TÍNH KHÓ BẢO

Một phần của tài liệu tâm lý trẻ thơ (Trang 81 - 84)

III. NHỮNG THỜI KỲ ĐẦU TIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

5. TÍNH KHÓ BẢO

Theo những nhà chuyên môn thì vào hai tuổi là tuổi khó bảo mà các bậc cha mẹ thường chưa hiểu. Đó cũng là cái tuổi mà các em hay làm những gì các em thấy thích. Nếu chúng muốn đi đâu đấy là các em nhất định đi. Nếu các em thích làm gì thì không ai có thể ngăn cản được. Thời kỳ này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ phụ thuộc, là thời kỳ mà một em nhỏ một năm tuổi thích thụ động. Vào hai tuổi các em trở thành năng động hơn và các em muốn thể hiện tất cả những xung lực đã thức tỉnh trong các em. Đây là thời kỳ các em sẵn sàng để gia nhập và tự làm lấy một mình. Thời kỳ này và thời kỳ trước còn một nét chung đáng chú ý là sự khám phá. Chỉ có điều sự khám phá trước kia nhằm tiếp xúc với thế giới bên ngoài để quan sát và xem xét. Còn bây giờ là để đặt thế giới phụ thuộc vào ý chí của các em. Thời kỳ khó bảo này cũng có giá trị sinh học nhất định. Nhờ nó các em học cách kiểm soát thế giới để các em sống và điều hoà chính sự tồn tại của mình.

Tuy nhiên cái tính khó bảo hay sinh chuyện này không chỉ có ở tuổi này. Cần nhớ rằng các em mới sinh được mười hay mười lăm ngày đã từng thể hiện cái tính cáu bẳn này như khi người ta không để cho đầu cũng như tay chân các em được cử động thoải mái. Khi mới sinh những giận hờn thường không kéo dài nhưng lại được thay thế bằng sự buồn rầu và sự thất vọng. Đến hai tuổi tính này thường gay gắt và kéo dài. Đương nhiên điều đó còn phụ thuộc vào cách người ta săn sóc các em nhưng điều quan trọng là cách giận hờn của các em ở hai tuổi khác hẳn với sự giận hờn của các em hai tháng tuổi. Đến sau tuổi này, ý chí của các em đã được hình thành. Vào thời kỳ này các em có thể kiểm soát được những xung lực của mình và các em có thể chịu đựng khá hơn. Người ta thường đặt ra câu hỏi rằng những sự giận dữ đó sẽ dẫn các em đến đâu. Và nhiều bậc cha mẹ thường la rằng các em này là những đứa trẻ có quá nhiều đòi hỏi và không thể để cho chúng lớn lên như thế này được, phải ngăn chặn hoàn toàn những đòi hỏi này. Đương nhiên là người ta sẽ áp dụng những hình phạt nghiêm ngặt đối với các em để đe doạ các em. Người ta buộc các em phải hiền lành và dễ bảo. Rồi người ta lại ngạc nhiên là tại sao con em họ lại yếu ớt, dễ chịu ảnh hưởng và thiếu ý chí đến như vậy. Đó là những sai lầm nhất thiết cần tránh vì đáng ra là cứ để các em tự thể hiện thì cha mẹ lại buộc các em phải có cá tính này cá tính khác theo ý mình. Cần nhớ rằng cái thích thú được khẳng định mình còn là một phương tiện được trời đất ban cho con người để giúp các em có thể thích nghi với cuộc sống tốt hơn cũng như giúp các em có thể vượt qua những rào cản để tiến lên. Nếu như người ta tước mất cái khả năng đó nơi các em thì các em sẽ trở nên bất lực không thể chống đỡ nổi những khó khăn trong cuộc sống. Các em sẽ trở thành những người dửng dưng dễ mang bệnh thần kinh.

Thông thường thì tính hay sinh chuyện làm nảy sinh tính tự tin ở chính mình cũng như tất cả những đức tính đòi hỏi phải có cá tính mạnh mẽ. Sự khác nhau giữa tính khó

bảo và ý chí là ở chỗ đứa trẻ khó bảo hoàn toàn bị những xung lực thông trí còn ý chí là sự thể hiện nhân cách và được hướng hoàn toàn vào mục đích nhất định. Cần chú ý là nếu tước bỏ cái tính khó bảo của các em, một tính cách tự nhiên sẽ dẫn các em đến khuynh hướng hay hờn dỗi, cứng đầu một phương tiện được các em dùng để phản kháng mà không do dự gì. Một đứa trẻ hay cáu gắt và dửng dưng với mọi cái là đứa trẻ bị tước mất cái tính tiến công. Chúng ta cần nhớ rằng chức năng sinh học của khuynh hướng này là để làm tăng sức mạnh, để dễ dàng đi vào cuộc sống. Nếu không các em sẽ không có khả năng hoàn thành trách nhiệm của mình. Có thể là chúng rất hiền lành nhưng lại là đứa trẻ không cá tính cũng như không có nhân cách.

Hơn nữa với các em mà người ta đã tước mất tính tiến công tự nhiên cũng đồng nghĩa với việc người ta đã tước mất vũ khí của các em để chìm đắm trong tình trạng không an toàn, bồn chồn lo âu triền miên. Và điều khó tránh là làm cho các em rơi vào những sự dồn nén về tâm lý và dễ dàng rơi vào bệnh thần kinh.

Vậy thì chúng ta cần phải làm gì với các em khó bảo? câu trả lời cũng khá đơn giản. Không nên ngăn cấm các em mà tốt hơn cả là hãy để cho các em tự thể hiện tính cách có ích. Điều đó cũng có nghĩa là tạo cho các em một ý chí bền bỉ và những đức tính mạnh mẽ.

Bằng nhiều công trình nghiên cứu, các nhà chuyên môn khẳng định rằng cứ mười người thì có chín người ngăn cản các em và yên chí chỉ có lợi, nhưng đừng có trèo lên ghế, đừng có nghịch dao, đừng có nghịch lửa v.v… Trong khá nhiều trường hợp người ta thấy chẳng có cái lý nào chính đáng để ngăn cản các em. Các nhà chuyên môn cho rằng nếu các em có ngã khi trèo lên ghế, các em có thể khóc chỉ cần chúng ta dỗ dành đôi lời là sự việc sẽ lại bình thường. Các em sẽ làm lại và sự lặp đi lặp lại này sẽ giúp các em đi vào hoạt động bằng cách thử đi thử lại. Kết quả là các em sẽ leo lên ghế một cách dễ dàng, nghĩa là năng lực các em được phát triển. Cứ để các em tự làm hơn là nhắc nhở các em để cho các em tăng cường ý thức trách nhiệm với người khác cũng như mọi sự vật. Ngay cả khi các em bắt chước người lớn gọt khoai, cắt bánh mà có lỡ bị đứt tay thì điều đó giúp các em có kinh nghiệm để tự làm tốt hơn, sẽ thành thục hơn. Các em bị tước mất khả năng tìm tòi sẽ trở thành những em hay làm hỏng việc. Chỉ cần chỉ cho các em cách làm hãy tin vào việc các em có thể làm tốt công việc mà các em yêu thích. Gặp trường hợp các em có thể làm cái gì không đúng xin hãy dạy cho các em cách làm tốt. Vấn đề là các bậc cha mẹ cần dành ra chút thời gian quý báu để giúp các em phát triển. Từ đó chúng ta sẽ thu được nhiều điều rất quý vì với sự giúp đỡ của chúng ta các em sẽ trở thành những người thành thạo trong nghề nghiệp tương lai. Những việc làm như vậy còn mang lại cho các em nhiều điều quan trọng hơn như lòng tự tin ở chính các em, cũng như sự bền bỉ kiên nhẫn, tính kỷ luật và còn hơn thế nữa là niềm vui để sống. Đương nhiên có những việc thực sự nguy hiểm thường làm cha mẹ không yên tâm để các em làm khi mà chúng ta chưa thực sự

tin vào khả năng của các em. Sự băn khoăn đó thực là chính đáng và người lớn cần có quyết định cuối cùng là cho phép hay là không. Cứ mười việc chúng ta đã để cho các em được làm tới tám, chín mà chỉ ngăn cản một, hai việc. Các em sẽ hiểu ra sự chính đáng của vấn đề là không ngoài mục đích để tránh những tai hại có thể xảy ra với các em. Chắc chắn các em sẽ tuân theo lệnh của chúng ta một cách thoải mái và mọi việc sẽ tốt đẹp. Trái lại nếu chúng ta cứ ngăn cấm tràn lan và vô lý thì sự nổi giận nơi các em là điều khó tránh.

Với những sự nổi giận của các em chúng ta cũng phải có cách để giúp các em sửa chữa. Đó cũng là một nguyên tắc đối với sự bắt chước của các em. Chúng ta cần nhớ rằng vào lứa tuổi này sự bắt chước của các em thường là bắt chước người mẹ như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, ăn mặc, tắm rửa v.v… Cũng từ đó chúng được tự do bắt chước đồng thời chúng cũng học được kỷ luật trong sự bắt chước đó vì trong những việc đó người mẹ luôn thực hiện một cách có kỷ luật, nghĩa là thực hiện sao cho an toàn và hiệu quả. Tính ham làm tự nhiên của các em sẽ làm tiêu tan mọi bực tức và nếu có thì sự cáu giận này cũng không có gì là trầm trọng và nhanh chóng qua đi. Chúng ta luôn nhớ rằng trong cơn giận chúng ta khó làm cho dịu ngay đi được. Khi cơn nóng giận đã nguôi đi phần nào chúng ta mới nhẹ nhàng giải thích hơn thiệt. Các nhà chuyên môn đều nhất trí rằng bất cứ một nguyên tắc nào cũng có cái ngoại lệ của nó. Cần tránh ra một cái lệnh nào đó mà chúng ta thấy trước là các em không muốn thực hiện. Ví như chúng ta có thể bế một em độ hai hay ba lên giường ngủ, nhưng em có chịu ngủ hay không lại không phụ thuộc vào chúng ta. Cũng như thế, nếu chúng ta cứ xúc thức ăn đầy miệng các em, nhưng nuốt hay không lại là do các em. Hoặc giả chúng ta dùng roi vọt để ép các em nuốt thì liệu có ích gì cho cách chăm sóc kiểu đó. Chúng ta nên nhớ rằng tính cáu bẳn thường bắt nguồn từ sự hấp thụ thực phẩm và sự táo bón.Vì thế chúng ta cần chú ý là đừng bao giờ đòi hỏi các em làm điều gì mà chính chúng ta không thể thực hiện được. Vì thế cần tránh những việc làm có thể làm cho các em nổi cáu hơn là để cho sự việc xảy ra rồi mới tìm cách sửa chữa. Sự bình tĩnh nhẹ nhàng nhưng dứt khoát là rất cần thiết và rất có hiệu quả trong việc giáo dục con trẻ. Chúng không chỉ làm cho các em dễ chấp nhận mà còn giúp các em học được tính cách đó. Nên nhớ rằng vào độ tuổi này ý chí hiểu theo nghĩa đích thực của nó chưa thực sự hình thành nơi các em. Vì thế trẻ em thường khó bảo, còn do các em chưa thực sự kiểm soát được những xung lực tự nhiên của các em. Và tự nhiên là các bậc cha mẹ cần giúp đỡ các em. Sự dứt khoát của cha mẹ giúp các em có ý chí. Cũng như thế sự bình tĩnh, nhẹ nhàng cũng làm cho các em bình tĩnh nhẹ nhàng với chính chúng. Nhờ đó các em trở thành những con người vừa có ý chí, lại vừa bình tĩnh, nhẹ nhàng nên tính cáu bẳn của các em sẽ không có cơ hội để xuất hiện vì lúc này các em đã có thể kiểm soát và kiểm chế được một cách hiệu quả những xung lực tự phát trong con người các em. Và đương nhiên các em sẽ tránh được hầu hết những điều phiền muộn, các em có một đời sống lành mạnh về tinh thần, về tâm hồn. Đó là thang thuốc hiệu nghiệm nhất để giúp các em tránh rơi vào những cơn khủng khoảng, những rối loạn

thần kinh và không lo sợ nhiễm phải chứng bệnh thần kinh nào đó. Một đời sống tinh thần luôn thăng bằng và ổn định thì sẽ không còn là nạn nhân của những đam mê không thể kiểm soát được. Vào tuổi này chỉ một sự trừng phạt như một cái phát vào mông cũng có thể làm cho các em nổi khùng. Vấn đề không phải là làm cho các em sợ mà chỉ là răn đe nhẹ nhàng và thân tình vì thế nhiều em sau khi bị phát vào mông lại vui vẻ thân tình với người vừa làm cho các em “sợ”. Đó chỉ là một động tác từ bên ngoài xuất hiện đúng lúc, vừa đủ và thân tình cũng có hiệu quả rõ rệt. Nói chung là không nên lạm dụng những trừng phạt về thể chất. Chỉ cần một sự thân tình nhưng dứt khoát đủ để giúp cho các em có thể vượt qua những lỗi lầm. Sự trừng phạt quá nghiêm khắc nói chung là vô ích vì nó sẽ làm cho các em sống trong tình trạng nặng nề, sợ hãi.

Một phần của tài liệu tâm lý trẻ thơ (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(197 trang)
w