MỐI QUAN HỆ GIỮA MOTIP HÓA THÂN HIỂN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT VÀ LỄ HỘI NGƯỜI VIỆT.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 78 - 79)

TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT VÀ LỄ HỘI NGƯỜI VIỆT.

Như đã nói, motip hóa thân – hiển linh là một dạng motip đặc biệt trong truyền thuyết người Việt. Có nhiệm vụ thiêng hóa, linh hóa cuộc đời và hành trạng của các nhân vật truyền thuyết, motip này đã biến sự ra đi và công lao của các nhân vật thành khúc vĩ thanh tuyệt vời nhất. Nên sẽ là dễ hiểu nếu hóa thân – hiển linh có mối quan hệ sâu sắc với lễ hội.

Lễ hội giữ vai trò nuôi dưỡng, bảo lưu và giữ gìn đối với các truyện kể dân gian nói chung và truyền thuyết nói riêng. Mỗi lần lễ hội diễn ra là một lần câu chuyện cổ được nhắc lại, từ đó mà trở nên gắn bó, thân thiết với nhân dân. Các hành động hội luôn được lý giải và gắn liền với hành động của các nhân vật được thờ phụng. Lòng biết ơn và sự thành kính đối với nhân vật, vì vậy, càng lúc càng trở nên sâu đậm. Sự thiêng liêng vì vậy, càng lúc càng trở nên cao cả. Người ta sẽ không chỉ tưởng nhớ đến những hành trạng hiển hách, công lao to lớn của các anh hùng, mà còn cả sự sinh ra kỳ lạ và hóa thân bất ngờ. Những lần

hiển linh phò quân trợ dân của các ngài, cũng theo đó, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Niềm tin càng lúc càng phát triển.

Càng đặc biệt hơn nữa khi các dạng thức của motip hóa thân – hiển linh có nguồn gốc và mối quan hệ đặc biệt đối với các tín ngưỡng cổ xưa của nhân dân ta. Rồng, rắn, hổ, giao long, thần nước, thần núi… tất cả đều đã tồn tại lâu đời trong lòng dân tộc, là những yếu tố có vai trò quan trọng trong cuộc sống trước khi trở thành một chi tiết trong các câu chuyện truyền thuyết. Nên nhiều khi, chúng ta sẽ bắt gặp trong lễ hội, nhiều tầng ý nghĩa của tín ngưỡng được thể hiện chỉ trong một hành động hội. Rất nhiều lễ hội trên đất nước Việt Nam, đến tận ngày nay, vẫn tồn tại nghi lễ cầu mưa như một nghi thức không thể bỏ qua mà lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một ví dụ. Thần tích của làng Đồ Sơn có ghi: Cách đây 18 thế kỷ, gió mùa Đông Nam đẩy ngư dân Thanh Hóa đặt chân lên núi Tháp thuộc bán đảo Đồ Sơn. Bão tố, hạn hán liên tiếp diễn ra. Những người này ngày đêm hướng lên trời cầu xin. Một đêm tháng 8, một người dân nhận ra có cụ già đầu tóc bạc phơ, tay cầm gậy dài ngồi trên phiến đá, trước mặt là hai con trâu trắng đang chọi nhau, chỉ lát sau, hình ảnh này biến mất, rồi trời đổ mưa to. Người dân trong vùng từ đó tổ chức hội chọi trâu để làm vui lòng thần và cầu mưa. Vì lần nào chọi trâu xong trời cũng mưa nên càng về sau, họ càng tin tưởng, càng kỹ càng hơn trong việc lựa chọn trâu, dẫn đến hội chọi trâu nổi tiếng trên cả nước sau này [7,66]. Hành động cầu mưa dựa trên sự linh thiêng của nhân vật thần Điểm Tước này, thực ra bắt nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp, coi Nước là vị thần sinh sôi, bảo trợ cho sự sống và con Trâu là biểu tượng của sự trồng trọt, tính cần cù, chịu thương chịu khó của nhân dân ta. Ngoài ra còn có hàng loạt các lễ hội cầu đảo ở khu vực Hà Tây, nơi lưu truyền hàng loạt những truyền thuyết về sự anh linh của Tản Viên Sơn Thánh…

Motip hóa thân - hiển linh , tín ngưỡng và lễ hội vì vậy lại trở thành chiếc kiềng ba chân trong quá trình lưu giữ, bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa của nhân dân ta. Nó không những có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, trau dồi tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó ở các thế hệ.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 78 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(151 trang)
w