2. CÁC DẠNG THỨC VÀ Ý NGHĨA CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIP HÓA THÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT.
2.6. Dạng thức “Mối (côn trùng) đùn thành mộ”.
Dạng thức này được mô tả như sau: nhân vật sau khi hóa thân, nhân dân đến xem thì đã thấy mối (côn trùng) đùn đất lên lấp thành mộ lớn. Có số lượng không nhiều nhưng những truyền thuyết có dạng thức này như “Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương”, “Sự tích Nhạc Sơn cư sĩ thời Hùng Vương”, “Sự tích ông Dục thời Hùng Vương”, “Sự tích Thục nương và công chúa Mỵ Châu”, “Sự tích Mộc Hoàn thời vua Trưng”, “Sự tích thần Đình Tào”, “Sự tích Nguyễn Công Bảo giúp Triệu Việt Vương đánh giặc Lương”, “Sự tích Đô Quan thời Tiền Lê”, “Sự tích Đoàn Thượng Đông Hải đại vương”…đã làm nên điểm riêng biệt, đặc sắc cho thể loại truyền thuyết.
Dạng thức này thường đi kèm với các dạng thức hóa thân khác như: trời đất mù mịt, mưa to gió lớn, bay lên trời biến mất, và được gọi bằng tên riêng: “thiên táng”. Sự hóa thân của các nhân vật, trong quan niệm của nhân dân, ngoài việc được miêu tả là biến mất, không biết đi đường nào, thì đa số còn tồn tại lại sau đó phần thể xác. Chỉ có linh hồn là biến hóa. Nên dạng thức “thiên táng” đặc biệt này giống như một sự ra đời sau, nhằm giải quyết những vấn đề còn lại của motip hóa thân.
Ở Ấn Độ, đất có tổ mối được coi là có vai trò phù hộ. Đối với dân miền núi Việt Nam, tổ mối đôi khi được coi là nơi cư trú của thượng đẳng thần Ndu đảm bảo và bảo vệ mùa màng. Tổ mối có một ý nghĩa tượng trưng và bí truyền cực phức tạp trong [11,597]. Cả mối và côn trùng đều có quan hệ mật thiết với cuộc sống của nhân dân ta. Chúng không xa lạ mà có mặt ở khắp nơi, khắp chỗ. Việc tác giả dân gian để mối và côn trùng đùn lấp thi thể của người anh hùng thành mộ lớn, ngoài những ý nghĩa tâm linh, còn thể hiện ý niệm muốn đưa người anh hùng trở về đất mẹ, trở về với tự nhiên. Có như thế, nhân vật mới có thể hóa thành một phần của non sông, đất nước.
Ở đây, có thêm một tầng ý nghĩa nữa trong hành động đùn đất thành mộ lớn, ấp thành mộ lớn. Bởi, những ngôi mộ, dù tầm cỡ khiêm nhường như một gò
đất hay vươn lên trời cao như một kim tự tháp, cũng vẫn gợi lại ý niệm tượng trưng của ngọn núi. Mỗi ngôi mộ là một phiên bản thu nhỏ, phỏng theo hình những ngọn núi thiêng là nơi chứa sự sống. Ngôi mộ khẳng định tính vĩnh cữu của sự sống thông qua các dạng biến thái của nó. Do đó, ta thấy được lý do vì sao người Ai Cập lại để tâm, chuẩn bị cho ngôi nhà vĩnh viễn của mình nhiều hơn là sắp xếp nơi mình đang sống. Nhà nghiên cứu C.G.Jung gắn mồ mả với mẫu gốc tính nữ, coi nó là tất cả những gì bao bọc, ôm ấp. Đó là nơi an toàn, nơi ra đời, sinh trưởng, nơi êm đềm, là nơi thể xác biến thái thành tinh thần hoặc là nơi chuẩn bị để tái sinh [11,596].