Lễ hội Kéo rắn thôn Xuân Nộn.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 95 - 100)

3. MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU.

3.3. Lễ hội Kéo rắn thôn Xuân Nộn.

Xuân Nộn là một làng cổ có lịch sử phát triển từ lâu đời. Làng có tên là Bẽ sau đổi thành Xuân Nộn. Trải qua bao biến cố lịch sử, diện mạo làng nay ngày một đổi mới song dấu ấn vàng son của quá khứ vẫn in đậm trong tâm khảm của người dân.

3.3.1. Thần tích.

Thần tích thôn Xuân Nộn chép: Ở trang An Dương huyện Lương Giang, Phủ Thiệu Thiên, đạo Thanh Hoá có một người họ Lê tên Chính và vợ là Bà Đào Thị, vốn là một gia đình phúc hậu khi đó vợ chồng ông đem quế đi bán, đến Trang Xuân Nộn, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc thì trời cũng đã vừa tối nên nằm

ngủ lại dưới án Tiền trong một ngôi miếu cổ. Đến canh ba người chồng mơ màng thiếp đi thì thấy một nữ thần xuất hiện tự xưng là Ả Lã tiên cung và nói rằng “Hương gia hữu đức nên ta định ban cho nhà ngươi hai người con trai tinh thần xuất thế, sang năm nhất định sẽ sinh vương tướng”. Ông tỉnh dậy thì thầm nghĩ sẽ có điềm lành. Đến cuối canh tư, đào thị hồn phách tựa mộngluồng hào quang vụt xuống cùng hai vì sao, bà nắm lấy và nuốt. Bà kinh hoàng tỉnh dậy nói chuyện với chồng. Đến sáng hôm sau, Lê Công ngước lên nhìn ngôi miếu thấy hai chữ “ Tối linh” vợ chồng liền dâng lễ bái tạ, cầu xin rằng: Nay vợ chồng thần sống ở trần thế luôn luôn làm việc thiện một chút việc ác cũng không hề cầu mong linh từ chứng giám lòng thành, ban cho phúc lớn để vợ chồng thần hoạch đắc bình mộng...Sau khi về nhà thấy Đào thị mang thai, đến ngày 11/10 năm Nhâm Tý bà sinh được một bọc hai người con trai, ông bà hết lòng nuôi dưỡng. Năm 12 tuổi, hai đứa trẻ có thiên tư, học lực tinh thông, ông biết đây là thần linh xuất thế nên đặt tên con một người là Vũ Định, một người là Thiên Lôi đến khi trưởng thành, hai chàng trai có thiên mạng kỳ vĩ, thông minh uyên bác, văn võ hơn người. Năm 18 tuổi, cha mẹ bị bệnh rồi mất. Nhân có tang cha mẹ, hai anh em tham dự cuộc thi tài do Hùng Duệ Vương tổ chức và được phong chỉ huy Sứ Tả tướng quân. Cuối thời Hùng Vương giặc phương Bắc đem quân xâm lược nước Văn Lang, Vũ Định, Thiên Lôi được vua phong là Tiền Đạo đương Lộ Ngô tướng quân để phòng thủ bờ sông khi hành binh Trang Xuân Nộn thì gặp giặc, hai ông đã chỉ huy quân lính, dân trạng đánh tan quân xâm lược. Thắng trận hai ông được phong thực ấp ở huyện Kim Hoa. Hai ông cho xây dựng Dinh Sở ở Trang Xuân Nộn. Một hôm hai ông mở tiệc cho mời phụ lão, nhân dân Trang Xuân Nộn đến dự. Trong lúc yến tiệc đang vui bỗng trời đất rung chuyển, mây vàng một dải như hình vòng tròn từ trên trời giáng xuống Dinh Sở. Hai người bay đến Việt Trì thì hoá. Sau khi hai ông qua đời, Vua Hùng đã ban sắc phong tặng cho hai ông là Vũ Đình Đại Vương Tôn Thần và Thiên Lôi Tôn Thần, cho Trang Xuân Nộn làm hộ nhi Sở để thờ phụng.

Hai vị phúc thần họ Trương được thờ ở Đình làng Xuân Nộn là những nhân vật nổi tiếng ghi chép nhiều trong sử sách. Sách “ Lĩnh Nam trích quái”

chép: Thời Lê Đại Hành giặc phương Bắc cất quân xâm lược phương nam, Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân đến sông Đô Lỗ cự địch, hai bên đối luỹ, Lê Đại Hành mộng thấy hai thần nhận ở trên sông vái và nói rằng “ Anh em thần một tên là Trương Hống, một tên là Trương Hát xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân trinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩ không theo được nên đã uống thuốc tự tử. Thượng đế thương hai anh em thần có công lại trung nghĩa nên một lòng mới phong làm quan tướng trong hàng ngũ các thần linh”. Vua giật mình tỉnh dậy mừng rỡ bảo các cận thần rằng “ Có thần nhân giúp ta rồi”… Đêm sau hai người dẫn quân xông vào trại giặc mà đánh. Quân Tống đại bại mà về. Vua Lê Đại Hành phong thưởng công thần, truy phong cho hai ông một là Tinh Mẫn Đại Vương, một là Khước Mẫn Đại Vương. Được tôn làm thành hoàng, các vị phúc thần ở di tích Đình được dân làng phụng thờ rất thành kính, trang nghiêm. Hàng năm vào ngày 11/10 âm lịch, Làng Xuân Nộn lại nô nức mở hội để tỏ lòng thành kính đối với các vị phúc thần có công với dân, với nước.

3.3.2. Nội dung lễ hội kéo rắn.

Hội làng diễn ra từ chiều ngày 10/10 cho đến ngày 15/10 mới giã đám. Ngôi đình làng là nơi diễn ra lễ hội. Ngôi đình tọa lạc trên một khu đất rộng, các nếp nhà được quy hoạch tập trung quanh một sân gạch rộng lớn. Là một trong những ngôi đình có niên đại ra đời sớm của nước ta và tồn tại qua mấy trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử. Sự trường tồn, sức sống mạnh mẽ của ngôi đình đã khẳng định vai trò to lịch sử của nó trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương.

Phần lễ:

Ngày 10/10 dân làng mới mở cửa Đình. Buổi chiều các quan viên tế mộc dục và tẩy uế đồ Thánh.

Buổi tối ngày 10/10 tổ chức diễn tuồng, trò. Song điều đáng chú ý là màn tuồng thờ Thánh, đó là việc các nghệ nhân diễn lại tích Thánh đi đánh trận và thắng trận trở về. Kèn, trống nổi lên màn giáo đầu là hát thờ Thánh với các làn

điệu nam binh, nam thương, hát tẩu… Tiếng hát thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, sau 4 đến 5 lần làn điệu cả hội tuồng mới ra sân khấu diễn tích, trò. Xuân Nộn là quê hương của các làn điệu cổ nó là nhịp cầu nối giữa văn hoá vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phần hội: Ngày 11/10 là ngày chính hội diễn ra các hoạt động chính đó là lễ hội rước kiệu vua bà, tế Thánh và múa kéo rắn. Đây là dịp ôn lại truyền thống lịch sử và tinh thần thượng võ của nhân dân địa phương.

Sáng sớm ngày 11/10, dân làng tổ chức rước vua bà Ả Lã từ Đền Thiện về Đình để dự hội. Điều đặc biệt ở đây là kiệu rước bằng võng điều, người rước là toàn bộ “nữ quan” được tuyển chọn từ các cô gái trong làng. Màu sắc của cờ, tàn, lọng, quần áo, khuôn mặt vui tươi của các cô gái hoà quện trong thiên nhiên tươi đẹp. Người đánh thanh la đi đầu đám rước gọi là “bà Mèng”. Trên võng kiệu có tượng Thánh Mẫu, phủ kín bằng khăn điều thêu kim tuyến phía trên có quạt, lọng tre. Đến Đình, các nữ quan rước tượng vào hậu cung để bên cạnh ngai Thánh. Sau khi yên vị “vua bà”, đội Tế tế một bài gọi là “Tế nghênh vua bà”. Trước đây, lễ hội tổ chức 5 ngày thì ngày 15/10 sau khi rước vua bà về Đền, tổ chức kéo rắn và chiều tế giã đám. Ngày nay lễ hội chỉ tổ chức vào hai ngày do đó việc tổ chức kéo rắn vào trưa ngày 11/10.

Trò kéo rắn được dân làng tổ chức để tưởng nhớ đến vị thần linh đã giúp Thánh Vũ Định phá vòng vây giặc. Theo truyền thuyết khi Vũ Định bị giặc bao vây ông lập một đàn cầu trời, khấn phật phù hộ bỗng nhiên dưới dòng sông xuất hiện một linh thần đầu người, mình rắn nguyện xin giúp ông đánh giặc. Quân giặc bạt vía kinh hồn tháo chạy, Quân ta toàn thắng. Từ đó người dân Trang Xuân Nộn hàng năm tổ chức kéo rắn để tỏ lòng biết ơn nhân thần.

Việc tổ chức kéo rắn phải chuẩn bị công phu nhất là khâu chọn người vào đội kéo rắn. Số lượng người là 34 vì xưa kia có 34 chàng trai làng Bẽ theo Thánh đi đánh giặc. Phải là trai tráng khoẻ mạnh, có đạo đức, gia đình nề nếp, độ tuổi thanh niên. “Ông rắn” bằng người kết lại, xưa kia đóng khố, cởi trần nay mặc quần áo chít khăn đỏ, thắt lưng vàng. “Ông đầu rắn” đầu đội khăn đỏ kết lại làm mào, đuôi là người thắt khăn đỏ để dài xuống đất. Công việc chuẩn bị dã

xong xuôi. Trống lệnh nổi lên ông chùm đám hội khăn đỏ vào trong Đình cầm chịch trống thúc hiệu. Quân rắn vào Đình dâng lễ Thánh, thắp hương sau đó kéo theo tiếng trống hiệu nhảy lên hô lớn để lạy Thánh, ba lần như vậy. Sau khi lạy Thánh người làm đầu Thánh cầm lấy bông múa tế Thánh bằng những động tác tuồng uyển chuyển nhưng dứt khoát mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh của thần linh. Khi múa tế Thánh kết thúc thì cũng là lúc múa rắn bắt đầu. Lần lượt các khúc rắn được kết nối với nhau bằng cách: người sau nắm chặt vào lưng người trước, cứ như vậy cho đến người làm đuôi rắn. Ông chùm đám dẫn đường, rắn luồn qua các trụ cột trong Đình, vòng vào hậu cung rồi lại luồn tất cả các trụ Đình. Trống khẩu dẫn đường đến đâu thì rắn theo đến đó, rắn vòng 3 lần quanh Đình rồi vào sân Đình trình diễn hoa văn theo lối hoa đồng tiền trông thật đẹp mắt, hấp dẫn.

Trình diễn múa kéo rắn trong sự cổ vũ, reo hò của nhân dân cùng tiếng trống, kèn tấu tạo một không khí rộn rã xốn xang lòng người dự hội. Màn trình diễn “ Hoa đồng tiền” đã xong, đến lúc rắn về biển, đoàn rắn ra ao trước cửa Đình để “ biến mất”. Người tham gia kéo rắn nhảy xuống ao lặn hoặc bơi sang bờ bên kia. Hội kéo rắn được gọi là thành công khi sự liên kết của các khúc rắn không bị đứt, bị lỗi, mặc dù phải biểu diễn trong vòng 30 phút. Hội kéo rắn là một trò thể thao dân gian nhằm nâng cao thể lực, nhớ ơn thần linh, biết ơn các anh hùng thời tiền sử đã có công dựng nước, giữ nước.

Tối ngày 11/10 dân làng tổ chức hát tuồng, hát ca trù. Xưa kia các cụ tổ chức đốt cây bông rất công phu, cây bông làm bằng các ống nứa trong đó đựng các câu đối, thơ, các con giống bằng giấy. Khi đốt cây bông từ trong các ống nứa bay ra các con giống, câu đối, thơ, ai “ cướp” được vật gì coi như được “ lộc Thánh”. Đây là một loại hình trò dân gian quý cần được khôi phục và bảo tồn. Lễ hội “ rước vua bà”, “đốt cây bông”, “ Múa rắn”, “ tuồng tế Thánh” có giá trị đặc biệt trong đời sống xã hội. Đến với lễ hội Xuân Nộn ai nấy đều hồ hởi phấn khởi bởi ở đó tình cảm con người thật chân thành, cởi mở, một không gian hội đậm đà vùng văn hoá kinh Bắc.

Lễ hội này được đưa ra nhằm làm rõ thêm cho mối quan hệ giữa motip hóa thân – hiển linh và lễ hội. Bởi, hành động hội tưởng nhớ không liên quan trực tiếp đến sự hiển linh của nhân vật được thờ phụng, mà chỉ tái diễn lại sự linh ứng, phò trợ của thần linh cho nhân vật . Điều này đồng thời cũng đã thể hiện được sự phong phú, đa dạng của motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết, trong lễ hội và dấu ấn đậm nét của nó trong lòng người dân Việt Nam.

Tiểu kết: Truyền thuyết, lễ hội và tín ngưỡng từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với nhau, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Trong đó, lễ hội là phần gần với nhân dân, được nhân dân yêu quý nhất. Những người anh hùng nhờ có lễ hội mà được thờ phụng và tưởng nhớ cho đến ngày hôm nay. Sự hóa thân và hiển linh cũng nhân vật cũng vì vậy mà có chỗ đứng trong lòng nhân dân, được nhân dân thừa nhận như một phần của lịch sử. Những hành động hội diễn tả sự thiêng hóa và linh hóa của nhân vật trong ba ví dụ được đưa ra, dù khá đơn giản, nhưng cũng đã phần nào chứng minh được mối quan hệ và sự tồn tại của motip hóa thân – hiển linh trong cuộc sống nhân dân.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 95 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(151 trang)
w