SXSH tại từng nhà máy nên cần một số kiến nghị sau:
- Cần thực hiện kiểm toán nguyên vật liệu, hóa chất, nguyên liệu phụ trợ và điện để xác định rõ lợi ích sau khi thực hiện SXSH.
- Tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ từ Tổng công ty hoặc các tổ chức môi trường khác để thực hiện các giải pháp chưa thực hiện được.
- Nghiên cứu các giải pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm tiếng ồn.
- Tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân.
- Duy trì ý thức công nhân về thao tác vận hành, chú trọng tới chất lượng sản phẩm và ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu, điện… trong sản xuất, cũng như giảm phát sinh ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
- Liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.